Báo của Hà Nội tránh nhắc chuyện Hoa hậu H’Hen Niê theo đạo Tin Lành

Báo của Hà Nội tránh nhắc chuyện Hoa hậu H’Hen Niê theo đạo Tin Lành

.

\"\"
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H\’Hen Niê: “Xin Chúa dẫn đường soi lối”. (Hình chụp qua màn hình)

ĐẮK LẮK, Việt Nam – Sau khi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê lọt vào top 5 cuộc thi Miss Universe 2018 vừa diễn ra ở Bangkok, Thái Lan, các báo Việt Nam khai thác rất nhiều góc độ về cô nhưng tuyệt nhiên đều né tránh nhắc chuyện cô theo đạo Tin Lành và có niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa.

Trong một đoạn clip dài hơn 2 phút nhận được 4,000 lượt share trên mạng xã hội chỉ trong vòng một ngày, cô Hen Niê nói: “Lúc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hen rất lo lắng vì đây là trọng trách rất lớn và không biết Chúa muốn cho mình chương trình gì trong cuộc sống.”

“Hen chỉ biết giơ tay lên và cảm tạ ơn Chúa. Ngày trước Hen thường cầu nguyện Chúa cho con sự tự tin và đi những bước chân đẹp. Sau này, Hen đổi cách, xin Chúa cho con theo ý muốn của ngài. Tôi từng nói với cộng sự rằng tôi muốn trở thành hải đăng để chiếu sáng tình yêu của Chúa.”

“Mỗi buổi chiều khi ở Sài Gòn, tôi thường lên sân thượng để nhìn những căn nhà chung quanh và chỉ thấy vài nhà có ánh sáng của Chúa. Thời điểm hiện tại, Hen thấy mình đã là một cái trụ khá cao để chiếu ánh sáng của Chúa. Hy vọng trong thời gian tới Hen xin Chúa dẫn đường soi lối để Hen có thể biết được ý muốn tốt lành của Chúa, chương trình mà ngài muốn Hen hành động trong thời gian tới,” cô Hen Niê nói trong video.

Đoạn clip được cho là rò rỉ từ một buổi phỏng vấn video với một tờ báo trong nước nhưng không hề được đăng tải chính thức.

Theo tìm hiểu của Nhật báo Người Việt, giống như nhiều người Ê Đê ở quê nhà Đắk Lắk, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê theo đạo Tin Lành. Nhưng mỗi khi trả lời phỏng vấn báo chí, cô đều được ê kíp truyền thông của mình căn dặn là không phát ngôn về chính trị, tôn giáo vì đây là “những điều hết sức nhạy cảm, có thể ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp và hình ảnh cá nhân”. Những người phụ tá của cô cũng dặn dò các phóng viên về điều này.

Trong một diễn biến khác, hồi Tháng Chín, 2018, theo Đài Á Châu Tự Do, một thầy truyền đạo dân tộc Ê Đê thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ ngụ tại tỉnh Đăk Lắk “bị lực lượng công an địa phương bắt đưa đi khi đang trên đường đi làm rẫy”.

“Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ được nói vẫn bị chính quyền địa phương sách nhiễu kể từ năm 2013. Bản thân nhiều người đã phải bỏ buôn làng sang tị nạn ở các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Phillipines chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ,” bản tin trên Đài Á Châu Tự Do cho hay.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Khoa Học Xã Hội Tây Nguyên hồi năm 2011, Giáo Sư Đỗ Quang Hưng từng nhận định: “Có thể nói ở Tây Nguyên, cùng với ‘vấn đề Công Giáo’, đạo Tin Lành trong những năm qua thực sự là vấn đề chính trị – tôn giáo hết sức gay gắt và nhạy cảm. Đặc biệt, ‘vấn đề Tin Lành’ qua hai cuộc bạo loạn chính trị 2001 và 2004 càng để lại những mặc cảm sâu sắc trong cán bộ và chính quyền địa phương khi mà vấn đề an ninh quốc gia, đại đoàn kết dân tộc, quan hệ Kinh – Thượng đã được đặt ra trực tiếp. Thực không dễ để cán bộ đảng viên, quần chúng ở địa phương có thể phân biệt rạch ròi giữa ‘tự do tôn giáo’ và ‘lợi dụng chính trị qua tôn giáo’”.

Ông Hưng cũng viết thêm rằng: “Một trong những vấn đề then chốt: việc phát triển đạo Tin Lành ở Tây Nguyên ở góc độ chính trị – xã hội có khía cạnh là một cuộc giành giật quần chúng giữa các tổ chức chính trị xã hội của đảng và nhà nước CSVN với các hệ phái Tin Lành. Đây là một cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, không chỉ đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số chưa theo đạo mà ngay cả đối với những cộng đồng tín đồ đã theo đạo. Một cuộc đấu tranh luôn có yêu cầu phải tuân thủ luật pháp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội ở Tây Nguyên cũng như cả nước. Để giành được trái tim và khối óc của đồng bào các dân tộc thiểu số, dù họ đã là tín hữu của đạo Tin Lành hay chưa theo đạo chắc hẳn phải là kết quả tổng thể của nhiều giải pháp.”

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment