Tản mạn về \”Con Heo\” Trong Ca Dao Việt Nam nhân năm \”Hợi\”

Tản mạn về \”Con Heo\” Trong Ca Dao Việt Nam nhân năm \”Hợi\”

Lời phi lộ: Bài này đã được phổ biến năm 2007, nhân Tết Đinh Hợi. Thắm thoát 12 năm trôi qua, đúng một giáp. Năm 2019 là Tết Kỷ Hợi, để phù hợp với thời gian người viết hiệu đính đề bài và năm tháng, giới thiệu lại cùng độc giả. Mong hoan hỷ cho mọi sự. Đa tạ (LNC).

Trong khuôn khổ bài này người viết chỉ muốn giới thiệu đến quí độc giả một vài nét đặc thù của dân tộc Việt Nam chúng ta, đó là Ca Dao, đặc biệt những câu ca dao liên quan đến con giáp \”Hợi\” hay \”Heo\” nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Nhưng Ca Dao là gì? Theo định nghĩa trong Tập \”Tục Ngữ, Thành Ngữ Ca Dao và Dân Ca Việt Nam\” của cụ Trần Ngọc Ngải, Chicago, Illinois, USA 1997 thì Ca Dao là những câu hát ngắn ghép thành khúc điệu được phổ thông trong dân gian. Có thể nói Ca dao là văn chương dân gian, rất bình dân và trải qua nhiều thế hệ lịch sử, đã được sinh ra trong những giai đoạn xã hội từ ngàn xưa và lưu truyền cho đến ngày nay. Rất ít người biết rõ được ai là tác giả của ca dao, tuy nhiên ca dao ít nhiều cũng đã là vũ khí chống lại những xâm nhập văn hóa trải qua sự đô hộ của nhiều thời đại. Vì vậy cũng có thể nói rằng Ca Dao Việt Nam đã góp phần không ít trên phương diện bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt. Những câu ca dao tục ngữ, các lời hò, hát dặm hay những bài vè thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau như xã hội, gia đình, tín ngưỡng, tình yêu, thiên nhiên v.v… Do đó, ca dao Việt Nam là một kho tàng vô giá, là nền văn hóa căn bản của dân tộc, làm giàu thêm tiếng Việt, vì thế chúng ta nên cố gắng và trang trọng gìn giữ nó. Cho nên khi nói đến ca dao là chúng ta muốn nói đến niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mình.

Như đã nói ở trên, ca dao tục ngữ thường đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là xã hội, gia đình và tình yêu. Và xã hội nào cũng vậy, có kẻ giàu người nghèo. Đáng buồn là dân nghèo thì chiếm đa số. Để diễn tả sự chênh lệch của hai giai cấp này, trong đó người ta lấy con \”Heo\” hay \”Lợn\” làm biểu tượng cho sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đám đình vì thế dân gian Việt đã đặt ra bài ca dao sau đây:

\”Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ cũng lo
Con lợn chẳng có, con bò thì không
Tiền gạo chẳng có một đồng
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
Sớm mai sang hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc để dành cưới em…\”

Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân:

\”Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn
Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm.\”
Hay: \”Giàu lợn nái, lãi gà con\”

Nuôi lợn để đem bán là một sinh kế của giới nông dân Việt. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về:

\”Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được chạy về lon ton\”

Người đàn bà Á Châu bản tánh vốn đảm đương. Đàn bà Việt Nam xưa nay giỏi trên nhiều phương diện, nhất là lo cho gia đình chồng con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện của người đàn bà Việt, ca dao có câu:

\”Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm\”

Hoặc để ám chỉ sự giàu có của ai đó:

\”Cồng cộc bắt cá dưới bàu
Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo\”

Cảnh mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu thời phong kiến và cho đến bây giờ đã làm cho nhiều cuộc tình tan vỡ hay vợ chồng lục đục. Dân Việt chúng ta đã lồng hình ảnh này vào ca dao, tuy nhẹ nhàng nhưng rất phong phú qua lối diễn đạt:

\”Bố chồng là lông con lợn
Mẹ chồng như tượng mới tô,
Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi\”

Dân quê Việt Nam hầu hết nhà nào cũng nuôi gia súc, trâu, bò, gà, vịt, heo… Heo, người ta cố nuôi cho mập, hy vọng chúng đẻ nhiều heo con đem bán lấy tiền nuôi dưỡng gia đình con cái. Con heo thường ăn xong nằm trong chuồng nên ca dao đã tả hình ảnh chú lợn như sau:

\”Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ụt ịt (ủn ỉn) mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà (Mẹ) ơi đi chợ mua tôi đồng riềng\”

Ai có gia đình con cái đều biết rõ sự khó khăn khi nuôi dưỡng con cái. Cách dạy con trai hay gái thường khác nhau. Đề cập đến phương diện này, ca dao Việt cũng đã diễn tả cảnh nuôi đứa con trai mà không dạy thì cũng giống như nuôi một con lừa. Còn nuôi đứa con gái mà không dạy, thì cũng giống như nuôi một con lợn:

\”Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư
Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư\”

Nói lên sự thiếu thật thà của con buôn, dân gian cũng có câu:

\”Treo đầu heo, bán thịt chó.\”

Lắm khi cha mẹ phải vắng nhà, giao cho con trẻ trông coi. Khi về nhà thì hỡi ơi, nhiều chuyện bất ngờ xảy ra và ca dao Việt đã ví von kể lại chuyện này, nhẹ nhàng nhưng phản ảnh rõ nét sự ngây thơ của trẻ con:

\”Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà.
Bao nhiêu củ rím củ hà
Để cho con lợn con gà nó ăn.\”

Nhằm trách khéo những người mẹ nghèo muốn con gái mình lấy chồng giàu nên (ngày xưa) đã ép duyên con và đưa đến những chuyện không may như sau:

\”Mẹ em tham thúng xôi dền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. (toi xin phep them Dollars,Mac Dang them cho Vui))

Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.\”

Cảnh ép duyên đôi khi mang lại một cuộc sống buồn, không mấy hạnh phúc đối với người đàn bà Việt tại thôn quê nói riêng. Nhiều người đã mượn ca dao để than trách số phận hẩm hiu của mình:

\”Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười

Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay

Tối về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui rày thì không.
Ngày thời vất vả ngoài đồng
Tối về thời lại nằm không một mình.
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò.\”

(Que toi,hoi tan cu,co nguoi con trai 10 tuoi con Ong Ba hô,lay Co Gai da khoang 19,de ve di lam ruong, luc do toi 10 tuoi,hoc Lop Nhat tieu hoc 1949,chua biet gi,nhung nay thay Thuong cho cai tuc tao hon nay)Xin loi.MD them cho ro nghia.

Thay vì nói rõ ra mình muốn gì, ca dao Việt thâm thúy hơn mượn hình ảnh con lợn để diễn tả ý nghĩ thầm kín đó, nên có câu:

\”Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon\”

Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như:

\”Mèo theo thịt mỡ ồn ào
Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!\”

Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con lợn làm phương tiện hầu đạt được cứu cánh. Hãy nghe anh chàng ngố tìm cách làm quen, bày tỏ:

\”Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng\”

Đặc biệt ca dao cũng là phương tiện để những chàng trai tìm cách tán tỉnh đàn bà, thiếu nữ. Nhiều anh chàng tỏ tình kín đáo, khéo nói:

\”Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
Anh giúp một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm…
Anh giúp đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo
Anh giúp quan tám tiền cheo…\”

Hoặc than thân trách phận vì không cưới được người yêu giống như cảnh con heo bị chủ bỏ đói để rồi mừng rỡ khi ước mơ thành sự thật:

\”Yêu nhau chả lấy được nhau
Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già
Bao giờ sum họp một nhà
Con lợn lại béo cau già lại non.\”

Không những chỉ nhẫn nại thôi mà người đàn bà Việt hy sinh cho chồng con. Lắm khi vì thương chồng phải gánh chịu nhiều cay đắng cho nên ca dao đã để lại những câu:

\”Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan,
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười.\”

Người Việt mình, nhất là nữ giới thường mê tín dị đoan. Tết về hay đi xem bói xin quẻ. Để mỉa mai mấy ông thầy bói dỏm, ca dao Việt không nhân nhượng:

\”Bói cho một quẻ trong nhà
Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên\”

Và để kết thúc bài này, người viết xin nhắc lại vài dữ kiện lịch sử liên quan đến năm Hợi, biểu tượng cho con heo ủn ỉn.

Vào Năm Tân Hợi 1611, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã lấy phần đất của Chiêm Thành lập ra phủ Phú Yên, rồi chia ra làm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hòa.

Năm Tân Hợi 1851, nhà Nguyễn mở khoa thi hương ở An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, nên về sau mới có câu:

\”An Nhơn có tháp Mò O
Có chùa Thập Tháp có đò Trường Thi\”

Riêng năm Đinh Hợi (1645) quân nhà Trịnh Tráng đem đại binh sang đánh Quảng Đông thu hồi đất cũ, mấy vùng quân ta từng làm chủ.

