Quốc Dũng, Một Vùng Mây Trắng Tìm Nhau

Chuly sưu tầm

Quốc Dũng, Một Vùng Mây Trắng Tìm Nhau

Sinh năm 1951, trưởng thành từ phong trào nhạc trẻ của Sài Gòn năm xưa, nhạc sĩ Quốc Dũng đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho nền nhạc Việt. Hôm nay bài viết trên 
blog Dòng Nhạc Xưa hân hạnh giới thiệu một bài viết về nhà nhạc sĩ đa tài này.

Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …

Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau 
Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu 
Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…

Quốc Dũng đã bước ra từ đây, từ một …vùng mây trắng, những đám mây lạc tìm nhau và người nhạc sĩ 17 tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe: những ám ảnh ám thị về mất mát chia biệt, về một ban mai rụng xuống hoàng hôn, về những rối bời rã rượi của một xác quỳnh đêm qua vừa nở, cỏ chưa hết xanh đã vội vàng …“Em đã thấy mùa xuân chưa” như là bước khởi đầu cũng là khởi động vùng tâm thức đầy hoặc nghi của người nhạc sĩ mà anh hoa phát tiết ra ngoài …hơi sớm: 11 tuổi đã viết nhạc, 15 tuổi trình diễn mandolin trên truyền hình, 16 tuổi là thủ khoa trường Quốc gia âm nhạc (môn nhạc pháp Tây phương). Tài không đợi tuổi. Ngoài ”Em còn nhớ mùa xuân”, những ca khúc “Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly…” đã thực sự đánh dấu sự xuất hiện một phong cách, một khuôn mặt âm nhạc. Anh còn tài hoa hơn vì bao quát nhiều lãnh vực : từ ca sĩ (cặp đôi với Thanh Mai những năm 70 của thế kỷ trước), rồi nhạc công chơi đủ loại nhạc cụ, người tổ chức phối khí thu âm đầu tiên ở Sài Gòn …

1- Quốc Dũng, nhạc sĩ của mùa xuân

“Xuân thanh bình, Mùa xuân đầu tiên, Xuân dịu êm, Bài ca tết cho em, Hẹn ước mùa xuân, Xuân trên đất khách, Xuân xa vắng …”…Quốc Dũng có hơn 20 ca khúc viết về xuân, lấy chữ xuân làm tựa đề. Cảm hứng xuân rõ ràng là đầy tràn nhưng cảm thức về xuân ở Quốc Dũng là một dị biệt. Với anh, xuân không hề là biểu tượng của sức sống tươi nguyên, của niềm hy vọng, của rộn ràng nên xuân không có bướm trắng mai vàng, câu đối đỏ, nụ cười hồng thắm …Ngay cả “Điệp khúc mùa xuân” như một tưng bừng xuân ca có hoa vàng, nắng say, bướm bay vang lên trong một giai điệu tiết tấu rộn vui, bài hát vẫn chỉ là một gọi mời của tình yêu: Tình yêu ơi xin dệt nối yêu thương/ từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng. Đến “Bài ca Tết cho em” dù là riêng tặng người yêu dấu cũng chỉ rung lên chầm chậm trong một khúc điệu Bossa Nova, tuyệt không có én trắng vườn đào chỉ có môi em cười như chứa cả mùa xuân. Do đó, những bài hát của QD không thể là xuân ca mà chỉ là những khúc xuân tình. Xuân với anh là cõi tâm xuân, là ý xuân, tình xuân… Xuân không về/ chưa về đơn giản là Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…”Hẹn ước mùa xuân” lắng lại một thì thầm và kết thúc trong một hợp âm trưởng đinh ninh: Mùa xuân tới ta hẹn ngày đẹp đôi. Chào mừng năm 2000, QD viết “ Mùa xuân đầu tiên” như một lời tỏ tình với những quãng hai dìu dặt mềm mại buông lơi: Từ khi có em yêu trong tay/ Ta nghe mùa xuân bắt đầu…”Hà Nội em và mùa xuân” là một ví dụ khác cho một ngỏ tình của Quốc Dũng. Bài hát viết ở cung trưởng, tiết tấu khá nhanh nhưng những quãng 2 rồi cũng níu giữ cái không khí êm đềm mộng ảo của tình được và mất. Mở ra là “ Từ ngày ta xa cách nhau/ Thời gian lắng im trong u sầu” và để kết thúc “ Hà Nội mùa xuân có em/ đầy hạnh phúc hơn bao giờ”…Rồi “ Xuân thương nhớ, xuân trên đất khách…”, âm nhạc QD trải ra nỗi niềm day dứt của một mất mát, một thất lạc, một chơ vơ, cả một hoặc nghi …tình …Không, là xuân không thực, cõi xuân của QD chính là nỗi tình được/ mất để buồn vui vì thực chất, anh là người viết tình khúc cho muôn đời …

