SAU TÂN CƯƠNG, QH MỸ THÔNG QUA DỰ LUẬT VỀ TÂY TẠNG
SAU DỰ LUẬT VỀ TÂN CƯƠNG,
QUỐC HỘI MỸ THÔNG QUA DỰ LUẬT VỀ TÂY TẠNG
Trần Đình Thu
19.12-2018
Vào hồi tháng 11, các nhà lập pháp Mỹ đã bắt đầu xúc tiến một dự luật về Tân Cương – Trung quốc trong đó có nhiều biện pháp đặc biệt thúc đẩy vấn đề nhân quyền ở khu vực này và trừng phạt các quan chức Trung quốc ở Tân Cương. Có thể nói đây là một động thái mạnh mẽ của Mỹ nhắm vào khu vực nhạy cảm Tân Cương của Trung quốc mà tôi đã có bài trên facebook này.
Vừa qua, 2 viện quốc hội Mỹ lại đã thông qua dự luật về Tây Tạng và chờ tổng thống Trump ký ban hành. Dự luật này yêu cầu Trung quốc phải cho phép các nhà ngoại giao, nhà báo và du khách Mỹ đến thăm Tây Tạng một cách tự do, nếu không cho thì Mỹ sẽ trừng phạt các quan chức Trung quốc.
Trung quốc dĩ nhiên phản đối 2 dự luật này, cho là Mỹ can thiệp vào nội bộ Trung quốc. Mỹ không trả lời nhưng chắc chắn tổng thống Trump sẽ ký ban hành trong nay mai.
Hai dự luật này dĩ nhiên chỉ mới là đặt nền móng cho sự quan tâm đến nhân quyền và quyền tự quyết của các vùng đất ở Trung quốc. Thông thường sau đó sẽ có những dự luật mạnh mẽ hơn nữa.
Nhân đây tôi nói về ý kiến của vài người khi nói chuyện với tôi về vấn đề Mỹ và nội bộ Trung quốc. Nhiều người trong đó có cả luật sư đều cho rằng Mỹ không có lý do để can thiệp vào nội bộ Trung quốc như Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng.. nhưng thực tế thì Mỹ không hề ngần ngại việc đó. Nhân danh là vì nhân quyền, vì dân chủ hay quyền tự quyết của mỗi dân tộc, Mỹ có thể can thiệp bất cứ nơi nào miễn nó phù hợp với văn minh nhân loại.
Một vấn đề nữa, là hai dự luật nói trên được xúc tiến khi tổng thống Trump đã hội đàm với ông Tập Cận Bình ở G20. Đây là điều cho thấy Mỹ không hề bỏ rơi những vấn đề khác để đổi lấy quyền lợi thương mại của nước Mỹ như nhiều người nghĩ.
Tây Tạng là vùng đất có lịch sử từ xa xưa, đến năm 1724 nhà Thanh bắt đầu kiểm soát Tây Tạng. Sau đó trải qua nhiều lần thay đổi, Tây Tạng có những giai đoạn độc lập xen kẽ nhau cho đến 1950, sau cuộc nội chiến Trung quốc, Tây Tạng bị chiếm lại, từ đó rơi vào sự đô hộ của Trung quốc.
Hiện nay chính quyền Trung quốc đang đàn áp Tây Tạng rất dữ dội khiến dư luận quốc tế lên tiếng phản đối.
Căn cứ theo lịch sử lâu dài của Tây Tạng thì vùng đất này hoàn toàn có quyền đòi độc lập khỏi Trung quốc.