MAI VÂN / RFI *
Vì sao Mỹ quyết định \”đánh\” Hoa Vi vào lúc này ?
.
Ngay từ năm 2012, tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Theo một báo cáo của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Hoa Kỳ, tập đoàn Trung Quốc này đặt ra một mối đe dọa cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ vì sản phẩm của Hoa Vi có thể bị sử dụng vào mục tiêu gián điệp. Thế nhưng phải chờ đầu tháng 12 năm 2018 này, thì Mỹ mới ra tay “đánh” mạnh, với việc yêu cầu Canada bắt giữ nữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Hoa Vi, chờ dẫn độ qua Mỹ để xét xử về cáo buộc vi phạm cấm vận Hoa Kỳ đối với Iran.
Từ lúc vụ việc được tiết lộ, giới báo chí và các chuyên gia không ngày nào mà không có bài viết về sự kiện chấn động này, đặc biệt là tìm hiểu lý do Hoa Vi bị Hoa Kỳ chú ý. Trong một bài phân tích được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post công bố hôm 12/12/2018 vừa qua, Tom Holland, một nhà báo kỳ cựu về châu Á, đã đặt vụ Hoa Vi vào trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang hết sức gay gắt để cho rằng “Đừng hỏi vì sao Mỹ đánh Hoa Vi, mà nên hỏi vì sao vào lúc này – Don’t ask why US acted against China’s Huawei. Ask: why now?”.
Dấu hiệu rõ nét của “chiến tranh lạnh kinh tế” Mỹ-Trung
Đối với nhà báo của tờ South China Morning Post, vụ bà Mạnh Vãn Châu bị Mỹ làm khó dễ rõ ràng là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế Mỹ-Trung đang càng lúc càng gay gắt, bất chấp thỏa thuận “hưu chiến” hôm 01/12/2018, giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại Buenos Aires (Achentina).
Theo tác giả bài phân tích, Trung Quốc quả là đã có dấu hiệu rất lúng túng trước động thái cứng rắn bất ngờ của phía Mỹ. Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt đúng vào ngày hai ông Trump và Tập chuẩn bị gặp nhau, tức là hôm 01/12, nhưng thông tin đã bị bịt kín (và phải chờ đến ngày 05/12 mới được tờ báo Canada Globe and Mail tiết lộ).
Theo Tom Holland, dường như luật sư của giám đốc Hoa Vi đã tìm cách ngăn chặn thông tin, trong khi chờ đợi Bắc Kinh gây sức ép lên Ottawa và Washington để bà được trả tự do.
Đến khi tin tức vụ bắt giữ được tiết lộ, thì phía Trung Quốc đã lớn tiếng tỏ thái độ phẫn nộ : Đại sứ Trung Quốc tại Canada đã lên tiếng tố cáo việc giam giữ bà Mạnh Vãn Châu, cho rằng “quyền con người của nạn nhân bị tổn hại nghiêm trọng” và cam kết dùng “tất cả các biện pháp để kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Trung Quốc”.
Đối với nhà báo Holland, giọng điệu bị sốc này có một cái gì đó giả dối. Nếu đại sứ Trung Quốc chắc chắn là vụ bắt giữ này là sai trái, thì lúc đó ông có thể đệ trình một lệnh pháp lý (a writ of habeas corpus) yêu cầu đưa ngay bà ra trước một tòa án để xác định tính hợp pháp của việc bắt giữ. Nhưng đại sứ Trung Quốc đã không làm điều đó.
Có nhiều lý do cho việc này. Có lẽ đại sứ không quen với thủ tục pháp lý này, có thể là vì ở Trung Quốc không có loại quyền này, hay là vì Trung Quốc bối rối khi phải dựa trên luật của nước khác để bà Mạnh được trả tự do, trong khi chính người dân Trung Quốc trong nước lại không được bảo vệ trước các vụ bắt bớ tùy tiện.
Một lý do khác nữa là đại sứ Trung Quốc không dám chắc chắn là vụ bắt giữ thiếu cơ sở.
Hoa Vi đã bị chính quyền Mỹ đưa vào tầm nhắm từ lâu
Dẫu sao, theo tác giả bài viết, những nghi ngờ về Hoa Vi và bà Mạnh Vãn Châu liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran không có gì mới mẻ.
Năm 2012, Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ đã ra một báo cáo về kết quả một cuộc điều tra nhắm vào Hoa Vi. Ủy Ban đã mở rộng mạng lưới điều tra, thậm chí còn phỏng vấn cả nhà báo của tờ South China Morning Post về cách điều hành và hoạt động kinh doanh của Hoa Vi.
Một trong những chỉ trích được nêu lên là Hoa Vi đã từ chối không trả lời câu hỏi của Ủy Ban về hoạt động của tập đoàn ở Iran, và đã không chứng minh được là họ đã tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ.
Sau đó, vào năm 2013, hãng tin Anh Reuters đã loan tin về một công ty con của Hoa Vi, mà bà Mạnh từng làm giám đốc, đã tìm cách bán sang Iran thiết bị viễn thông mà tập đoàn Mỹ Hewlett Packard sản xuất, bất chấp các lệnh cấm của Mỹ vào thời đó.