2- Quốc Dũng, kẻ du ca với gánh tình trên vai

Ngay từ buổi đầu xuất hiện, QD đã để lại ấn tượng đậm nét về những khúc tình ướt rượt với mộng tàn, sương khói, những rụng rời chia biệt: “Thoát Ly (1968), Bên nhau ngày vui ( 1972), Cơn Gió thoảng( 1972), Lối thu xưa ( 1972), Em đã thấy mùa xuân chưa, Biển mộng…Trong tâm thức của người nhạc sĩ trẻ sinh năm 1951 đã mọc dậy nỗi buồn, đã thắp nến những chiêm bao và tình, treo lên ám ảnh.

Thôi mình đi, còn trông chờ chi /Kỷ niệm chỉ thêm xót xa mà thôi /Mộng … đã tàn rồi ! “Thoát ly”, rồi nhịp cuốn đi nhưng còn đó là nước mắt với ê chề thất vọng. Câu kếtKhi tinh cầu đã thu hẹp rồi mở ra một bến vực ngờ lo âu …Bên cạnh, “Cơn gió thoảng” vút vút lên những nốt nhạc chao đảo nỗi bấp bênh phận người, những lay lắt tình yêu: buồn theo cơn gió những cánh lá rơi cuốn trôi về đâu. Đến “Lối thu xưa” thì giai điệu đã lìm chìm da diết diết da trong giọng đô thứ ngậm đủ mùi vị của một thất lạc trăm năm : Anh vẫn tìm em giữa mây ngàn …

Rồi, đi qua phận người với áo cơm mưa nắng những dập vùi, người nghệ sĩ tưởng chừng sẽ tỉnh ra, thức ngộ nhưng không, QD vẫn nặng trên vai một gánh tình. “Hoang vắng, Đường xưa, Ru tôi giấc mộng, Mãi cùng em ngày xanh, Cõi buồn ….”. Và những tình khúc dù khác nhau trong giai điệu, tiết tấu nhưng quen thuộc một màu Quốc Dũng với sương rơi, trăng tà, nước mắt, môi hôn, những xanh niềm đau, những phai tàn nhanh , những thoáng hương bay…Và anh run lên, thổn thức với những melody tuyệt đẹp của yêu thương.

“Ru tôi giấc mộng” là bài hát tâm đắc của nhạc sĩ, âm ỉ một kiếm tìm mê mỏi trong phiên khúc: Hãy cho tôi tìm gặp trong giấc mơ để rồi nung nấu cháy bùng nỗi nhớ trong điệp khúc: Nhớ dạt dào…Nhớ thẹn thùng … Không, là không thê thiết với bi lụy, không kêu gào để rơi xuống vực lầy không đáy. Âm điệu của QD dẫn ta về một chốn lung linh của mắt ngọc xanh ngời, môi hôn đỏ ối, những vân vê cuống quít thẹn thùa, những hẹn hò trăng mơ. Không, Quốc Dũng không làm ta buồn đến não nề mà cầm tay ta bay vào không gian cao và sâu của chữ tình muôn sắc điệu. Có chăng ở đây là một thoáng hoang mang nghi ngại! Và phải chăng, đó chính là thông điệp Quốc Dũng muốn nhắn gửi đến những tình nhân? Phải chăng QD đã làm người nghe bị mê hoặc vì một nỗi tình thiết tha gắn bó và chân thật…?

3- Quốc Dũng, nhạc sĩ đa phong cách …

Đa phần, mỗi nhạc sĩ, bằng tâm thức của mình, chỉ có thể viết được một phong cách nhất định. Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên…rồi chỉ yên bề với một thể loại. Quốc Dũng là một biệt lệ khi âm nhạc trải ra từ trữ tình, nhạc trẻ, đến nhạc quê hương …”Em có thấy mùa xuân chưa – Bên nhau ngày vui- Lối Thu xưa”, ba sáng tác buổi đầu tiên đã cho thấy nội lực của QD trên các phong cách khác biệt… Nhờ “ đa phong cách”, Quốc Dũng đã thành công lớn trong việc hội nhập với thị trường và xu hướng của thời đại, tiếp cận được với nhiều tầng lớp người nghe ( thính phòng, dân gian, trẻ trung sôi động…). Đa phong cách, trong một chừng mực là ưu điểm, một cách thế hòa nhập nhưng đôi khi là một hạn chế vì phải chăng mỗi người chỉ nên nói …một giọng nói. Người ta nhớ Lê Hựu Hà với dòng nhạc trẻ, nhớ Trịnh, Ngô Thụy Miên với chất trữ tình, nhớ Cung Tiến với dòng semi-classic …Vâng, là thuần nhất làm nên một hồn riêng không lạ lẫm…

