Cười – Thuốc bổ tinh thần
By Đinh Yên Thảo – December 17, 2018
Theo dõi lễ quốc tang vô cùng trang nghiêm của Tổng Thống George Bush tại Nhà Thờ Quốc Gia hồi tuần trước, ta nhận thấy có những tràng cười dài. Bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp và phẩm cách cao quý của ông Bush, những câu chuyện tếu của các diễn giả đã nhấn mạnh một phẩm cách của ông ít ai biết, đó là óc hài hước.
Quả thật, óc hài hước là tính cách của những người thông minh, một thứ “tài sản” quý cho chính họ và niềm vui cho người chung quanh. Vị Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ sinh thời rất thích nghe chuyện đùa, dẫu ý nhị hay dung tục, miễn là nó có trí tuệ và… mắc cười. Bản thân ông cũng thích nói chuyện tếu. Nhân câu chuyện về TT George Bush, và trong không khí những ngày lễ hội cuối năm, mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về sự hài hước – một liệu pháp tinh thần giúp đời sống chúng ta dễ chịu hơn, đặc biệt là trong những dịp họp mặt gia đình bè bạn.
Nhiều năm trước, có dịp tham dự trại huấn luyện kỹ năng lãnh đạo cho các em sinh viên học sinh, tôi có dự cuộc hội thảo do một chuyên gia tâm lý hướng dẫn cho các em. Nội dung cuộc hội thảo là về những điều có thể tạo ảnh hưởng nơi người khác. Trước lúc bắt đầu, người chuyên gia ấy làm một cuộc trắc nghiệm nho nhỏ tại chỗ về những phẩm cách mà các em mong muốn có nơi bạn trai/gái của mình. Cuối cùng thì óc hài hước đứng đầu danh sách trong các tính cách mà các em nữ sinh chọn là điều ưu tiên nơi người bạn trai mong ước của mình. Cuộc trắc nghiệm đó chỉ là một chứng minh cho điều mà những nhà tâm lý học thường bảo rằng, óc hài hước không chỉ là một điểm mạnh của các em, mà còn giúp các em trở nên tự tin và thành công trong nghề nghiệp về sau. Và ngược lại, sự tự tin cũng sẽ giúp các em trở nên khôi hài, dí dỏm hơn.
Cười là một trạng thái vô thức và mang tính bản năng. Khi quan sát những em bé sơ sinh chưa ý thức được nhiều thì thấy các bé đã biết cười từ rất sớm. Chưa đến thôi nôi các bé đã biết cười nắc nẻ, và trước khi vào mẫu giáo các em đã có tính hài hước khi trí tuệ phát triển. Chắc chắn không ai biết được tại sao mình cười khi chưa tròn tuổi. Nhưng không chịu bú sữa hay ăn bột thì cái cảnh mẹ dỗ đút, còn cha hay ông bà đứng quanh trợn mắt, nhảy múa cho con hay cháu cười rồi ăn là cảnh phải gây cười nếu như ai đó thu lại những thước phim này. Như vậy thì tính hài hước, dù có khác nhau nhưng đã có sẵn trong mỗi người từ rất bé; việc còn lại là làm sao để tiếp nhận và phát triển tính hài hước.
Người Á đông, hay người Việt nói riêng, thì những lần ma chay là buồn thương, than khóc. Hiếm ai dám cười hay nói câu đùa nơi đám tang bởi nó bị xem là sự bất nhã, không thích hợp và thiếu tôn trọng người mất và tang quyến. Chưa đủ buồn nên có khi phải thuê cả người khóc mướn đến cho thêm phần sụt sùi. “Bộ mặt đưa đám” có lẽ xuất phát từ đây. Người Mỹ cũng không khác, nhưng trong cái tâm trạng thương tiếc, buồn nhớ kia thì cái cười giúp họ vơi bớt nỗi mất mát và tâm trạng căng thẳng. Nó giúp tôn vinh và tưởng nhớ một cuộc đời và những giây phút tươi đẹp, vui vẻ của người quá cố. Người Mỹ, vốn đã mang tính hài hước hay dễ tiếp nhận nó, đám tang của họ hay có những nụ cười, những câu đùa khi nhắc về người đã mất. Mà chuyện đó cũng chẳng hề làm giảm đi sự trịnh trọng, tôn kính — như tại đám tang TT Bush đã nói bên trên. Không biết ai đúng ai sai, nhưng sự khác biệt giữa Ðông với Tây là vậy. Ngay đến cả những vị lãnh đạo tôn giáo, khi lồng trong huấn từ, giáo luật dăm chút dí dỏm, chuyện vui thích hợp trong các bài giảng của mình thì càng làm bài giảng thêm thú vị và lôi cuốn hơn. Những vị nào tạo được dăm tràng cười trong các bài thuyết giảng của mình thì y như rằng sau các buổi lễ cũng được nhiều người khen hay và nhớ nhiều.
