Chuly sưu tầm
ĐOÀN CHUẨN-TỪ LINH… “MỘNG NỮA CŨNG LÀ KHÔNG” !!!
Một Mùa Thu Nào Lãng Mạn
Tôi thực tình không rõ là “mầu xanh ái ân” trong câu hát “có mầu nào không phai như mầu xanh ái ân…” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh (ĐC-TL) có đúng là không hề phôi phai cùng năm tháng, thế nhưng tôi biết chắc một điều là hình ảnh tà áo màu xanh thắm cùng những nét nhạc trữ tình ấy thật khó mà phai mờ trong tâm tưởng của rất nhiều người. Tôi cũng không rõ là cảnh trí mùa thu đất Bắc đã quyến rũ ĐC-TL đến đâu để viết nên câu hát “mùa thu quyến rũ anh rồi”, thế nhưng tôi biết một điều khá rõ ràng là những bản tình ca mùa thu thật êm dịu của của hai chàng nghệ sĩ đa tình ấy đã thực sự quyến rũ biết chừng nào những người yêu nhạc của hơn một thế hệ. Tuổi trẻ tôi ngày ấy, dù chỉ ở vào lứa tuổi mới biết yêu thôi, cũng đã từng có những phút giây để lòng mình lắng xuống, thả hồn vào thế giới âm nhạc lãng đãng của những sáng “mong chờ mùa thu”, những “phong thư ngào ngạt hương”, những “xác pháo bên thềm tản mác bay” và những mối tình dở dang hẹn “chờ nhau đến kiếp nào…”
Hai chàng nghệ sĩ, một mối tình thu
Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, ai là người thực sự đã viết nên những khúc nhạc tình làm rung động trái tim người nghe ấy? Hai người cùng viết chung hay chỉ một người viết (người kia chỉ đứng tên cho vui)? Bài nào viết chung, bài nào viết riêng? Bài nào của người này mà không phải của người kia? Tại sao cũng bài nhạc ấy, khi thì ghi tên người này, khi lại ghi tên người khác? Người này viết nhạc, người kia viết lời, có phải vậy?… Những câu hỏi không có lời giải đáp hoặc có những lời giải đáp không giống nhau (của những người tự nhận quen biết tác giả hoặc am hiểu chuyện ấy).
Trong số những nhạc phẩm của ĐC-TL được các nhà phát hành nhạc Tinh Hoa và An Phú in lại ở miền Nam trước năm bảy mươi lăm, hai cái tên này có khi được tách riêng, chẳng hạn “Tà Áo Xanh” và “Lá Thư” được ghi là của Từ Linh, “Chuyển Bến” và “Thu Quyến Rũ” được ghi là của Đoàn Chuẩn. Không rõ những nhà phát hành ấy đã dựa trên những căn cứ nào để đánh rơi một trong hai cái tên, và chứng cứ ấy liệu có xác thực(?).
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên một tờ báo ở trong nước (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tháng 10/95), nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho biết là ông đã ký tên ĐC-TL cho bài nhạc đầu tiên của ông. (Từ Linh là em một người bạn khá thân của ông. Ông rất quý mến cậu em này và xem như bạn vậy). Bài nhạc ấy và cái tên ấy được nhiều người yêu thích, và thế là từ đấy về sau ông cứ ký tên chung như vậy cho những bài nhạc tiếp theo.
thienthu02Tôi cũng được trông thấy ông Đoàn Chuẩn trong một băng ghi hình (năm 1997), và người ta cũng hỏi ông những câu hỏi nhiều người muốn biết. Tiếc rằng ông không thể trả lời được. Giọng nói của ông khi ấy chỉ còn là những lời thều thào một cách khó khăn, và chân trái ông bị liệt vì chứng áp huyết cao (bà vợ ông cho biết như vậy). Người trả lời thay cho ông là bà vợ yêu quý, có khuôn mặt và dáng vẻ hiền hậu, cho biết là “tất cả những bài nhạc ông Chuẩn làm, thường là ông và chú Từ Linh vẫn có trao đổi với nhau”, mà không giải thích rõ “trao đổi” nghĩa là sao (bàn bạc, góp ý, nhận xét phê bình, khen chê hay dở, đề nghị thêm bớt sửa đổi, hay còn có nghĩa gì khác…). Chữ dùng của người miền Bắc đôi lúc khó hiểu! Về “nhân vật” Từ Linh (ngoài vài tấm ảnh đen trắng mờ mờ chụp chung với Đoàn Chuẩn thuở cả hai còn phong độ, đến nay vẫn cứ là dấu hỏi lớn), bà vợ cũng không cung cấp thêm được những thông tin nào mới mẻ, ngoài việc cho biết hai chàng nghệ sĩ này là đôi bạn tri kỷ, thường hàn huyên tâm sự rất là tương đắc, có khi hàng giờ không biết mệt, và “ngày chú Từ Linh mất, ông Chuẩn có ở cạnh giường cho đến lúc chú ấy đi…”
Có vẻ bà vợ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng không biết gì nhiều lắm về sự nghiệp sáng tác của ông chồng mình nên chỉ tiết lộ qua loa một vài điều (mà nhiều người cũng đã biết), chẳng hạn ông Đoàn Chuẩn rất là say mê âm nhạc, lúc nào cũng kè kè cây đàn bên cạnh, và “Tình Nghệ Sĩ” là sáng tác đầu tay từ thuở ông còn cắp sách đến trường. Bà cũng thú nhận là “không để ý lắm đến những bài nhạc ông Chuẩn làm”, và mãi đến năm 1987, khi nhạc Đoàn Chuẩn được cho phổ biến lại ở trong nước, bà mới có cơ hội được… thưởng thức đầy đủ những bài nhạc ấy!
Vậy thì Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, biết ai là ai đây? Cứ theo như lời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được ghi lại trong bài phỏng vấn ở tờ báo trong nước (nếu được ghi lại trung thực) và các câu trả lời của bà Đoàn Chuẩn (không được rõ ràng, đầy đủ lắm) thì có vẻ như là Đoàn Chuẩn (tên đầu trong cái tên ghép chung “ĐC-TL”), chứ không phải Từ Linh, nhiều phần là tác giả chính, là nhân vật chính đã viết nên những tình khúc nổi tiếng được nhiều người yêu nhạc biết đến dưới cái tên ĐC-TL. Ông Từ Linh là người có “trao đổi”, có “tham gia” đôi chút vào việc biên soạn những tình khúc ấy… Từ Linh lại qua đời trước Đoàn Chuẩn (năm 1987, nghe đâu vì ung thư cổ). Người chết thì chịu không thể lên tiếng gì được, nên mãi đến nay người ta vẫn chẳng biết gì nhiều về ông, ngay cả chuyện ông có phải là nhạc sĩ, có biết làm nhạc hay không, hoặc chỉ biết thưởng thức và bình phẩm về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc của ông bạn Đoàn Chuẩn, nghĩa là chỉ khiêm tốn đóng vai Tử Kỳ mà thôi. Thực hư thế nào, chẳng ai biết được!… Buồn thay và cũng trớ trêu thay, năm ông mất cũng là năm những nhạc phẩm của ĐC-TL được ký giấy phép cho phổ biến lại ở trong nước, vì thế không chắc là ông có đã dịp nào để nghe được những bài nhạc mà nếu ông không dự phần vào việc sáng tác thì cũng ít nhiều liên hệ. Ít ra thì Đoàn Chuẩn cũng có được may mắn hơn ông chút đỉnh (dù khá muộn màng) là vào những năm tháng cuối đời còn được người đời đến gõ cửa xin phỏng vấn ít câu, còn được an ủi là thân bại nhưng danh chưa liệt. Còn như Từ Linh, vì ít có ai biết rõ về ông, cũng chẳng ai kịp phỏng vấn, hỏi han gì đến ông như là Đoàn Chuẩn nên ông không có được cơ hội nào để bộc lộ và vì vậy chỉ như chiếc bóng mờ nhạt bên cạnh Đoàn Chuẩn.