Quốc Dũng đang mỉm cười với chúng tôi. Sáu mươi, tóc chỉ lơ phơ bạc, vẫn rất ”đàn ông” …Hỏi chuyện phong cách âm nhạc, anh có vẻ trầm ngâm: Tôi thuộc trường phái bình dị, thích dòng nhạc quê hương và viết ra lại sẵn có một đồng điệu là giọng ca Bảo Yến, và cả những nhà thơ đồng điệu như Nguyễn Đức Cường, Phạm Ngọc…giúp cho phần lời…À, mà cuộc đời lạ thật. Những bài hát tôi thích lại không trùng với sở thích mọi người…Tôi nhìn anh, nheo nheo mắt. Chính tôi, tôi cũng nhớ đến QD với những ca khúc trữ tình phong vị cổ điển (Em đã thấy mùa xuân chưa) hay hiện đại (Hoang vắng….) mà không đậm đà lắm với dòng nhạc quê hương của anh trong “Lối thu xưa, Chuyện ba người, Chuyện hợp tan”…Vâng, người sáng tác có quyền chọn lựa cho mình một khuynh hướng và người nghe, dĩ nhiên, có chọn lựa của riêng mình. 

Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …

Tùy bút Vĩnh Phúc, 31/8/2011: \”Quốc Dũng, Một Vùng Mây Trắng Tìm Nhau\”.
(Bài viết riêng cho Giai Điệu Xanh)
————————————————————————————–

Mai, Ca sĩ Elvis Phuong, Sáng tác Quốc Dũng:
https://www.youtube.com/watch…

Đôi Nét về Nhạc sĩ Quốc Dũng

Quốc Dũng (sinh năm 1951) là một nhạc sĩ Việt Nam. Ông có những sáng tác đa dạng, từ nhạc trẻ tới nhạc vàng và các tình khúc 1954-1975, trong đó nhiều bài nổi tiếng như Đường xưa, Chuyện hợp tan, Điệp khúc mùa xuân, Người về từ lòng đất.

Tiểu sử
Ông tên thật là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi Quốc Dũng 3 tuổi, gia đình ông hồi hương trở về Việt Nam. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn và năm 16 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh.

Đam mê âm nhạc từ nhỏ, 15 tuổi Quốc Dũng đã trình diễn mandolin trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu. Bản nhạc đầu tiên của Quốc Dũng được ông viết khi mới 11 tuổi. Nhưng đó chỉ là một nhạc phẩm không lời. Phải đến năm 17 tuổi ông mới hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa. Sau đó ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly, Hoang vắng…

Quốc Dũng và Thanh Mai
Vào những năm đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến ở miền Nam Việt Nam, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa nhạc trẻ, bắt đầu soạn các ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt. Khi đó ông cùng với Thanh Mai tạo thành một đôi song ca nổi tiếng. Với khả năng sáng tác, biểu diễn và sử dụng mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ, Quốc Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhạc trẻ thời đó.

Sau 1975, Quốc Dũng chọn ở lại Việt Nam và kết hôn với ca sĩ Bảo Yến khi ông làm biên tập, hòa âm phối khí cho Đài truyền hình Sài Gòn. Năm 2005, trung tâm nhạc Thúy Nga đã thực hiện DVD Paris By Night 78: Đường xưa, giới thiệu dòng nhạc của ba nhạc sĩ Quốc Dũng, Châu Kỳ và Tùng Giang.

Ngoài vai trò nhạc sĩ, Quốc Dũng còn là diễn viên, từng đóng vai nam chính trong bộ phim Trường tôi của đạo diễn Lê Dân.

