Trung Quốc công bố dự luật chống cưỡng bức chuyển giao công nghệ
.
(Trọng Thành / RFI) – Hôm nay, 27/12/2018, Trung Quốc công bố dự thảo về việc cấm cưỡng bức doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Đây là một trong những đòi hỏi chủ yếu mà Hoa Kỳ buộc Bắc Kinh phải đáp ứng, để chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương.
Theo Reuters, toàn bộ dư luật gồm 39 điều khoản đã được Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức cơ quan cao cấp nhất của Quốc Hội Trung Quốc, công bố. Trong văn bản dự thảo có đoạn nói rõ : « Các cơ quan chính quyền và nhân viên chính quyền không được phép sử dụng các biện pháp hành chính để cưỡng bức chuyển giao công nghệ ».Hãng tin Reuters nhận định văn bản này có lập trường cứng rắn hơn rất nhiều về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hơn hẳn so với một tuyên bố tương tự về chủ đề này, hồi năm 2015.
Cho dù Bắc Kinh liên tục phủ nhận việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, dự luật nói trên cho thấy chính quyền Trung Quốc dường như sẵn sàng mạnh tay hơn với các hoạt động bất chính này, để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ. Một khi được thông qua, luật này sẽ thay thế ba luật đã có, điều chỉnh lĩnh vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Dự luật được đưa ra lấy ý kiến công luận từ nay đến 24/02. Theo một số đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, được Tân Hoa Xã trích dẫn, dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu « sớm nhất có thể ». Một ủy viên Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Trung Quốc thậm chí cho rằng dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu ngay tại cuộc họp của Quốc Hội Trung Quốc đầu tháng Ba.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về luật và nhà tư vấn thương mại tỏ ý nghi ngờ về các biện pháp mà dư luật được đưa ra nhằm bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài, do sự thiếu vắng Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Theo ông Dan Harris, phó giám đốc văn phòng luật Harris Bricken, ở Seattle, luật pháp Trung Quốc chỉ là trên giấy tờ, thực tế có thể hoàn toàn khác. Vị chuyên gia này cho rằng lịch sử 10 năm qua là bằng chứng rõ nhất cho thấy những gì sẽ diễn ra trong tương lai : « 10 năm trước, Trung Quốc tuyên bố muốn mở cửa, nhưng sau đó quá trình này đã chấm dứt cách nay 5 năm ».
Nguồn: RFI