Tết năm 2007 là Tết Đinh Hợi, 12 năm trôi qua thật nhanh. Năm 2019 là Tết Kỷ Hợi, không biết việc gì sẽ xảy ra cho quê hương Việt Nam ?. Mặc dầu đồng hương chúng ta (đôi khi vì hoàn cảnh) tuy vẫn hằng mang tâm trạng:

\”Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về \”

nhưng khi biết rằng tại quê nhà hiện nay người dân vẫn còn sống dưới ách độc tài kềm kẹp của chế độ CSVN nên có rất nhiều người Việt tị nạn cộng sản tuy luôn trăn trở về quê hương, đất nước nhưng cũng đã dằn lòng, vượt qua tình cảm riêng tư chấp nhận kiếp sống lưu vong, ăn Tết tha hương:

\”Dân ta khổ sở trăm bề
Cộng sản còn đó có về được chăng!\”

Ca dao hay tục ngữ truyền khẩu về con \”Heo\” thì còn rất nhiều nhưng người viết chỉ trích một số ít ca dao trên đây, rất tiếc bài viết có giới hạn nên tôi không thể trích dẫn hết để trình bày cùng quí vị, xin thông cảm. Nhưng qua đó cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của ca dao, có thể nói là căn bản của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
————————————————————————————–
Trư Tộc Trần Tình, bi do GS. Phạm Đình Lân.
https://kontumquetoi.com/…/29/tru-toc-tran-tinh-pham-dinh-…/

Hình tượng con lợn trong văn hóa:
https://vi.wikipedia.org/…/H%C3%ACnh_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_con…
———————————————————————————
Ðinh Từ Thức
Nói chuyện lợn – Nhân Tết con Heo

Hà Sĩ Phu mới cho lên mạng một bài thơ của Trần Ái Dân, nói là hiện rất phổ biến, nhan đề “Thế này là thế nào…” Đoạn chót như sau:

Thời buổi thế này là thế nào hả giời 
Vua xuất xứ từ một anh hoạn lợn 
Diễn văn eng éc tiếng lợn kêu 
Đất nước tàn tạ xót xa 
Triều đình cắn xé thối tha = 
Vua vẫy tai nhởn nhơ, hếch mũi lên hơn hớn

Đọc mấy câu thơ trên, thoạt đầu người viết hơi hoang mang. Sau một phút định thần, mới vỡ lẽ có tới hai vua: Một vua xuất thân làm nghề hoạn lợn (câu 2), một vua chính là lợn (câu chót). Số phận vua lợn nằm trong tay vua hoạn lợn. Vua đảng có quyền hoạn vua nước. Vua nước chỉ còn biết nhởn nhơ.

Dân gian đã nói nhiều về việc nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười xuất thân làm nghề hoạn lợn. Người viết đã mở website của Đảng Cộng sản Việt Nam, đọc tiểu sử của ông Đỗ Mười, không thấy chỗ nào nói ông từng làm nghề hoạn lợn. Không có sao dân nói có? Nếu có tại sao phải giấu? Cộng sản vốn đề cao lao động. Hoạn lợn cũng là một hình thái lao động, chẳng những không đáng xấu hổ, còn nên hãnh diện.

Tại Liên Xô vĩ đại cũ, Tổng bí thư Nikita Khrushchev đã hãnh diện về nguồn gốc chăn lợn của mình, mỗi ngày chỉ được trả có hai kopeks. Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon biết Khrushchev từng làm nghề chăn lợn, nên đã có cuộc đối đáp khá thú vị tại Điện Cẩm linh, năm 1959.

Giống ngày nay Hoa Kỳ nói tới danh sách các nước trong tình trạng cần đặc biệt quan tâm (CPC) vì thiếu tự do, thời Tổng thống Eisenhower, hàng năm Mỹ có quyết nghị về các nước bị uy hiếp (Captive Nations Resolution). Quốc Hội Mỹ đã thông qua quyết nghị này ngay trước ngày ông Nixon lên đường đi Liên Xô, khiến Khrushchev nổi giận khi gặp Nixon, nói thẳng vào mặt khách: “Tôi không thể hiểu tại sao Quốc hội nước ông đã thông qua quyết nghị này hôm trước cuộc thăm viếng quan trọng của ông?” Vốn người cộc cằn thô lỗ, Khrushchev gay gắt: “Cái nghị quyết ấy thối lắm. Nó thối như cứt ngựa tươi, và không có gì khó ngửi hơn thế!” Người thông ngôn đỏ mặt, do dự một vài giây mới dám dịch. Nixon từng biết Khrushchev vốn làm nghề chăn lợn, đã ôn tồn trả đũa: “Tôi sợ rằng Chủ tịch lầm rồi. Có vài thứ ngửi còn tệ hơn cứt ngựa – và đó là cứt lợn”. Mặt Khrushchev đanh lại, tưởng như cơn giận sắp nổ tung. Rồi bỗng nhiên ông ta cười lớn, “Ông nói đúng đấy”. Và hai người vui vẻ nói qua chuyện khác [1] .

