Việt Nam: Độc tài, bất công là chuyện nhỏ – Bóng đá mới là ‘chuyện lớn’
MAI V. PHẠM
Muốn biết Việt Nam lụn bại đến đâu chỉ cần bước chân vào các bệnh viện và trường học là có thể nhận ra. Các bệnh viện công hoặc là quá tải, hoặc là kém chất lượng. Giáo dục nhồi sọ, chạy theo thành tích. Cô giáo “ra lệnh” cho các em học sinh “tra tấn” bạn mình bằng mấy chục, mấy trăm cái tát… Còn thầy giáo thì dâm ô, tát, đấm đá học sinh, bất kể hậu quả. Đối với học sinh, nhiều em chọn bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Môi trường Việt Nam ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân sống ở các thành phố lớn khi ra khỏi nhà phải “hóa trang thành Ninja” để đối phó với bụi bặm. Hơn 300 người Việt chết vì ung thư mỗi ngày – con số tử vong còn cao hơn một số nước đang có tranh chấp quân sự đầy bạo lực như Syria, Yemen…
Những trung tâm mua sắm ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… đều có những bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt chống nạn ăn cắp. Việt Nam thường bị nhắc trên báo chí nước ngoài, đi kèm với “trộm cắp”, “buôn lậu”, “bắt cóc”… và thậm chí là “bán dâm”. Theo các bảng đánh giá về mức độ tự do, nhân quyền hoặc minh bạch như Human Rights Index, Freedom House, Corruption Perceptions Index, thì Việt Nam cùng với các nước độc tài khác, luôn nằm gần cuối bảng.
Nhìn chung, Việt Nam buồn đến mức chẳng ai muốn thảo luận với nhau về những vấn nạn tiêu cực nữa… Nỗi buồn thua kém đã đẩy người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống bất công, khốn khổ hàng ngày, và không phải đối mặt với một tương lai bất định cũng như sự lụn bại của quốc gia.
Thêm nữa, vì duy trì quyền lực cai trị, Đảng cộng sản luôn ngăn cản người dân tham gia các tổ chức, cũng như hoạt động xã hội vì nỗi sợ tạo nên sự gắn bó cộng đồng. Đã thế, người Việt có rất ít cơ hội để được hãnh diện về đất nước. Do đó, đối với nhiều người, chiến thắng thể thao tầm quốc gia là một sự kiện giúp họ giải tỏa xúc cảm bị đè nén, kết nối và mang tới niềm “tự hào” mà họ luôn khao khát.
Đêm 15/12, hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp cả nước đổ ra đường, hò hét, bấm còi inh ỏi mừng chiến thắng bóng đá. Dù chia sẻ niềm vui chiến thắng, nhưng khi ngẫm đến sự bất công và ngày càng lụn bại của đất nước, khiến tôi chẳng thấy niềm vui mà chỉ là một nỗi buồn đến khó tả. Bởi chiến thắng bóng đá dù ở cấp độ nào cũng không thể xóa mọi bất công, bất hạnh, tủi nhục mà đảng cộng sản đã và đang gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Làm sao có thể vui vẻ khi mà đại đa số người dân vẫn còn bị cấm đoán những quyền tự do tối thiểu nhất ? Làm sao có thể mừng rỡ “tự hào Việt Nam” khi hàng triệu người vẫn phải sống lây lất trong nghèo khổ và bất công vì bị cướp đất, xử oan? Làm sao có thể “tự hào Việt Nam” khi hàng chục ngàn người mỗi năm phải rời bỏ quê hương, để lao động vô cùng khổ cực ở các nước khác, vì miếng cơm, manh áo cho gia đình?
Chiến thắng thể thao là tạm thời và nó chỉ có ý nghĩa khi trở thành động lực thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến thực trạng đất nước.
Socrates được xem là cha đẻ của triết học phương Tây, nhắn nhủ: “Một cuộc sống không tự kiểm không xứng đáng để sống” (“An unexamined life is not worth living”). Thông điệp Socrates nhắn gửi: phải luôn luôn tự kiểm điểm, xem xét lại những hành động của bản thân, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, để điều chỉnh, thay đổi và phát huy những giá trị làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Sẽ thật ý nghĩa nếu nhiều bạn trẻ gào thét, mừng chiến thắng bóng đá cũng dám chất vấn bản thân về thực trạng lụn bại của đất nước.