Ca khúc sáng tác 
Anh về giữa mùa xuân
Áo trắng thiên thần
Bài ca dao đầu đời
Bài ca Tết cho em
Bài toán khó năm xưa
Bên nhau ngày vui
Bên trời hiu quạnh
Biển mộng
Bởi đã yêu anh
Bởi vì em
Cali chiều hội ngộ
Câu lạc bộ làm quen
Chỉ là mùa thu rơi
Chín con số một linh hồn
Cho em ngày nắng xanh (lời: quốc Bảo)
Cho nhau mùa đông (lời: Khắc Dũng)
Chợt như năm 18
Chuyện ba người (thơ: Xuân Kỳ)
Chuyện hợp tan (lời: Nguyễn Đức Cường)
Chuyện yêu đương
Cô láng giềng nho nhỏ
Cõi bình yên
Cõi buồn
Cõi mộng
Cơn gió thoảng
Còn mãi những lời tình ca
Còn mãi nơi đây
Cơn say tình ái
Cung đàn tình ái
Đà Lạt chiều mơ (lời: Nguyễn Đức Cường)
Dạo khúc tình buồn
Dạo khúc uyên ương
Đêm chia xa
Điệp khúc mùa xuân
Đừng nhắn tin em nữa
Đường xưa (thơ Nguyễn Đức Cường)
Em đã thấy mùa xuân chưa
Giọt lệ tình
Ghét anh ghê (Quốc Dũng – Lâm Hoài Thanh)
Hà Nội em và mùa xuân
Hạt mưa và nỗi nhớ
Hãy lại đây với anh
Hẹn ước mùa xuân
Hoang vắng
Hồi tưởng
Huế đêm trăng
Kẻ đau tình (thơ Xuân Kỳ)
Khi quả bóng lăn
Khoảng cách
Khung trời tuổi mộng
Kỷ niệm ngày mới quen
Làm quen (Quốc Dũng – Lâm Hoài Thanh)
Lời chim bão tố
Lối thu xưa (Anh không dám nói yêu em)
Mai
Mãi cùng em ngày xanh
Mắt Huế xưa
Mong manh
Mùa xuân dịu êm
Mùa xuân đầu tiên
Ngại ngùng (thơ Xuân Kỳ)
Người về từ lòng đất
Nhịp điệu thời gian
Những giai điệu không quên
Nỗi đau ngọt ngào
Nụ tình phai
Nước mắt muộn màng
Quê hương và mộng ước
Phút tạ từ
Ru tình quên lãng
Ru tôi giấc mộng
Rừng thu quên lối
Ta
Thoát ly
Tình trong như đã
Tình yêu mắt nai
Tôi vẫn tin một ngày mai
Trái tim tội lỗi
Xe và tôi (nhạc: Võ Tá Hân)
Xuân xa vắng (Xuân thương nhớ)
Yêu và ảo mộng, … còn nữa nhé

Nỗi buồn không quê hương

Quốc Dũng là một hiện tượng đặc biệt của nhạc Việt khi ông không chỉ sáng tác, thể hiện mà còn là một nhạc sĩ hòa âm – phối khí tài ba. Âm nhạc của ông cũng rất đa dạng từ nhạc xưa, bolero trữ tình đến nhạc trẻ sôi động… Nhắc đến Quốc Dũng cũng không thể không nhắc đến Bảo Yến – “nàng thơ” trong nhiều tình khúc lừng danh của ông.

Nhưng ít ai biết được rằng, cuộc đời của Quốc Dũng là những chuỗi ngày lạ kì. Ông rõ ràng người Việt tóc đen da vàng nhưng cho đến bây giờ vẫn mập mờ quê quán của mình. Không ít lần vị nhạc sĩ tài năng này chia sẻ: “Tôi lớn lên với tư cách là một cậu bé Việt kiều. Tôi chẳng biết quê hương mình ở đâu, chỉ nghe ông nội nói chúng tôi là người Vinh, Nghệ An”.

Ông bà, cha mẹ của nhạc sỹ Quốc Dũng vốn gốc Nghệ nhưng qua Lào và Thái Lan làm ăn sinh sống. Chính những cái chợ đường biên nhỏ bé Lào – Thái đã kết duyên cho bố mẹ của ông nên vợ nên chồng. Và sau đó, sinh ra ông trên đất Thái Lan (Quốc Dũng sinh năm 1951). Năm ông 3 tuổi thì gia đình hồi hương nhưng không trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà lại tìm đến vùng đất Sài Thành để mưu sinh. Năm ông lên 10, gia đình cho ông theo học nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn.

Nhạc sỹ Quốc Dũng kể, nếu nhắc nhớ về thời niên thiếu, ông chẳng có gì khác ngoài âm nhạc để mà kể. Vì cứ mải mê theo những cung đàn điệu nhạc nên ông bỏ lỡ mất nhiều cơ hội tìm hiểu về quê hương, gốc gác của mình. Người Việt vốn dĩ coi trọng gốc gác – bởi đó là cội nguồn, là nơi người ta nương náu tâm hồn sau đức tin tôn giáo. Ấy vậy mà giờ đây, khi đầu đã hai sợi bạc, ông vẫn chưa một lần được đặt chân lên quê hương mình, nơi ông bà, cha mẹ mình sinh ra, lớn lên.

