BÙI GIÁNG- THI SĨ – TRIẾT HỌC.

Chuly sưu tầm

BÙI GIÁNG- THI SĨ – TRIẾT HỌC.
Khi tôi đọc những bài viết của Bùi Giáng, có điều lạ là càng đọc những tác phẩm của ông, cái phần không hiểu lại càng lớn hơn cái phần hiểu được trong tôi!
Nhưng rồi dần dần, tôi mới ngẫm thấy rằng điều đó chẳng quan trọng mấy. Nếu cứ đâm đầu vào đi tìm hiểu xem Bùi Giáng viết gì thì có ngày cũng dễ điên giống ông! Cái đọng lại trong tôi khi đọc Bùi Giáng, ấy là một cảm giác hân hoan thích thú trước tư tưởng về cuộc đời-thơ-triết học của ông, cứ như thể trẻ con được cho món quà. Cả thơ, cả văn hay khảo cứu của ông đều gây cho tôi cái cảm giác ấy. Với tôi, có lẽ thế là đủ.

Bùi Giáng, một thi sĩ – triết gia, tồn tại trước hết với tư cách nhà thơ, sau đó mới đến nhà triết học. Kiểu nhà thơ này không phải đến Bùi Giáng mới có, mà từng tồn tại trong văn đàn thế giới như Goethe, Hoelderlin, Braudel, Tchutchev…, hay Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Tản Đà… ở Việt Nam.

Văn hào Mỹ vĩ đại Henry Miller nói : “Từ chút ít sách vở tôi đã đọc, tôi nghiệm ra rằng, những người lặn lội sâu nhất trong cuộc đời, những người nhồi nặn cuộc đời, những người chính là cuộc đời đều ăn ít, ngủ ít, sở hữu ít hay không có gì cả. Họ không có bất kỳ một ảo tưởng nào về bổn phận, hoặc nối dõi tông đường hay duy trì quốc gia. Họ chỉ quan tâm tới chân lý và chân lý mà thôi. Họ chỉ chấp nhận một hình thức hoạt động là sáng tạo. Không một người nào có thể chỉ huy công việc họ, bởi vì họ tự nguyện cho tất cả. Họ cho không, bởi vì đó là cách duy nhất để cho.”
Nhận định trên của Henry Miller rất đúng với trường hợp Bùi Giáng biết bao.
Một thi nhân đã tận hiến cho cuộc sống bằng tất cả tinh thần chân thiết nhất, bằng con đường nghệ thuật thi ca.

Đọc thơ Bùi Giáng, nên thưởng thức như Phạm Công Thiện nói :Đọc không phải để hiểu mà để biết. Biết cái thâm mật của một giây phút thoáng qua nhanh chóng hơn ánh sáng ngoài kia không gian phiêu dật, mà lòng ta là tất cả không gian phiêu dật.

Vậy -Thơ Bùi Giáng là cái gì mà chỉ nên biết chứ không thể hiểu?
Chúng ta hãy nghe Bùi Giáng phát biểu về thi ca : “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa bằng lời thơ, thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào hoặc một cơn gió thu, mà muốn thực hiện điều đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể phải làm một bài thơ khác.
Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chớ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc, luận lý, không được bốc đồng vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghì vậy.”
Cho nên, chúng ta không luận bàn về thơ Bùi Giáng mà giản dị chỉ là cảm nhận một phần nào hương vị suối nguồn thi ca lai láng dạt dào, quá sức dữ dội của thi nhân mà thôi.
Đi vào cõi thơ Bùi Giáng, chúng ta cần phải buông xuống cái biên kiến, chấp thủ và chỉ khi nào cái bản ngã hạn hẹp của mình được chuyển hóa thì lúc ấy chúng ta mới lãnh hội, tương ứng với ngôn ngữ chân thực

Ấy là nhạc ? Ấy là thơ ?
Ấy là rượu đế một giờ bỗng dưng ?
Ấy điên đảo ? Ấy điệp trùng ?
Ấy từ vô tận lừng khừng mà ra
Thưa em ngôn ngữ thật là
Cái gì như thể ngọc ngà thiên hương

