10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2018
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Kong-un (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump tại cuộc gặp ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: Xinhua)
Năm 2018 đang dần khép lại với những sự kiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự… tác động tới nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Sau đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn:
Năm 2018, bán đảo Triều Tiên đã đón nhận nhiều tín hiệu hòa giải tích cực sau thông điệp mang tính thiện chí được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi trước thềm năm mới. Sau hơn 1 thập kỷ chờ đợi, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã 3 lần tiến hành Hội nghị thượng đỉnh tại làng đình chiến Panmunjom (ngày 27/4 và 26/5/2018) và tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào ngày 20/9. Tại các sự kiện này, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã đưa ra Tuyên bố Panmumjon và Tuyên bố Bình Nhưỡng, đặt nền móng cho mục tiêu thiết lập hòa bình, chấm dứt mối đe dọa chiến tranh hiện hữu trên bán đảo Triều Tiên từ hơn nửa thế kỷ qua.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên gặp gỡ thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6 và đưa ra Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng được xem là một diễn biến quan trọng, không chỉ làm thay đổi cục diện ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên mà còn đẩy lùi nguy cơ bùng phát xung đột tại khu vực này.
Dù cho tới nay, những nỗ lực tháo gỡ \”ngòi nổ hạt nhân\” trên bán đảo Triều Tiên mới chỉ thu được những kết quả bước đầu và vẫn còn nhiều rào cản. Tuy nhiên, việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tỏ rõ thiện chí chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Seoul để nối lại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hay việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ý sẵn sàng gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên vào đầu năm 2019 đã cho thấy quyết tâm của các bên liên quan trong việc tìm kiếm những bước đi cụ thể, hướng tới việc thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
2. Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ – Trung
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã trở thành yếu tố rào cản khiến OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019.(Ảnh: NHK)
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được chính thức khơi mào vào tháng 3/2018, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế trị giá 50 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để \”phản ứng\” trước các hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc gây ra cho các công ty Mỹ. Một loạt các động thái trả đũa về thuế quan của Trung Quốc kéo theo các biện pháp gia tăng sức ép về thương mại từ phía Mỹ đã liên tiếp đẩy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lên những nấc thang căng thẳng mới.
Những diễn biến này không chỉ động mạnh mẽ tới các hoạt động thương mại, kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu mà còn trở thành yếu tố rào cản khiến Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào tháng 11/2018 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,5%, giảm 0,2% so với mức dự báo được đưa ra vào tháng 9/2018.
Tại cuộc gặp gỡ chóng vánh bên lề Hội nghị G20 ở Argentina hôm 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận \”đình chiến thương mại\” trong vòng 90 ngày để mở đường cho việc đưa ra một giải pháp dài hơi, giúp chấm dứt trạng thái đối đầu về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Việc đạt được thỏa thuận này được xem là \”một cú hãm phanh kịp thời\” tránh kịch bản quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục bị đẩy xuống mức thấp. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời. Việc đạt được thỏa thuận thương mại cuối cùng và mang tính lâu dài vẫn là một mục tiêu cấp bách, đòi hỏi những sự nhượng bộ cần thiết và những thiện chí mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là vào thời điểm hai nước đang lên kế hoạch nối lại các vòng đàm phán đầy khó khăn về thương mại vào đầu năm tới.
3. Thủ tướng Anh và \”nhiệm vụ bất khả thi\” về Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: Getty Images)
Sau những chuỗi ngày dài đàm phán vô cùng căng thẳng, ngày 25/11, chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dự thảo thỏa thuận Brexit, định hình tương lai quan hệ hai bên sau khi Anh rời khỏi liên minh. Tuy nhiên, kết quả rất khó khăn mới đạt được này cùng với việc giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng Bảo thủ hôm 12/12 cũng không thể giúp sứ mệnh của Thủ tướng Anh Theresa May về Brexit trở nên dễ dàng hơn do sức ép từ phía các đảng đối lập, những rào cản từ Quốc hội và thái độ \”cương quyết không thỏa hiệp\” từ các nhà lãnh đạo châu Âu.
