Ái Tình Và Con Chó

Chuly sưu tầm

Ái Tình Và Con Chó
Tác Giả: Đặng Mỹ Hạnh.

Nhà thơ Ngu Yên viết:
“Em muốn nuôi con chó
Chó biết vui mừng khi gặp em
Biết sủa dọa người lạ đeo đuổi
Biết quẩn quanh khi thấy em buồn
Anh nghĩ
Anh làm hay hơn chó
Em muốn nuôi con chó
Anh đi suốt một tuần
Tìm mua con chó lớn
Hôm qua sinh nhật em
Anh mang tặng con chó
Vui mừng khi gặp em
Sủa dọa đuổi người lạ
Quanh quẩn khi em buồn
Sao không ôm lấy nó?
Khi anh cất tiếng sủa ái tình
Sao em sợ bỏ đi!”
(Ái tình và con chó- Ngu Yên)

1.
Kèn cựa với nỗi sầu đông, tôi thủ thỉ với chồng, “Honey, em muốn nuôi một con chó!”
Chồng bảo, “Dọn chồng, dọn con chưa đủ sao giờ em còn muốn dọn tới chó.”
“Con chó còn biết âu yếm chủ.” Tôi tỉnh queo. Chồng vẻ hơi gầm gừ.

Niềm hy vọng chẳng thể tan như bọt sóng. Mấy tháng ỉ ôi, tôi luôn chạm mặt với cái lắc đầu quầy quậy, “Nuôi chó, phiền toái lắm em. Mà có anh rồi, em cần gì… chó! ” Anh ngày càng, vẻ như rất đồng cảm với những cảm từ của thi sĩ Ngu Yên, “Khi anh cất lên tiếng sủa ái tình. Sao em sợ bỏ đi! “

Tìm một chú cún để cưng đến héo hắt cả những nhịp gầy. Tôi gú gồ với đủ giống gâu gâu. Giống chó Chihuahua, màu lông giống cái lạp xưởng. Có giống chó poodlle, lông vàng mơ, cặp tai lù xù đến dễ yêu; có giống chó Samoyed, lông trắng khoang vàng, giống chó fox sóc thì mắt nai tơ ngơ ngác.

“Sao em không kiếm con Bull dog? “ chồng góp ý.

“Em khó thích được cái vẻ phụng phịu và ‘sang chảnh’ của nó!” Tôi làu bàu, “Nhưng em vừa tìm được một con cún lai Nhật, tía là chó ta, má nó là chó Nhật, dễ yêu không chịu nổi.”

Một ngày, anh gửi cái link qua cell, “Honey, em coi thử rồi cho anh biết. GẤP!”

Tôi mở đường link, và như bị thôi miên bởi hình ảnh của một chú cún con, cái mũi đen nhỏ như trái nho khô giữa hai đốm mắt sáng tròn vo. Bốn cẳng cũn cỡn như đang mang những chiếc vớ trắng. Con cún mang bộ lông xù ngủ đông của con gấu nâu nhỏ. Tuyệt đẹp!

Chồng bảo, “Em phải quyết định gấp, có mấy người đang xếp hàng đợi mua nó!” Tôi gật đầu say yes lia lịa trong cái text message.
2.
Ở tuổi đời chưa đến lúc nghe đau cái khuỷu gối, tôi như chui vào cái vỏ ốc bị lãng quên lâu ngày trong xó tủ. Nỗi sầu, càng lắc càng đong. Anh thông báo, “Con cún cưng của em sắp về nhà, Thứ Sáu này; nó đi máy bay từ Chicago, ngốn một vé ngồi.”