Ngay đến những tin tức về năm tháng ông Từ Linh từ biệt cõi đời này cũng khá mơ hồ và không được đồng nhất, tin thì nói ông mất năm 1987, tin khác lại nói ông mất năm… 1992 (chênh lệch đến năm năm chứ đâu có ít!). Thành thử, ông Từ Linh này đến với cuộc đời thật âm thầm, mà ra khỏi cuộc đời cũng thật lặng lẽ, không ai biết chẳng ai hay!… Về những tin khác, chẳng hạn Từ Linh di cư vào Nam năm 1954 cũng chỉ là “nghe vậy thì biết vậy”, và nếu đúng thế thì chắc phải có lý do gì đó khiến ông không muốn cho người đời biết mặt biết tên nên mới im hơi lặng tiếng kỹ như vậy. Ông quả là con người nghệ sĩ có lai lịch rất mù mờ và đạt thành tích khá cao về mai danh ẩn tích.
Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, ai tài hoa hơn ai? Nếu chỉ căn cứ vào những tấm ảnh hai chàng chụp chung với nhau thời còn trai trẻ ấy thì Đoàn công tử có nhiều phần đẹp trai hơn, nhưng chàng nào trông cũng có vẻ “nghệ sĩ đa tình” cả. Phong lưu hơn, chắc phải là Đoàn Chuẩn, vì chàng là công tử con nhà giàu. Thân mẫu chàng, góa phụ từ thời còn xuân sắc, một tay gây dựng cơ đồ, tạo được sản nghiệp lớn là hãng nước mắm “Vạn Vân” nức tiếng thời ấy (nghe chẳng có chút gì văn nghệ và lãng mạn cả), vẫn được truyền tụng trong câu “nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Chàng được nuông chiều hết mực và ăn xài rộng rãi, thoải mái. Một trong những cái thú chơi của chàng thời đó là sưu tập… xe hơi, một mình chàng có đến sáu bẩy chiếc ô-tô mới toanh. Theo nhạc sĩ Phạm Duy cho biết thì “đã vài lần được trông thấy công tử họ Đoàn lái chiếc xe Ford mui trần kiểu Vedette mầu trắng đi học đàn…” Cả Bắc kỳ thuở ấy chỉ có được hai chiếc bóng loáng thì chàng và ông thủ hiến chia nhau mỗi người một chiếc, và chàng cũng lấy làm tự hào về điều đó lắm. (Chắc là chàng cũng ít nhiều tiếc nhớ thời vàng son ấy nên trong “Đường Về Miền Bắc” mới có câu “tiếc đời gấm hoa ta đành quên”). Chàng được nuôi cho ăn học đàng hoàng, không rõ có học tới nơi tới chốn, chỉ biết là môn học mà chàng say mê nhất là âm nhạc, và chàng cũng sử dụng thành thạo các loại nhạc khí như vĩ cầm, tây ban cầm và hạ uy cầm. (Một trong những người thầy có uy tín của chàng là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, tác giả “Giáo Đường Im Bóng”). Vừa đẹp trai, con nhà giàu, lại vừa tài hoa lẫn phong lưu rất mực như vậy, chắc hẳn cánh “bướm đa tình” là chàng đã phải mặc sức mà “đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh” của Hà thành hay thành phố Cảng, chứ đâu có lý nào chàng lại than thở “thuyền tình không bến đỗ người ơi” và thở than “đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”, nghe mà thảm sầu!…
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ĐC-TL cũng khá khiêm tốn, được đâu khoảng chục bài nhạc, từ năm 1948 đến 1956, kể từ bài đầu tiên được trình làng là “Tình Nghệ Sĩ”, nhưng cũng đủ để lại những dấu ấn đậm nét và được người đời mãi nhắc tên. Có người còn kể thêm ra một danh sách cũng đến gần chục bài nữa, gọi là những sáng tác của Đoàn Chuẩn chưa hề được phổ biến, không rõ có đúng vậy và cũng chẳng biết đâu mà kiểm chứng. Thực ra ai cũng biết, cái quan trọng đâu phải là ở số lượng, một chục hay mấy chục bài được viết ra, mà là những bài nhạc nào đã đến được và ở lại được trong lòng người yêu nhạc.
Tất nhiên, như hầu hết những nhạc sĩ sáng tác khác, không phải tất cả những bài nhạc ĐC-TL viết ra đều hay, đều là “tuyệt phẩm” như nhiều người vẫn gọi… Ở những bài như “Đường Về Miền Bắc” hoặc “Cánh Hoa Duyên Kiếp” và cả “Gửi Người Em Gái” nữa, ta thấy giai điệu và lời nhạc cũng đã kém hay so với những bài khác. Điều rõ ràng là, sau ngày nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời, người ta vẫn hay làm công việc giới thiệu lại những tình khúc gọi là “tiêu biểu” của hai ông, được hiểu là những bài hay nhất, được nhiều người yêu chuộng nhất, những bài kể trên đã không được hoặc ít được nhắc đến… Ngoài những bài nhạc được phổ biến từ trước, những bài khác nữa nếu có, cũng ít người biết đến, ít được giới yêu nhạc chú tâm và tán thưởng. Tôi có được nghe qua ít bài nhạc được giới thiệu là sáng tác của Đoàn Chuẩn những năm về sau này, qua giọng hát của vài ca sĩ tên tuổi, nhưng vẫn không nghe ra được cái xuyến xao, không bắt gặp được cái rung động “đoàn chuẩn-từ linh” như mỗi lần nghe lại những bài nhạc quen thuộc trước đó. Trong số những “tuyệt phẩm” ấy, có bài cả nhạc lẫn lời nghe qua thấy tầm thường, không thấy Đoàn Chuẩn đâu cũng chẳng thấy Từ Linh nào trong đó cả, tựa như những mặt hàng sản xuất được dán vào cái nhãn hiệu nhiều người ưa chuộng, nhưng người tiêu dùng vẫn cảm thấy không đúng là mặt hàng mình yêu thích. Lại có những bài không rõ xuất xứ và người tìm ra nó có lẽ đã đánh rơi đâu mất cái tựa, nên phải gán cho nó cái tên khác, “Vĩnh Biệt” hay “Xin Vĩnh Biệt” gì đó (ý nói đây là nhạc phẩm cuối cùng của nhạc sĩ trước khi nhắm mắt xuôi tay), rồi sau đấy chắc thấy hơi cải lương hay sao đó, bèn đổi cái tựa khác là “Vàng Phai Mấy Lá” cho có vẻ… Trịnh công Sơn hơn (cũng đại khái như “Vàng Phai Trước Ngõ” hoặc “Chiếc Lá Thu Phai” của ông nhạc sĩ này vậy, trong lúc ai cũng hiểu là thuở ấy làm gì có cái lối đặt tựa kiểu “hoa vàng mấy độ”, “tóc xanh mấy mùa”… như thế). Nội dung bài hát mượn câu chuyện tình éo le ngang trái trong truyền thuyết thuở xưa để giải bày nỗi lòng (vốn là sở trường của Văn Cao, Phạm Duy hơn là ĐC-TL)… Có vẻ như là những bài nhạc ra đời những năm về sau này chỉ với tên Đoàn Chuẩn không thôi (mà không có Từ Linh bên cạnh) không phải là những bài nhạc hay như là những bài nhạc nổi tiếng từng được nhiều người biết đến.
