Chuly sưu tầm
Con Ngựa Chết
Linh Bảo.
Lớp vẽ lạnh ngắt. Gió từng cơn theo khe hở cửa sổ lùa vào phòng, và mỗi lần có người mới đến mở cửa bước vào, lại đem theo nguyên cả một cơn gió thật buốt. Hằng ngồi trước tờ giấy vẽ to để ngay ngắn trước mặt. Cả lớp và thầy giáo cũng sốt ruột chờ đợi . Theo thường lệ, 8 giờ lớp bắt đầu, 8 giờ 30 đã qua rồi, cô người mẫu vẫn chưa đến. Đám sinh viên trẻ tuổi vốn thích hoạt động có vẻ bắt dầu cuồng tay cuồng chân. Nhiều người ngáp vặt rồi cả thầy lẫn trò xoay ra vẽ lẫn nhau.
Hằng ngồi nhìn ông thầy vẽ một sinh viên có bộ mặt rất xương xẩu. Mấy ông “ vẽ sĩ” này bao giờ cũng thích vẽ những gì quá đáng –mà họ gọi là có “ cá tính” –nhưng Hằng cho là vì “có cá tính” nên vẽ dễ giống hơn.
Một luồng gió tạt mạnh vào theo cánh cửa mở tọ Một bóng người hớt hãi chạy vào theo luồng gió. À, cô mẫu đã đến. Mỗi lần vẽ một cô mẫu khác nhau, nhưng không ngờ cô mẫu này lại ôm theo một đứa bé tí hon, hình như mới đẻ vài tuần. Cả lớp cùng ngẩng lên, đờ người nhìn. Thầy cũng ngại ngùng, không nỡ trách cô mẫu tại sao đến muộn.
Cô gái lếch thếch mang xách đủ các thứ bao, giỏ, cái thì đựng chăn mền trải cho cô ngồi, cái thì đựng khăn, tã, nước, thuốc…
Như biết lỗi, cô đặt đứa bé xuống bàn và vội vàng cởi áo quần. Cả bọn cùng lặng người, kinh hãi vì chưa bao giờ thấy một cô mẫu xấu xí đến thế. Cô không phải là người da đen, nhưng da cô đen đậm. Hai vú cương sữa như hai quả dưa lòng thòng xuống gần rốn. Cái bụng mới đẻ xong chưa co lại, nên da mỡ lùng nhùng từng đống chảy dài trên bộ đùi khẳng khiu.
Cô vừa định leo lên bàn ngồi cho sinh viên vẽ thì bé khóc thét, cô dừng lại thay tã cho nó. Vừa thay xong, định đặt xuống, lại một hồi khóc thét nữa, lần này, nó bĩnh ra đầy tã, chảy tràn ra cả bên ngoài. Cô phải cởi hết áo quần và tã của nó để thay lại lần nữa. Không còn tã sạch, cô cuống qúit không biết lau cho thằng bé bằng gì. Một sinh viên đứng gần tiện tay lấy mấy tờ giấy bản thấm nước đưa cho cộ Thằng bé bị lột trần, nằm tênh hênh trên bàn, lại khóc the thé. Cô mẫu ôm nó lên vai dỗ. Hằng từ góc phòng thấy chướng mắt, kêu lên:
-Mặc áo vào cho thằng bé!
Cả bọn quay lại nhìn Hằng. Có lẽ họ cho là Hằng khó tính, nỡ mắng cô mẫu, người mẹ chưa có kinh nghiệm. Hằng tiếp:
– Đừng để nó lạnh, rồi bị cảm. Đợi dỗ cho nín mới mặc áo vào thì nó chết rét mất!
Mấy chục đôi mắt như mũi súng chĩa vào Hằng, cùng hạ xuống.
Cô mẫu nghe lời, đặt thằng bé nằm, lục lạo tất cả các giỏ, các bao tìm áo nhưng không có. Cô lấy tấm khăn bông bọc nó lại.
Ông thầy đề nghị:
-Hay là cô bồng nó cho bú để vẽ. Các anh các chị nghĩ sao?
– Đồng ý.
-Thế thì tuyệt!
Cô mẫu ôm thằng bé leo lên bàn. Hai ngọn đèn và một cái lò sưởi nhỏ chiếu vào người cô nóng rực nên cô không còn run rẩy nữa. Thằng bé nằm trong lòng mẹ ấm áp đã nín khóc bú một cách ngon lành thoải mái.
Ông thầy lại hỏi sinhviên:
-Thường lệ thì giờ đầu mỗi 5 phút thay đổi một dáng điệu, nhưng với tình hình này, cho ngay cô ta 20 phút một dáng điệu, được không?
