Ấn Độ sẽ đưa 3 phi hành gia lên không gian từ đây đến 2022

Ấn Độ sẽ đưa 3 phi hành gia lên không gian từ đây đến 2022

.

\"\"
Tên lửa PSLV-C37 phóng thành công 104 vệ tinh ở Sriharikota, Ấn Độ ngày 15/02/2017.
REUTERS/Stringer

(Thanh Phương / RFI) – Hôm qua, 28/12/2018, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ đưa 3 phi hành gia lên không gian từ đây cho đến năm 2022. Đây sẽ là chuyến bay có người lái đầu tiên trong chương trình không gian của Ấn Độ, hiện đang muốn cạnh tranh với các cường quốc khác trong lĩnh vực này.

Từ New Delhi, thông tín viên Antoine Guinard gởi về bài tường trình :

« Ấn Độ có thể sẽ nhanh chóng trở thành quốc gia thứ tư, sau Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa người lên không gian. Đó chính là hy vọng của New Delhi sau khi hội đồng bộ trưởng thông qua ngân sách tương đương với 1,2 tỉ euro cho chương trình không gian « Gaganyaan », tiếng Hindi có nghĩa là « xe trời ». Ấn Độ dự trù thực hiện hai chuyến bay không người lái, trước khi phóng một phi thuyền có người lái trong vòng 40 tháng tới, trong một chuyến bay kéo dài tối đa là 7 ngày.

Trong một thông cáo, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi tuyên bố là chuyến bay này của Cơ quan Không gian Ấn Độ sẽ có những tác động quan trọng về việc tạo công ăn việc làm và sẽ giúp tăng cường khả năng công nghiệp và công nghệ của nước này.

Được khởi động từ thập niên 1960, chương trình không gian của Ấn Độ đã đạt những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2014, Cơ quan Không gian Ấn Độ đã đặt thành công lên quỹ đạo sao Hỏa một phi thuyền thăm dò, với chi phí thấp hơn gấp 10 lần so với chi phí của cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA. Ba năm sau, ngày 15/02/2017, Ấn Độ đã phá một kỷ lục mới, khi đặt lên quỹ đạo tổng cộng 104 vệ tinh chỉ với một tên lửa. »

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment