Báo Anh: Hiểm họa xung đột Mỹ-Trung vì thiếu giao lưu quân sự
Phái đoàn Trung Quốc và Mỹ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Achentina, ngày 01/12/2018.REUTERS/Kevin Lamarque
Không khí lễ tết tràn ngập các tuần báo dịp cuối năm này vẫn không che khuất được một số vấn đề thời sự nóng bỏng. Tờ The Economist ở Luân Đôn, dù dành hồ sơ lớn cho một « Số kép Giáng Sinh – Christmas Double Issue » – tựa chữ đậm ở trang bìa, nhưng ở trang trong đặc biệt chú ý đến một khía cạnh đáng ngại của cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang diễn ra : Đó là nguy cơ bùng nổ xung đột do hiểu lầm giữa hai quân đội.
The Economist nhấn mạnh rằng « hiểm họa của một cuộc chiến tranh nóng đáng lo ngại hơn một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung », mà khả năng tránh được phải là « thông tin liên lạc tốt hơn giữa các lực lượng vũ trang » của hai bên.
Thế nhưng, đây chính là vấn đề. Theo nhận xét của tuần báo Anh, Mỹ hiểu rất rõ về nhu cầu thiết lập các kênh liên lạc và duy trì giao lưu với quân đội Trung Quốc, nhưng các đề nghị hay sáng kiến của Washington đã bị phía Bắc Kinh làm ngơ, hoặc tiếp nhận một cách miễn cưỡng.
Fax vẫn là phương tiện liên lạc quân sự chính thức Mỹ – Trung
Bài viết mang tựa đề đơn giản « Hiểu lầm quân sự », đã mở đầu bằng một chi tiết ít được biết đến : Phương tiện liên lạc quân sự chính thức hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là máy fax.
Đối với The Economist, việc hai bên vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu này là dấu hiệu rõ rệt về tình trạng thiếu đối thoại hiệu quả đáng lo ngại giữa hai lực lượng vũ trang.
Trong bối cảnh cả hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở miền tây Thái Bình Dương ; với việc Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, tàu thuyền và máy bay của hai nước hầu như mỗi ngày đều hoạt động gần nhau, thường xuyên tạo ra nguy cơ một vụ va chạm trên không hoặc trên biển leo thang thành xung đột vũ trang.
Vào lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã căng thẳng về thương mại và một loạt các vấn đề khác, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng, cũng dễ hiểu là hai bên cần cố gắng giảm bớt nguy cơ biến cuộc tranh chấp kiểu chiến tranh lạnh của họ hiện nay thành chiến tranh thực thụ.
Có giao lưu, nhưng hời hợt vì Bắc Kinh thiếu hợp tác
Theo tuần báo Anh, trong thời gian qua, quả đúng là hai quân đội Mỹ và Trung Quốc đã học cách hiểu nhau nhiều hơn, trao đổi giữa các học viện quân sự, các chuyến ghé cảng hữu nghị của chiến hạm và các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua.
Thế nhưng, hố ngăn cách giữa hai bên vẫn còn rất sâu rộng. Phần lớn các hoạt động giao lưu đều rất hời hợt. Theo các sĩ quan Mỹ, người mà Trung Quốc cử ra để tiếp xúc với phía Mỹ thường là những quan chức chính trị nói được tiếng Anh hoặc là những sĩ quan tình báo, mặc quân phục nhưng không phải là những người thực thụ theo binh nghiệp.
Các phái đoàn Mỹ khi ghé thăm Trung Quốc đôi khi được hướng dẫn đi thăm các căn cứ được tạo ra với mục tiêu tuyên truyền trống rỗng và được giải trí với các chương trình biểu diễn võ thuật hơn là các cuộc tập trận thực sự… Ngoài ra, khi sĩ quan cao cấp của hai bên gặp nhau, Trung Quốc có xu hướng dành nhiều thời gian đả phá chính sách đối ngoại của Mỹ hơn là thảo luận về cách xây dựng lòng tin giữa hai quân đội.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ quân sự ngày càng gần gũi hơn với Nga. Vào tháng 9, Trung Quốc đã gửi hàng ngàn binh sĩ tham gia cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ sau chiến tranh lạnh.
Nhưng khi được mời tham gia các cuộc tập trận của Mỹ, thì Trung Quốc lại có cách cư xử thô lỗ. Năm 2014 chẳng hạn, Mỹ mời Hải Quân Trung Quốc tham gia RIMPAC, cuộc tập trận đa quốc gia trên biển lớn nhất thế giới trên biển. Thay vì đáp trả bằng tình bạn, Trung Quốc lại gửi tàu gián điệp đến rình mò các cuộc diễn tập và cấm các sĩ quan Nhật Bản đến dự tiệc cocktail truyền thống trên tàu của họ.
Vào năm 2018, Mỹ đã gạt Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC để phản đối việc Bắc Kinh triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở Biển Đông. Điều đó khiến Hải Quân Trung Quốc bực tức, nhưng Mỹ lại không cảm thấy mất mát gì nhiều.
Đối với The Economist, ví dụ trên cho thấy là ngay cả khi có cơ hội xây dựng nhịp cầu thông cảm, các sĩ quan Trung Quốc đã chọn cách làm ngơ.
Hai lực lượng vũ trang Mỹ-Trung không chỉ sử dụng fax để liên lạc, mà còn có một kênh liên lạc mang tên Đường Điện Thoại Quốc Phòng đã được thiết lập một thập kỷ trước đây. Một tuyến liên kết video hiện đại hơn cũng mới được thiết lập gần đây giữa tổng tham mưu trưởng Quân Đội hai nước.
Đối với The Economist, vấn đề không phải là hai quân đội thiếu kênh liên lạc, mà là cách hai bên sử dụng các kênh này ra sao. Các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng trong cuộc khủng hoảng, nếu Trung Quốc gọi đến, họ sẽ nhấc điện thoại lên, nhưng lại không thể chắc chắn là liệu Trung Quốc có làm như vậy không.
Một phần của vấn đề khó thiết lập liên lạc giữa hai quân đội Mỹ-Trung là cách các lực lượng vũ trang Trung Quốc làm việc. Đảng Cộng Sản có mặt trong toàn bộ các cấp của Quân Đội Trung Quốc Nhân vật chính ủy thường nắm giữ nhiều quyền lực tương tự như các sĩ quan chỉ huy là những người lính chân chính.
Đặc biệt ở cấp cao, các sĩ quan Trung Quốc chỉ có thể hành động với tốc độ của cả một ủy ban, tức là chỉ có thể ra quyết định sau khi họp bàn tập thể. Tuy nhiên, theo The Economist, đó không phải là lý do để phía Trung Quốc không nhấc điện thoại. Liên lạc được với nhau một cách nhanh chóng không có nghĩa là chấm dứt được một cuộc khủng hoảng, nhưng chắc chắn có thể làm giảm nguy cơ căng thẳng bùng lên vì một sự hiểu lầm.