Thơ Bùi Giáng không dính mắc, không ràng buộc, không chấp chặt của thi nhân, thật chẳng khác gì thái độ vô tâm, vô niệm, vô sự của những bậc thiền sư. Nhà thơ tung hoành ngang dọc, nhảy múa quay cuồng đủ thể điệu quàng xiên mà vẫn sáng suốt thông tuệ như như:
Như thị, thị như, như thị thị
Thị như, như thị, thị như như
Thị như, như thị, như như thị
Như thị, thị như, thị thị như
Hiển thể thị như như hiện thể
Sơ đầu thị hiện thị nhiên như”.
“Xưng danh nhứt xuất do thy sĩ
Sạ hiện tức hình hiện thể như”
( trích Lời cố quận và lễ hội tháng ba )

Sao lại Như thị?- Thấy vậy đó, thiệt ra không dễ chút nào! Thấy vậy đó là thấy trong sự chuyển động, sự thay đổi không ngừng. Thấy như mộng huyễn, như sương móc .Có khi sửng sốt, có khi bỡ ngỡ Thấy vậy mà không phải vậy, nhưng vẫn là vậy. Nhìn đã khác, thấy đã khác. Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy.Thấy như thật là chưa phải thật. Mới gần thật… Một lúc nào đó có thể vượt ra, vượt qua, vượt lên để mà ngẩn ngơ.Và điều thú vị, vượt qua được cái thị rồi sẽ thấy cái như…
Ta thấy bài thơ này như một trò khiêu vũ ngôn ngữ, hý lộng ngữ ngôn một cách thượng thừa như đùa như rỡn trào tuôn. Ừ thì như thị, như thế, như thế, cứ mở ra những cuộc rỡn đùa chơi hay đại hòa điệu chơi giữa cõi người ta, vì tất cả mọi sự trên thế gian này đều chỉ là trò chơi, trò đùa huyễn mộng.

Bùi Giáng đã viết không ít về thế giới “thực” và “hư” như
Bài : Ông Trời chất vấn ông điên – rằng:
“Tại sao chú mày đánh đấm con vợ của chú mày như thế?”. “Tại vì nó có lỗi”. “Có lỗi như thế nào?”. “Tôi thì hằng năm tôi tắm rửa một lần để ăn tết. Còn nó thì mỗi ngày nó mỗi tắm… tức không chịu nổi!”.
“Ủa, nó tắm rửa cho sạch sẽ thơm tho có gì đâu mà gọi là tội lỗi?”.
“Nhưng mà nó càng sạch sẽ thơm tho bao nhiêu, thì thiên hạ càng thấy rõ cái dơ dáy thối tha của tôi bấy nhiêu. Có phải rằng nó có ý muốn vạch rõ cái thối tha bẩn thỉu của tôi? Tôi mang mặc cảm bấy lâu nay. Còn đâu hài hòa vợ chồng tâm đầu ý hiệp chứ”.
Rồi “ông điên” muốn bỏ vợ để lấy “gái sa mạc” vì “sa mạc khô khan quanh năm, đâu có nước giếng nước biển nước sông để tắm cho nhiều”. Ông Trời gật gù: “À ra thế ấy, lọ là thế kia!”…

Bài thứ hai Mẹ ôi!, kể về cô gái 16 tuổi chửa hoang, bà mẹ thay vì phiền trách đã hân hoan reo lên: “Ồ, thế thì vạn phước đấy con ạ. Kiếp xưa có lẽ con khéo léo tu hành lắm đó, nên kiếp này mới gặp gỡ được thằng Mít (…) đến như con là đứa nghiêm trang nghiêm túc như thế mà nó chỉ la cà cày bừa trên bụng con đôi lần mà kết quả huy hoàng rực rỡ chói lòa thì đủ biết tài năng cày sâu cuốc bẫm của nó… Ha ha ha! Mẹ giao luôn cho nó cái khu vườn tược ba mẫu này để nó chăm sóc trồng dâu, trồng dừa: Ùn lên ngọn nước bốn mùa. Núi phơ phất tuyết, cổng chùa tịch liêu. Hai hàng phượng đỏ giấn liều. Đứa con gay cấn một chiều chửa hoang. Ha ha ha!!! Mẹ sắp có cháu ngoại để o bế o bồng rất mực bồng bế o o !!!”.
Đọc mấy đoản văn trên hẳn có người sẽ nghĩ Bùi Giáng viết chỉ để “cà rỡn” chơi. Thật ra trong cái “cà rỡn” ấy vẫn ẩn chứa một điều gì khang khác là lạ so với những chuyện cười suông.Thiết nghĩ mấy chữ “gái sa mạc” “cổng chùa tịch liêu”, “đứa con gay cấn” là cái “chĩa ba” của một cây cổ thụ trong rừng ngôn ngữ mà Bùi Giáng trên đường ngao du đã đặt lên đó “một cách nhìn” để kể về:
1. Những “ông điên” quay cuồng theo các cặp đối trị: tốt – xấu, sạch – nhớp, khen – chê, vinh – nhục…
2. Những “đứa con gay cấn” đã rời “cổng chùa tịch liêu” để kết hôn với bọt nước, với nắng tàn, với sương mai và ánh chớp vội vàng vào mỗi chiều giông.