Chồng chu đáo cập nhật một cái danh sách thậm thượt, từ những vật dụng cần thiết cho một thành viên bốn cẳng sắp nhập gia: giấy chích ngừa, giấy khám bịnh, giấy bảo hiểm sức khỏe, giấy hướng dẫn cách cho uống thuốc trụ sinh, chương trình huấn luyện. Chưa kể đến cái bảng giấy dán sau xe bumper sticker, cảnh báo “XE CHỞ CHÓ CON!” Vật dụng “cá nhân” thì linh tinh từ cái giường chó con, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà bông tắm gội, đồ cắt móng chân; chuồng chuyên chở (có lót khăn và thức ăn/uống), thức ăn cho chó, bánh thưởng, đồ chơi, thẻ bài có khắc tên, số phone…

Ðón nhận món quà từ chồng với cả sự hân hoan, tôi hài hước, “Có con chó con rồi, em cũng vẫn cần nghe những tiếng sủa ái tình!”
3.
Tôi đặt cho cún con cái tên “Teddy”- là con gấu nhồi bông Teddy bear bởi cái sắc lông xù đầy ấn tượng.

“Okie, máy bay của Teddy sẽ đến 4 giờ chiều, anh vừa nhận được cái text báo,” mấy ngón tay chồng nhịp nhịp, ra vẻ háo hức.

Khổ nỗi, cái địa chỉ chết tiệt làm ta chạy vòng vòng, ta chạy vòng quanh hơn cả giờ đồng hồ. Tôi hồi hộp, chỉ sợ trễ giờ đón Teddy.

Cái chuồng chó con vừa đặt xuống đất, tôi bồn chồn mở cánh cửa nhỏ. Teddy nhà ta tông cửa nhào ra. Tôi ôm chú cún con trong lòng, bồi hồi một cảm xúc yêu thương khó tả. Cún con xơ xác lông tóc sau mấy giờ “ngồi máy bay”, cún chỉ muốn thoát khỏi cái cũi nhỏ đáng ghét.

Tôi ngồi băng sau ghế với cái lồng cún. Teddy ư ử, cặp mắt như hai viên bi nâu tròn, hé nhìn qua cái song cửa nhỏ. Cặp mắt cún con mang nỗi bơ vơ, ngơ ngác đến thương cảm. Sau vài vòng xe cua quẹo, con cún nhỏ chắc đã xỉn máy bay, bỗng bật dậy, ào ạt một tràng ói.

Andy ở ghế trước, hốt hoảng, “Chết, anh sợ nó bịnh mất. Tội nghiệp quá!”

“Nó chỉ mệt vì đi máy bay. Về nhà sẽ okie mà,” tôi trấn an tài xế lang quân.

Tôi mang theo ống thuốc Nutri- Cal theo lời căn dặn của bác sĩ Thú y. Tôi chưa từng nghe đến cái chuyện chó con đi máy bay cũng bị ngầy ngật, chóng mặt! Xã hội Mỹ nhân đạo với cả loài vật. Chỉ nghĩ đến cái khẩu ngữ “Chó là bạn, không phải thức ăn” mà đến cả 5 triệu cái mạng chó bị giết mần thịt mỗi năm ở Việt Nam. Những con chó sủa chung một thứ tiếng sủa đau đớn. Mọi cảm giác chợt nhiên lắng xuống thật sâu – và đậm.
4.
Teddy bé xíu, chỉ nặng hai pound rưỡi. Sợ lỡ “đạp” lầm chú cún cưng, tôi có sáng kiến chạy mua mấy cái lục lạc đeo cổ. Cái âm thanh lục lạc vui tai, trở nên quen thuộc trong ngôi nhà nhỏ.

Mấy ngày đầu, vợ chồng và nhóc con nhà tôi bị cún con “quần” bầm giập. Cái đêm đầu bị nhốt vô cũi, cún con ư ử, tiếng kêu rên tựa tiếng trẻ oe oe giữa khuya.

“Có thể, nó chẳng muốn phải bó buộc trong cái chuồng chật chội. Chỉ làm nó trở nên hung dữ hơn. Nó chỉ là ‘baby’ nên cần hơn sự chăm sóc, gần gũi,” tôi mở cửa chuồng, đau lòng nhìn cặp mắt van lơn của chú cún nhỏ.