Hiện một số nhà phân tích chính trị đang dự báo về khả năng Thủ tướng Anh có thể sẽ trì hoãn việc bỏ phiếu về thoả thuận Brexit tới tận phút chót để Quốc hội nước này không còn phương án nào khác ngoài việc phê chuẩn bản thoả thuận. Điều này sẽ giúp Anh tránh được kịch bản buộc phải rời khỏi EU trong trạng thái \”rối ren\” vào thời hạn 29/3/2019. Trong khi đó, nhiều tờ báo lớn của Anh cũng chỉ rõ tình thế khó khăn mà bà May đang phải đối mặt khi cho rằng, vị nữ Thủ tướng không còn nhiều sự lựa chọn khi mà thời hạn chót để Brexit trở thành hiện thực đang tới gần
Trước tình thế khó khăn trên, ngày 19/12, EU đã công bố \”kế hoạch dự phòng khẩn cấp\” để ứng phó trong kịch bản Brexit trở thành hiện thực mà không có thỏa thuận được thông qua. Đã 2 năm rưỡi trôi qua kể từ khi người Anh đưa ra chính kiến của mình tại cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về Brexit (tháng 6/2016) song cho tới nay, kịch bản chấm dứt cuộc \”hôn nhân\” kéo dài 45 năm giữa Anh và EU vẫn chưa ngã ngũ. Tương lai của Brexit vẫn được dự báo là tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ khó đoán định.
4. Sóng gió quan hệ Nga – phương Tây
Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và người đồng nhiệm Nga V. Putin tại cuộc gặp ở thủ đô Helsinki (Phần Lan), tháng 7/2018. (Ảnh: AFP)
Sau một năm 2017 đầy biến cố, băng giá trong mối quan hệ Nga – Mỹ vẫn chưa tan vào năm 2018 và không chỉ bó hẹp trong mặt trận ngoại giao mà còn lan sang cả lĩnh vực quân sự. Trong khi những nghi ngờ xung quanh việc phương Tây cáo buộc vai trò của Nga trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh vào tháng 3/2018 vẫn chưa được giải tỏa, tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo về khả năng rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Những tranh cãi xung quanh vụ lực lượng hành pháp Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine trên eo biển Kerch vào tháng 11/2018 đã dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina). Trước đó, một cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra bên lề lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất tại Paris (Pháp) cũng đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của nước chủ nhà.
Sau nhiều năm trông đợi, trung tuần tháng 7/2018, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và người đồng nhiệm D.Trump đã diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, song cũng chưa đủ để mang lại giải pháp cho toàn bộ các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước. Cho tới nay, dù Tổng thống Putin đã rộng mở cánh cửa đối thoại với Mỹ và Tổng thống D.Trump cũng đã từng tỏ thái độ thiện chí với người đồng nhiệm Nga, mối quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh này cũng khó có thể được hàn gắn nếu thiếu vắng những quyết tâm và hành động cụ thể, trong đó có việc \”xích lại gần nhau hơn\” trong nhiều vấn đề lớn của thế giới.
5. Một năm nhiều mất mát với Indonesia
Hình ảnh tan hoang sau sóng thần ngày 22/12 ở gần bãi biển Anyer, Serang, Indonesia (Ảnh: AFP)
Không chỉ làm thế giới bàng hoàng về vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air ngày 29/10 khiến 189 người thiệt mạng, việc liên tiếp phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên tàn khốc đã khiến cho những khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai của Indonesia thêm chồng chất.
Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, tại đảo Lombok đã xảy ra hai trận động đất mạnh 6,4 và 7 độ richter làm trên 400 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Hàng chục nghìn ngôi nhà gần như bị phá hủy hoàn toàn và khoảng 20.000 người phải đi sơ tán.
Ngày 28/9, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter đã làm rung chuyển bờ biển phía Tây đảo Sulawesi và gây ra thảm họa sóng thần có sức tàn phá hủy diệt. Một tháng sau thảm họa kép, chính quyền Indonesia công bố số liệu thống kê cho thấy số người thiệt mạng là 2.086 người; 4.438 người bị thương và thiệt hại kinh tế lên tới 18.480 tỷ rupiah (tương đương 1.220 tỷ USD).
Ngày 22/12, đợt sóng thần do núi lửa Anak Krakatoa phun trào tại eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java, tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Theo số liệu thống kê sơ bộ, sóng thần đã khiến 281 người thiệt mạng, 1.016 người bị thương và 57 người mất tích. Tuy nhiên, con số này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng cao khi lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích trong các đống đổ nát.
Đất nước vạn đảo Indonesia nằm trong khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương. Phần lớn động đất trên thế giới đều xảy ra trong khu vực này do hoạt động mạnh mẽ của địa chất và núi lửa.
6. CPTPP được ký kết và có hiệu lực
Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago, Chile ngày 8/3. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cuối tháng 10/2018, Australia trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hội đủ điều kiện cần thiết để hiệp định này được thực thi từ tháng 1/2019.
CPTPP – hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam – được ký vào rạng sáng 9/3 (giờ Hà Nội) tại thủ đô Santiago, Chile. CPTPP thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui năm 2017.
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Ngày 12/11, Việt Nam đã trở thành nước thứ 7 phê chuẩn CPTPP sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng CPTPP sẽ giúp Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.
7. Phong trào biểu tình \”Áo vàng\” tại Pháp
Các cuộc biểu tình của phong trào \”Áo vàng\” tại Pháp đã leo thang thành bạo loạn. (Ảnh: NHK)
Cuộc biểu tình lớn nhất 5 thập kỷ qua tại Pháp nổ ra từ ngày 17/11 khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng xuống đường phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Phong trào biểu tình \”Áo vàng\” không có lãnh đạo, không có người đại diện, không có tổ chức hay bất kỳ đảng phái chính trị nào đứng sau, nhưng lại tạo nên một làn sóng làm rung chuyển chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron – nhà lãnh đạo 40 tuổi được kỳ vọng sẽ \”mang lại một luồng gió mới\” cho chính trường Pháp kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2017.
Từ hình thức ban đầu là phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng leo thang thành bạo loạn khiến nhiều người thương vong, hàng nghìn người bị bắt giữ và thiệt hại về kinh tế lên tới hàng tỷ euro. Yêu sách của người biểu tình cũng được nối dài thêm với việc yêu cầu chính phủ hành động nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm mức phí sinh hoạt đắt đỏ hay thậm chí là kêu gọi Tổng thống Macron từ chức.
Trước một tình thế đầy khó khăn, tối 10/12, ông Macron đã có bài phát biểu trên truyền hình, trong đó đưa ra một loạt các giải pháp cụ thể nhằm giải quyết xung đột xã hội. Nhà lãnh đạo này khẳng định trước các cử tri Pháp rằng ông đã lắng nghe được những \”ý kiến giận dữ\” từ mọi người và thừa nhận bản thân ông cũng gánh vác phần trách nhiệm trước những điều đang xảy ra đối với nước Pháp. Tổng thống Macron kêu gọi người dân cần giữ bình tĩnh, ổn định trật tự và phát huy tinh thần đoàn kết để tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Trong khi Pháp vẫn chưa thể dập tắt các cuộc biểu tình của phong trào \”Áo vàng\”, làn sóng biểu tình đã lan rộng sang nhiều nước châu Âu, thậm chí sang cả Canada và Israel.
8. Nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại
Nhà báo Jamal Khashoggi. (Ảnh: Reuters)
Tháng 10 vừa qua, dư luận thế giới bàng hoàng và phẫn nộ trước những thông tin về việc nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại dã man bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Nghi án Saudi Arabia đứng đằng sau cái chết của nhà báo bình luận chính trị có nhiều bài viết phê phán chính quyền Riyahd không chỉ khiến nước này phải đối mặt với búa rìu dư luận mà còn gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia với các đồng minh phương Tây, nhất là Mỹ.
Ngày 23/10, một loạt lãnh đạo các nước phương Tây gồm: Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmamuel Macron, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton… đã lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất và kêu gọi tìm ra chân tướng vụ việc. Thượng viện Mỹ đã ra nghị quyết chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia ở chiến trường Yemen, chính phủ Đức đình chỉ mọi hoạt động bán vũ khí, còn Canada cũng đang xem xét hủy hợp đồng bán xe bọc thép cho đồng minh Trung Đông này. Trong khi đó, Australia tuyên bố để ngỏ khả năng xem xét cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia, đồng thời cho biết nước này không còn ưu tiên một thỏa thuận công nghiệp quốc phòng với Riyadh.
Những căng thẳng xung quanh vụ việc đã khiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 16/12 lên tiếng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra \’đáng tin cậy\’ về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi và trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội.