Trở lại với cái tên ấy, Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, hai tên hay một tên, thiết nghĩ cũng đâu có gì là quan trọng để phải cố công tìm hiểu, vì chính người viết ra cái tên ấy cũng chẳng hề bận tâm, cũng chẳng xem chuyện gì là quan trọng. Cứ xem như một cái tên cũng được vậy, có sao đâu. Hai tên đã như một tên gọi đầy tình thương mến và ngưỡng mộ đối với người yêu nhạc. Người đời vẫn cứ nói “bài hát ấy là của Đoàn Chuẩn Từ Linh”, chứ không nói “…là của Đoàn Chuẩn và Từ Linh”. Tác giả của những bản tình ca đó đã muốn ghép chung hai cái tên ấy thành một, vậy thì ta cũng nên tôn trọng, cũng nên hiểu như vậy mà xếp hai cái tên ấy nằm cạnh bên nhau, gần lại với nhau. Hơn thế nữa, một khi đã xem “mối tình nghệ sĩ” chỉ “như giấc mơ” thôi và đã từng có những lúc quay lưng “lạnh lùng mà đi luyến tiếc thêm chi”, thì có sá gì một cái tên mà hai chàng chẳng “gửi gió cho mây ngàn bay”…
Thực ra, nếu có ý định tìm hiểu, ca sĩ Đoàn Chính, con trai trưởng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, có thể nói thêm được ít nhiều về hai ông ĐC-TL. Ca sĩ Anh Ngọc chẳng hạn, cũng có thể bộc lộ một đôi điều (vì nghe đâu ca sĩ Ngọc Long là em của ông Từ Linh, mà theo nhạc sĩ Phạm Duy, Ngọc Long cũng lại là em của Anh Ngọc, vậy thì Anh Ngọc là anh em thế nào với ông Từ Linh này không rõ), tuy nhiên trước giờ vẫn không nghe ông này nói năng gì… (Những giai thoại về hai chàng nghệ sĩ này có khá nhiều, chẳng biết đâu là hư là thực, chẳng biết đâu mà kiểm chứng, và phạm vi bài này cũng không có ý định tìm hiểu tính cách xác thực của những giai thoại ấy. Sau cùng có lẽ nên nói như nhạc sĩ Phạm Duy, “… trừ phi chính Đoàn Chuẩn viết ra những lời phủ nhận, Từ Linh vẫn không phải là người được ghép tên vào ca khúc”).
Kể ra trong lịch sử âm nhạc và trong số những nhạc sĩ tên tuổi của chúng ta, thật hiếm thấy có đôi nhạc sĩ nào gắn bó với nhau thiết thân và tri kỷ đến như vậy. Khi cùng gắn bó với mùa thu, với những mối tình dang dở, hai chàng cũng đồng thời gắn bó với nhau; khi cùng yêu một mầu áo, cùng yêu những cung đàn, hai chàng cũng đã cùng chung một mối tình.
“Mùa thu quyến rũ anh rồi”
Cuốn video tape ca nhạc ấy cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, thế nhưng có một đoạn phim ngắn không tới một phút, giới thiệu một trong những tình khúc của ĐC-TL, cứ làm tôi nhớ mãi. Một người ngồi trong căn phòng mờ mờ tối, chậm chạp đứng dậy, chậm chạp bước những bước nặng nề về phía cửa, chậm chạp đặt nhẹ bàn tay lên nắm cửa. Cánh cửa từ từ mở ra, chút ánh sáng lùa vào. Một vòm trời, một chiếc lá rơi. Không gian ấy không rõ là buổi sáng hay buổi chiều. Người đàn ông đứng quay lưng, không nhìn rõ mặt. Người ấy là ông Đoàn Chuẩn. Bài hát được giới thiệu là “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”.
Với bao tà áo xanh, đây mùa thu… Câu nhạc đầu như bàn tay kéo nhẹ tấm màn cửa mở ra khung trời bát ngát mùa thu. Mùa thu của ĐC-TL.
Trước và sau ĐC-TL cũng đã có nhiều nhạc sĩ viết về mùa thu, và có nhiều ca khúc khá hay về mùa thu nữa, thế nhưng mùa thu trong nhạc ĐC-TL vẫn như có khí hậu riêng, không gian riêng, khiến người nghe nhận ra những khác biệt. Mùa thu ấy không chỉ thật đẹp, thật quyến rũ, mà còn là mùa thu của những chuyện tình “yêu một sớm, nhớ nhau bao mùa thu”… Thực ra, đâu phải chỉ có mùa thu, trong nhạc ĐC-TL ta nghe cả bốn mùa. Qua những lời nhạc trữ tình, ta như nghe được những đổi của thời tiết, của khí hậu từng mùa. Những mùa màng của đất trời, hay mùa màng của tình yêu, hay mùa màng đời người. Thế nhưng nhiều nhất vẫn cứ là mùa thu. Hầu như không có bài nhạc nào của hai chàng nghệ sĩ lại không bàng bạc ít nhiều tình thu, ý thu, không phảng phất chút hương thu dịu nhẹ. Có khi là cụm mây lững lờ trôi về cuối trời, là cơn mưa làm rụng lá vàng, là cánh hoa tàn tạ trong đêm tối, hay nỗi tiếc nhớ những mùa thu không trở lại…
Có rất nhiều lá vàng trong mùa thu của ĐC-TL, và lá vàng rơi không làm sao đếm hết:
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh… (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
Mưa rơi làm rụng lá vàng… (Thu Quyến Rũ)
Thôi thế từ nay như lá vàng bay… (Lá Đổ Muôn Chiều)
Lá thu còn lại đôi ba cánh… (Lá Đổ Muôn Chiều)
Lá thu lìa cành nhớ hoa ngàn xưa… (Tình Nghệ Sĩ)
Những chiếc lá lìa cành mà hai chàng gọi là “những cánh đời mong manh” hay là “nước mắt người đi”. Trên những dòng nhạc ấy, chỉ thấy những hoa rơi, lá rơi, và những chuyện tình buồn vời vợi….
Mùa thu có đẹp nhưng sao cứ nghe man mác buồn! Thực ra đâu có riêng gì mùa thu, mùa nào trong nhạc ĐC-TL cũng có vẻ buồn cả. (Mùa xuân mà “lá vẫn bay…”, vẫn “hoa mai rơi từng cánh trên đường…” thì cũng đâu có vui gì).
