GIÓ BẮC
Củi Tất Thành Cang khi nào được vào lò?
.
Ngày 19-12, báo Tuổi Trẻ TP.HCM đưa một thông tin đặc biệt chưa từng có tiền lệ: “Phân công người xử lý công việc thay ông Tất Thành Cang nghỉ phép”. Tuổi Trẻ cho biết ông Tất Thành Cang, ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, xin nghỉ phép từ ngày 17-12-2018 đến ngày 3-1-2019. Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đã có thông báo phân công bà Võ Thị Dung – Phó bí thư Thành ủy TP.HCM – xử lý công việc thường xuyên, hằng ngày của Đảng bộ TP.HCM trong thời gian ông Cang nghỉ phép.
Long trọng hơn nữa, thông báo phân công nói trên được gửi cho các thành ủy viên, Thường trực HĐND TP, Thường trực UBND TP; các ban Thành ủy, Ủy ban kiểm tra Thành ủy; các đảng đoàn, ban cán sự Đảng, Ban thường vụ Thành đoàn; các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở… để có sự phối hợp điều hành công việc của Đảng bộ TP 1
Việc cán bộ nghỉ phép là chuyện bình thường hàng năm, đâu có gì quan trọng báo chí phải thông tin long trọng như vậy? Chức vụ ông Cang cũng thường thường bậc trung, tầm ủy viên Trung ương Đảng thì cả nước có trên trăm vị. Điểm khác thường ở đây là Cang thuộc diện củi sắp vào lò. Sau những bê bối tự ý bán rẻ 32 ha đất ở Phước Kiểng, đầu tư 4 con đường hơn 12 km giá 12.000 tỷ và những sai phạm khác ở Thủ Thiêm, Tất Thành Cang trở thành tiêu điểm của dư luận xã hội, trở thành “tội đồ” bị người dân nguyền rủa, khinh miệt nặng nề trong bộ sậu sâu dân mọt nước của TP.HCM là Hải, Cang, Đua, Tín… Từ hai tháng qua, dư luận cứ nháo nhào đồn đoán việc Cang nhập kho, vào lò. Hiếm có cán bộ đang tại chức nào lại bị cộng đồng mạng công khai biếm nhẽ như Cang. Ngay cái tên họ đẹp đẽ của Cang cũng bị nói lái lại là Tan Thành C…. Trong đất nước mà quyền tự do ăn nói suy nghĩ bị bóp chặt, một giảng viên nói ra ý kiến phê phán cấp trên trong một trường đại học đã bị quy tội hình sự thế mà đối với Cang đương chức là Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội bị nhục mạ nặng nề nhưng hệ thống an ninh vẫn làm ngơ.
Không chỉ làm nhục trên diễn đàn mạng, một số nhà báo còn “bao vây” trước cổng biệt thự, quay clip như đang chờ đợi để ghi hình cảnh bắt và áp giải Cang. Facebook của nhà báo Phạm Việt Thắng, một cây bút được cho là có tính dự báo chính xác các vụ bắt giữ quan chức như Nguyễn Thành Tài, Trần Bắc Hà,… từ cuối tháng 11 đã nhiều lần úp mở việc bắt Tất Thành Cang. Ngày 15-11, Phạm Việt Thắng có status: “HOÀNG ĐẠO CHO TẤT THÀNH CANG”, 15/11 nhằm ngày 9/10 năm Mậu Tuất, là ngày Tân Hợi. Lại gặp tháng 10 là tháng Quý Hợi. Đích thị là ngày Hoàng đạo. Ngày này, về buổi chiều rất phù hợp cho việc công bố các kết luận của cấp trên đối với cấp dưới. Và, hợp nhất là các kết luận có nhận định “sai phạm rất nghiêm trọng”. Chiếu theo quẻ gieo hôm đầu năm, thì sao chiếu giữa đầu anh Sáu Cang rồi! 2
Thế nhưng cũng lại điều kỳ lạ là trái với bao dự đoán ngay cả với dự đoán của những cây bút chim lợn, đến nay Cang chỉ mới nghỉ phép mà chưa vào lò. So sánh về sai phạm Nguyễn Thành Tài mấy ngàn m2 đất ở Lê Duẩn với Cang thì tội của Tài chỉ là con kiến. Tài bị bắt không oan nhưng nhiều người vẫn ngậm ngùi vì ít ra trong thời đương chức Tài cũng từng lao tâm khổ trí thực hiện chương trình ba giảm. Vậy tại sao Tài nhập kho từ lâu còn Cang vẫn tự do nghỉ phép?