Tính theo đẳng cấp nghề nghiệp, hoạn lợn cao hơn chăn lợn. Ngày nay, đó là công việc của bác sĩ thú y. Việt Nam đang trong thời kỳ nở rộ bằng cấp. Nếu quả thật TBT Đỗ Mười từng làm nghề hoạn lợn, Viện Đại học Quốc gia Hà Nội có thể hợp thức hóa tình trạng bằng cách tổ chức một cuộc lễ lớn, tặng ông văn bằng Tiến sĩ thú y. Thế là danh chính ngôn thuận. Hai câu thơ đầu trên đây có thể đổi thành:

Thời buổi thế này là nhất rồi 
Vua hoạn lợn xuất xứ từ anh tiến sĩ.

Nhân nói tới gốc chăn lợn của Khrushchev, xin kể lại câu chuyện săn lợn rừng, cũng xảy ra tại Liên Xô. Đại sứ Liên Xô qua sáu đời tổng thống tại Hoa Thịnh Đốn là Anatoly Dobrynin kể rằng: Trong một chuyến viếng thăm Mạc Tư Khoa, Phó tổng thống Mỹ Hubert Humphrey nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Andrei Grechko, là ông rất thích đi săn. Thống chế Grechko nói mình cũng thích đi săn, và đề nghị hai người cùng đi săn lợn rừng. Khi mọi người tới căn nhà tạm dừng chân trước khi vào rừng, Grechko đãi tiệc Humphrey. Chủ nhân nâng ly lần lượt chúc mọi người, từ Tổng thống Johnson, Tổng bí thư Brezhnev, tới các Đệ nhất phu nhân, tới mối giao hảo Liên Xô – Hoa Kỳ, chúc sức khỏe các vị bộ trưởng, và các phu nhân, chúc cho cuộc đi săn được kết quả… Mỗi lần chúc, Grechko lại yêu cầu Humphrey cạn ly. Sau đó, khách được mấy ông tướng lấy tay làm võng, khênh vào giường tạm nghỉ trước khi đi săn. Sáng sau tỉnh dậy, Humphrey được tặng kỷ vật (trophy), là đầu một con lợn rừng, nói rằng do Grechko và Humphrey đã hạ được. Rồi kỷ vật được đưa thẳng ra máy bay của Humphrey [2] . Phó Tổng thống Mỹ học được kinh nghiệm quý giá, là tại Liên Xô, người ta chỉ việc say sưa chúc tụng lẫn nhau, rồi mọi việc sẽ được thực hiện đúng như dự tính.

Theo người Tàu, lợn là con vật rất quý. Mối liên hệ giữa người với lợn rất mật thiết. Người sống như lợn, và mọi phần trong cơ thể con lợn, đều trực tiếp hay gián tiếp, là đồ ăn của người. Đầu heo, có khi cả con heo, được dùng làm của lễ dâng lên bàn thờ, dù gia chủ theo đạo Phật, là tôn giáo cấm sát sinh. Để phù hợp với thời hiện đại, người ta còn nhét hai bóng đèn đỏ vào hộc mắt con lợn, cho nhấp nháy, trông rất cảm động. Những người sinh ra trong năm con heo (tuổi Hợi), được coi là tốt số, may mắn, vui vẻ và thật thà. Không giàu có nổi tiếng, thì cũng quyền cao chức trọng, như Ronald Reagan (Tân Hợi – 1911), hay Lý Quang Diệu (Quý Hợi – 1923). Lợn tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn, vì chúng đều béo tốt. Thường thấy trâu bò gày, chó mèo gày, không thấy lợn gày. Trung Quốc Ngân hàng năm nay đã phát tán khẩu hiệu “Lợn vàng mang tài lộc” (Golden pigs bring good fortune).