9. Quan hệ Nga – Ukraine căng thẳng
3 tàu hải quân Ukraine Nga bắt giữ ngày 25/11. (Ảnh: TASS)
Trong những tuần qua, cộng đồng thế giới liên tiếp chứng kiến những nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa Nga và Ukraine sau sự việc ngày 25/11, lực lượng biên phòng trực thuộc Cơ quan an ninh Liên bang Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân và các thủy thủ Ukraine đang băng qua eo biển Kerch. Đây là vùng biển nằm ở ngoài khơi bán đảo Crimea – vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014 trong một quyết định mà cho tới nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Diễn biến này không chỉ đã châm ngòi trở lại những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng vốn vẫn còn âm ỉ từ suốt 4 năm qua liên quan tới tình hình khu vực miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea mà còn làm dấy lên những nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột mới trong khu vực. Ngoài việc đổ lỗi cho nhau là nguyên nhân gây ra vụ việc, chính quyền Kiev và Moscow đều áp dụng những biện pháp quân sự được cho là \”cần thiết\” trong bối cảnh căng thẳng leo thang. Đáng lo ngại hơn là cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukaine đang có dấu hiệu lan rộng ra khỏi phạm vi khu vực khi nhiều nước phương Tây đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Kiev và phản đối hành động của Moscow.
Trước bối cảnh trên, tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 26/11, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Liên hợp quốc – bà Rosemary DiCarlo đã kêu gọi cả Nga và Ukraine kiềm chế trước các hành động và lời nói khiến căng thẳng leo thang.
Tuy nhiên, những vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước láng giềng liên quan tới vụ đụng độ trên eo biển Kerch sẽ còn tiếp tục kéo dài khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố \”hiện chưa phải lúc trao trả các thủy thủ và tàu chiến của Ukraine bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm lãnh hải\”. Theo điện Kremlin, chính quyền Moscow sẽ giam giữ các thủy thủ Ukraine trong vòng 2 tháng để thẩm vấn.
10. Những thay đổi chiến lược của Mỹ ở Trung Đông
Quân đội Mỹ tại Syria. (Ảnh: ABC News)
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được biết đến với tên gọi bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm: Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Trong bài phát biểu liên quan từ Nhà Trắng, ông D.Trump cho rằng, JCPOA là một thỏa thuận \”tồi tệ\” và ông muốn xây dựng nên một thỏa thuận mới, trong đó không chỉ đặt ra giới hạn sâu hơn với chương trình hạt nhân Iran, mà còn nhằm vào dự án tên lửa đạn đạo cũng như việc Iran hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang ở Trung Đông.
Việc Tổng thống D.Trump đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm và phá vỡ thành tựu của 15 năm đàm phán ngoại giao mà nhiều nước theo đuổi đã làm dấy lên nhiều quan ngại rằng động thái này sẽ \”khơi lại những tranh cãi dai dẳng về một hồ sơ hạt nhân gai góc nhất ở Trung Đông\”. Không những thế, quyết định trên còn đẩy Mỹ vào tình huống \”đối đầu ngoại giao\” không chỉ với Iran mà còn với nhiều nước đồng minh châu Âu. Hiện tất cả các nước còn lại trong JCPOA đều khẳng định quyết tâm giữ vững bản thỏa thuận và sẽ đưa ra những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm những lợi ích kinh tế cho Iran cũng như \”né tránh\” các biện pháp trừng phạt từ Mỹ.
Ngoài vấn đề Iran, một quyết định bất ngờ và gây chú ý mà Tổng thống D.Trump vừa đưa ra trong những ngày cuối cùng của năm 2018 là việc Mỹ rút quân khỏi Syria sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại quốc gia Trung Đông này. Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ quyết định khép lại 4 năm can dự vào cuộc chiến Syria sẽ tác động không nhỏ tới vai trò của Washington liên quan tới tương lai của Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung. Diễn biến này cũng được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cục diện cuộc chiến kéo dài dai dẳng suốt gần 8 năm qua tại Syria, nhất là trong bối cảnh quân đội của chính quyền Tổng thống Basha al-Assad, dưới sự hậu thuẫn của Nga, đã giành được nhiều thắng lợi mang tính bước ngoặt./.