Chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng

Tác giả: CARL THAYER / Scribd
Dịch giả: CHÂU MINH DŨNG

.

\"\"

Chúng tôi đang chuẩn bị một bản báo cáo cụ thể về những gì mà chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được và vai trò của người cầm trịch chiến dịch – ông Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi mong ngài đưa ra nhận định đối với các vấn đề sau đây:

Câu hỏi 1: Những điểm đáng chú ý nhất của chiến dịch chống tham nhũng được dẫn dắt bởi ông Trọng trong năm 2018 là gì?

Trả lời: Điểm đáng chú ý nhất của ​​chiến dịch chống tham nhũng năm 2018 là tốc độ gia tăng, phạm vi được mở rộng của nó – bao trùm không chỉ các quan chức tham nhũng cấp cao mà còn cả các quan chức đã không làm đúng quyền hạn của họ là vạch trần các vụ tham nhũng – cùng với mức độ nghiêm trọng của các vụ xử lý kỷ luật.

Các quan chức bị kết tội tham nhũng đã bị bắt, xét xử và kết án tù. Còn các quan chức không làm tròn trách nhiệm xử lý tham nhũng cũng bị kỷ luật, thậm chí trong một số trường hợp còn bị cách chức, đồng thời bị khai trừ đảng.

Các mức phạt nặng đã được tuyên trong vụ xử quan chức cấp cao liên quan đến các đại án. Chẳng hạn, giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị kết án tử hình, còn ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chịu hai án tù chung thân.

Phạm vi của chiến dịch chống tham nhũng đã khiến ông Đinh La Thăng trở thành Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị kết án tù. Hai Ủy viên Trung ương đảng CSVN là Trần Văn Minh và Tất Thành Cang, đã bị cách chức Ủy viên Trung ương và bị tước mọi chức vụ trong đảng; một ủy viên thứ ba của Ủy ban Trung ương là ông Trương Minh Tuấn, đã bị kỷ luật và miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Ông Bùi Văn Thành, thứ trưởng Bộ Công an, và ông Đinh Ngọc Hệ, Giám đốc Công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng, đã bị bắt. Nhiều quan chức cấp cao trong đảng tại các thành phố Đà Nẵng và Hồ Chí Minh cũng như một số quan chức ở các tỉnh, thành khác đã bị kỷ luật và miễn nhiệm.

Câu hỏi 2: Ông đánh giá thế nào về vai trò của ông Trọng với tư cách là người cầm trịch của chiến dịch chống tham nhũng?

Trả lời: Ông Nguyễn Phú Trọng được giao phụ trách Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vào tháng 5/2012 sau khi được bầu làm Tổng Bí thư tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 11 vào năm trước đó. Nhưng phải đến năm 2016, khi ông Trọng tiếp tục được bầu làm người lãnh đạo tối cao của đảng, chiến dịch chống tham nhũng mới lấy được đà và trở thành chính sách đặc trưng của ông ấy. Trong năm 2018, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (được tổ chức vào tháng 10) và thứ chín (được tổ chức vào tháng 12), diễn ra dưới sự lãnh đạo của ông Trọng đã tiến hành một loạt vụ kỷ luật nặng nhắm đến các quan chức tham nhũng.

Không thể nghi ngờ rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự hỗ trợ của Ban Chấp hành Trung ương để tiến hành chiến dịch chống tham nhũng. Bằng chứng là cuộc bầu cử gần đây của Ban Chấp hành Trung ương với kết quả nhất trí để ông Trọng kiêm luôn chức Chủ tịch nước, cùng với thực tế là ông đã nhận được nhiều phiếu tín nhiệm nhất vào tháng 12/2018, trong số 21 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Câu hỏi 3: Ông Trọng đã phải đối mặt với nhiều sự hoài nghi về động cơ thật sự đằng sau chiến dịch chống tham nhũng. Thái độ hoài nghi như vậy đã thay đổi chưa? Tại sao có hoặc tại sao không?

