Chuly sưu tầm
Tôn Vinh Phụ Nữ Việt Nam – Chẳng Phải Một Ngày
Tác Giả: Lê M. Thịnh
Ngày 8 tháng 3 tức ngày Quốc tế Phụ nữ (International Women\’s Day) năm 2014 lại nhằm vào ngày 8 tháng 2 âm lịch tức hai ngày sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết vào năm Quý Mão – năm 43 Dương lịch.
Hai Bà Trưng là hai vị nữ tướng đầu tiên của Việt Nam, đã đứng lên khởi nghĩa chống lại quân Đông Hán vào năm 40. Trong vòng hơn 3 năm từ năm 40 đến năm 43, Hai Bà đã mở ra một thời đại, tuy ngắn ngủi, nhưng ít ai lường trước. Đó là Chế độ Mẫu hệ nơi mà người đàn bà là trụ cột trong gia đình và cũng là trụ cột trong xã hội.
Chế độ mẫu hệ mà Anh ngữ dùng chữ Matriarchy – theo tự điển Merriam Webster – được dùng đầu tiên vào năm 1885. Theo các tác giả J. M. Adovasio, Olga Soffer, and Jake Page, thì chưa có một xã hội nào trên thế gian hiện hữu chế độ mẫu hệ thực sự. Theo một số sách Tây phương khác, thì xã hội mẫu hệ cũng hiện hữu không ít thì nhiều ở đây đó, phản ánh qua sự tôn thờ những thánh nữ chẳng hạn như thời đại Elamite (Elamite civilization 2700-539 trước Tây lịch).
Tại Á đông, ta có nghe qua Từ Hy Thái Hậu ở China (Empress Cixi) lên ngôi vào năm 1861. Trước đó thì có Võ Tắc Thiên (Empress Wu Zitian) lên ngôi vào năm 690. Đọc kỹ thì thấy bà Từ Hy hay bà Võ Tắc Thiên chỉ là nguyên thủ quốc gia – tức lãnh đạo một nước – thôi. Tuy nhiên, trong thời hai vị này thì không nói đến việc người đàn bà làm trụ cột trong gia đình.
Tại Việt Nam, có tài liệu viết Mẹ Âu Cơ bắt đầu chế độ mẫu hệ. Đây là một truyền thuyết lý thú và rất đáng trân trọng, trong đó Mẫu Tổ của người Việt đẻ ra 100 trứng sinh ra 100 người con. Chữ \”đồng bào\” (sharing the same uterus) tức cùng một bào thai cũng xuất hiện từ truyền thuyết này. Xin mở ngoặc điển tích xoay quanh chữ \”đồng bào\” chỉ có tại Việt Nam mà thôi. Nếu ai dùng ý tưởng người cùng quốc gia (compatriot) rồi gán vào chữ đồng bào là không đúng, vì những người cùng quốc gia không nhất thiết là những người \”nằm chung một bào thai\” như kể trong truyền thuyết Mẹ Âu Cơ.
haibatrung hihoaXuôi dòng lịch sử, vào mùa Xuân, tháng 2 năm 40, phẫn uất trước sự cai trị tàn bạo của thái thú Tô Định nhà Đông Hán, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đã cùng với nhiều nữ tướng của mình như Thánh Thiên, Lê Chân, v.v… đứng lên phất cờ khởi nghĩa và trong một thời gian ngắn đã lấy được 65 thành trì tại Lĩnh Nam.
\”Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.
Đọc lịch sử đó đây, không rõ nguồn ngạch, ta cũng thấy rằng lúc bấy giờ, các bà chẳng những giỏi việc nước, mà cũng đảm việc cai quản gia đình. Nếu quả thực Hai Bà Trưng và các nữ tướng vừa lo việc nước, vừa quán xuyến gia đình, thì Chế độ Mẫu hệ tức Matriarchy xuất phát từ Việt Nam chứ chẳng phải nước nào khác trên thế giới. Vài năm trước, tôi được Nữ sĩ Lệ Vân (Ottawa, Canada) tặng quyển \”Bóng sắc giai nhân trên đường Nam tiến\”. Nếu trí nhớ không kém thì Nữ sĩ Lệ Vân – qua một số tài liệu tham khảo – cũng viết rằng Hai Bà Trưng đã khởi đầu chế độ mẫu hệ.
Có một nét văn hoá rất đặc trưng trong chính cái tên Trưng Trắc. Tại Việt Nam, từ lâu đã có kỹ nghệ gia truyền trồng dâu nuôi tằm. Con tằm thường ăn lá dâu và đẻ trứng. Trứng thì có cái chắc, có cái lép. Cho nên, tên Trưng Trắc bắt nguồn từ chữ trứng chắc mà ra.
Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã vì nước và phải hy sinh cuộc sống và bản thân mình để cứu lấy quốc gia dân tộc. Cái dũng khí của Hai Bà cũng nên được con em chúng ta ở hải ngoại biết và so sánh với Jeanne d\’Arc của Pháp trong những năm 1429. Trở lại Việt Nam, xin được ghi lại nhận xét của Sử gia Lê văn Hưu ghi trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim:
\”Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi tiếng đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng!\”
Thật vậy, nhìn cảnh nước Việt của những năm đầu của thiên niên kỷ thứ Ba, sau gần 40 năm không còn chinh chiến, thế nhưng lòng người vô cảm, dân tình oán than, đất nước rơi vào cảnh cùng cực, lệ thuộc ngoại bang, lại thấy xấu hổ vì nhiều người không bị ràng buộc, nhưng lại chưa làm được gì để mang lại quốc thái dân an nơi quê nhà.
* * *
Nghĩ mà thấy phụ nữ Việt Nam có thật nhiều cái hay để vinh danh, để tôn kính. Người đầu tiên mà tôi nghĩ đến là Mẹ. Trong những tháng ngày cực nhọc và đau khổ nhất, Mẹ đã một tay gồng gánh để nuôi đàn con và để nuôi chồng cải tạo. Cho nên, khi Trung Tâm ASIA phát hành bộ DVD Hùng Ca Sử Việt II, nghe bài hát \”Cái Cò\” tôi không cầm được cảm xúc, quá ư là thấm thía một cảnh đời cơ cực của một người mẹ, chỉ biết tần tảo nuôi con và nuôi chồng.
Xin mượn ngày Quốc tế Phụ nữ Tám tháng Ba hằng năm để vinh danh những bậc anh thư nước Việt: Hai Bà Trưng, bà Triệu, Công chúa Huyền Trân, Công chúa Ngọc Hạ; những từ mẫu trong các gia đình Việt Nam, những nữ nhi của ngày xưa Cô Giang, Cô Bắc, và ngày nay như các chị Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, cũng như mới đây nhất là em Nguyễn Phương Uyên và nhiều cô gái can trường khác. Những tấm gương trong sáng và quả cảm này là chính là \”người mẫu\” mà theo tôi, giới trẻ Việt Nam ở bất cứ nơi đâu phải noi theo.