Tại sao các cán bộ đảng viên lại có cuộc sống giàu sang, nhưng phần lớn người dân Việt Nam lại sống trong nghèo khổ?
Tại sao trẻ em ở những nước dân chủ như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mông Cổ được hưởng nền giáo dục tiến bộ và khai phóng?
Tại sao học sinh Việt Nam phải chấp nhận nền giáo dục nhồi sọ, tha hóa đạo đức?
Tại sao ước mơ của hàng triệu thanh niên Việt Nam là được “xuất khẩu lao động” hoặc rời khỏi đất nước?
Phải làm sao để thay đổi thực trạng khánh kiệt và suy tàn của đất nước?
Bạn gào thét cho chiến thắng bóng đá, nhưng lại im lặng đến đáng sợ trước vô số bất công, thối nát, suy đồi đạo đức của xã hội. Cuộc sống như vậy có ý nghĩa gì?
Hình ảnh Viêt Nam bị “bôi tro trét trấu” bởi các cán bộ đảng viên “ăn cắp”, bởi chế độ tham nhũng nghiêm trọng, bởi một nhà nước “quì gối cúi đầu” trước Trung Quốc, thì có gì đáng để tự hào? Đúng lý ra, niềm tự hào lớn nhất mà mỗi người Việt nên có là góp phần thay đổi chế độ độc tài toàn trị, mang dân chủ đa nguyên thật sự cho dân tộc.
Chỉ khi biết ăn năn và chất vấn bản thân một cách nghiêm túc về thực trạng của đất nước, thì mới biết nhói đau trước những bất công mà chế độ cộng sản tạo ra và quyết tâm loại bỏ nó. Con cháu bạn, con cháu tôi xứng đáng được sống trong một chế độ tự do và công bằng thật sự, được lớn lên trong môi trường sạch sẽ, được hưởng một nền giáo dục khai phóng và sáng tạo. Những nguyện ước đơn giản này sao lại quá khó? Vấn đề là bạn có thật sự yêu nước và chấp nhận hy sinh để mang lại thay đổi tốt đẹp đó cho con cháu chúng ta hay không?
Trong lúc nhiều bạn “xuống đường” vui sướng cho chiến thắng bóng đá, thì hàng chục ngàn người dân phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” vì bị chính quyền cưỡng chế. Cũng lúc đó, hàng chục ngàn người khác đang phải làm việc quần quật ở xứ lạ vì chế độ cộng sản không tạo ra được việc làm cho họ. Và ngay lúc đó, hàng chục ngàn người thiếu đói và ít nhất là 80 triệu người bị tước đoạt những quyền tự do cơ bản nhất.
Mặc dù đảng cộng sản dùng bạo lực và dối trá để cai trị dân tộc hơn 80 năm qua, nhưng chính nhiều người Việt, từ vô tình đến cố ý, đã góp tay duy trì sự tồn tại của chế độ độc tài bằng sự vô cảm. Đảng cộng sản ngang nhiên bóp nghẹt nhân quyền bằng luật an ninh mạng, “hút máu” dân bằng hàng đống loại thuế vô lý, phá nát giáo dục, môi trường cũng như y tế. Thế nhưng, chỉ một số ít ỏi can đảm xuống đường phản đối những thối nát ấy của chế độ; trong khi rất nhiều người xuống đường mừng cúp vô địch bóng đá. Quả là, độc tài, bất công, thua kém, tủi nhục, lạc hậu KHÔNG quan trọng bằng một chiến thắng thể thao!
Sự vô cảm, hèn nhát của người Việt được cụ Phan Châu Trinh viết từ năm 1906 nhưng đến giờ vẫn còn nguyên giá trị: “Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng“.
Cúp vô địch bóng đá KHÔNG giúp Việt Nam thoát cảnh tụt hậu, ô nhiễm, nghèo khổ… Cúp vô địch bóng đá KHÔNG nâng vị thế Việt Nam lên tầm cao, ngang bằng thế giới. Cúp vô địch bóng đá KHÔNG mang đến tự do, dân chủ, nhân quyền, là những yếu tố giúp Việt Nam thoát khỏi tư thế nhược tiểu…
Nếu có xuống đường gào thét và tự hào vì một chiến thắng trong thể thao, thì cũng nên dành ra những giây phút nhìn lại đất nước, để thấy đau, để biết nhục… Đừng quên rằng Việt Nam vẫn còn là một nhà tù lớn và người dân vẫn còn phải đeo gông.
Nguồn: Tiếng Dân