Trả lời: Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng, đã có những nghi vấn ở Việt Nam về mục tiêu thật sự đằng sau chiến dịch. Có phải chiến dịch này chỉ nhằm khôi phục lại uy tín của đảng trong mắt nhân dân hay còn có mục đích nào khác không? Chiến dịch đã mở rộng phạm vi và nhắm tới không chỉ các quan chức tham nhũng trong các doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước mà cả các lãnh đạo tham nhũng ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành và các quan chức cấp cao không làm tròn bổn phận là xử lý tham nhũng. Các quan chức tham nhũng trong một số bộ, ngành của chính phủ, thậm chí cả Bộ Công an, đã bị bắt giữ.

Bộ máy truyền thông Việt Nam thống kê rằng trong giai đoạn từ sau đại hội đảng lần thứ 12 đến nay, hơn 60 quan chức dưới sự quản lý của Ban Chấp hành Trung ương đã bị kỷ luật, trong đó có năm ủy viên trung ương đương nhiệm, ba người trong số đó đã bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Bây giờ, mọi sự đã rõ, rằng chiến dịch chống tham nhũng đang tiếp tục lan rộng và nhắm vào cả các quan chức tham nhũng còn giữ chức trước hoặc sau năm 2012.

Câu hỏi 4: Chiến dịch chống tham nhũng đã thay đổi động lực chính trị của Việt Nam như thế nào? Nó có ý nghĩa ra sao đối với niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài?

Trả lời: Khi chiến dịch chống tham nhũng diễn ra, nó đã nhắm đến mạng lưới của các quan chức tham nhũng trong các bộ, ngành thuộc chính phủ và trong các cơ quan thuộc đảng và chính phủ ở cấp thành phố như ở thành phố Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Bởi vì chiến dịch cũng đã nhắm vào các quan chức không làm đúng chức phận, các mạng lưới lợi ích nhóm dày đặc đang bị phá vỡ. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho việc lựa chọn các “cán bộ cấp chiến lược” để kế thừa trách nhiệm lãnh đạo.

Nếu mô hình này tiếp tục, nó sẽ dẫn đến khả năng tăng cường sức mạnh của đảng ở cấp trung ương, chiều hướng ngược lại diễn ra ở các “vùng đất tự trị” ở cấp địa phương.

Chiến dịch chống tham nhũng sẽ làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vấn nạn tham nhũng vốn đã khiến hoạt động giao dịch kinh doanh ở Việt Nam phải chịu những phí tổn không cần thiết và giảm hiệu quả. Chuyện hạn chế tham nhũng sẽ giúp giảm chi phí phát sinh và nâng cao hiệu quả.

Câu hỏi 5: Trong tình hình các ứng cử viên tiềm năng cho đại hội đảng toàn quốc lần tới đang cạnh tranh quyền lực, liệu chiến dịch chống tham nhũng có tiếp tục gia tăng cường độ trong năm 2019? Điều gì nên là ưu tiên hàng đầu của nó – bảo vệ tính chính đáng của đảng hoặc khôi phục niềm tin của công chúng vốn đã bị thương tổn?

Trả lời: Chiến dịch chống tham nhũng trong năm 2019 và các năm sau đó sẽ diễn ra song song với những nỗ lực của Bộ Chính trị nhằm xác lập các điều lệ để định hướng hành vi của các ứng cử viên tương lai vào các vị trí cấp cao trong đảng, cũng như 600 “cán bộ cấp chiến lược” hiện tại. Nói cách khác, sẽ có sự xem xét kỹ lưỡng hơn về nền tảng của các nhà lãnh đạo trong tương lai. Cả hai nỗ lực – chống tham nhũng và xác lập điều lệ hình mẫu người lãnh đạo đảng – đều sẽ được tăng cường để loại bỏ các ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn và vạch trần các mạng lưới lợi ích nhóm đã tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.

Nguồn: Tiếng Dân

Bài Liên Quan

Leave a Comment