Nhà báo Phạm Chí Dũng khẳng định rằng Cang là cái lô cốt cuối cùng trước cổng nhà bố già Lê Thanh Hải. Đã bắt Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, đã điểm danh vợ con của Hải là Trương Thị Hiền, Lê Trương Hải Hiếu, đã kỷ luât Lê Tấn Hùng em Hải. Bắt Cang tất yếu sẽ đến Hải. Thế nhưng chừng như thực tế không dễ như vậy. Hơn hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch, rồi Bí thư Thành ủy, chắc hẳn bố già không chỉ vơ vét cho cá nhân mình mà còn khôn ngoan chia chác lợi ích con bò sữa Sài Gòn cho nhiều thế lực khác. Dù đã về hưu nhưng chắc hẳn Lê Thanh Hải không chịu bó tay làm củi cho lò của Tổng Bí Chủ tịch, mà phải có chiêu thức tự vệ. Chắc hẳn vây cánh của bố già không chỉ là đám đàn em thuộc cấp mà có cả những thế lực cao hơn.
Diễn biến của cuộc đốt lò tại TP.HCM cũng không phải hoàn toàn suôn sẻ. Ngày 15-11, Ủy Ban kiểm tra Trung ương công bố kết luận là Tất Thành Cang có nhiều “sai phạm rất nghiêm trọng” mà theo tiền lệ trước đó từ các tướng lĩnh đến Bộ trưởng, cụm từ này có nghĩa là thành củi. Thế nhưng ngày 19-11 Facebook của Lê Nguyễn Hương Trà, cũng là nguồn thông tin dự báo của phe lò lại cho biết 19-11
Thường vụ Thành ủy Tp. HCM hôm nay họp về vụ kỷ luật Tất Thành Cang. Kết quả có 9 phiếu cảnh cáo, 2 phiếu cách chức và còn lại 4 khiển trách. Chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ!
Như vậy tình hình địa phương về các vi phạm của 6C nhẹ hơn nhiều so với kết luận của UBKTTW!
Tin thêm về Tp.HCM.
Chiều cùng ngày, CQĐT BCA đã triệu tập đồng loạt ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, Đào Anh Kiệt – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, Lê Văn Thanh – Phó chánh văn phòng UBND Tp.HCM và Nguyễn Thanh Chương – Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Tp.HCM.
Bốn ông anh này liên quan v/v Vũ Nhôm, đã bị khởi tố hôm 18.9.2018; tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” 3
Thông tin của Hương Trà cho thấy có khoảng cách rất lớn về đánh giá khuyết điểm của Cang giữa phe lò và phe thành phố đương chức và liền theo đó phe lò đã có cú đánh bồi bắt giam Nguyễn Hữu Tín và đồng bọn. Thế nhưng, áp lực ấy chừng như chưa đủ mạnh trước cái lò hừng hực lửa, không rõ vô tình hay cố ý lần đầu tiên các quan chức đương nhiệm của TP lại công khai có ý kiến ngược lại với cấp trên.
Sáng 5-12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM, Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho hay theo tỉ lệ phân bổ ngân sách Trung ương quy định thì TP.HCM làm ra 100 đồng thì chỉ được chi 18 đồng, phần còn lại 82 đồng phải nộp về Trung ương.
Qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Khuê cho rằng năm 2019 TP.HCM không thể lạc quan tếu được dù ghi nhận sự chuyển biến tích cực của Thường trực UBND TP.HCM và nỗ lực của người dân TP.HCM. Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đạt khoảng 8,3% là một thành tích kỳ diệu.
“Khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi nói Bộ Tài chính cần đánh giá rõ trong bối cảnh Nghị quyết 54. Việc phân bổ ngân sách trong thời gian tiếp theo, Bộ Tài chính cần làm rõ định mức tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại chứ không thể làm theo cảm tính. Không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt sữa quá nhiều”, ông Khuê nói và cho biết thêm TP.HCM cần được “bồi dưỡng” tạo điều kiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân TP.HCM 4. Chỉ là Phó đoàn đại biểu Quốc Hội dám đưa hình tượng con bò bị cấp trên vắt quá nhiều sữa quả là sự can đảm hiếm thấy nếu không có một điểm tựa chính trị vững chắc nào đó.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong ngày kế tiếp của kỳ họp HĐND,khi đọc báo cáo tổng thể tình hình kinh tế – xã hội với đại biểu và cử tri thành phố Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, năm 2018, TP đối mặt với 5 khó khăn, thách thức lớn, trong đó có việc đón và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát từ các cơ quan Trung ương.
Nhiều vụ việc rất phức tạp, kéo dài từ các nhiệm kỳ trước, vô cùng khó khăn trong quá trình giải quyết như vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Quận 9, Dự án Safari huyện Củ Chi, Khu đất 8 – 12 Lê Duẩn, Khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng…
“Các cuộc thanh, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp TP nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính” – ông Phong nói.