Hàng tỉ nông dân Trung Quốc, nhà nào cũng nuôi lợn. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trung bình mỗi năm một người Tàu ăn 80 cân Anh (pound) thịt lợn. Ấy là thời bây giờ, không phải thời kinh tế nhảy vọt. Người ta kể rằng, thời Mao Chủ tịch còn sống, mỗi đầu mùa Xuân, những đàn lợn hàng ngàn con nhỏ được gây từ miền Bắc, rồi cán bộ chăn bộ xuống phía Nam, đi qua làng nào, dân chúng làng ấy phải xung phong cho ăn miễn phí. Khi tới miền Nam vào mùa Thu, lợn đã lớn đủ để mổ thịt. Thế là lợn thành anh hùng cách mạng, chẳng những nuôi dân, còn góp phần nuôi đảng.

Lợn quý như vậy, nhưng Hồi giáo coi là con vật dơ bẩn, cấm không được ăn thịt. Kinh Qur’an cấm ngặt tín đồ không được dùng làm đồ ăn các loại: “Thịt (loài vật đã) chết, máu và thịt của lợn và những thứ trông cậy vào danh tánh khác hơn là Allah” [3] . Năm 2004, tại Orlando, bang Florida (Hoa Kỳ), cô Lina Morales, theo đạo Công giáo, là phụ tá hành chánh của công ty Rising Star, một cơ sở có liên hệ mật thiết với Hồi giáo, đã bị sa thải vì ăn thịt heo. Mặc dù Kinh Qur’an chỉ cấm ăn thịt heo, nhưng chuyện cấm kỵ này nhiều khi đã đi quá xa, khiến người ta cấm cả hình tượng heo, sách truyện về heo, và ngay cả chữ “heo”. Sau đây là một số thí dụ:

Theo tin hãng AFP ngày 26 tháng 5, 1998, tại thành phố Leicester miền trung nước Anh, cảnh sát đã tịch thu một bộ sưu tập gồm 17 con heo bằng sứ, được trưng bày tại cửa sổ nhà bà Nancy Bennett. Căn nhà này nằm trên cùng đường với một ngôi đền Hồi giáo. Tín hữu đi qua, cảm thấy bộ heo sứ xúc phạm tới tôn giáo của mình, yêu cầu cảnh sát ra tay.

Theo tin báo The Guardian ngày 5 tháng 3, 2003, Ủy hội Hồi giáo Anh quốc (Muslim Council of Britain) đã phải can thiệp để sửa lại lệnh cấm tất cả sách truyện nói tới heo tại một trường sơ cấp. Bà Barbara Harris, hiệu trưởng trường Park Road ở Batley, Tây Yorshire, đã ra lệnh cho nhân viên loại bỏ hết sách vở có liên hệ tới heo, như cuốn sách nổi tiếng Ba chú heo con (Three Little Pigs), vì sợ xúc phạm tới trên 60% học sinh theo Hồi giáo. Ủy hội Hồi giáo Anh yêu cầu giữ lại sách truyện trẻ con về heo. Chỉ cấm ăn thịt heo, còn đọc, vẽ hay chụp hình heo thì được. Anh là nước vẫn còn vua, không ngạc nhiên khi thấy có người bảo hoàng hơn vua, như bà Harris.

Một chuyện khác cũng xảy ra tại Anh, vào tháng 3 năm 2005. Ông Leroy Trought, 42 tuổi, chủ tiệm rượu Thiên Nga Hai Cổ (The Swan With Two Necks) ở Bristol, bị quan tòa bắt phải đổi tên bãi đậu xe từ “porking yard” thành “parking yard”. Ông Trought bị tố cáo về tội có hành vi chống lại xã hội (Anti-Social Behaviour), vì đặt tên bãi đậu xe của mình là “porking yard”. Trong chữ “porking” có chữ “pork” là thịt heo, xúc phạm các tín đồ Hồi giáo người Somali, thường lui tới ngôi đền gần đó. Ông nói sở dĩ chọn tên porking yard, vì quanh tiệm của ông, có rất nhiều cửa hàng thịt.

Tại Mỹ, bang Texas, từ cuối năm 2006 cũng xảy ra một vụ rắc rối liên hệ tới heo và cộng đồng Hồi giáo. Chưa biết vụ này sẽ đi tới đâu. Tại một khu đất trống giữa nơi cư dân đang sống yên ổn trong những căn nhà riêng đồ sộ, xuất hiện tấm biển lớn cho biết hội KIA (Katy Islamic Association) sắp cất một ngôi đền Hồi giáo. Dân địa phương chống lại. Đại diện KIA nói ai không muốn, cứ việc bán nhà dọn đi. Một trong những cư dân chống lại bằng cách nuôi mấy chục con heo, rồi tổ chức những cuộc đua heo chạy hàng tuần vào mỗi thứ Sáu, là ngày lễ của Hồi giáo.

