Chuly sưu tầm
‘Tôi vừa ở bệnh viện về!’
Tác Giả: Huy Phương.
-“Tôi vừa ở bệnh viện về! Anh từ phòng cấp cứu mới ra!” nghe từa tựa như hai câu mở đầu trong bài thơ “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng. Câu nói không mang những nỗi reo vui như thời thơ ấu: “Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh…” hay “Je vais vous dire ce que me rappellent tous les ans…”
Ở tuổi già, nhất là tuổi già ốm đau ở hải ngoại, ai mà không đôi lần đã thốt ra câu nói này!
Nhưng lần này ở bệnh viện về, tôi muốn có đôi lời tâm sự với bạn. Nếu có lê thê vài chi tiết, đó không phải là muốn quan trọng hóa vấn đề, mà là cần thiết để chuyên chở những điều mà tôi thực tâm muốn bày tỏ và tâm sự với bạn bè tôi, những vị cao niên vừa bước qua khỏi tuổi 65.
Ở tuổi già chúng ta có nhiều bệnh không dẫn đến cái chết, nhưng chúng ta vẫn lo sợ và cần đến sự cấp cứu. Buổi sáng hôm ấy, khi thức giấc tôi cảm thấy một dòng nước từ mũi trái đang chảy ra, lấy mảnh khăn giấy chặm thì mới hốt hoảng nhận ra đó là một dòng máu tươi. Thời thơ ấu, hình như ai trong chúng ta cũng đã có một lần bị “chảy máu cam” vì chạy chơi ngoài nắng, hay đánh lộn ngoài đường “chảy máu mũi,” được mẹ vã nước lạnh lên trán, nhét những đọt lá dâu non vào mũi. Chuyện này tái diễn nhiều lần, chỉ sau một phút là máu ngưng chảy.
Nhưng lần này, tuổi đã già, lại đang ở nơi xứ sở đang có nền y tế khá tốt, dòng máu từ mũi liên tục chảy mươi phút, bịt kín mũi thì máu chảy xuống miệng, lỡ máu chảy không ngừng thì sao? Chỉ còn cách gọi cấp cứu để vào bệnh viện.
Ở phòng cấp cứu, nhân viên y tế không cho uống thuốc cầm máu, chỉ tìm cách chặn chỗ máu chảy, nhất là khi chỗ ấy lại là lỗ mũi nữa, thì quả là một cực hình. Bác sĩ đưa vào lỗ mũi một vật tương tự như đầu lọc của một điếu thuốc lá, nhưng có kích thước lớn và dài hơn nhiều, xong bơm một dung dịch vào đó, khiến vật ấy căng phồng lên, chận không cho máu chảy thêm (Rhino Rocket.) Chảy máu mũi là một bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nên không thể vào bệnh viện để tốn kém cho ngân sách y tế, nên máu hết chảy thì về nhà.
Về đến nhà, máu tiếp tục chảy thì lại phòng cấp cứu, on-off như vậy đến lần thứ tư. Lần đầu hốt hoảng nên gọi 9-1-1, ba lần sau bình tĩnh hơn, và nghĩ là không đến nỗi chết, nên nhờ con lái xe đưa vào bệnh viện.
“Sự bất quá tam!” Ðến lần thứ tư, thấy bệnh nhân “lỗ mũi ăn trầu” lại xuất hiện, bác sĩ trực hội ý với các bác sĩ chuyên môn về tai-mũi-họng cho bệnh nhân vào bệnh viện, và mời một toán giải phẫu chuyên môn đến ngay trong vòng một tiếng đồng hồ sau, đưa chúng tôi lên bàn mổ. Kỹ thuật này gọi “demolization” tương tự như thông tim, thời gian là 60 phút, dùng đường tĩnh mạch từ đùi phải để đưa một bong bóng nhỏ lên tận một mạch máu nhỏ trên mũi để làm cho máu ngưng chảy.
Lần này tôi có thể yên tâm về nhà, hy vọng triệu chứng “hộc máu mũi” này không còn xảy ra nữa, vì cách đây 9 tháng chuyện này đã xảy và tôi đã phải vào bệnh viện một lần rồi.
Tôi khai báo với các bạn là tôi chỉ có Medicare-Medicaid, một thứ bảo hiểm y tế mà người mang quốc tịch Mỹ ở đây ai trên 65 tuổi cũng có, không cần phải đi làm một ngày.
Theo chỉ dẫn trong sách y khoa, chỉ khi nào chảy máu mũi trên 20 phút mới đi bác sĩ (không gọi 9-1-1 để cấp cứu) vì đây là một bệnh không nguy hiểm đến tính mạng. Với một bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, cơ quan y tế Mỹ đã làm cho tôi một cuộc “tiểu giải phẫu” với một toán chuyên khoa về tim mạch, mà tốn phí không dưới $30,000.
emergency roomMột trường hợp nguy hiểm đến tính mạng như một người bạn tôi mới đây, vào bệnh viện cấp cứu vì bệnh tim, làm by-pass, phải có đến ba bác sĩ túc trực bên giường bệnh, chi phí lên đến $80,000, mà người bạn tôi không phải móc túi chi ra một đồng. Ðó là nói về ca mổ, chưa tính nằm bệnh viện hơn tuần, thuốc men, tiền ăn uống, tiền xe cấp cứu. Ở đây cũng có những vị cao niên, may mắn chưa vào bệnh viện một lần, nhưng cũng có người vào ra cấp cứu và bệnh viện “như đi chợ,” vậy thử hỏi chi phí y tế mà chính phủ Mỹ trả cho những dịch vụ y tế này lên đến con số bao nhiêu?