Tất cả sinh viên nhìn thầy gật đầu. Đồng hồ được vặn 20 phút.
Cả bọn bắt đầu mỗi người tìm một góc vừa ý để vẽ. Người vẽ than, người dùng chì màu, người vẽ nước, vẽ sơn, đủ loại.
Hai mươi phút sau, cô mẫu được nghỉ 5 phút. Cô xuống bàn, mặc áo khoác ôm con lân la đi từng góc, nhìn các bức họa.
Hằng hỏi cô:
-Em bé được mấy tuần?
-Hai
-Cha nó đâu? Sao không giữ hộ?
-Không có. À, có nhưng mà cũng như không.
Hằng ngẩn người. À ra thế. Người mẹ mới sinh con được hai tuần, phải mang nó đi theo trong giờ làm việc , trần truồng cho người ta vẽ 4 tiếng đồng hồ để lấy tiền nuôi con. Thì ra ở đâu cũng giống nhau.
-Tệ đến thế hả?
– Ờ ờ. Thực ra thì . . . tôi không xứng với anh ấy. Anh ấy quá đẹp, quá giầu, quá cao sang. ..
Hằng nghĩ thầm:
-Bổn cũ soạn lại!
-Tôi là sinh viên ca vũ nhạc. Anh ấy là giáo sư vũ.
-Hiện giờ cô sống thế nào?
-Tôi với ba người nữa ở chung một phòng miễn phí. Tôi quét dọn cho chủ nhà, còn thì giờ đi học, và làm mẫu cho các trường lấy tiền ăn. Hôm nay tôi dại quá, chưa có kinh nghiệm với thằng bé, nên không đem theo đủ áo, tã, khăn .
-Cô định nuôi con một mình sao?
-Nó là tất cả. Tôi sẽ hy sinh cho nó.
Lại bổn cũ soạn lại nữa. Cũ đến rách nát, thế mà hàng ngày, hàng giờ, vẫn được tái diễn khắp nơi trên thế giới.
Chuông đồng hồ reo báo hiệu đến giờ làm việc, cô mẫu lại ôm con lên bàn ngồi với một dáng điệu khác. Thằng bé được bú no, lại được bế ấm nên vẫn ngủ say. Hằng thấy cô mẫu với tâm tình của một người mẹ, mắt long lanh sáng ngời nhìn con. Thằng bé đang ngậm ngón tay mềm nhỏ, được ấp ủ bao bọc trong lòng mẹ. Trước đây mười tháng, nó có biết những gì đã xảy ra trong đời người đàn bà này không? Sau cái “ một phút huy hoàng” ấy, cái “ chợt tối” đến thật là mênh mang, thật là rùng rợn. Chín tháng, người mẹ phải phấn đấu với quyết định: nên phá? nên để? nên nuôi? nên cho? Rồi từ nay, đêm đêm ôm con ngồi trần truồng dưới hai ngọn đèn thay đổi dáng điệu từng lúc cho người ta vẽ.
Bất giác, Hằng cảm phục người đàn bà nửa giờ trước đây Hằng thấy xấu xí đối với một cô gái làm người mẫu. Lúc nãy Hằng chỉ nhìn thấy đôi vú căng sữa quá đáng, cái bụng nhăn nheo lùng nhùng, nét mặt răn rúm, ốm o, đôi mắt thâm quầng vì thức đêm săn sóc con hay vì lo lắng. Bây giờ, Hằng thấy mình bất lực, không làm sao vẽ được hào quang của cái can đảm vô biên và sự hy sinh tuyệt vời của người đàn bà này trước những khó khăn cô đã vượt qua, đang gặp phải và sẽ còn kéo dài không biết bao nhiêu năm tháng nữa!
Hằng thẫn thờ ngồi nhìn cô người mẫu. So với cô, Hằng không thấm vào đâu.
Hằng là người ngồi trong bóng tối với cục phấn vẽ. Hằng đâu có phải ngồi dưới hai ngọn đèn sáng rực ôm con . . . Nỗi cô đơn của Hằng được ấp ủ bằng nệm êm chăn ấm và không phải lo đến ngày mai.
Mới sáng hôm nay, Hằng còn u uất khi được sợi dây chuyền hạt trai của chồng từ bên Nhật gửi về: món quà gọi là kỷ niệm ngày cưới. Khi mỗi người một nơi, khi trên danh nghĩa là vợ chồng, mà không sống chung cũng chẳng còn yêu thương, chẳng coi nhau là quan trọng nữa, thì quà kỷ niệm ngày cưới có nghĩa như một mũi dao ngoáy sâu vào vết thương, mỗi năm một lần , thật mỉa mai.