Bùi Giáng là thế, vẫn tà tà cách điệu tiếu lâm, riễu cợt hài hước cho “vui thôi mà” chớ có chi đâu mà trầm trọng, nặng nề phê phán đúng sai, trúng trật, dở hay phải không ? Thì ra là vậy, trên con đường miên man sáng tạo, Với tinh thần vô sở cầu, vô sở chấp, vô sở đắc, lặng lẽ buông bỏ, cho và cho hết những gì mà thiên hạ đang đấu tranh, giành giật chiếm hữu lẫn nhau, thi nhân tự nguyện sống nghèo nàn hàn sĩ, làm kẻ ăn mày, một tên cuồng sĩ lang thang suốt đời hát bản độc hành ca qua ngày tháng ngao du, làm rớt hột phiêu bồng giữa mênh mông bất tận.

Tư tưởng trong thơ Bùi Giáng là gì ? Nhưng tư tưởng là chi ?
Không phải bất cứ ý tưởng (hay ‘lý sự chổi cùn’) nào của ai đó cũng có thể được ‘thổi’ lên thành tư tưởng. ‘Thuyết tương đối’, ‘Thuyết vạn vật hấp dẫn’, ‘Phép biện chứng’, ‘Thuyết tiến hóa’, ‘Thuyết lượng tử’, ‘Triết học hiện sinh’, ‘Chủ nghĩa thực dụng’ (thực lợi), ‘Vũ trụ học/Thiên văn học’, ‘Thiền học’, ‘Đạo đức kinh’, ‘Kinh Dịch’, ‘Nam hoa kinh’, ‘Phật học’, ‘Thần học’… là các loại tư tưởng/nội dung của tư tưởng/hàm chứa các tư tưởng.

Tư tưởng hiện đại, theo Bùi Giáng, trước hết là tư tưởng đương đại, mà trong thời đại của ông là hiện tượng học hiện sinh,(Hiện sinh- là bước ra khỏi phòng tối, là không chấp thuận cái kín cổng cao tường, là chối từ cái im lìm, cái bất động của cái gì đã đạt, đã xong, đã rồi, đã đủ… Không. Sống là còn đòi hỏi thêm… thêm… Thế còn chưa đủ. Thế vẫn chưa vừa. Hôm nay phải khác hôm qua. Ngày sau không thể nào lập y như bữa trước )sau đó là toàn bộ những điểm khả thủ của tư tưởng nhân loại không phân biệt đông tây kim cổ được nhìn từ tư tưởng đương đại. Bùi Giáng gọi động thái này là “trùng phục thu hồi”, một kiểu tiếp thu sáng tạo như ngày nay thường nói. Tư tưởng hiện đại, luôn là sự giao thoa giữa cái đương đại và cái đã qua, đưa cái đã qua trở thành đương đại. Nội dung của tư tưởng hiện đại của mỗi thời có thể mỗi khác, tùy theo sự thông diễn của người đương thời.
Theo Tuệ Sỹ thì : “Tư tưởng là Con Đường, là Đạo, là Tiếng Gọi mời ta lên đường. Chính bằng và trên Con Đường ấy, chúng ta mới có thể bắt gặp được bóng dáng của con người.”
Vâng, tư tưởng là con đường mời gọi chúng ta hành động , do bởi hành vi tư tưởng cho nên hành động mới mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ mới lạ. Tư tưởng thi ca Bùi Giáng khởi phát rạt rào từ suối nguồn sâu thẳm tâm linh, từ cõi ban sơ tịch mịch khôn dò.
Tư tưởng phá chấp triệt để của Thiền tông được ông thể hiện suốt bình sinh cuộc sống bằng chính bản thân mình, như ngụ ngầm khai thị một điều gì vi diệu mà mỗi một người trong chúng ta phải tự lãnh hội, tự thấu hiểu ra mà thôi.
Sở dĩ con người đau khổ là vì cố chấp, chấp ngã, chấp pháp, chấp đủ thử lu bù nên cứ mãi khổ đau triền miên. Muốn thoát khỏi vòng trầm luân khổ não đó, chỉ còn một cách là hãy trở về lại chính mình, nhận biết cái bản tâm nguyên sơ, sống với thực tại đang là ngay trong từng hơi thở luôn luôn mới lạ và mới lạ.

