“Trí” được phân làm 4 loại: Trí thức, trí ngủ, trí dỏm, trí gian

 Chuly sưu tầm

“Trí” được phân làm 4 loại: Trí thức, trí ngủ, trí dỏm, trí gian

Trí thức là gì? Làm sao để biết được một người có phải là trí thức hay không? Dưới đây là quan điểm của nhà nghiên cứu giáo dục Giản Tư Trung…

Thế nào là trí thức?

Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về trí thức, mỗi góc nhìn lại cho ta một cách hiểu về trí thức và vai trò của trí thức. Nếu ta có được nhiều góc nhìn về một vấn đề thì ta sẽ có cơ hội hiểu vấn đề đó một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, vì khi đó không chỉ thấy “cây”, mà còn thấy “rừng”.

Trong phạm vi bài viết này, từ một góc nhìn, tôi cho rằng, trí thức là người có trí và luôn dùng cái trí của mình để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp.

Nếu ai đó “có trí” (sự hiểu biết) nhưng lại “không thức” (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội “ngủ” thì bị gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Nếu ai đó thích làm cái việc của trí thức là “đánh thức xã hội” nhưng lại “thiểu trí”, “lệch trí” hay “vô trí” thì gọi là “trí dỏm” (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng, hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ẫu trĩ). Và nếu ai đó “có trí”, “có thức”, nhưng “thiếu tâm” (thiếu động cơ trong sáng) thì gọi là “trí gian” (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả 2 loại “trí dỏm” và “trí gian” đều là “ngụy trí thức”, còn “trí ngủ” là “trí thức vô trách nhiệm”.

Có thể hình dung ba điều kiện để hình thành một con người “trí thức”, đó là: (1) “sự hiểu biết” (có trí); (2) “thức tỉnh xã hội”; và (3) “vì mục đích cao quý” (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân-thiện-mỹ). Nếu không hội đủ cả 3 điều kiện này (mà chỉ có 1 hay 2 trong 3 điều kiện) thì hoặc là “trí ngủ”, hoặc là “trí dỏm”, hay “trí gian”, chứ không phải là “trí thức”. Hay nói một cách nôm na, trí thức là người “có Trí”, “có Thức” và “có Tâm” (có 3T).

Từ cách hiểu này, chúng ta có thể thấy rằng, bàn về trí thức hay bàn về vai trò của trí thức thực chất cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết.

Ở bất cứ xã hội nào thì sứ mệnh của trí thức vẫn thế. Và đối với những xã hội mà trong đó còn đầy rẫy sự bất thường thì một trong những sứ mệnh lớn nhất của trí thức chắc hẳn là góp phần đưa sự bất thường đó trở về sự bình thường. Nói cách khác, trong những xã hội mà sự bất thường của sự việc, sự vô minh của cái đầu, vô cảm của trái tim đang bao trùm thì trách nhiệm của người trí thức, của những người có hiểu biết còn nặng nề hơn (vì có quá nhiều cái cần phải khai sáng, cần phải thức tỉnh) và nguy hiểm hơn (vì không dễ dàng gì để làm cái chuyện khai sáng hay thức tỉnh trong những xã hội này).

Nhưng, đã là người có hiểu biết thì không thể không làm gì cả, bằng cách này hay cách khác, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù ồn ào hay lặng lẽ…

Bài Liên Quan

Leave a Comment