Hằng sờ vào chuỗi hạt trai ở cổ, hết nhìn cô mẫu lại nhìn đứa bé. Có những lúc Hằng không thể làm việc hay suy nghĩ một cách minh mẫn, cũng không biết là mình đang vui hay buồn. Đó thường là lúc Hằng nghĩ đếnVĩnh.
Sự kết hợp giữa Hằng và Vĩnh đến thật tự nhiên. Hai người đi gần hết đường đời, không phải hy sinh một sở thích hay thói quen gì mà vẫn hợp nhau, thì gặp nhau có thể coi như trúng số độc đắc. Ba năm đầu tiên, Vĩnh luôn luôn bảo là mình vẫn còn ở trong thời kỳ trăng mật. Lúc ngủ, Vĩnh nắm chặt tay Hằng vì sợ Hằng như nàng tiên trong thần thoại, đợi Vĩnh ngủ say để biến mất.
Cuộc sống thật êm đềm cho đến khi Duyên, một cô bạn gái thân nhất của Hằng, từ Anh sang chơi và ở lại mười ngày. Duyên hỏi Hằng:
-Hằng có hạnh phúc không?
Hằng trả lời đầy tin tưởng:
-Có chứ!
Duyên không tin. Xưa nay, khi phê bình đàn ông, Duyên thường cho họ toàn là một loại ở trong thùng rác được lôi ra lau chùi sạch sẽ, đánh bóng rồi để lên bàn thờ cho đẹp mắt. Hoàng Tử trong mộng nào cũng sẵn sàng phản bội người yêu duy nhất nếu có cơ hội. Duyên hỏi vặn:
-Tất cả mọi phương diện?
Hằng gật đầu quả quyết:
-Cố nhiên.
Hằng tin chồng, tin bạn, nên khi thấy Vĩnh nghỉ việc ở nhà để ngày ngày đưa Duyên đi chơi, Hằng mừng thầm. Hằng không xin nghỉ được vì nàng là công chức nhỏ, còn Vĩnh, Giám Đốc một cơ quan nghiên cứu môi sinh, Vĩnh chỉ việc tự ký giấy cho mình nghỉ.
Thế rồi, tối hôm ấy và tất cả những hôm sau, nửa đêm thức giấc, Hằng không thấy Vĩnh bên cạnh. Hằng nằm thao thức chờ đợi cho đến lúcVĩnh trở về, ngưới mát rượi, thơm tho. Vĩnh nằm quay lưng lại với Hằng để tránh phải trả lời câu hỏi nếu có. Và cũng bắt đầu từ hôm ấy, Vĩnh ngủ không còn nắm tay Hằng nữa. Có lẽ bây giờ nàng tiên được cầu nguyện cho biến đi, biến mất tăm mất tích càng hay.
Hằng nhớ lại cảm giác nửa đêm thức giấc lần đầu tiên vòng tay qua nửa giường trống không có Vĩnh, cơn nghẹn ngào còn cay nồng lên cổ như mới hôm qua. Hằng nằm không dám trở mình sợ gây tiếng động. Cách phòng tắm, bên kia là phòng dành cho khách, mà bây giờ Duyên đang làm “phòng khách “ để tiếp Vĩnh. Nếu Hằng dậy bật đèn thì sự thể sẽ ra sao? Nhất định phải có đổ vỡ không nhiều thì ít, mà Hằng không muốn có một mất mát nào, cả trong tình bạn lẫn tình gia đình, dù tối thiểu. Hằng tưởng tượng đến cái bẽ bàng lúc ba người phải nhìn mặt nhau dưới ánh đèn chói sáng. Vĩnh đã là thần tượng của Hằng. Duyên cũng là thần tượng phái nữ của Hằng từ thưở nào. Lại còn chính Hằng cũng là thần tượng của mình nữa. Người cảm thấy xấu hổ nhục nhã nhất, là người bị lừa dối ngay trước mặt, ngay trong nhà của mình, là Hằng. Hằng không chấp nhận sự đỗ vỡ này.
Hằng quyết định rằng nếu không có mặt trận sẽ không có chiến tranh. Cứ coi như không, thì mọi sự dù Có cũng sẽ thành Không.