CÂU CHUYÊN BÙI GIÁNG NỔI GIẬN

Bùi Giáng đã đến rất nhiều ngôi chùa trên đường lang thang của mình, như Huệ Nghiêm ở Bình Chánh, Huỳnh Kim ở Gò Vấp, Quán Thế Âm ở Phú Nhuận, Pháp Hoa, Pháp Vân, Pháp Trí. Giác Lâm …v..v.vv
Một lần ở chùa Già Lam, ông đã nổi giận la hét. Nguyên sân chùa Già Lam có trồng một cây y sa trổ bông màu vàng nghệ như màu áo cà sa của các vị sư. Thấy hoa đẹp, Bùi Giáng lượm một vài bông rụng quanh gốc đưa lên miệng, vừa hôn hoa, vừa hớn hở cười lớn, mừng rỡ như gặp “người thân” xa xưa. Một phật tử nói: “Bác không được ồn ào như thế”. Ông hỏi lại: “Tại sao?”. Người kia đáp: “Vì Phật dạy không nên”. Ông bừng bừng nổi giận: “Phật dạy lúc nào? Ở đâu? Với ai?”.
Rồi ông mắng một tràng rằng, không nên lặp lại lời của Phật như con vẹt, là vì Phật thuyết không chỉ tám vạn bốn ngàn pháp môn, mà cả triệu triệu tỉ tỉ và vô lượng pháp môn, mỗi môn tùy người nói, chứ không phải bất cứ ai Phật cũng nói như nhau. Cảnh này, chỗ Già Lam này, lúc này, không nên “trụ” vào lời Phật cách đây đã hơn 2.000 năm trước để nói năng hoạnh họe như rứa. Hãy về nhà bán hết gia tài để mua cuốn Tư tưởng hiện đại của “thằng Giáng tên Bùi về đọc thì sẽ hiểu được điều đó chút ít !”.

Cuốn Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng giảng giải về tư tưởng Kierkegaard – Malraux – Jaspers – Heidegger – với phần phụ lục khá quan trọng: “muốn đi vào cõi thơ Bùi Giáng và hiểu những nét thâm hậu nhưng bay bướm của ông thì không thể không đọc phần phụ lục ấy” – sa môn Huệ Thiện nhận xét như thế.
Trích một đoạn văn của Bùi Giáng viết với ngôi xưng “tao” để trách mắng “chúng” nào đó, như kiểu ông nổi giận trên sân chùa Già Lam hôm nào:
“Krishnamurti không phải là không biết chịu chơi, nhưng lúc chúng nó dòm qua phía Tây Phương và xô bồ công kích, chúng nó không phân biệt chân và giả, chúng nó tư tưởng một chiều, chúng nó không nhận ra sự hóa thân thiên hình vạn trạng của chư vị Bồ Tát cùng những vô lượng phương tiện lực trong xảo mật ngữ. Chỗ ngu si cốt yếu của chúng là: chúng quên mất rằng cái đường cày, cái lối cuốc, cái hột giống gieo ra, phải thuận theo mảnh đất. Cày cuốc trên đất núi không như cày cuốc trên đất phù sa, cấy lúa trên đất phù sa không như cấy lúa giữa thành phố, chăn bò ở giữa núi không giống phép chăn bò ở giữa đồng bằng với những ruộng lúa ruộng ngô nằm mấp mé bên đồng cỏ (và bất cứ lúc nào tứ chi con bò cũng có thể nhảy vọt từ đồng cỏ xuống ruộng đồng). Không một thằng tư tưởng Đông Phương nào ngày nay còn có thể nhìn ra Shakespeare trụ tại chỗ nào trong Bát Nhã Hoa Nghiêm để lập thuyết (mà riêng cái lối dịch L’Immoraliste của Đười Ươi đã mật nhiên khẩn thiết đáp vào).
Trong đời tao quả thật tao chưa gặp một thằng học giả nào có được chút trí tuệ tối thiểu của kẻ chăn bò và người cày ruộng. Chúng nó ru rú rút vào căn phòng ngăn nắp tôn sùng Bồ Đề Đạt Ma, Long Thọ Bồ Tát, nhưng nếu cũng ông Bồ Tát ấy, cũng ông Đạt Ma ấy, khoác bộ áo khác, đi lững đững ở một phương trời khác, mà gặp chúng nó, thì lập thời chúng nó phỉ báng ngay. Hỏi làm sao thế. Chúng đáp: bởi vì mày không giống ông Đạt Ma Long Thọ của tao tôn thờ. Cõi tư tưởng vẫn còn rối loạn mãi, chung quy chỉ tại bọn học giả không biết học tập chăn bò, cày ruộng, trước khi mở mồm mở miệng bi bô”.