Tôi đã không nhốt Teddy vào chuồng, kể từ cái đêm đầu tiên mang cún về nhà. Chẳng hiểu sao, tôi cảm nhận nơi chú cún con này, một cái bản tính thật… hiền lành. Chồng chọc ghẹo, “Em nuôi chó để giữ nhà, hay làm chó kiểng mà thích chó hiền.” Có ai thích chó dữ cắn người bao giờ? Tôi lý lẽ.

Teddy đi bác sĩ. Bác sĩ phán: “Y bạ của Teddy cần có họ để phân biệt với nhiều Teddy khác.” “Nó sẽ lấy cái họ Ðặng”, tôi hehe khoái trá. Ông bác sĩ khen, Teddy không có tính hung dữ, nó sẽ là một con chó rất trung thành với chủ.” Cún là giống chó không rụng lông, cái chip đã gắn sẵn dưới lớp da, cún con có lạc tới châu Phi, cũng tìm lại được. Ôi nước Mỹ, tôi có ngàn lần biết ơn, cũng chẳng đủ!

Teddy thông minh, chỉ vài ngày đã biết tiêu tiểu đúng chỗ. Tôi ‘huấn luyện’ cún cách “vệ sinh đúng chỗ” Ðặt một miếng training pad ở góc bếp, mỗi lần vậy cún tè hay đi tiêu đúng chỗ, tôi thưởng cho cún cưng một cái bánh cookie tí tẹo có hình dạng cái xương chó. Nước Mỹ yêu chó mèo đến độ ngoài thức ăn chính, ăn phụ, đồ chơi, còn là mấy cái món snack ăn chơi đủ mùi vị; từ cái bánh cookie đến trái cây sấy khô… Món gì cũng cắt cổ.

Ở cái tuổi mọc răng, cái “ tố chất tàn phá” ngày càng… phát huy cao độ. Mấy khúc xương giả nhai đỡ ngứa răng, tốn mười mấy đồng bạc rồi cũng chỉ lăn lóc trong xó nhà. Cún con chỉ thích quậy với mấy thứ “hàng thiệt” như vớ, giầy, thảm, áo… Tôi hy sinh đôi dép lẹt xẹt đi trong nhà để cún nhâm nhi, mấy đôi vớ cũ của chồng cũng đem ra làm vật tế thần cho mấy cái răng sữa đang mọc.

Cái thời khóa biểu của cuộc đời bỗng nhiên chật chội từ việc tắm chó, rửa chân cún mỗi lần dẫn đi dạo, cho ăn, đi khám bịnh. Chưa kể, mỗi ngày tôi phải lăn bò làm bạn với cún.

Ðời đã hom hem, thêm rộn ràng tiếng leng keng. Tôi không cảm giác phiền toái bởi sự yêu thương, chăm sóc một chú cún con. Cuộc đời, đã thiếu quá nhiều sự ân cần đáng có. Ðàn bà, vốn là biểu trưng của cực âm – một cái gì đó rất băng giá. Thế nên, họ luôn tìm một cái gì ấm áp để tựa vào. Sự khác biệt giữa người đàn bà cô đơn và cô độc: Người đàn bà cô đơn tự vòng tay ôm lấy mình – Người đàn bà cô độc ngạo nghễ, ôm lấy cả một cõi đời thênh thang của những đam mê, hoài bão và niềm vui… họ chẳng cần ai để vui thú cùng.

Khi một người đàn bà nói rằng họ cần một con chó nhỏ. Có thể, nàng chỉ là một người đàn bà hạnh phúc trong nỗi cô độc của riêng mình…
5.
Tôi “tếch” cho ông anh yêu quý, khoe hình Teddy, “Teddy Ðặng, 8 tuần, mẹ Nhật, cha Úc. Lai…vất vả!”

“Too cute. Là chó đực hay cái?” ông anh tò mò.

“Chó đực”, tôi tự hào.

Ông anh, đánh cái dấu mặt cười toét, “Okie, vậy nó là Ðặng văn Teddy!”

ĐMH

Bài Liên Quan

Leave a Comment