Suốt mười ngày gượng cười để tránh khóc, rồi cũng qua đi. Nhưng từ đấy, Vĩnh không còn là người đàn ông đáng kính, đáng yêu mà Hẵng vẫn trìu mến từ ba năm qua nữa. Lần cãi nhau đầu tiên đã xảy ra ngay sau hôm Duyên trở về Âu Châu. Vĩnh đòi trang hoàng lại căn phòng khách để Duyên về ở chung. Vình dùng tiếng Pháp “ ménage a trois” (sống tay ba) để cho lời yêu cầu đỡ sống sượng, chướng tai, trái luật. Khi thấy Hằng trố mắt nhìn mình như nhìn một con quái vật rồi trả lời “ không được” một cách không đùa, Vĩnh giận và bắt đầu lãnh đạm với Hằng để trả thù.
Hằng hy vọng thời gian qua người ta sẽ quên – vui cũng như buồn và những mối tình ngoài lề như những bông hoa dại bên đường, cứ để đấy mà nhìn thì còn lâu bền, hái về hoa sẽ tàn héo ngay lập tức. Mỗi cuộc tình vụng trộm, cũng như một đóa hoa đã được hái: sinh mệnh đếm từng ngày.
Sau khi hết ngân quỹ nghiên cứu, Trường Đại Học UC siết chặt vòng tay, sở của Vĩnh đóng cửa. Vĩnh ở nhà ít lâu rồi thu xếp đi du lịch để dối già. Ấn Độ là một quốc gia đầy bí ẩn mà Vĩnh vẫn ao ước được thăm viếng ngao du trước khi chết. Vĩnh cho là nếu bây giờ rảnh mà do dự, chắc chắn sẽ không bao giờ có cơ hội khác.
Hằng lặng lẽ để Vĩnh đi, vì sau trận cãi nhau lần thứ nhất, hai người không nhắc lại nữa, nhưng cả hai cùng đóng cửa tâm hồn, mỗi người lui vào cái pháo đài tâm tư của riêng mình.
Hằng vẫn chủ trương không bao giờ giữ kẻ muốn đi. Giữ để ngày đêm hầu hạ cơm nước, giặt giũ, thuốc men, săn sóc trong khi họ chỉ mơ ước ngươi khác thì phí công. Và trong mắt Vĩnh bây giờ, Hằng cũng không phải là người đàn bà duy nhất và hoàn toàn nhất mà anh đã yêu từ ba năm nay nữa. Bây giờ, Hằng đầy những khuyết điểm. Bởi vì Vĩnh đã gặp “ người trong mộng”. Lần đầu tiên được nếm mùi ngoại tình, một trái cấm đầy hương vị, đầy quyến rũ làm cho cổ kim Đông Tây, biết bao anh hùng hào kiệt tán gia bại sản . . . Danh nhân tài tử còn ngã ngựa lổng chổng lăn chiêng huống chi Vĩnh chỉ là một thứ …. . . theo lý thuyết của Duyên “ ở trong thùng rác …. . .” Có lẽ Duyên muốn chứng minh lý thuyết của mình . ..
Vĩnh ở Ấn Độ sống bằng lương hưu, tuy không nhiều, nhưng đô la đổi ra tiền bản xứ của một nước đói kém quanh năm thì chả cần nhiều cũng có khối những bộ áo “ shari” chạy theo không biết mệt.
Hằng ở nhà vẫn tiếp tục đi làm đóng góp lương hưu , chuẩn bị cho ngày về vườn của mình. Dù hãy còn lờ mờ, Hằng đã cảm thấy từ đây, cuộc sống cuối đời, cũng như từ đầu đời, nàng phải gồng gánh lấy một mình.
Đi được ít lâu, Vĩnh viết một thư dài, yêu cầu Hằng bảo trợ cho “một người con gái Ấn Độ đáng thương…. . .”. Qua sự mô tả của Vĩnh, Hằng được biết cô ấy sinh trong gia đình mười lăm anh em, đã được giáo hội Tin Lành nuôi trong nhà mồ côi và huấn luyện nghề khán hộ. Vĩnh quen cô ấy lúc bị tai nạn xe hơi, được đưa vào nhà thương, nơi cô ấy làm.
Mina – cô khán hộ mới 32 tuổi –lúc ấy đã sống chung bốn năm với một thanh niên Mỹ làm PeaceCorps. Cô ta đòi cưới mãi, nhưng hắn nhất định không chịu, hắn chỉ coi việc sống chung như một cách giải buồn lúc xa quê hương thôi.
Gặp Vĩnh, cô khóc lóc than thở tâm sự ngắn dài. . . và Vĩnh đã nổi máu anh hùng rơm “an ủi” cô Ấn Độ thực chu đáo. Vĩnh hứa đem cô ta về Mỹ, giúp cô tìm việc làm có nhiều tiền hơn để nuôi cha mẹ và đàn em của cô.