Vẫn chuyện heo và Hồi giáo, theo China Digital Times ngày 27-1-2007, cơ quan Truyền hình Trung ương của Trung Quốc (CCTV – China Central Television) đã ra lệnh cấm không được chiếu những quảng cáo thương mại có hình heo trong dịp Tết Con Heo, để khỏi làm buồn lòng các tín đồ Hồi giáo. Quyết định này đã khiến mấy hãng lớn gặp khó khăn, như Nestlé SA và Coca-Cola, đã chuẩn bị sẵn việc cho chiếu hình những con heo nói “Chúc mừng năm mới Con Heo” vào dịp Tết. Chỉ thị của CCTV nói rằng: “Trung Quốc là một nước đa sắc tộc. Để tỏ lòng kính trọng đối với Hồi giáo, và theo hướng dẫn của thượng cấp trong chính quyền, CCTV sẽ không cho chiếu mọi hình ảnh ‘heo’ trên màn ảnh TV”.

Trung Quốc có vào khoảng 20 triệu người theo Hồi giáo, tức là dưới 2% tổng số dân. Tránh làm buồn lòng một số nhỏ như vậy vào dịp lễ trọng đại nhất trong năm, phải chăng là dấu hiệu tốt cho tương lai dân chủ, mặc dù loại tem bưu điện “Năm Con Heo” có hình heo đã được phát hành? Hay người theo Hồi giáo chỉ coi TV, mà không bao giờ gửi thư? Còn những nhóm theo tôn giáo khác thì sao? Những người theo Pháp Luân Công, họ rất buồn lòng mỗi lần thấy hình Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trên TV. Làm thế nào để họ cũng được vui vẻ trong ngày Tết? Có người hiểu chuyện cho rằng, Trung Quốc chỉ tìm cách xoa dịu phần nào nỗi căm giận của Hồi giáo qua biến cố gần đây: Lưc lượng an ninh giết 18 người Hồi giáo ở vùng tự trị Uighur thuộc tỉnh Xinjiang, nói rằng họ là quân khủng bố. Một chuyện khác từ năm Hợi trước (1995), cũng làm dân Hồi giáo nổi giận: Nhiều tờ báo đăng câu truyện nói rằng một con heo đã cứu mạng Đức Giáo chủ Muhammad.

Cách đây vài chục năm, có một loại heo gọi là heo Việt Nam bụng ỏng (Vietnamese potbellied pig), tức là loại lợn ỉ ở trong nước, được nhiều người biết tới ở ngoại quốc. Loại heo này nhỏ con (khoảng trên dưới 50 ký lô), bụng lớn (ham ăn), sạch sẽ, thông minh (có thể huấn luyện tự lo vệ sinh thân thể), biết ủn ỉn và vẫy đuôi mừng chủ (đậm đà bản sắc dân tộc), có thể ở chung với người như chó mèo trong nhà. Heo Việt Nam, tất nhiên được lấy giống từ Việt Nam. Vào thập niên 60, chiến tranh Việt Nam nổi tiếng thế giới. Để đáp ứng nhu cầu tò mò (nhìn heo biết người), họ lấy giống heo Việt Nam để trưng bày tại sở thú các nước có lập trường trung dung như Thụy Điển và Gia Nã Đại. Từ sở thú, có người thích, mua lại giống, gây thêm rồi phân tán đi nhiều nơi. Lần đầu tiên heo Việt Nam được bán tại Mỹ năm 1986, vì còn hiếm, giá mỗi con tới cả ngàn đô la, được nhiều người mua nuôi làm cảnh. Tài tử điện ảnh nổi tiếng George Clooney cũng từng nuôi một con heo Việt Nam trong 18 năm, “lâu hơn bất cứ quan hệ với một phụ nữ nào” [4] .

Dù có gen đỉnh cao trí tuệ, hiện nay heo Việt Nam mất giá nhiều. Báo Washington Post ngày 29-1-07 đăng lại tin của Website Pigs4Ever.com cho biết mỗi năm có hàng trăm con heo Việt Nam bị chủ bỏ rơi, vì không muốn rắc rối với luật pháp, hoặc không biết cách nuôi. Báo này cũng đăng truyện một chú heo Việt Nam may mắn, tên là “Ba Chỉ” (Bacon) đã thoát hiểm trong gang tấc, không bị biến thành thịt ba chỉ. Cách đây vài năm, cô Bridgette Suder, tuổi ngoại đôi mươi, ngụ tại Herndon, ngoại ô Hoa Thịnh Đốn, cùng bạn tới thăm một trang trại nuôi thú vật lạ. Cô thấy người ta mang tới một con heo Việt Nam nhỏ, đang kêu la dẫy dụa, sắp bị làm đồ ăn cho các con vật khác. Cô kinh hoàng, can thiệp mang nó về sống với mình. Hàng xóm láng giềng, nhất là trẻ con, mỗi buổi chiều kéo tới đầy nhà xem heo.

