Con đường thoát Trung của Đài Loan

Con đường thoát Trung của Đài Loan

Lịch sử Đài Loan bắt đầu từ hàng ngàn năm trước. Dấu tích văn hóa nông nghiệp được tìm thấy vào khoảng 3000 năm TCN khi tổ tiên của người thổ dân Đài Loan đặt chân đến hòn đảo này. Sau khi trở thành thuộc địa của Hòa Lan vào thế kỷ 17, Đài Loan tiếp tục đón nhận nhiều người di dân mới từ Quảng Đông và Phúc Kiến trong đó có một số đông là người Hẹ (Khách Gia).


Vào năm 1662, Trịnh Thành Công (Koxinga), một danh tướng nhà Minh tiếp tục kháng chiến chống Thanh phục Minh nhưng không thành nên phải cùng quân sĩ chạy sang Đài Loan lánh nạn. Quân của Trịnh đánh bại Hòa Lan và tiến hành xây dựng căn cứ kháng chiến tại đây. Nhưng tới năm 1683 thì bị quân Thanh đánh bại và Đài Loan trở thành một bộ phận của Thanh triều. Quyết định sáp nhập và ghi tên Đài Loan vào bản đồ Trung Quốc của Khang Hy gây ra nhiều tranh cãi trong triều vì các triều đại trước đó chưa bao giờ nghĩ tới việc bành trướng lãnh thổ ngoài khỏi lục địa.

Sau cuộc chiến Trung Nhật thứ nhất vào năm 1895, nhà Thanh bại trận và buộc phải ký Hòa ước Shimonoseki chấp nhận nhượng Đài Loan cùng với Bành Hồ cho Nhật. Từ đó, hệ thống giáo dục Minh Trị được áp dụng tại đây. Chính sách thực dân trải qua 3 giai đoạn. Thứ nhất là đàn áp và tiêu diệt mọi mầm mống phản kháng. Thứ hai là xây dựng một xã hội bình đẳng không phân biệt sắc tộc và sau cùng là biến người Đài Loan trở thành thần dân trung thành của Nhật Hoàng.

Ngay từ buổi ban đầu, chính quyền thực dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Quốc gia (Bank of Taiwan) được thành lập vào năm 1889 tạo điều kiện cho các công ty lớn như Mitsubishi và Mitsui đầu tư vào thuộc địa. Vào năm 1900, Toàn Quyền thông qua ngân sách xây dựng hệ thống đường sắt từ Cơ Long (Keelung) đến Cao Hùng (Kaoshiung). Tới năm 1905 thì Đài Loan đã có điện sản xuất từ các đập nước thủy điện và được coi là quốc gia phát triển thứ hai trong khu vực chỉ đứng sau Nhật Bản.

Khi Nhật bước vào cuộc chiến thế giới thứ hai toàn diện vào năm 1937 thì Đài Loan trở thành căn cứ hậu cần thiết yếu sản xuất vật dụng hỗ trợ cho quân đội. Hải quân Nhật sử dụng Đài Loan làm bàn đạp đẩy quân xuống Đông Nam Á. Hơn 200,000 người Đài Loan phục vụ trong quân đội Thiên Hoàng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khoảng 30,000 tử trận trên chiến trường tại châu Á.

Vào năm 1942 khi Mỹ bước vào vòng chiến đánh Nhật và đứng về phía Trung Quốc thì chính quyền Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chối bỏ mọi Hiệp ước đã ký với Nhật trước đó và đặt mục tiêu giành lại Đài Loan cũng như Mãn Châu. Vào năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng và chấm dứt đô hộ. Đài Loan được giao trả lại cho Trung Quốc dưới quyền kiểm soát của Quốc Dân Đảng. Vào năm 1951, Nhật ký Hòa ước San Francisco chính thức từ bỏ chủ quyền Đài Loan và Bành Hồ.

Từ thập niên 1930 thì Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông vừa đánh Nhật và vừa đánh nhau. Khi chiến tranh kết thúc thì Tưởng tuyên bố thành lập chính quyền Đài Loan lâm thời vào tháng 9 năm 1945. Kết cuộc quân Tưởng bị Cộng quân đánh bại phải chạy ra Đài Loan vào năm 1949. Trước đó vài tháng Tưởng tuyên bố dời thủ đô từ Nam Kinh về Đài Bắc.