Thư sau, Vĩnh cho biết thêm nhiều chi tiết:
“ Mina hiện giờ đang sống với anh. Anh và Mina đã yêu nhau và không thể xa nhau được nữa!”
Hằng ngẩn ngơ như bị sét đánh ngang tai, không trả lời được!
Thư kế tiếp, Vĩnh cho biết là vì Hằng không chịu bảo trợ, hết hy vọng đi Mỹ, nên “ Mina đã nổi giận, trở về với người yêu của cô, vì nếu không đi Mỹ mà phải ở đấy, thì cố nhiên thằng kia ưu tiên”. Và Vĩnh cũng nổi giận về Mỹ lại, với lời thề là sẽ “giựt Mina ra khỏi tay thằng mất dạy kia, bằng tất cả mọi giá”, dù giá đó là tan nát gia đình mình.
Sau một năm ở Ấn Độ, Vĩnh đem về nhà một trái tim mỡ đọng, đôi chân tê dại từ ngón lên đến tận đầu gối, còn lại thêm bịnh già. Suốt mấy tháng trời tĩnh dưỡng ở nhà,Vĩnh luôn luôn tìm cách ép buộc Hằng làm giấy bảo trợ cho Mina. Theo luật, Vĩnh không thể làm giấy ấy một mình và cũng không dám giả mạo chữ ký của Hằng. Một lần quyết liệt nhất, Vĩnh hỏi:
-Em biết chuyện anh với Mina, tại sao em không đòi ly dị? Đã thế, em cũng không chịu bảo trợ. . . Con bé hứa sẽ sống chung với chúng tạ Ấn Độ cũng có tục đa thê, nó sẽ săn sóc, hầu hạ em… miễn phí!
Hằng cười nhạt:
-Em không cần miễn phí. Khi nào làm việc gì mà định tâm lợi dụng người ta trước thì phần thiệt bao giờ cũng sẽ về mình. Em không ham có nô lệ không công. Em còn đủ sức tự rót nước uống mà!
-Sao em không đòi ly dị?
-Em không đòi, nhưng nếu anh yêu cầu thì em cũng bằng lòng. Tại sao anh không yêu cầu?
Vĩnh không trả lời vì Vĩnh biết tại sao. Vĩnh muốn cả hai. Vợ có công ăn việc làm, quán xuyến tất cả mọi công việc. Bỏ Hằng để cưới Mina, Vĩnh phải tìm việc làm, phải lãnh nuôi 15 đứa em mồ côi của Mina, và có thể sẽ phải nuôi cả một bộ lạc đang chết đói dần dần của nàng nữa. Vĩnh chỉ muốn tất cả mọi tiện lợi đều thuộc quyền Vĩnh sử dụng và hưởng thụ. Vợ còn là cơ sở còn, lăng nhăng ở ngoài bị trấn lột hết, mình trần thân trụi có chỗ mà về xin trú chân. ..
Thấy Vĩnh im, Hằng bảo:
– Để em kể cho anh nghe một chuyện cổ tích. Ngày xưa có một tên tù bị kết án tử hình. Tên ấy cầu xin vua gia hạn chết một tháng. Hắn cam đoan trong một tháng hắn sẽ làm cho con ngựa nhà vua biết nói. Vua bằng lòng, thả hắn ra và giao con ngựa quý cho hắn dạy nói. Mọi người nghe tin đều lo lắng cho hắn và bảo:
\” Sao mi dại thế ! Làm gì có cách dạy ngựa nói được tiếng người mà mi dám nhận liều!\”
Tên tử tù cười trả lời:
– Đằng nào cũng chết . Nhưng trong một tháng trời, biết bao nhiêu là chuyện có thể xảy ra. Vua có thể chết, tôi có thể chết, và con ngựa cũng có thể biết nói hay là chết. Biết đâu đấy!
Trong trường hợp của chúng ta, cứ để mọi sự như thế, biết đâu em sẽ không yêu anh nữa, biết đâu anh sẽ không yêu Mina nữa, và cũng biết đâu, người yêu của Mina, người mà anh gọi là “cái thằng mất dạy\” ấy đổi ý, vui lòng cưới cô ta và đem cô ta về Mỹ, đúng theo ý nguyện của cô ta. Phải… biết đâu!
Thấy Hằng nhất định không chịu, Vĩnh nhờ một bà bạn bảo trợ. Bà Mỹ già giàu lòng từ thiện, khi nghe Vĩnh ca bài con cá thê lương quá, động lòng trắc ẩn, nhận bảo trợ cho \” người con gái bất hạnh\” sang Mỹ tìm cuộc sống mới.
