ĐÔNGHẢI *
Di dân Việt \”dính\” tiền án bị trục xuất khỏi Mỹ – Vấn đề “tế nhị” của “Little Saigon”
.
“(Họ cho rằng- PV) mấy người này là mấy người tội phạm, qua bên Mỹ này làm nhục nhã người Việt Nam. Tại sao không lo sống đàng hoàng. Ở tù ra khám rồi bây giờ khóc lên khóc xuống rồi kêu cộng đồng cứu vớt.”
Đây là quan điểm của rất nhiều người trong cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ, khi nói về những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995, nhưng do có tiền án nên không được nhập quốc tịch, và đang đứng trước nguy cơ bị trục xuất trở lại Việt Nam. Tùng Nguyễn, người sáng lập Asians & Pacific Islanders Re-Entry of Orange County (APIROC) cho biết đang cố gắng để thay đổi cách nhìn này của cộng đồng.
Đó cũng chính là lí do mà anh cùng với những người bạn của mình trong mạng lưới Vietnamese Anti-Deportation Network (tạm dịch là Mạng lưới người Việt chống việc trục xuất) hôm 15/12 đã tổ chức một cuộc tuần hành mang tên “Bảo vệ người tị nạn” trước cửa trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ, thành phố Westminster, California, nơi được mệnh danh là Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn.XEM THÊM:
Biểu tình tại Little Saigon chống trục xuất người Việt tị nạn
Tại đây, bằng cách kể lại những câu chuyện của chính bản thân mình, một người tới Mỹ từ khi còn nhỏ, phạm tội giết người cướp của năm 16 tuổi, hoàn lương làm lại cuộc đời sau khi được trả tự do, đối mặt với lệnh trục xuất, và cuối cùng được ân xá bởi Thống đốc bang Califronia Jerry Brown vào đầu năm nay; anh Tùng hi vọng cộng đồng sẽ cảm thông và giúp cất lên tiếng nói để chính quyền TT Trump thay đổi chính sách cương quyết trục xuất những di dân dính tiền án như anh.
Theo luật di trú Mỹ, những di dân chưa nhập quốc tịch nếu phạm tội đại hình, sẽ bị trục xuất. Nhưng một thoả thuận kí năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, trong một thời gian dài, đã bảo vệ những người Việt qua Mỹ tị nạn trước năm 1995 khỏi bị trả ngược lại về nguyên quán, cho dù họ có phạm tội đi chăng nữa. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, chính quyền của TT Trump đã cố gắng diễn giải lại thoả thuận này, và bắt đầu thương lượng, gây sức ép để phía Việt Nam nhận lại cả những người di dân phạm tội tới Mỹ trước năm 1995.XEM THÊM:
Chính quyền Trump sẽ trục xuất tù hình sự gốc Việt đến Mỹ trước 1995
Buổi tuần hành của mạng lưới Vietnamese Anti-Deportation Network thu hút được hàng trăm người tham dự, chủ yếu là những người gốc Việt trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Đây cũng là những thành phần tích cực nhất lên tiếng chống lại việc trục xuất của chính quyền TT Trump. Tuy nhiên, khác với nhiều cuộc biểu tình thường thấy tại Little Saigon, không có nhiều các bậc cao niên tới ủng hộ cuộc tuần hành “Bảo vệ người tị nạn” này, và đặc biệt, theo anh Tùng, hầu như vắng bóng những gương mặt chính khách gốc Việt tiêu biểu trong vùng.
“Đây là vấn đề tế nhị”
Trả lời phỏng vấn của VOA Tiếng Việt, ông Trí Tạ, thị trưởng thành phố Westminster, nơi diễn ra cuộc tuần hành cho biết ông và lãnh đạo thành phố “do có quá nhiều công việc” đã không thể tới tham dự. Nhưng ông cho rằng bản thân cộng đồng người Việt cũng có những quan điểm trái chiều về vấn đề những người di dân có tiền án bị trục xuất.
“Những người gốc Việt trẻ tuổi thì rất quan tâm, muốn tranh đấu để giúp cho những người này (di dân Việt có lệnh trục xuất- PV) có thể có cơ hội ở lại Hoa Kỳ. Còn những người Việt trung và cao niên thì giữ quan điểm cho rằng đã sang tới Hoa Kỳ thì tuân thủ luật pháp tại đây là vô cùng cần thiết.”
“Đây là một vấn đề phải nói là vô cùng tế nhị đối với tập thể người Việt tị nạn tại đây” ông Trí Tạ cho biết thêm.