Nhưng cũng có người không thích, ngầm báo cho nhà chức trách. Tháng Mười vừa rồi, cô chủ nhận được giấy, nói có hai thanh tra chứng nhận tại nhà cô có nuôi súc vật để làm thịt, một điều cấm kỵ trong ranh giới thành phố. Láng giềng đã giúp cô tìm hiểu luật lệ, đưa nội vụ tới cấp thẩm quyền cao hơn. Luật Virginia có điều khoản quy định, nếu người ta không nuôi con vật để làm thịt, hay bán kiếm lời, thì nó được liệt vào loại “vật đồng hành” (companion animal), có quyền nuôi. Luật kê rõ những con vật này như vịt, gà mái, nhưng không nói tới con heo. Thành ra, cô Bridgette được phép sống chung hợp pháp với con Ba Chỉ trong sáu tháng, đợi thành phố điều chỉnh luật lệ.

Một thắng lợi khác của những người yêu heo: Ngày 25-1-07, hãng cung cấp thịt heo lớn nhất nước Mỹ gốc ở Virginia là Smithfield Foods, đã yêu cầu các trại nuôi heo chấm dứt tình trạng nuôi heo nái mang bầu trong những chiếc cũi chật hẹp và cô lập, không đủ chỗ nằm thoải mái. Từ trước tới nay, các chủ trại cho rằng, nếu thả heo nái chung một chuồng, chúng sẽ cắn nhau tối ngày. Không phải vì ghen, bởi chúng đều được thụ thai nhân tạo, nhưng trời sinh như thế. Sau khi tranh đấu thành công cho heo nái khỏi bị nhốt cát-sô, bước kế tiếp của các nhà yêu súc vật, có lẽ là vận động để heo nái được thụ thai theo phép tự nhiên.

Về phương diện khoa học, heo mới đem lại một hứa hẹn vô cùng quan trọng cho những người quan tâm tới bệnh tim, là căn bệnh hàng năm làm thiệt mạng nhiều người nhất tại Hoa Kỳ. Một bài báo của Gina Kolata trên tờ New York Times ngày 27 tháng 3, 2006, đã dựa vào kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Biotechnology, cho biết rồi đây, có thể ăn thịt heo pha mỡ, như thịt ba dọi, để tránh bệnh tim.

Người ta biết rằng, loại a-xít béo omega-3 có thể làm giảm bệnh tim, chỉ có nhiều trong mấy loài cá, như cá thu (tuna), hay cá hồi (salmon). Nhưng nhiều người không ăn được cá, vì tanh tưởi, hay trong cá có khi chứa các chất độc khác, như thủy ngân. Một nhóm khoa học gia từ ba trường Y khoa Harvard, Missouri và Pittsburgh đã tìm cách làm cho heo sản xuất ra thứ a-xít quý hóa này. Kết quả, các vị này đã chế ra theo lối nhân bản (cloning) được năm con heo con có chứa a-xít béo omega-3 trong thớ thịt. Chúng đang được nuôi dưỡng tại Đại học Missouri. Hy vọng một ngày không xa, thay vì phải uống dầu cá hay thuốc giảm cholesterol, bác sĩ bệnh tim sẽ khuyến khích bệnh nhân ăn thêm thịt heo ba dọi.

Tại khắp nơi, nói tới “thịt heo” (pork), mọi người đều hiểu là thịt của con heo, hay con lợn theo cách gọi của miền Bắc Việt Nam. Tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, khi trên báo chí, hay trong câu chuyện, nói tới “pork”, hay “pork barrel” (thùng thịt heo) người ta biết ngay không phải thịt heo, mà là những khoản tiền được các dân biểu nghị sĩ liên bang, xâu xé từ ngân quỹ quốc gia, đem về đơn vị làm lợi cho cử tri của mình. Người nào mang về được nhiều “thùng thịt heo” (pork barrel), sẽ nhiều hy vọng được tái cử cho nhiệm kỳ tới.