Nhưng tại sao lại là mùa thu? Có phải vì mọi chuyện khởi đầu từ mùa thu…
Ta quen nhau mùa thu, ta thương nhau mùa đông, ta yêu nhau mùa xuân… (Tà Áo Xanh)
Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương… (Lá Thư)
Và cũng kết thúc vào mùa thu…
Nhưng một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt, nàng đi gót hài xanh… (Gửi Người Em Gái)
Để mùa thu lá vàng khóc tình ta… (Vàng Phai Mấy Lá)
Chuyện tình mùa thu để lại nhiều hối tiếc.
Thu nay vì đâu tiếc nhiều, thu nay vì đâu nhớ nhiều… (Thu Quyến Rũ)
Mùa thu ĐC-TL đẹp như bài thơ. Có khi chỉ trong một bài nhạc (“Cánh Hoa Duyên Kiếp” chẳng hạn) ta nhặt ra được những câu thơ viết về mùa thu thật là đẹp, tưởng như hai chàng nhạc sĩ bỗng nhiên nổi hứng, bỏ nhạc quay sang làm thơ vậy: yêu một sớm, nhớ nhau bao mùa thu…, tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối…, hương thu màu tím buồn… (cũng tựa như “màu thời gian tím ngát” trong thơ Đoàn Phú Tứ vậy).
Mùa thu ĐC-TL đẹp như tranh vẽ. Có khi chỉ là những nét chấm phá:
Hàng cây đứng hững hờ, lá vàng từng cánh rơi từng cánh… (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
Hoặc có khi là cảnh trí đầy mầu sắc, bầu trời trong xanh, bướm hoa và chim chóc:
Trời đất kia ngả mầu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh… (Thu Quyến Rũ)
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay… (như sợ làm vỡ mùa thu)
Làm sao có thể vẽ được bức tranh sinh động ấy, làm sao có thể bắt được những rung động của thiên nhiên ấy nếu không có một trái tim thật là nhạy cảm. Người nghe tưởng nghe được cả tiếng thở nhẹ của mùa thu, tưởng thấy được cả không gian lắng đọng của đất trời vào thu, tưởng chạm tay vào được cả vạt áo dài lướt thướt của mùa thu, và như ngất ngây trong khoảnh khắc “dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai” ấy… Nàng thu của ĐC-TL mang vẻ đẹp tự nhiên, không trang hồng điểm phấn, không tô vẽ màu mè, như thể trời cho thế nào thì cứ bày ra như vậy. Nàng thu ĐC-TL mang vẻ đẹp đơn sơ, nhưng cũng thật mơ màng và tình tứ, quyến rũ và mời mọc, như muốn “dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai” vậy.
Những chữ “thế nhân”, “trần gian”, “đường trần”, “tình trần”, hoặc “người đời”, “nhạc đời”… vẫn hay được ĐC-TL đưa vào trong lời nhạc như thể hiện ước muốn kéo lại gần hơn những giấc mơ xa vời và hoang tưởng của con người. Mộng nữa cũng là không…, câu ấy hai chàng đâu phải chỉ nói với chính mình mà còn muốn nhắn nhủ “người đời”. Nhà phê bình Đặng Tiến đã so sánh và đưa ra lời nhận định xác đáng: “ĐC-TL đã đưa Thiên Thai về đây với thu trần gian, trong khi Văn Cao phải lên tận cõi Đào Nguyên”. Tôi vẫn cho rằng “Thu Quyến Rũ” là một trong những bài hát hay nhất nói về mùa thu. Những nốt nhạc mềm mại rót xuống ở cuối câu “mùa thu quyến rũ anh rồi” nghe như chiếc lá vàng lìa cành nhẹ rơi trong không gian tĩnh lặng của mùa thu. “Thu Quyến Rũ” phải được nghe bằng giọng nam chứ giọng nữ thì khó mà… quyến rũ, nhất là khi lời nhạc bị đổi thành “em mong chờ mùa thu” hoặc “mùa thu quyến rũ em rồi” thì không thấy… mùa thu ĐC-TL ở đâu cả! Cũng không hẳn là sai quấy, thế nhưng người nghe thấy kỳ kỳ, chỉ vì trước giờ người ta vẫn cứ nghe ĐC-TL là nghe “anh mong chờ mùa thu” hoặc “mùa thu quyến rũ anh rồi”. Hơn thế nữa, “tà áo xanh nào về với giấc mơ” ở đây nhất định không phải là tà áo xanh của chàng về trong giấc mơ của nàng, vậy thì “mầu áo xanh là mầu em trót yêu” nghe cũng hơi… sường sượng. (Dù sao vẫn còn khá hơn là “khi nào anh đến với em, xin đừng quên chiếc áo xanh…”).
Nghe nhạc ĐC-TL là nghe mùa thu kể chuyện tình, là nghe những lời tự tình ngọt ngào hay buồn bã của những người yêu nhau và xa nhau. Những chuyện tình như mang theo cả khí hậu của mùa thu ấy, và cũng tựa như mùa thu trong những nét nhạc ấy, đẹp và buồn.
Mùa thu trong nhạc ĐC-TL không có cái buồn ủ rũ, ảo não của mây hắt hiu ngừng trôi…, mưa giăng mù lê thê… như “Giọt Mưa Thu” của Đặng thế Phong, cũng không có cái buồn se sắt, rã rượi của năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần… như “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao, và cũng không có cái buồn tái tê, sướt mướt của nước mắt mùa thu khóc cho cuộc tình… như “Nước Mắt Mùa Thu” hay mùa thu đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho… như “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy… Mùa thu ĐC-TL có buồn nhưng chỉ là cái buồn phảng phất, nhẹ nhàng như chìm lắng trong mơ, như được bao phủ trong màn sương lãng đãng, đượm chút thi vị ngọt ngào trong từng cánh lá thu màu vàng úa và trong hương thu màu tím buồn. Mùa thu ấy có vẻ gần với cái buồn mênh mang trong “Thu Vàng” của Cung Tiến hay “Tiếng Thu” của Lưu trọng Lư hơn.
Mùa thu ĐC-TL mang vẻ “cổ điển”, nhưng là cái vẻ cổ điển muôn đời muôn thuở của thiên nhiên, của đất trời, của hàng cây khô trụi lá, của cụm mây thu lờ lững, của bóng trăng thu mơ màng…, tất cả đều nhuốm một vẻ buồn man mác khi mùa thu buông áo xuống phương này.
Mùa thu ĐC-TL là mùa “thu trần gian”, là thu của bốn mùa, là thu của những chuyện tình, và chắc chắn không giống, không phải là “một mùa thu năm xưa…” như những chuyển hướng sáng tác của không ít những nhạc sĩ ở cùng thời để cố gắng bắt kịp những đổi thay hay đáp ứng những yêu cầu tình thế. Tất cả những thứ đó không vào được trong mùa thu, trong dòng nhạc của ĐC-TL.
Mặc cho những biến động, những xoay vần của thời cuộc, mặc cho bao nhiêu là vật đổi sao dời, bao nhiêu là tang thương dâu bể, đất trời vẫn cứ bốn mùa, mùa thu của ĐC-TL vẫn cứ ở lại, và cũng chính vì thế, cũng chính điều này đã khiến mọi người yêu thêm những dòng nhạc, yêu thêm những mùa thu đoàn chuẩn-từ linh.
“Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu”
Nếu gọi Hoàng Trọng là “nhạc sĩ của mầu tím”, thì chắc chắn danh hiệu “nhạc sĩ của… mầu xanh” phải thuộc về tay ĐC-TL chứ không thể là ai khác. Có lẽ cái tên ấy nghe không được hay lắm nên chưa thấy có ai gọi như vậy, nhưng dù sao vẫn cứ đúng hơn là ghép tên hai chàng nghệ sĩ này với mùa thu, vì không có mùa thu này ta còn mùa thu khác, không có ĐC-TL ta vẫn có những nhạc sĩ khác viết về mùa thu, chứ còn mầu xanh thì hầu như trước sau chỉ có hai chàng là tỏ ra nâng niu và gắn bó thiết tha hơn cả…
Thực ra, không hẳn là hai chàng chỉ sử dụng có một màu xanh đó thôi để vẽ nên những nét nhạc, những mầu sắc khác, mầu tím chẳng hạn, vẫn có đấy chứ. Nhưng trên hết và nhiều nhất, vẫn là mầu áo xanh.
Hầu như ĐC-TL không bỏ lỡ dịp nào để đưa mầu áo xanh mà hai chàng “trót yêu” vào trong những lời nhạc của mình. Khi cần tô đậm thêm cho mầu xanh ấy thì hai chàng gọi là mầu xanh “ái ân”:
Hẹn một ngày nao khi màu xanh lên tà áo… (Cánh Hoa Duyên Kiếp)
Giữa chân trời xanh ngắt, nàng đi gót hài xanh… (Gửi Người Em Nhỏ)
(Phải là gót hài xanh chứ không chịu màu gì khác!)
Với bao tà áo xanh, đây mùa thu… (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
(Khác với “ngàn thu áo tím” của Hoàng Trọng)
Gửi thêm ánh trăng mầu xanh lá thư…, rồi lại
Gửi thêm lá thư mầu xanh ái ân… (Lá Thư)
(Chỉ gửi đi toàn một mầu xanh)
Tà áo xanh nào về với giấc mơ… (Thu Quyến Rũ)
(“Giấc mơ xanh”, có thể gọi vậy)
Có mầu nào không phai, như mầu xanh ái ân… (Tà Áo Xanh)
(Chẳng biết đúng, sai. Nói vậy chắc phải vậy!)
Có rất nhiều, rất nhiều màu xanh như thế trong nhạc ĐC-TL.
Thử nghe lại “Tà Áo Xanh” (có tên khác là “Dang Dở”), bài hát tiêu biểu trong số những bài tiêu biểu. Gọi là “tiêu biểu” vì được nhiều người hát nhiều người nghe, vì cái tực của bài hát, và vì cả bài hát ấy là câu chuyện tình được kể lại một cách trọn vẹn nhất.
Tôi vẫn cho rằng câu mở đầu của bài nhạc luôn luôn là một trong những câu hay nhất, dẫn đưa người nghe vào thế giới âm nhạc ĐC-TL, như lạc vào cánh rừng thu ngập xác lá vàng. Ở “Tà Áo Xanh”, khởi đầu là gió. Gió từ muôn hướng. Một mảnh hồn đầy gió. Gió bay từ muôn phía, tới đây ngập hồn anh… Gió ấy chắc phải lạnh nhiều, từ “lúc anh ra đi lạnh giá tâm hồn…” Gió mang lời dẫn nhập câu chuyện tình kể lại, gió cũng đưa tình lên chơi vơi, đưa thuyền anh một lá ra khơi… Hình ảnh con thuyền và cánh chim có vẻ được ĐC-TL đặc biệt ưa chuộng, dùng đi dùng lại nhiều lần. Khi thì “thuyền cắm tay sào tự cuối thu”, lúc thì “thuyền tình không bến đỗ người ơi”, hoặc là “thuyền đã sang bờ, đường về không lối”, có khi lại tự ví von “tình anh một con thuyền bé chìm sâu đại dương một đêm nổi sóng”. Lại có cả một bài hát nói về con thuyền nữa. Thuyền anh mai ra đi rời bến… (Chuyển Bến). Có bài chở theo một lúc đến mấy con thuyền làm người nghe cứ lẫn lộn, không rõ thuyền nào là chàng thuyền nào là nàng, như lúc thì “thuyền phiêu lãng từ nay không bến đỗ”, khi thì lại “thuyền rời xa bến vắng người ơi” (Lá Đổ Muôn Chiều). Có rất nhiều thuyền bè lờ lững, nổi trôi trên dòng nhạc ĐC-TL.
Đêm đêm ngồi chờ sáng mơ ai… Phải yêu say đắm lắm, thiết tha lắm mới trải qua bao đêm thức trắng để chỉ ngồi chờ sáng và mơ tưởng đến một bóng hình, dẫu biết rằng “người mơ không đến bao giờ”.
Ta yêu nhau mùa xuân, để rồi tàn theo mùa xuân… Có là bốn mùa yêu nhau, hay những mùa màng trong tình yêu chỉ có tính ước lệ. Người về lặng lẽ sao đành… là lời trách cứ hay tiếng thở dài.
Anh còn nhớ…, em còn nhớ anh nói rằng… Đâu phải chỉ là những câu thề thốt chót lưỡi đầu môi hay những lời tình tự ngọt ngào của một mùa ái ân, mà còn là nỗi niềm trăn trở vì những câu hỏi “tại sao” không có lời giải đáp. Sao mùa xuân lá vẫn rơi, sao mùa xuân đến không vui?… Có hoa nào không tàn, có tình nào không phai?…
Khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh… Làm sao mà quên được, mà khước từ cho được lời dặn dò ân cần mà thiết tha đến vậy. Làm sao mà dám chắc có tình nào không phai như tình anh với em.
Rồi chiều nao, xác pháo bên thềm tản mác bay… Câu nhạc chuyển đoạn ở chỗ này thật khéo, thật đẹp. (Các nhạc sĩ thời ấy vẫn hay sử dụng những câu nhạc chuyển tiếp như vậy. Anh Việt trong “Thơ Ngây” chẳng hạn: “Rồi một hôm, có chàng trai trẻ đến nơi này…” Hoặc, cũng ĐC-TL trong “Gửi Người Em Gái”: “Rồi từ ngày ấy, nước sông ngăn cách đôi dòng…”). Như cuốn tự truyện vừa lật sang một chương khác, như cuốn phim, vở kịch vừa chuyển sang một cảnh khác, màn khác, mở ra khung cảnh mới, không gian mới, dẫn đến kết thúc câu chuyện tình dở dang. Tôi yêu chữ “tản mác” trong câu ấy, tưởng trông thấy được xác pháo đỏ tươi, vật vờ, nhẹ cuốn theo làn gió đùa. Chuyện tình ấy, xác pháo ấy rồi “cuốn theo chiều gió”. Hai người đã hai lối đi.