Những người ít cười hay không có óc hài hước thường là do họ quá trịnh trọng, quá nghiêm khắc với bản thân và người khác. Mới nắm giữ một trách vụ nho nhỏ nào đó mà nhiều người đã tỏ vẻ nghiêm trang, đạo mạo cho xứng với cương vị của mình. Ðùa với thuộc cấp chỉ làm “chúng” … lờn mặt. Ðùa với thượng cấp càng không dám, nó coi mình “giỡn mặt”, có khi bị đuổi việc như chơi. Trong khi đó với cấp quản trị phương Tây, qua nhiều khảo sát đã từng được thực hiện, hài hước là một trong những phẩm cách mà họ rất thích nơi các nhân viên của mình, bởi đơn giản họ hiểu điều đã nhắc bên trên: óc hài hước giúp giảm bớt sự căng thẳng của công việc và làm đầu óc trở nên thông tuệ hơn trước các vấn đề khó khăn cần giải quyết, giúp cho các đồng nghiệp gắn kết và có thêm sự vui vẻ, lạc quan trong trách vụ. Ðặc biệt là những người được đánh giá cao khi có sự hài hước trí tuệ, biết dùng nghệ thuật của ngôn ngữ qua cách chơi chữ, bóng gió. Dẫu có tục mà thanh, thanh mà tục.
Thú thật là tôi không mấy thích thú những màn giễu hay hài kịch của phần lớn các “danh hài” trong và ngoài nước hiện nay, kể cả trên các sân khấu “lớn”. Cái cười khá lố, thiếu nhân văn. Cứ đem cái xấu, cái thua thiệt của người khác ra làm trò cười. Bao nhiêu năm rồi mà vô tình xem phải thì cũng vẫn những màn giả gái đổi giọng uốn éo, cũng giả bộ đi đứng khập khiễng hay ăn nói cà lăm. Dù chọc cười bằng cử chỉ và biểu cảm khuôn mặt là một phần của kịch nghệ, nhưng nếu chọc cười chỉ bằng hành động, điệu bộ hơn là sự ý nhị, thâm thúy của ngôn từ thì chẳng đem nụ cười thật sự. Nhất là cộng thêm lời kịch dung tục, quá đà. Thế nên các kịch sĩ vẫn nghĩ cách diễn của mình là hay. Và tiếp tục khai thác. Họ quên đi hay không biết khi cười chính bản thân mình là một nghệ thuật hơn là châm chọc, chế giễu người khác. Nó dễ làm người khác hòa vào cái cười đó. Khổ cái khán giả trong trạng thái số đông và “live” nên dễ dãi cười ầm, khác với những người không đang trạng thái tức thời đó, tỉnh táo và chỉ cười trước những tình huống hay lời thoại gây cười trước truyền hình.
Chuyện trong giới mà tôi được nghe những người trong cuộc kể lại rằng, có thời một soạn giả với các vở hài kịch khá thâm trầm được khán giả rất thích, nhưng sau đâu hơn chục vở kịch, ông bỏ luôn việc viết kịch bản. Lý do là các kịch sĩ “cương” ẩu, nói những câu quá tục trong các vở kịch của ông. Tôi thấy những người như nhà soạn giả này quả tâm huyết và trân trọng cái hồn của kịch nghệ hay hài kịch nói riêng. Khó lòng so sánh với kỹ nghệ hài phương Tây, nhưng kể lại để là điều cùng học hỏi. Có lần vào thăm Hollywood, họ cho các du khách vào ngay phim trường ngồi xem các sô diễn đang trong giai đoạn diễn tập. Các nhà soạn kịch và đạo diễn ngồi quan sát khán giả, những câu thoại hay tình huống nào không gây cười họ chỉnh sửa lại ngay. Cho đến khi thật sự gây cười nơi những nhóm khán giả nhỏ đó, họ mới chính thức thu hình để công chiếu trên truyền hình, nên xem là cười.
Tiếng cười mang hiệu ứng số đông. Càng đông người càng dễ tạo những tràng cười lây lan. Nhất là những người có cùng văn hóa, khả năng cảm thụ và biết trân trọng nụ cười và sự hài hước. Mùa lễ này là cơ hội để bạn thực hành hay mở lòng với những nụ cười, sự dí dỏm. Bởi nụ cười bằng mười thang thuốc bổ (chỉ khi cười không lý do và một mình thì cần uống thuốc bổ). Cách nói dân gian lâu đời nhưng quả thật, nó mang ý nghĩa của nguồn gốc từ hài hước, tức “humor” – một thuật ngữ Hy Lạp cổ đại ám chỉ một ‘dịch thể’ kiểm soát sức khoẻ và xúc cảm của con người. Thiếu ‘dịch thể’ này thì sức khoẻ và tinh thần của chúng ta có điều gì đó cần phải bổ sung. Chúc bạn luôn vui và có thêm nhiều nụ cười, không chỉ trong mùa lễ cuối năm này mà cả những ngày trong năm mới đang tới.