Nhiều người cho rằng cuộc chiến Iraq đã làm cho Đảng Cộng hòa Mỹ mất thế đa số tại cả Thượng và Hạ viện Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Thật ra, đó chỉ là một phần. Lý do chính là nạn tranh thịt heo tại Quốc hội, khiến dư luận phẫn nộ. Nhà báo Michael Grunwald của Washington Post đã gọi tình trạng này là “congressional porkmania”. Người viết phải mượn chữ “trư cuồng” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh để dịch chữ “porkmania”, rồi ghép lại thành “quốc hội trư cuồng”. Mọi người điên cuồng tranh nhau kiếm thật nhiều “thịt heo” cho đơn vị. Nhiều khi là những khoản tiền rất vô lý, phung phí ngân sách quốc gia một cách vô trách nhiệm. Các dân biểu nghị sĩ kiếm tiền (earmark) bằng cách thảo ra những dự án để tiêu tiền tại đơn vị của mình, rồi nhét vào dự luật quan trọng sắp được biểu quyết. Khi đạo luật chính được thông qua, dự án nhét vào cũng lọt theo.

Sách Heo năm 2006 (2006 Pig Book), do hội Công dân chống Phí phạm Công quỹ (Citizens Against Government Waste’s – CAGW) xuất bản, đã dùng chữ “pork” như một động từ trong câu: “Congress porked out at record dollar levels with $29 billion in pork for 2006” (Quốc hội đã “thịt heo” một khoản tiền kỷ lục tới mức 29 tỉ đô la về thịt heo cho năm 2006). Sách này viết tiếp, tổng số thịt heo từ năm 1991 tới nay là 241 tỉ đô la. Riêng năm 2006, các dân biểu nghị sĩ đã nhét 9.963 dự án vào 11 dự luật. Dân biểu Don Young (Cộng Hòa Alaska) nói thẳng là ông nhét dự án vào các dự luật giống như nhồi gà tây. Một trong các thùng thịt heo của ông đã kiếm được là 223 triệu đô la, để làm một cây cầu từ Ketchikan (dân số 8.900 người), tới đảo Gravina (dân số 50 người). Giới truyền thông gọi là Cầu Không tới đâu (Bridge to Nowhere).

Không phải chỉ riêng Cộng hòa hay Dân chủ giành thịt heo tại Quốc hội. Nhờ chống thịt heo, Cộng hòa đã chiếm đa số tại Quốc hội năm 1994. Mùa Thu năm ngoái, Dân Chủ nêu chiêu bài cải tổ. Tố cáo Cộng hòa giành quá nhiều thịt heo, cử tri nghe theo, dồn phiếu cho Dân chủ. Nhưng Dân chủ vừa nắm quyền, nhà bình luận lão thành Robert D. Novak của Washington Post đã báo động: Sự thay đổi từ Cộng hòa sang Dân chủ, “không thể coi là từ giã thịt heo”. (But it could not be called a farewell to pork).

Trong khi heo Việt Nam ở hải ngoại mất giá, số phận lợn ỉ chính gốc Việt Nam ở trong nước còn thê thảm hơn. Với tựa đề “Lợn ỉ Việt Nam vào ‘sách đỏ’”, tin BBC ngày 29-1-2007 cho biết: “Từ con số hai triệu con năm 1969, tới nay số lợn ỉ trên toàn quốc còn không được bao nhiêu, và ngay cả Viện chăn nuôi Việt Nam cũng chỉ còn khoảng 100 con giống. Nguyên nhân người dân chuyển sang nuôi heo ngoại nhập vì các giống lợn ngoại mau lớn, ít bị bệnh và cho nhiều thịt”. Mẩu tin này phản ảnh sự khôn ngoan của người dân Việt Nam. Từ hai triệu con vào năm 1969, ngang với tổng số đảng viên, chưa đầy bốn thập niên, người dân đã âm thầm cho đàn lợn đông đảo này vào “sách đỏ”, là sách ghi loài vật trong tình trạng báo động bị tiêu diệt. Trước thềm năm mới, ước gì trên tám mươi triệu dân Việt Nam cũng sáng suốt trong việc nuôi đảng, như đã khôn ngoan trong việc nuôi lợn.

[1]Theo Richard Nixon viết trong Leaders, nxb. Warner Books, 1982, chương nói về Nikita Khrushchev.
[2]Anatoly Dobrynin, In Confidence, nxb. Times Books 1995, tr.175.
[3]Qur’an 5:4 “Forbidden to you (for food) are: dead meat, blood and flesh of the swine and that which hath been invoked the name other than Allah”.
[4]Theo BBC (29-1-07)

Bài Liên Quan

Leave a Comment