Em đi trong xác pháo, anh đi không ngước mắt… Hình ảnh anh chàng thất tình, cúi mặt cúi đầu lầm lũi đi trong ngày đám cưới người yêu mới tội nghiệp làm sao, mới thương tâm biết chừng nào. Chỉ là xác pháo, chỉ là những bước đi câm lặng, không nói gì đến tình cảm vui, buồn, nhưng vẫn làm gợn lên nỗi xúc động, vẫn khiến người nghe phải mủi lòng. (Hình ảnh “em đi trong xác pháo” còn được nhiều nhạc sĩ lập lại về sau này). Thôi đành… em, câu hát như bị tắc nghẹn, như muốn nói điều gì đó nhưng lại thôi, và đổi thành tiếng thở dài thật nhẹ. Hoa tàn tình tan theo không gian… Vẫn cứ chậm rãi, nhưng những nốt nhạc được đẩy nhẹ từ thấp lên cao, và người hát cũng đẩy giọng cao hơn sau chỗ xuống giọng và ngưng nghỉ ở câu trước. Tôi yêu nét bay bổng ở những nốt do cao trong câu nhạc cuối. Những nốt ngân thảng thốt, rời rạc, và tan loãng trong không, nghe như những mảnh tình tan tác “cũng theo hư không mà đi”. Những nốt nhạc cuối cùng ấy phải được nhấn sâu và rõ trên từng phím đàn. Một trong những câu hát đẹp nhất và đoàn chuẩn-từ linh nhất.
Câu chuyện tình kể lại khá đầy đủ, trọn vẹn, kết thúc bằng một đám cưới mùa xuân, có hoa mai rơi từng cánh, có xác pháo bên thềm, có em đi trong xác pháo, có anh đi không ngước mắt, có tiếng thở dài “thôi đành… em”…, nghĩa là có nhiều “kịch tính”, nhiều hình ảnh sắc nét đan chéo vào nhau, như bày ra trước mắt, như rọi thẳng vào tim người nghe, dễ tạo những cảm xúc.
Tại sao lại tà áo xanh? Tà áo xanh nào về với giấc mơ… Tà áo xanh chỉ có trong giấc mơ thôi sao? Tại sao lại là mầu xanh ái ân? Gửi thêm lá thư mầu xanh ái ân… Sao không phải là màu xanh thắm, xanh ngắt hay xanh biếc…? Mầu xanh ái ân ấy biết có là thực hay mơ? Và mối tình nghệ sĩ nữa, cũng chỉ như giấc mơ thôi sao?
“Tà Áo Xanh”, cũng như các bài nhạc khác của ĐC-TL, thường có chung một nhịp điệu chậm và buồn, thích hợp với những lời kể lể, tình tự. Hầu hết các bài nhạc được viết ở nhịp 4/4 trên những cung bậc và giai điệu thật mềm mại, bằng những nốt nhạc rót xuống thật dịu dàng như vuốt ve mơn trớn, như lời thầm thì rót mật vào tai, thật nhẹ nhàng như lời gió rì rào, thật chậm rãi như “lá vàng từng cánh rơi từng cánh” và thật thong thả như bước chân lững thững dạo trên những lối đi mùa thu.
Ý nhạc diễn tả theo tình cảm của lời, đôi lúc ngẫu hứng, bất chấp những quy luật sáng tác. Luật cân phương, cân đối ư? Làm sao có ở những “Tà Áo Xanh”, “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”… Cũng đâu có sao, trước và sau đấy vẫn có những người soạn nhạc theo lối đó. Đã gọi là nghệ sĩ mà! (Đâu phải riêng gì ĐC-TL, nhiều nhạc sĩ khác ở cùng thời cũng có vẻ không mấy thích những khuôn khổ và luật lệ lỉnh kỉnh trong sáng tác âm nhạc). Vấn đề là nhạc, là thơ có chuyên chở được những cảm xúc, có làm người nghe phải lắng nghe, có làm rung lên những sợi dây đàn âm thanh trong mỗi trái tim người nghe.
Đâu phải chỉ có ở “Tà Áo Xanh” không thôi, mầu áo xanh còn ẩn hiện chập chờn chỗ này chỗ khác. “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” chẳng hạn, với bao tà áo xanh đây mùa thu… “Thu Quyến Rũ” chẳng hạn, mầu áo xanh là mầu anh trót yêu… Sao lại “trót”, trót yêu nghĩa là sao? “Trót” như một định mệnh, không làm sao tháo gỡ, không cách chi cởi bỏ được. Định mệnh nào đã buộc chặt người viết câu hát ấy với mầu xanh kia? Mùa thu quyến rũ hay mầu áo xanh quyến rũ? Trót yêu mầu xanh, hay trót yêu mùa thu…, hay trót yêu “người mơ”? Nhưng sao “người mơ” lại “không đến bao giờ”? Như vậy thì tình yêu đưa vào trong bài hát ấy rồi sau cùng chỉ còn lại có một mầu xanh ái ân đó thôi. Như vậy thì tất cả những lời thơ ý nhạc trong những tình khúc ĐC-TL cuối cùng chỉ nằm gọn lại trong câu hát “có mầu nào không phai, như mầu xanh ái ân”.
Tìm đẹp trong nét bút Đoàn Chuẩn-Từ Linh
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi…
Khi đặt bút viết câu hát “… đập gương xưa tìm bóng” (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay), tôi đoán chừng hai chàng ĐC-TL đã có ý mượn ý thơ trên của ông vua Tự Đức (lòng tưởng tiếc, nỗi nhớ quay quắt người ái phi đã lìa trần) để bày tỏ nỗi nhớ nhung da diết về một bóng hình đã xa khuất. “Đập gương xưa tìm bóng”, chứ không nói “nhớ em trong tận cùng nỗi nhớ” hoặc “lòng cuồng điên vì nhớ…” (Hoài Cảm, Cung Tiến) như là những người viết sau này.
Ta còn thấy rải rác những câu hát viết theo lối ấy, như “nước sông ngăn cách đôi dòng”, “thuyền đã sang bờ”, “thuyền cắm tay sào tự cuối thu”, “gửi bướm đa tình về hoa”, “chim rồi bay, anh rồi đi”… chẳng hạn.
Đêm đêm nhìn cây trút lá, lòng thấy rộn ràng ngỡ bóng ai về… Câu hát ấy nghe ra cũng từa tựa “giọt sương khuya rụng xuống lá, như chân ai lần về…” (Nguyệt Ca, Trịnh công Sơn), chỉ có khác chút đỉnh là “Thu Quyến Rũ” được viết ra tính đến nay cũng đã trên năm mươi năm chứ không phải mới bây giờ. Thử làm một sự so sánh nho nhỏ để thấy rằng người đời sau thật không dễ gì qua mặt được những người đi trước, và có những cái tưởng như mới thực ra lại chẳng mới chút nào.
Đôi lúc tôi tự hỏi làm sao mà ngày ấy người ta lại viết được những câu hát như là “nhớ nhau từ làn môi, đôi mắt”, rồi lại “nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát” (Lá Đổ Muôn Chiều), hay là “nhớ nhau đành tìm trong ánh sao” (Lá Thư), và nhất là “nhớ nhau từng phút, yêu từng giây…” (Đường Về Miền Bắc)…
Không chỉ là những câu, mà cả đến những chữ dùng trong câu cũng làm người nghe thú vị, như là chữ “ngập ngừng” (như đã nói ở phần trên):
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay… (Thu Quyến Rũ)
Ngập ngừng như sợ cái đập cánh sẽ làm hỏng mất khoảng không gian lắng đọng tuyệt vời của mùa thu, làm hỏng mất bức tranh thu tuyệt diệu ấy.
Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng: chờ đến kiếp nào… (Lá Thư)
Những phút ngập ngừng ấy là những phút xao động của tình yêu.