Ngoài chuyện housing, tiền trợ cấp sinh sống hằng tháng, tiền trả cho bác sĩ và dược phòng, sống yên như vậy, tuổi già chúng ta cũng đã làm khổ “nhà nước” bao nhiêu rồi. Nay chỉ một cơn đau, một lần vào bệnh viện, chúng ta đã “đốt” hết của quỹ y tế 50, 70 nghìn đô la.
Sở dĩ tôi nói “vòng vo Tam Quốc” như vậy là để nhắc lại chuyện “Cá Tháng Tư” mà tôi đã “thả” ra ngày này, cách đây hai năm. Giả dụ, chính phủ sẵn lòng cấp cho những ai là di dân trên 65 tuổi ở đất Mỹ này, một số tiền, một lần $30,000 nếu họ bằng lòng rời bỏ nước Mỹ này để về nơi quê quán, mà không trở lại. Câu chuyện “giả tưởng” nhưng rất có nhiều người tin vì trong chúng ta cũng có nhiều người có con cái, thân nhân ở Việt Nam, hay vì tuổi già cô đơn, con cái tệ bạc, nếu có được một số tiền về quê xây dựng lại cuộc đời, yên vui tuổi già, họ sẵn sàng chấp nhận. Thật ra, số đông cao niên còn bịn rịn, lưu luyến cái đất Mỹ này cũng vì còn trợ cấp tài chánh, nhà cửa, y tế tương đối đầy đủ mà về lại cố hương, không bao giờ có được.
Ðề nghị của tôi có lợi cho nước Mỹ.
Trong trường hợp của tôi và người bạn bị bệnh tim trong câu chuyện ở trên, nếu chấp thuận nhận mỗi người $30,000 và đã trở về nước, thì chính phủ Mỹ hai năm nay đã “saving” được một số tiền khá lớn. Con số này nếu nhân lên với con số “cao niên tị nạn” bằng lòng với giải pháp “rời” nước Mỹ như trên, quỹ y tế của liên bang Hoa Kỳ sẽ đỡ được một gánh nặng. Tiếc rằng chưa có vị dân cử nào ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn “chộp” được con “Cá Tháng Tư” của tôi.
Tôi nghĩ đến một chuyện chẳng may, nếu một ngày nọ, quỹ y tế của nước Mỹ không còn hay nghèo đi, lấy gì để trả y phí cho trường hợp của tôi hay bạn tôi. Nước Mỹ thật sự đang giàu có, trong bệnh viện, từ cây kim chích, miếng bông, hộp khăn giấy, cái khẩu trang, bịch nước biển, chiếc khăn trải giường… và những vật dụng y tế, thuốc men đắt tiền, chưa lúc nào thấy thiếu. Nhưng liệu với lối hành xử như chúng ta hiện nay, trong tương lai, chúng ta hay con cháu còn được hưởng những tiện nghi như bây giờ không.
Cho tất cả mọi người trên 65 tuổi, có lợi tức thấp hay không có lợi tức, ngoài trợ cấp gia cư, y tế, lương thực, chính phủ phải trả thêm tiền viện dưỡng lão có y tá, săn sóc người bệnh ngoại chẩn, dịch vụ săn sóc tại gia, nhu cầu khám bệnh và thử nghiệm, dụng cụ y khoa dài hạn (giường nằm, xe lăn, gậy chống, tã lót…) Như vậy cũng chưa đủ, các bạn cao niên, trong khi còn lái xe được, còn kiếm chỗ day-care để đến đó ban ngày, vui chơi, ăn uống, tập thể dục, làm theraphy, chơi computer. Thuốc men thì nửa xài nửa bỏ, bác sĩ chiều bệnh nhân, khi thì xin thuốc bao tử cho bà cô bên nhà, khi thì cần thuốc dán đau lưng cho ông anh rể ở quê. Nhức mỏi? (Ai già trên 70, như cỗ xe quá thời gian mà không xộc xệch,) thì tìm đến các “pain center” than van, nhõng nhẽo như những đứa trẻ, để có người đắp nước ấm, xoa bóp, chạy điện. Tiền ấy ai trả?
Chúng ta có ý định tham gia một cuộc biểu tình chống việc cắt giảm Medicare chứ? Thì trước hết, chúng ta phải tiêu pha dè sẻn, hợp lý! Cũng như chúng ta đòi nước Mỹ phải có biện pháp kinh tế với Việt Nam, trong khi chính chúng ta “tuồn” hàng chục tỉ đô la về nước mỗi năm. Ðiều đó có mâu thuẫn chăng?
Thấy những tiện nghi, đặc biệt là tiện nghi y tế mà chúng ta may mắn được hưởng hôm nay, trong lòng tôi thấy mang ơn nước Mỹ. Ðối với cá nhân tôi, nước Mỹ chẳng có món nợ nào, như nhiều người Việt Nam đã kêu gào nước Mỹ đang mắc nợ họ. Tôi không những chỉ mang nợ những ưu đãi vật chất của quốc gia này, mà còn mang ơn mối tình cảm của những nhân viên ngành y tế tận tâm, dịu dàng với bệnh nhân, mà tôi không dám dùng hai chữ “từ mẫu” để tránh một sự liên tưởng đau lòng. Tôi mang ơn những sự đón tiếp sốt sắng trong phòng cấp cứu, dù lúc đó đồng hồ trên tường đã chỉ ba giờ sáng. Tôi mang ơn người bác sĩ đã “xin lỗi” tôi, hay người y tá đã nắm chặt tay tôi khi tôi rên rỉ vì không chịu nổi cơn đau.
Tôi sợ rồi đây, các bạn trẻ của tôi sắp bước vào tuổi 66, 67 (mà không còn là 65 nữa,) và cả con cháu của tôi, những thế hệ lỡ đường sẽ không còn được hưởng hạnh phúc như tôi nữa!