Hằng đọc được tất cả thư từ liên lạc của Vĩnh qua bản sao Vĩnh không cần cất giấu, cố ý cho Hằng biết Vĩnh muốn là được, không cần Hằng giúp. Vĩnh thất vọng thấy Hằng không gây gỗ hay giận hờn. Còn Hằng tự biết mình, khi nàng không thèm nói nữa là sự việc coi như đã được an bài . . . trong thùng rác cả rồi.
Nhìn ảnh Mina, Hằng ngạc nhiên và xấu hổ vì không ngờ mình lại có thể là tình địch của một người nhan sắc ở dưới tiêu chuẩn một cách thảm hại đến thế. Thì ra trong con mắt của đàn ông, cái đẹp khó lường thực.
Mina đến, Vĩnh thuê nhà, tìm việc làm trong một nhà dưỡng lão cho cô ở San Jose, cách xa Hằng 70 dặm an toàn. Kể cũng khổ thân cho ông già, vì từ đấy phải lái xe bao nhiêu là dặm đường để đi \”bác sĩ” và đi… ”thư viện.”
Mina bắt Vĩnh đến xếp đặt nhà cửa cho nàng hàng tuần. Mỗi lần đi, Vĩnh lại viết một danh sách bao nhiêu là bác sĩ, nha sĩ và thư viện, để sẵn trên bàn. Hằng không nhìn đến, cũng không cần hỏi han, vì theo Hằng, người ta còn nói dối là còn nể mặt. Nếu Vĩnh nói công khai: \” Này, tôi đến nhà Mina ở lại ba hôm\” chứ không phải \” đi . . . thư viện ba hôm\” thì sao?
Một tối sau khi đi làm về, Hằng thấy nhà vắng vẻ, xe của Vĩnh không có ở sân. Mai là thứ bảy, chắc hẳn Vĩnh đã đi… thư viện. Hằng thở dài, bỏ cơm, thay áo định đi ngủ sớm. Hằng đang còn nằm đọc báo, bỗng có tiếng xe ngừng trước nhà. Một lúc sau, Vĩnh vào.
Vĩnh vừa soạn đồ trong va li ra vừa nhìn Hằng như chờ đợi một câu hỏi. Hằng dửng dưng nhìn Vĩnh không nói gì. Từ lâu, cuộc sống chung không còn tình nghĩa, không còn liên hệ – cả linh hồn và thể xác – Hằng không cần moi móc những chuyện có thể làm phiền lòng mình. Nếu có những người đàn ông có thể nói dối và phục vụ một lúc mấy người đàn bà, thì người ấy không phải là Vĩnh. Ngày thường Vĩnh vẫn mừng vì thấy Hằng không tra vấn gì, nhưng hôm ấy Vĩnh như trông mong, chờ đợi Hằng hỏi. Đợi mãi không được, Vĩnh phải lên tiếng:
-Em có muốn biết tin tức của Mina không?
Hằng dửng dưng:
-Em không muốn biết, mà cũng không cần biết.
-Nhưng tin này chắc sẽ làm em vui…
Hằng vẫn không hỏi. Vĩnh ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp, giọng thê thảm:
-Con ngựa đã chết rồi!
Hằng hơi ngước lên nhìn Vĩnh như hỏi bằng mắt. Vĩnh lại nói tiếp một mạch:
-Người yêu của Mina thấy anh đem được Mina qua Mỹ, chạm tự ái nên bằng lòng cưới. Hắn sắp về đến nơi. Mina nhất quyết chờ hắn, và trong khi chờ, cô ta muốn… trong sạch!
Hằng không nhịn được, phá lên cười. Vĩnh giận dữ:
-Anh biết em thích chí lắm. Em thích vì thấy anh đau khổ. Anh bị chạm tự ái, em cũng không cần.
-Thế còn tự ái của em thì ai cần? Hôm nọ anh giận em không bảo trợ cho cô ta, em có xin anh đừng chạm tự ái của em, anh trả lời \”Dù cô có chết lăn quay ra đấy tôi cũng bất cần!\” Ai cho em bao nhiêu cân lượng thì em đáp lễ bấy nhiêu để . . . tạ lòng tri kỷ mà!
Hằng lại phá lên cười. Vĩnh nghiêm mặt:
-Không có gì đáng cười cả! Anh đau khổ mà em cười được, thật vô lương tâm!