Hay là chữ “hững hờ” chẳng hạn:
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ… (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
Tại sao lại “đứng hững hờ”? Nghe có vẻ… hờ hững quá, dửng dưng quá. Hàng cây đứng hững hờ hay mùa thu đó hững hờ? Cái “hững hờ” ấy, những nốt nhạc xuống giọng lửng lơ ấy nghe mới có vẻ mùa thu làm sao.
Những “ái ân” và “ân ái” có thấy rải rác đâu đó trong thơ và nhạc thuở trước, chẳng hạn “ta sẽ là vợ chồng, sẽ yêu nhau mãi mãi, sẽ xe sợi chỉ hồng, sẽ hát câu ân ái…” (Hôn Nhau Lần Cuối, Nguyễn Bính), hoặc “trời hết một mùa đông, gió bên thềm thổi mãi, qua rồi mùa ân ái…” (Một Mùa Đông, Lưu trọng Lư), hoặc “một chiều ái ân, say hồn ta bao lần…” (Bóng Chiều Xưa, Dương thiệu Tước); thế nhưng, quả tình là chưa có nơi đâu “ân ái” lại được mùa cho bằng ở những câu nhạc tình ĐC-TL:
Gửi thêm lá thư mầu xanh ái ân về đôi mắt như hồ thu… (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
Có mầu nào không phai như mầu xanh ái ân… (Tà Áo Xanh)
Bóng anh phai dần ái ân tàn theo… (Tình Nghệ Sĩ).
Anh quay về đây đốt tờ thư quên đi niềm ân ái ngàn xưa… (Lá Thư)
Ái ân theo tháng năm tàn, ái ân theo tháng năm vàng… (Lá Thư)
Còn đâu ân ái chăng người xưa… (Lá Thư)
Tôi không rõ là những “ái ân, ân ái” nở rộ trong những dòng thơ dòng nhạc đó có khác gì nhiều lắm những câu, chữ ấy hiểu theo nghĩa bây giờ, nhưng chắc là phải tình tứ hơn, thơ mộng hơn. Những “câu ân ái” chắc phải hiểu là những lời tình tự êm ái ngọt ngào nhất, những “chiều ái ân” từng làm “say hồn ta bao lần” chắc phải hiểu là những thờ? khắc yêu đương đắm say, nồng nàn nhất…
Tương tự, chữ “lả lơi” trong những câu hát dưới đây chắc không có nghĩa “xem trong âu yếm có chiều lả lơi” như cụ Nguyễn Du tả cảnh Kim Trọng lả lơi với Thúy Kiều, mà vừa có vẻ “lả lướt, bay bướm”, lại vừa chan chứa những tình ý yêu đương:
Nét bút đa tình lả lơi… (Lá Thư)
Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi… (Tình Nghệ Sĩ)
Khăn san bay lả lơi trên vai ai …(Gửi Người Em Gái)
Đã “lả lơi” lại còn “đa tình” nữa thì chịu gì nổi hai chàng nghệ sĩ… đa tình ấy:
Nét bút đa tình lả lơi… (Lá Thư)
Gửi bướm đa tình về hoa… (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
Anh mơ trong nét bút đa tình sao… (Tà Áo Xanh)
Đến những câu như là “nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát, đời vắng em rồi vui với ai…” (Lá Đổ Muôn Chiều) lại nghe sao mà thiết tha quá chừng!
Nếu không phải là câu hát, câu trên chắc phải là câu thơ. Nếu là câu thơ, câu thơ ấy ngẫu nhiên đã chảy xuôi cùng một dòng với câu thơ Vũ hoàng Chương. Em ơi lửa tắt, bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai… (Đời Vắng Em Rồi). Có khác chăng là men rượu với men tình. Có tình nào không say…, hai chàng đã chẳng nói vậy sao(?). Tìm vui trong tiếng hát hay tìm quên trong chén rượu cũng chỉ là đi tìm những lãng quên thôi.
Có rất nhiều câu hát chan chứa những tình cảm yêu đương đắm say như vậỵ.
Tình đầu trong gió mùa, người yê…êu… ơi… (Lá Thư ). Những nốt luyến láy uyển chuyển kéo dài nơi chữ “yêu” nghe như lời nhắn nhủ thiết tha và nhớ nhung da diết…
Trong “Lá Thư”, có một câu tôi rất thích. Anh quay về đây đốt tờ thư quên đi niềm ân ái ngàn xưa… Hành động đốt tờ thư là hành động thể hiện sự dứt khoát, là muốn đoạn tuyệt, muốn quên hết. Thế nhưng khi lòng đã thực sự muốn quên, muốn dứt khoát thì sao không đi dài đi thẳng, sao không “lạnh lùng mà đi luyến tiếc thêm chi” để khỏi bận lòng chi nữa lúc chia phôi mà còn “quay về đây” làm gì nữa? Phải đốt hết, phải thiêu hủy cho bằng hết những “phong thư ngào ngạt hương” ấy mới quên đi được sao? Tương tự, đã nói là “nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay, anh rồi đi…” (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay), nhưng sao vẫn cứ “thấy hối tiếc nhiều, thuyền đã sang bờ…” và vẫn còn lời trách cứ nhẹ nhàng “người về lặng lẽ sao đành!…” (Tà Áo Xanh). Nói quên mà thật khó quên, nói không hối tiếc mà còn nhiều hối tiếc, có phải đấy là tâm trạng dùng dằng, là những giằng xé dày vò của bao kẻ trót vướng vào lưới tình, là những hệ lụy của tình yêu ở bất cứ thời nào.
Những tình khúc ĐC-TL, về giai điệu, tuy mượt mà nhưng khá đơn giản, không có những chỗ luyến láy lả lướt quá, không có những biến khúc, biến tấu khi lên khi xuống, lúc nhanh lúc chậm, những nốt nhạc lên cao hoặc xuống thấp quá, hoặc đòi người hát phải có những hơi ngân thật khỏe thật dài. Tất cả chỉ là “nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi”, lại có vẻ là những bài bản dễ hát, ai hát cũng được, nhưng không phải là ai hát cũng hay được. Khác với những tình khúc của những nhạc sĩ tên tuổi thường gắn liền với giọng hát của những ca sĩ tên tuổi, tôi chưa hề nghe nói giọng hát nào là đặc biệt thích hợp với nhạc tình ĐC-TL. Mỗi người có thể yêu thích những giọng ca khác nhau, có thể nghe được ĐC-TL bằng giọng ca này mà không phải giọng ca khác. “Thu Quyến Rũ”, với tôi, trước giờ vẫn chưa có ai hát qua được Ngọc Long (cũng là người hát hay nhất “Ngày Về” của Hoàng Giác). Đã nghe giọng hát ấy thực tình không còn muốn nghe thêm giọng hát nào khác nữa. “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, cứ mỗi lần nghe là mỗi lần nhớ giọng hát Lệ Thanh một mùa nào. “Tà Áo Xanh” nghe được cả với giọng nữ cao Thái Thanh và giọng nam trầm Sĩ Phú. Có thể kể thêm những Mai Hương, Quỳnh Giao, Xuân Thu (giọng từa tựa Lệ Thanh)… ở một đôi bài ĐC-TL (và còn những ca sĩ nào khác nữa tôi chưa được nghe qua…). Các bài “Chuyển Bến”, “Thu Quyến Rũ” có vẻ thích hợp với giọng nam hơn là giọng nữ. “Gửi Người Em Gái”, “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” lại thích hợp với giọng nữ hơn. Giọng nam phải là giọng trầm, giọng nữ phải mềm mại, tự nhiên.