Tuy nhiên, điều mà Reuters không nói đến là công ty Iran đối tác của công ty con của Hoa Vi, cho đến hai tháng gần đây, còn là một công ty của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, can dự rất nhiều vào chương trình hạt nhân Iran.
Và như thế, bà Mạnh không chỉ vi phạm cấm vận của Mỹ mà còn vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và điều đó có nghĩa là vi phạm cả luật Canada, và đó chính là cơ sở biện minh cho việc cho dẫn độ bà sang Mỹ.
Vì sao Mỹ lại đánh Hoa Vi trong khi có nhiều công ty khác cũng phạm luật
Hoa Vi không phải là tập đoàn quốc tế duy nhất vẫn làm việc với Iran. Một số đã bị trừng phạt như Standard Chartered và tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE; nhưng phần đông thì không bị phiền hà, trong đó có cả các tập đoàn Mỹ lẫn Trung Quốc. Thế nhưng tại sao Mỹ lại truy Hoa Vi ?
Nguyên do thứ nhất là vì Hoa Vi, theo nhận định phổ biến ở Washington, là một tập đoàn thương mại thành công nhưng cũng phục vụ mục tiêu do thám chính trị, quân sự, công nghiệp, một cánh tay tình báo của quân đội Trung Quốc.
Sự tin tưởng này cũng dễ hiểu vì ông Nhậm Chánh Phi, nhà sáng lập Hoa Vi và là cha của bà Mạnh Vãn Châu, nguyên là một kỹ sư, sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc, nhưng chuyên ngành là gì thì vẫn chưa rõ.
Nhưng đó chỉ là những tin cũ. Theo một viên chức tình báo phương Tây, các cơ quan gián điệp phương Tây từ lâu đã biết được vai trò thu thập thông tin của Hoa Vi, và đã tương kế tựu kế cung cấp thông tin sai lệch cho Trung Quốc theo kiểu thường gọi là “Concordski”.
Cái tên này chỉ chương trình của Liên Xô trong những năm 1960, 1970 nhằm phát triển một loại phi cơ cạnh tranh với máy bay hành khách siêu âm Concorde, do Anh và Pháp hợp tác chế tạo. Câu chuyện được lưu truyền trong giới tình báo là gián điệp Nga đã móc nối được với một kỹ sư Anh Quốc để có được sơ đồ chi tiết của chiếc Concorde.
Nhưng nhờ biết tin trước, phía Anh đã cung cấp cho điệp viên Liên Xô sơ đồ ngụy tạo. Máy bay Nga chế tạo theo thiết kế đó đã bị rơi trong lần biểu diễn quốc tế đầu tiên, ở triển lãm hàng không không gian Paris 1973, và sau đó rơi một lần thứ hai. Sau tai nạn thứ hai đó, kế hoạch về máy bay này đã bị bỏ đi.
Tại sao đánh Hoa Vi vào lúc này?
Tuy nhiên, theo Tom Holland, trong vụ Hoa Vi, câu hỏi quan trọng hiện nay không phải là thế nào hay tại sao Mỹ có hành động chống Hoa Vi mà là “tại sao vào lúc này ?”
Một giả thuyết cho rằng “bánh xe công lý” của Mỹ luôn luôn quay rất chậm, và các cuộc điều tra khởi xướng từ cách đây 5-6 năm, giờ đây mới có được đủ bằng chứng để biện minh cho một vụ bắt giữ.
Tuy nhiên Tom Holland cho rằng điều này không hợp lý. Chính quyền Mỹ có thể sẵn sàng thu hồi các kế hoạch tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn có thể tác hại đến người tiêu dùng Mỹ. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy là cuộc chiến tiêu hao của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn.
Hành động của Mỹ chống lại Hoa Vi do vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ gây thiệt hại nặng nề, thậm chí là làm tê liệt tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc.
Trong số 92 nhà cung ứng cốt lõi cho Hoa Vi, có tới 33 công ty là các tập đoàn Mỹ, trong đó có các nhà sản xuất chip như Intel, Qualcomm, Broadcom, Marvell và Micron. Nếu Washington cấm các công ty này bán cho Hoa Vi, tập đoàn viễn thông khổng lồ này của Trung Quốc sẽ rất khó khăn để tồn tại.
Nói tóm lại, những nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu, hoặc ít ra là kềm hãm sự phát triển của nền công nghệ Trung Quốc, vẫn tiếp diễn. Thương mại có thể đình chiến nhưng cuộc chiến công nghệ vẫn chưa ngã ngũ. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ còn đưa ra nhiều hành động gây áp lực hơn nữa.
Và như vậy, Tom Holland kết luận một cách dí dỏm là vào lúc này, nếu một giám đốc điều hành của một công ty công nghệ Mỹ có ý định đến Trung Quốc – hoặc là một giám đốc điều hành Trung Quốc muốn qua Mỹ – họ nên xét lại kế hoạch du lịch hoặc công tác của mình, đặc biệt nếu muốn năm nay được đón Giáng Sinh cùng gia đình.
Nguồn: RFI