-Thế một năm nay anh làm cho em sung sướng đấy à? Không cười sao được? Chuyện cũ như trái đất! Hai thằng đàn ông tranh nhau một con mái. \” Cô gái ngây thơ\” bị lợi dụng. Chàng động lòng nghĩa hiệp ra tay cứu vớt, nhưng cũng lợi dụng nàng như ai, hay lại còn hơn ai. Người lợi dụng thứ nhất thấy con mồi của mình bị lợi dụng –phải cắn răng làm \” của riêng \” cho ông già gần đất xa trời – bèn lại động lòng nghĩa hiệp, đánh ông già một chưởng chí mạng: chịu cưới cô nàng. Bây giờ giá ông già có nổi máu du đãng, muốn giựt cô gái lại cũng không được nữa. Đặt lên cân, đằng nào anh cũng thua rồi. Thằng kia vừa trẻ vừa có tương lai, lại vừa! là người Mina yêu từ lâu. Trẻ hơn anh 30 tuổi mà cô ta nhắm mắt ngủ với anh, ấy là để trả giá việc anh đem cô ta sang Mỹ đấy thôi. Bây giờ cô ta đã được chọn lựa! Nhưng thôi… buồn làm gì, anh còn cả một danh sách các cô nữ khán hộ ở viện mồ côi bên ấy. Cô nào cũng trẻ, cũng nghèo xác xơ, cũng có một đàn em nheo nhóc và một bộ lạc gần chết đói, anh tha hồ mà… thỏa chí anh hùng, ra tay cứu vớt.
Vĩnh không nói gì, lẳng lặng đi nằm.
Một tháng sau, Vĩnh lại đi Ấn Độ, nói là để \” tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học dở dang\” . Vĩnh hứa một năm sẽ về, Hằng giao hẹn:
-Nhà không phải là một khách sạn để về chơi ít hôm, thăm bạn bè, xem thắng cảnh rồi lại đi. Nhà cũng không phải là một bệnh viện để về dưỡng bệnh, lành rồi lại đi. Người ta đi xa nhà là vì có lý do bắt buộc. Đi để làm việc nước, việc nhà, đi để đem lại danh dự hay nguồn sống cho gia đình. Còn anh, chỉ đi tìm thú vui cho riêng anh, vậy bao giờ chán hãy về, mà về rồi là không đi đâu nữa!
Vĩnh nhận điều kiện. Ở Ấn Độ chán,Vĩnh đi Nhật, và cho Hằng biết con gái Nhật cũng rất thích “trao đổi văn hóa” bất cần tuổi tác. Ngoài tiền lương hưu trí , Vĩnh dạy thêm Anh văn cấp Đại học. Thế lá đô la rủng rỉnh. Những cô gái Kimono liêu trai chạy quanh Vĩnh rộn rịp như đèn kéo quân. Vinh đã tìm được đất lành cho chim đậu. !
Mỗi năm Vĩnh gởi cho Hằng một món quà kỷ niệm ngày cưới. Bao nhiêu năm qua, mái tóc đen mướt đã đổi sang trắng xóa, Hằng sống tịch mịch một mình, cố làm ra vẻ bình thản bên ngoài, nhưng đầy ẩn ức nội tâm. Để giữ thăng bằng, Hằng tham gia hết công tác từ thiện này đến công tác xã hội khác, mong tìm một lẽ sống để khỏi thấy mình như một cái xác ướp. Nhưng ngoài giờ làm việc, Hằng vẫn còn nhiều phút giây đối diện với mình, với tất cả những kỷ niệm của quá khứ. Từ cái bàn cũ, cái nệm ghế sờn, bức tranh thêu bị vỡ kính, tất cả đều giữ lại một mớ kỷ niệm vui buồn.
Ngoài giờ làm việc, Hằng lại lao mình vào các lớp học, từ lớp chính thức của các trường toàn sinh viên trẻ, lớp ban ngày, thêm lớp ban đêm và cả đến những lớp riêng cho cao niên Hằng cũng không chê. Những ông già bà lão đi học như điên này có lẽ không nhiều thì ít cũng đang khắc khoải với cuộc đời, với những con ngựa sống, ngựa chết…
Chuông báo 20 phút reo lên. Cô mẫu được nghỉ bước xuống đi lại cho dãn gân cốt. Sinh viên ào ào đứng dậy, vặn tay duỗi chân, tìm nước uống. Cô mẫu lại lân la đi xem tranh. Lúc cô đến gần, Hằng rút trong túi ra tấm giấy 20 mỹ kim, nhét vào tay thằng bé nói:
-Hai tuần nữa nó đầy tháng. Phong tục nước tôi, con đầy tháng thì bạn bè tặng quà. Cô mua hộ tôi mấy cái khăn bông cho nó.
Cô gái sung sướng ra mặt. Sự sung sướng bộc lộ và dễ dàng, làm Hằng ao ước. Là một người mẹ, cô có lẽ sống để bám víu vào cuộc đời, để ấp ủ, thương yêu, hy vọng, xây dựng tương lai. Cô có niềm tin, nhiệt tình cũng như tuổi trẻ.
Hằng bỗng bàng hoàng ngây ngất như người say chợt tỉnh. Mọi lần, những lúc theo các lớp Cao niên đi vẽ ngoại cảnh, Hằng vẫn khó chịu khi thấy những ông cu, bà cụ lẩy bẩy run rẩy đẩy xe chất đầy dụng cụ vẽ leo lên đồi cao hay lết mấy chục bậc đá xuống bãi bể. Nhiều cụ bà to béo, khệ nệ, mắt không còn nhìn thấy rõ, phải dùng viễn kính để nhìn cảnh, xong lại dùng kính hiển vi để xem mình đã vẽ gì. Nhiều cụ ông tai nghễnh ngãng, đã bị thu bằng lái xe vì thiếu an toàn, con cháu phải chở thả xuống địa điểm vẽ, rồi đến giờ lại đón. Ngày thường, Hằng vẫn nghĩ tại sao các cụ không ở nhà, ngồi phơi nắng trên ghế xích đu, để con mèo rù rù trên chân làm bạn cho khỏe thân. Bây giờ Hằng mới hiểu. Chính các cụ cũng còn nguồn sống bừng bừng trong người, không muốn thấy tuổi già trôi qua một cách vô dụng, ngày ngày khoanh tay ngồi chờ giờ ăn và cũng chờ luôn tử thần đến rước không biết lúc nào. Già rồi, các cụ bắt đầu học tất cả những môn gì mà ngày xa xưa, lúc còn trẻ, không có thì giờ hay điều kiện để thực hiện.
Hằng bỏ đôi kính đen xuống. Từ lúc vào lớp nàng vẫn giữ kính để che đôi mắt sung mọng. Đã lâu không khóc, dạo này Hằng lại có nhiều dịp xúc động chảy nước mắt, rồi những uất ức riêng tư cũng mượn cớ lan tràn. Hồi chiều, Hằng đã khóc vì những tin tức dồn dập từ các đảo, các trại tị nạn đưa về, nói đến những thảm cảnh của hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ ViệtNam bị vùi dập trên biển Đông. Những tiếng kêu cứu thê thảm phải hiểu giữa hai dòng trong thư từ quê nhà gửi sang… những tin nhận từ các trại tù được bạn lén lút chuyển ra nước ngoài… Tất cả, như những lưỡi gươm tàn bạo chém xuống tâm tư vốn đang khắc khoải của Hằng, làm giờ đây khơi dậy nguồn sinh lực đang còn muốn say ngủ.
Cặp kính đen bỏ xuống rồi, Hằng nhìn đời với đôi mắt khác, tâm hồn tràn ngập một hứng khởi vừa khơi nguồn.
Mới sáng hôm nay, Hằng còn đầy mặc cảm khi nhìn món quà kỷ niệm ngày cưới, coi nó như một mỉa mai của tình duyên, làm Hằng dở khóc dở cười cho cuộc đời mình, Hằng đã làm tất cả để trốn chạy cái mỉa mai ấy, để quên đi vết thương kia, nhưng tất cả đều vô ích. Vết thương tấy sốt như chỉ được đắp nước đá cho bớt nóng, nhưng nguồn gốc căn bệnh vẫn còn thì dù ướp đá đến đông lạnh cũng vô ích.
Giờ đây, những thảm cảnh của một quê hương nghiêng ngửa, của cả một dân tộc truân chuyên, cùng với hào quang của cô người mẫu và ý chí sống của những bàn tay già run rẩy kia, như liều thuốc chữa lành vết thương kinh niên của Hằng. Bây giờ Hằng thấy mình có thể có hạnh phúc, dù chỉ với cái bóng ngả dài khi bách bộ một mình trên bãi biển.
Từ đây, mỗi năm Hằng sẵn sàng đón nhận món quà kỷ niệm ngày cưới, không còn uất ức buồn tủi. Như thế còn hơn là một ngày tháng mười nào đó trong tương lai, thay vì món quà, Hằng phải nhận một hộp tro với một giấy báo tin chia buồn của ai đó từ Nhật gởi đến.
Nếu Hằng là tên tử tù kia, thì con ngựa của nhà Vua đã không chết. Nó biết nói.
Monterey, CA 1981
Trích trong tuyển tập Mây Tần