Quốc Dân Đảng mang theo cả khối vàng dự trữ từ Nam Kinh và ấn hành tiền mới. Tưởng tiến hành cải cách ruộng đất giúp đỡ nông dân có ruộng để canh tác. Từ 1950 tới 1965, Đài Bắc nhận viện trợ lên tới hàng tỷ Mỹ kim từ Hoa Thịnh Đốn. Về mặt chính trị, Tưởng ban hành thiết quân luật và cai trị với một bàn tay sắt với mục tiêu là ngăn chận cộng sản lũng đoạn và chờ ngày phục thù chiếm lại trung nguyên. Nhưng Tưởng gặp phải thất bại trên trường quốc tế. Vào năm 1971, Bắc Kinh được công nhận là đại diện chính thức của Trung Quốc. Đài Loan cũng được cho phép ở lại nhưng Tưởng đòi hỏi cái ghế trong Hội Đồng Bảo An là một điều kiện bất khả thi. Tưởng thốt lên câu “bầu trời không đủ chỗ cho hai mặt trăng” rồi rút Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Tới năm 1979 thì đồng minh Hoa Kỳ trở mặt và công nhận Bắc Kinh.

Tưởng Giới Thạch qua đời vào ngày 5/4/1975 thọ 88 tuổi để lại người vợ thứ tư là Tống Mỹ Linh cùng với đứa con trai duy nhất với người vợ thứ nhất (Mao Phúc Mai) là Tưởng Kinh Quốc. Ba chị em nhà họ Tống đóng một vai trò nổi bật trong lịch sử Trung Quốc cận đại. Người chị lớn Tống Ai Linh được coi là một người “yêu tiền” vì lấy Khổng Tường Hi Bộ Trưởng Tài Chính và cũng là người giàu nhất Trung Quốc vào thời đó. Người thứ hai là Tống Khánh Linh được cho là “yêu nước” vì đã kết hôn với Tôn Trung Sơn Tổng Thống đầu tiên của Trung Quốc. Còn Tống Mỹ Linh thì được cho là “yêu quyền” sau khi lấy Tưởng Giới Thạch. Bà qua đời vào ngày 23/10/2003 tại Hoa Kỳ thọ 106 tuổi.

Tưởng Kinh Quốc nối ngôi cha và tiến hành đặt nền móng cho một cuộc chuyển hóa dân chủ. Thời còn trẻ, Tưởng Kinh Quốc được gửi đi học tại Moscow và có bạn đồng khóa là Đặng Tiểu Bình. Cũng như Đặng, Kính Quốc say mê chủ nghĩa cộng sản và làm đơn gia nhập đảng viên nhưng bị từ chối. Nhưng trong cuộc thanh trừng chủ nghĩa xét lại, ông bị Stalin giam lỏng cho đến năm 1937 khi ông cùng với người vợ Belarus và hai đứa con được cho trở về Trung Quốc sau 12 năm sinh sống tại Liên Xô. Tưởng Kinh Quốc hiểu được là muốn thoát khỏi nanh vuốt cộng sản thì ông phải tranh thủ hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế bằng cách từ bỏ độc tài và “Đài Loan hóa” chế độ. Trí thức đối lập không còn bị cấm họp hoặc phổ biến bài viết bày tỏ chính kiến. Cuộc chính biến Cao Hùng là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa của Đài Loan.

Vào ngày 10/12/1979, một số nhà bất đồng chính kiến dẫn đầu hàng chục ngàn người biểu tình tại Cao Hùng là một thành phố phía Nam của Đài Loan. Chế độ Quốc Dân Đảng sử dụng lựu đạn cay để giải tán đoàn người biểu tình và bắt giữ hơn 50 lãnh tụ tổ chức. Một trong những lãnh tụ này là Lâm Ấp Hùng (Lin Yishiung) bị bắt và tra tấn. Vợ ông liên lạc và kêu cứu với Ân xá Quốc tế Osaka nhưng qua ngày hôm sau thì bà cùng với đứa con gái 7 tuổi bị đâm chết trong lúc đang bị an ninh quản thúc.

Sau đó, chế độ tiến hành ban án tù cho hơn 50 lãnh tụ của đoàn người biểu tình từ 2 năm cho tới chung thân. Sự kiện này làm cho giới trí thức trong và ngoài nước càng quyết tâm đấu tranh chống chế độ độc tài. Một trong những luật sư biện hộ cho lãnh tụ biểu tình là Trần Thủy Biển người sau này đại diện Đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống hai nhiệm kỳ.