Trong khi đó, một số luật sư, nhà văn, thẩm phán di trú gốc Việt có tiếng trong cộng đồng lại lên án chính sách của chính quyền TT Trump kiên quyết trục xuất những di dân người Việt có tiền án, tới Mỹ trước năm 1995 là vô nhân đạo, bất công.
Sự chia rẽ này cũng thể hiện khá rõ nét trên các trang mạng xã hội. Cụ thể tại Facebook của VOA Tiếng Việt hay trên những trang báo cộng đồng như Người Việt, dưới những bài viết về vấn đề trục xuất di dân người Việt thu hút được rất nhiều bình luận của khán giả, mà phần lớn trong số đó chỉ trích những di dân phạm tội, ủng hộ đối với việc trục xuất những người di dân có tiền án, dù cho họ tới Mỹ trước hay sau năm 1995.
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, luật sư Nguyễn Quốc Lân – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Học khu Garden Grove cho biết:
“Thực tế những người này không hẳn là những người phạm tội không, họ là những người trẻ ra đi trong thời kì ngay sau chiến tranh Việt Nam, thiếu sự chuẩn bị để đối phó với sự hội nhập vào xã hội của Hoa Kỳ. Hầu hết những chuyện phạm tội này đã diễn ra từ lâu rồi, mấy chục năm nay rồi, họ đã hội nhập với xã hội, đã thành công, có gia đình, có cơ sở thương mại, rồi đùng một cái đòi trục xuất họ thì nó rất là vô lý.”
“Chính phủ Hoa Kỳ cần có chính sách đặc biệt để đối phó trong trường hợp này, hoặc tối thiểu cần phải xét lại tất cả những hồ sơ này để coi tuỳ trường hợp của mỗi người xem có đáng hay không đáng bị trục xuất, dựa trên những tiêu chuẩn về luật di trú hiện hành của chính phủ Hoa Kỳ.” ông Lân nói thêm.
Chính sự chia rẽ này khiến cho nhiều chính khách gốc Việt, còn khá dè dặt trong việc thể hiện quan điểm về vấn đề này, một chính khách gốc Việt giấu tên nói với VOA Tiếng Việt. Ngoại trừ trường hợp của Dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy, người đại diện cho một khu vực chỉ có một lượng nhỏ cử tri gốc Việt.
Trong một Twitter bà Murphy nói: “Là một người Mỹ, tôi lo ngại sâu sắc việc [chính quyền Trump] cố gắng tái đàm phán Bản ghi nhớ 2008 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, liên quan đến khả năng trục xuất những người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ trước năm 1995.”
“Tôi yêu cầu chính quyền [Trump] hãy chú ý đến các hậu quả của việc đề xuất chính sách này đối với hàng ngàn gia đình,” bà Murphy nói tiếp.
Còn theo luật sư Nguyễn Quốc Lân, sự dè dặt này còn do áp lực đến từ những cử tri không phải gốc Việt:
“Nếu họ (những dân biểu gốc Việt) là thành viên của đảng Cộng Hoà, họ sẽ phải đối phó với những di dân không phải là gốc Việt, mà là cư dân gốc địa phương. Họ sẽ cho rằng những vị dân cử này cũng dung túng những thành phần di dân bất hợp pháp, đồng nghĩa với việc không cứng rắn với người di dân giống như chính sách của đảng Cộng Hoà.”
Tuy nhiên, vị luật sư theo đảng Cộng Hoà này cũng tin rằng trong thời gian ngắn tới, một số vị trí dân cử gốc Việt tại khu vực Quận Cam, California sẽ phối hợp cùng với những dân biểu cấp liên bang như Dân biểu Alan Lowenthal lên tiếng ủng hộ cuộc tranh đấu của những người di dân nằm trong diện trục xuất giống như anh Tùng trước đây.XEM THÊM:
Dân biểu Mỹ kêu gọi chính quyền Trump đừng trục xuất di dân Việt qua trước 1995
Và đó cũng là những gì mà Tùng và những người bạn của mình mong đợi – những tiếng nói ủng hộ từ các chính khách gốc Việt, những người có khả năng tác động lên Bộ Ngoại giao cũng như Toà Bạch Ốc để có được một chính sách nhân đạo hơn đối với những di dân Việt trong diện trục xuất.
“Cái lầm lỗi của tuổi vị thành niên không thể đeo bám người ta suốt đời được. Người Việt nam mình rất là vị tha, hi vọng người Việt Nam sẽ thương xót, và giúp đỡ cho thiểu số không có tiếng nói, không dám nói” anh Tùng chia sẻ.
Nguồn: VOA