Bùi Giáng, tiếp thu triết học, rồi từ triết học hiện sinh của Heidegger bằng trải nghiệm riêng của mình. Từ cảm nghiệm bản thân đến với tự do, Bùi Giáng không phải hiểu triết học , mà sống triết học như một bậc thầy. Bởi thế, ông có đầy đủ tư cách triết gia, để phê phán Sartre trong Heidegger Và Tư Tưởng Hiện Đại, trao đổi thư từ học thuật với chính Heidegger và nhà thơ René Char… Cuộc đời của Bùi Giáng thi sĩ và tư tưởng gia, nhưng đều dẫn đến một đích nhắm là tìm gặp cái Bản Nguyên trong thế giới vạn vật.
Không hề chịu một quy định trước nào,không tự nhốt mình trong sách vở tư biện như ông từng viết “tự nghìn năm triết học luận lý trường trại đã bóp ngột tư tưởng con người … nó khiến tư tưởng không thể nào bước đi thong dong trên ngã ba … không còn nghe ra ngôn ngữ Nguyễn Du, Shakespeare…”. (Đường đi trong rừng). Ông ca ngợi “sa mạc” – muốn tìm về “sự tĩnh lặng mênh mông, trong đó mọi năng lực, hùng tâm, dũng khí, thảy thảy tương hệ tương giao cùng rì rào hoạt động” và “im lặng vì xao xuyến dị thường” (Lời cố quận). Đó là “niềm im lặng” lên đường, tìm về nguồn cội sẵn có trong chính mình.
cũng không có tham vọng trở thành phổ quát, chỉ khát khao tỏ lộ cá tính riêng thuộc của mình. Thế nên, Bùi Giáng, xuất nhập cả trong thân phận thi gia lẫn tư tưởng gia, chẳng qua cũng chỉ là những cách thể hiện tuy khác nhau, nhưng đều dẫn trở về ngôi nhà của tồn tại.
Điều này cũng thể hiện rất rõ trong các tác phẩm biên dịch như Lời Cố Quận, Lễ Hội Tháng Ba của Heidegger, Mùi Hương Xuân Sắc dịch Heidegger, Nerval và Camus…
Xin trích một đoạn văn sau đây nằm trong chương Martin Heidegger và vấn đề hữu thể:

“Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau
Nỗi niềm tưởng tới mà đau
Hàng rào giun dế gặm sâu cẳng gà
Con ơi học lấy nghề cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.
Tại sao một đêm ăn trộm bằng ba năm làm? Bằng ba năm hay bằng hai? Bằng hai hay bằng bốn? Một đêm mà bằng bốn năm kia ư? Nhiều quá? – Mấy thì vừa? –Hai năm? Ít quá? – Vừa bằng là ấy ấy ấy chính lààà BAAA.
Con ơi! Nhớ lấy lời cha. Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Vâng. Con nhớ lời cha. Tại sao nhớ? – Vì con có nghe. – Tại sao nghe? – Vì con có thấy. – Thấy gì? – Thấy rõ ràng lù lù trước mặt là… – Là gì? Là: Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. – Ai ăn trộm? – Sartre ăn trộm áo quần của Heidegger – Áo quần đẹp mới hay không? Đẹp mới vô ngần. Nhưng… Nhưng sao? Nhưng than ôi! Tại sao lại xảy ra cái chuyện này là cái nỗi nông kỳ bí… – Kỳ bí như thế nào? Cái nỗi nông nông nỗi gì? – Thưa rằng áo quần của Heidegger vốn của Heidegger thì vốn của Heidegger mặc áo Heidegger coi ra rỡ ràng thật đẹp là Heidegger rỡ ràng quắc thước là hùng dũng Heidegger rạng vẻ cân đai Heidegger râu hùm mày ngài Heidegger hàm én đồ sộ cả cười hàm én Heidegger có nhìn đêm tế ngộ trông mặt là Heidegger trông mặt cả cười với Kiều và Thúy và Tố và Như và Nguyễn Du là ấy chính Heidegger đúng điệu thiên tài vùng vẫy trong bấy nhiêu niên đáng lẽ từ thiên thu làm nên kinh thiên động địa nếu gặp người từ lâu tri kỷ là đúng điệu tri kỷ của Heidegger…”.

Đoạn văn kiểu như vậy dài ngót cả mấy chục trang sách. Đọc nó người ta thấy như bước vào một mê hồn trận. Người đọc có cảm giác như ông nhảy phóc vào trong tư tưởng của triết gia này và… quậy, hay triết gia người Đức Martin Heidegger đã ” nhập hồn” Ông chăng?
Bùi Giáng sử dụng lối dịch – thông diễn. Kể cả khi dịch một tác phẩm văn chương, ông cũng dịch với một tinh thần đồng điệu, chứ không dịch câu chữ. Nhờ sự trái thói này, mà chúng ta có được những tuyệt phẩm dịch thuật như Hoàng Tử Bé và Cõi Người Ta… Tuy vậy, cách làm phá cách, không chịu tuân theo lề lối, đúng hơn là theo một thứ lề – lối – phi – lề – lối của tương lai, đã làm nhiều người không chịu nổi, nhất là những nhà nghiên cứu trường trại, hoặc những người có đầu óc chuồng trại.
Sự vật và con người trong thơ ông không bao giờ là tự thân, tự đầy đủ, mà luôn trong trạng thái đương – là, không hoàn kết, luôn ở thế tương giao, đối thoại với người đọc

bui-giang-4Nhiều người cho rằng Bùi Giáng là một gã cuồng sĩ điên rồ hay một đại thi hào, một Bồ tát nghệ sĩ gì gì đó cũng được, chỉ là những danh từ, khái niệm mà thôi.
Bùi Giáng không bao giờ điên thật và cũng không bao giờ chứng ngộ, cảnh giới của thực tướng là vô tướng, chân ngã là vô ngã. Ông vẫn còn đặt một chân ở cuộc đời, vẫn đau khổ vì cuộc đời:
“Anh đã định suốt thiên thu vạn kỷ
Làm thằng điên rồ dại suốt thiên thâu
Nhưng em ạ, dường như anh vô lý
Lúc đoạn trường anh đứt ruột khổ đau”.

Vì còn đau khổ nên ông vẫn cần ngôn ngữ, vẫn tin vào lời, dù lời của ông đã gần với không – lời, tư duy của ông đã gần với không – tư duy. Có lẽ, nhờ thế mà chúng ta có được một Bùi – Giáng – Tuyệt – Tự – Thi, một thứ thơ tuyệt vời ngôn ngữ (tự) và một nhà thơ không thể có người thứ hai nói dõi. Ông như một Bồ Tát không bước hẳn vào cõi vô ngôn, vô trí mà vẫn ở lại với Lời để cứu Lời.

Bùi Giáng là một trong những nhà thơ thuộc loại hiếm của gia tài thi ca dân tộc, đã chạm được một tay vào chính cái chỗ ta vẫn thường nói khi thảo luận về tôn giáo, đó là quyền năng. Nhưng ông không là một giáo chủ… mà là một nhà thơ đã nắm được quyền lực: quyền lực thi ca. Trong thế giới tâm linh – trực giác thiên khải đó và cuộc đời “vật dục – trần gian” u mê này, ông đã đi về như một “tự do cá nhân”, không một vết xước nhân quyền . Ông đã đạt cảnh giới thương thừa – Niết bàn thi sĩ !

Bài Liên Quan

Leave a Comment