Nhưng sự kiện quan trọng nhất dẫn đến cuộc chuyển đổi toàn diện là vụ ám sát Henry Liu ngay trên đất Mỹ. Henry Liu là một công dân Mỹ gốc Đài Loan. Ông bị cơ quan tình báo Đài Loan phối hợp với xã hội đen ám sát trước cửa nhà vào tháng 10 năm 1984 tại thành phố Daly City tiểu bang California. Trước đó không lâu, Henry Liu đã xuất bản một quyển hồi ký chỉ trích Tưởng Kinh Quốc. Xấu hổ và lo sợ là Hoa Kỳ sẽ thay đổi chính sách ngưng viện trợ quân sự, Tưởng Kinh Quốc quyết định tiến mạnh cải cách. Tới năm 1986, lực lượng đối lập có thể công khai biểu tình phản đối thiết quân luật tại Đài Bắc. Vào ngày 28/09/1986, Tưởng cho phép thành phần đối lập thành lập chính đảng và tuyên bố chấm dứt thiết quân lực vào tháng 7 năm 1987. Tưởng Kinh Quốc qua đời một năm sau đó. Phó Tổng thống Lý Đăng Huy là một người sinh trưởng tại Đài Loan lên thay thế.

Vào năm 1991, Dân Tiến thay đổi chính sách và đặt mục tiêu thành lập một nước Cộng Hòa Đài Loan qua một tiến trình trưng cầu dân ý. Mặc dù trái ngược với mục tiêu lâu dài của Quốc Dân Đảng là khôi phục Trung nguyên nhưng chính quyền không ra tay đàn áp. Vào tháng 12 năm 1992, Đài Loan bầu cử Quốc Hội mới loại bỏ tất cả đảng viên Quốc Dân Đảng trong Quốc Hội từ lục địa di cư sang trong thập niên 1940. Tới năm 1996, Đài Loan tổ chức bầu cử dân chủ trực tiếp lần đầu tiên và Lý Đăng Huy đắc cử. Cuộc bầu cử dân chủ diễn ra trước họng súng đe dọa của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh bàng hoàng khi Tổng Thống Clinton ra lệnh đưa hai hàng không mẫu hạm vào eo biển Đài Loan.

Tiến trình dân chủ hóa diễn ra ngoạn mục vào thiên niên kỷ mới trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm 2000. Trần Thủy Biển là ứng viên đại diện cho Đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống sau 55 năm dưới quyền cai trị của Quốc Dân Đảng.

Hiện nay, Đài Loan được coi là một trong những quốc gia dân chủ năng động và ít tham nhũng nhất tại châu Á. GDP mỗi đầu người xấp xỉ 26,000 Mỹ kim. Nếu không bị áp lực và đe dọa thường xuyên từ Bắc Kinh thì có lẽ còn tốt hơn thế nữa.

Qua các cuộc thăm dò thì có hơn 70% dân số cho rằng họ là người Đài Loan chớ không phải người Trung Quốc. Dù cũng sử dụng tiếng Quan thoại và theo phong tục người Hoa nhưng họ sẽ sẵn sàng cầm súng bảo vệ tổ quốc nếu Đài Loan bị Bắc Kinh xâm chiếm.

Có nhiều nguyên nhân giúp người Đài Loan thành công trong tiến trình dân chủ và độc lập nhưng tinh thần trách nhiệm với quốc gia và kỷ luật đoàn kết xuất phát từ hệ thống giáo dục Minh Trị đóng một vai trò quan trọng giúp cho giới trí thức quy tụ thành lập Đảng Dân Tiến cạnh tranh quyền bính lành mạnh với Quốc Dân Đảng.

Như Đài Loan, cái bóng Trung Quốc lúc nào cũng bao phủ Việt Nam. Nhưng cái bóng của ý thức hệ cộng sản còn nặng nề và nguy hại hơn nhiều vì nó kìm hãm không cho đất nước có cơ hội phát triển như Đài Loan. Chỉ có khi nào tuyệt đại đa số người Việt đồng lòng thoát Cộng hướng tới dân chủ như Đài Loan thì mới mong thoát khỏi được cái bóng của Trung Quốc.

Ls Nguyễn Văn Thân

Bài Liên Quan

Leave a Comment