Quốc Dũng bảo, nhiều khi thấy buồn vì mình có nhiều thứ nhưng cái quý nhất là tình quê hương mình lại không có. Cũng đã đôi lần ông định dẫn hai cậu con trai tìm về đất Nghệ nhưng rồi lại thôi bởi đất Nghệ quá mênh mông mà trong ký ức ông lại không có địa danh nào cụ thể. Cứ thế, nỗi buồn không quê cứ âm thầm nấp vào một góc khuất trong đời sống của ông.

Thành thần đồng nhờ cây đàn Mandolin cũ

Nhạc sỹ Quốc Dũng kể, hồi ông còn bé, trong nhà ông đã có một chiếc đàn mandolin. Chiếc đàn này dù đã cũ sờn nhưng nó lại là vật kỷ niệm được truyền từ đời ông nội đến đời bố. Và đây chính là “nhân duyên” đưa ông đến với âm nhạc và trở thành một thần đồng âm nhạc hiếm có của làng nhạc Việt. Chỉ mới 11 tuổi, Quốc Dũng đã tập tành sáng tác nhạc phẩm không lời. Đến 12 tuổi thì trở thành nhạc công đệm cho các chương trình âm nhạc thiếu nhi của đài phát thanh.

15 tuổi tham gia biểu diễn trong các chương trình âm nhạc đại hòa tấu của trường Quốc gia Âm Nhạc và đài truyền hình Sài Gòn. 16 tuổi (khi mới tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương của trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn), ông đã được mời về làm tại dàn nhạc của đài truyền hình, phối khí và đệm cho các chương trình tại đây. Ở cái tuổi 17 cần nhiều hơn sự trải nghiệm, Quốc Dũng xin rời khỏi đài để tạo dựng cuộc sống riêng và trình làng ca khúc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa nổi tiếng cho đến tận bây giờ.

Đến thời điểm này, dù sức khỏe đã có phần yếu đi sau cú tai nạn nhưng nhạc sỹ Quốc Dũng vẫn say mê âm nhạc như thời trai trẻ. Đến thời điểm này, dù sức khỏe đã có phần yếu đi sau cú tai nạn nhưng nhạc sỹ Quốc Dũng vẫn say mê âm nhạc như thời trai trẻ.
Quốc Dũng mày mò dựng một phòng thu âm tại nhà của mình với những phương tiện tự lắp. Phòng thu tự tạo của ông lúc đầu chỉ chuyên thu âm các chương trình phát thanh của Sài Gòn. Về sau, khi đời sống ca nhạc bắt đầu phát triển, các ca sĩ đã tìm đến các phòng thu để thu âm ngày càng nhiều. Hầu hết các tên tuổi lớn của làng ca nhạc Sài Gòn trước 1975 đều đã ghé đến studio nhỏ này, trong đó có 2 giọng nổi tiếng Chế Linh, Thanh Lan…

Nói về khoảng thời gian đó, ông chủ Quốc Dũng của phòng thu đắt hàng này lại thổ lộ: “Thu âm cho tôi nguồn thu nhập quan trọng nhưng không đủ nuôi sống tôi đâu. Tôi đã tham gia vào các ban nhạc phòng trà”.

Vào những năm đầu thập niên 70, Quốc Dũng cùng nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là một trong những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa các ca khúc nhạc trẻ, khởi xướng phong trào viết nhạc trẻ bằng tiếng Việt. Quốc Dũng vừa sáng tác, biểu diễn, sử dụng mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard thành thạo… Ông và Thanh Mai là một cặp song ca nổi tiếng thời kỳ đó và nữ ca sĩ này cũng chính là nhân vật trong bài hát Mai của Quốc Dũng rất phổ biến trong giới mộ điệu âm nhạc.

Năm 1974 Quốc Dũng ra CD cá nhân đầu tiên bán rất chạy. Phần lớn các bài hát trong băng đã trở nên quen thuộc với quần chúng cho đến tận bây giờ như: Lối thu xưa, Mai, Điệp khúc mùa xuân, Biển mộng, Bên nhau ngày vui, Thoát ly…

(theo Hà Tùng Long)

Bài Liên Quan

Leave a Comment