“Nhiệm vụ năm 2019 rất nặng nề, nên không chỉ chính quyền các cấp mà cả hệ thống chính trị cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra” – ông Phong đề nghị 5. Trong khi cụ Tổng Chủ tịch đang hừng hào “ai không làm thì tránh ra”, phát biểu của ông Phong quả là sự thách thức. Ngày 17-12, tiếp xúc cử tri quận 1 ông Phong tiếp tục thể hiện quan điểm này: “hiện nay TP có hơn 90 dự án đang thanh tra. Ngoài ra còn có các cuộc điều tra, kiểm toán… Có những phòng chuyên môn ở Sở Tài nguyên và môi trường một tuần phải lên làm việc với cơ quan chức năng gần 20 lần. Điều này cũng khiến tâm lý cán bộ phần nào ảnh hưởng”.
Xét về vai vế, thế lực, ông Phong không đủ “tuổi” để cương với cấp trên, dư luận cho rằng ông dại mồm nhưng liệu ông có dại đến mức phải “tự sát” khi hoạn lộ đang thênh thang như vậy nếu không có thế lực đàng sau chống đỡ?
Không rõ ngẫu nhiên trùng hợp hay có sự sắp đặt nào đó từ ngày 3-12, một Kết luận thanh tra chính phủ về các dự án BOT của TP.HCM đã có từ tháng 6-2017 lại lọt ra đến tay các tài xế. Trong đó khẳng định trạm BOT An Lạc – An Sương đã hết hạn thu phí từ lâu và TP HCM tự xây thêm 4 cầu vượt để thu phí kéo dài đến 2033. Giới tài xế lập tức phản ứng, trạm thu phí phải thất thủ nhiều lần. Sở GTCC TP.HCM luôn chống chế là đã làm đúng luật, quy chụp các tài xế đấu tranh không mua phí là do Việt Tân tổ chức nhưng tiếp đó đã xuống nước, thực hiện miễn giảm cho người dân địa phương. Nhưng giới tài xế chưa thỏa mãn. Yêu sách của họ là phải bỏ trạm, chỉ thu phí trên từng cầu vượt. BOT An Sương – An lạc nằm trên trục Quốc Lộ 1 A đi qua TP.HCM hứa hẹn là điểm nóng chiến lược.
Trong một động thái khác, Facebook của Trương Huy San có bài viết Danh Sách Anh Hai được nhiều trang mạng chia sẻ, bài viết nhắc lại thủ đoạn tạo vây cánh của Lê Thanh Hải lúc mới nắm quyền không có gì mới mẻ. Điều quan trọng là trong bài khẳng định Nguyễn Thiện Nhân không nằm trong danh sách anh Hai và không nhắc đến tên Nguyễn Thành Phong. Phải chăng đây là tín hiệu của phe lò, muốn phân hóa Nhân, Phong với phe Hai Nhật, Tất Thành Cang?
Vấn đề là thế lực nào, sức mạnh nào dám cản ngăn công cuộc đốt lò của ngài Tổng Chủ tịch? Cần lưu ý rằng, Tất Thành Cang là Ủy Viên Trung ương Đảng, muốn bắt Cang, phải có quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của Bộ Chính Trị, muốn khai trừ Cang phải qua Ban Chấp Hành Trung ương biểu quyết. Phải chăng cái dớp việc bỏ phiếu tín nhiệm đồng chí X trong nhiệm kỳ trước đây làm Tổng Chủ tịch ngần ngại?
Một điều kiện khác là Cang là đại biểu Quốc Hôi đương nhiệm. Theo luật, muốn bắt Cang, ít nhất phải dược Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội quyết định đình chỉ tư cách đại biểu hoặc Quốc Hội miễn nhiệm. Phiên họp thứ 29 Ủy Ban này đã qua, phiên họp thứ 30 dự kiến diễn ra trước tết nguyên đán. Vì vậy, trước phiên họp này, Tất Thành Cang còn có thể ăn no ngủ kỹ. Việc Cang nghỉ phép và bàn giao công việc có thể là cách đình chỉ công tác ngấm ngầm để phục vụ điều tra nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho Cang khi các nhóm lợi ích, các bố già vẫn còn thương lượng thỏa hiệp với nhau chia chác quyền lợi, quyền lực của nhau trên lưng người dân Thành Phố.
Qua bao cuộc thanh tra, bao lời hứa, thời điểm giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm vẫn cứ bị kéo lùi vô hạn và hướng giải quyết vẫn là lỡ giải tỏa sai thì tiếp tục chiếm đất chứ không trả lại cho dân. Dù Cang này có bị bắt thì người thay thế vẫn chỉ là một Cang khác, của một nhóm lợi ich khác chứ không hề có người lãnh đạo thật sự vì dân như họ đã hứa.
Nguồn: Gió Bắc\’s Blog / RFA