Những lối thay đổi tùy tiện lời nhạc và cả giai điệu, bằng cách chế biến, thay đổi nhịp điệu nhanh chậm, uốn éo lời ca giọng hát, hoặc hát hoặc ít câu bài này chuyển sang ít câu bài kia theo lối “liên khúc”… đôi lúc vẫn thấy trong cách trình diễn của một vài ca sĩ. Tất cả những kiểu “tự biên tự diễn” ấy đều không thích hợp và không diễn tả được tình cảm lời nhạc, khiến người nghe không mấy hứng thú hoặc rung động, nếu không muốn nói là có đôi chút khó chịu vì không còn nhận ra ĐC-TL…
Sánh đôi cùng giai điệu mượt mà trong những tình khúc ĐC-TL là những lời lẽ thật tự nhiên, không chút bóng bẩy, cầu kỳ, không ẩn chứa những triết lý cao xa, mơ hồ, mà chỉ là những ý tưởng thật giản đơn, thật gần gụi như bày ra trước mắt mọi người, và cũng thật dễ dàng nhận biết, hiểu thấu. Những ý tưởng thoạt nghe tưởng như cũ kỹ, nhưng lúc nào cũng mới và vẫn được lặp đi lặp lại mãi về sau này. Mộng nữa cũng là không…, thế thôi, hoặc những quy luật bất biến, muôn đời của cuộc sống: Có hoa nào không tàn, có tình nào không phai…
Lời nhạc chỉ đơn giản là vậy, không gọt dũa trau chuốt, không làm duyên làm dáng, chỉ như những chuyện trò thân mật, những tâm tình vụn vặt giữa hai người bạn, giữa cặp tình nhân, nhưng lại đi thẳng vào trái tim người nghe. Sao lại như vậy được? Cũng dễ hiểu thôi, những lời lẽ ấy có bình thường nhưng không tầm thường chút nào, mà ngược lại, nói như nhà phê bình Đặng Tiến, đấy là tiếng nói được “phát ngôn trên tư cách nghệ sĩ, đưa tác phẩm nghệ thuật đến một quần chúng nghệ thuật, trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ”. Cái đẹp trong lời nhạc ĐC-TL không chỉ ở tính sáng tạo nghệ thuật mà còn ở cách thể hiện. Nghe lại một lần nữa, cũng là “Cánh Hoa Duyên Kiếp” ấy, ta gặp được những câu hát thật đẹp:
Đêm hôm nay chợt nhớ tới nơi xa, lúc anh về nhặt mấy cánh hoa, kèm vào thư “lá thư xanh mầu yêu” cánh hoa duyên kiếp này, tìm em trong ý thu…
Đêm hôm nay ngồi dưới ánh trăng thu, viết tơ lòng gửi tới cho nhau, rồi ngày mai nhắn mây đưa tờ thư tới em, đôi mắt sầu, kèm theo bao ý thơ…
Tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối, rồi tan trong chiều vắng, khi gió mang về thành mưa…
Những câu hát giàu hình ảnh và ý tưởng đẹp như thế có thể gặp rải rác ở bất cứ tình khúc nào của ĐC-TL.
Người thưởng ngoạn khó tính một chút vẫn có thể tìm ra được những hạn chế trong nét đẹp ấy. Những ý tưởng trùng lắp hay những câu, chữ lặp đi lặp lại ở bài này bài kia (những “xác pháo bên thềm”, “nét bút đa tình”, “dệt mấy cung đàn”, “lòng thấy rộn ràng”… chẳng hạn). Có khi không phải chỉ vài chữ mà gần trọn câu nhạc vừa ở bài này vừa ở bài kia (“nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi…” ở “Tình Nghệ Sĩ” và “Đường Về Miền Bắc” chẳng hạn), có lẽ vì nghệ sĩ vẫn hay có những phút… lơ đãng!
Những ví dụ kể trên không có nhiều, ngược lại, đôi lúc nghe nhạc ĐC-TL, ta gặp được những bất ngờ thú vị, chẳng hạn đang giữa những nét nhạc lâng lâng (ít nhiều chịu ảnh hưởng dòng thi ca lãng mạn Pháp từ đầu thế kỷ trước), bỗng lạc ở đâu vào những câu lục bát ngọt ngào ca dao hay âm hưởng làn điệu dân ca:
Nàng đi cho dạ sao đành
đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa
(Gửi Người Em Gái)
mới nghe tưởng như “tân cổ giao duyên”, vậy mà vẫn cứ thuận chiều, vẫn cứ xuôi chèo mát mái, chẳng có chút gì ngượng ngập, sượng sùng. Những pha trộn, kết hợp ấy mới thật tài tình.
Về việc đánh giá, xếp hạng những tình khúc của ĐC-TL, thật khó mà nói được bài nào là hay nhất, hoặc bài nào hay hơn bài nào. Kẻ yêu bài này, người thích bài kia, hoặc cho là mỗi bài mỗi vẻ… Cũng không rõ là hai chàng nhạc sĩ đã sử dụng những nhạc khí nào cho việc sáng tác, tuy nhiên, nét nhạc trữ tình ấy khá thích hợp khi được diễn tả qua tiếng đàn (hay nhạc đệm) piano, đôi lúc qua điệu kèn saxo (trong lúc sở trường của tác giả những tình khúc ấy lại là hạ uy cầm), đặc biệt là những bài Lá Thư, Tà Áo Xanh, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay…
Qua việc tìm hiểu lịch sử tân nhạc Việt nam, các nhà nghiên cứu âm nhạc vẫn cho rằng những tình khúc ĐC-TL là tiêu biểu cho dòng nhạc lãng mạn tiền chiến. (Chữ “tiền chiến” lâu nay không còn được hiểu theo nghĩa… tiền chiến nữa mà dường như chỉ được gọi như vậy cho… tiện. Cây cột mốc “tiền chiến” có khuynh hướng bị đẩy lui mãi về phía sau, đến mức hầu như tất cả các văn nghệ sĩ ở lại miền Bắc sau ngày di cư đều mặc nhiên hóa thành các… “văn nghệ sĩ tiền chiến” cả). Nói “tiêu biểu”, không phải vì hai chàng đã đặt những bước chân tiên phong mở đầu cho khuynh hướng lãng mạn ấy, cũng không hẳn vì những tình khúc ấy là hay nhất, đẹp nhất, được nhiều người yêu chuộng nhất, hoặc sống lâu nhất (so với những tình khúc của Tô Vũ, Văn Cao, Phạm Duy, Doãn Mẫn, Hoàng Quý, Hoàng Giác…), mà vì đấy là những bản tình ca đằm thắm nhất, trữ tình nhất, lãng mạn nhất, tất nhiên, và thêm một cái nhất nữa (đáng gọi là tiêu biểu), hai chàng nghệ sĩ này trước sau chỉ yêu có nhạc tình và chỉ viết có nhạc tình mà không chơi bất cứ thể loại nhạc nào khác, hay nói như nhạc sĩ Y Vân, chỉ chuyên có một việc là “đem nhạc tình ghi tràn đầy cung điệu buồn…”. Trước và sau, ĐC-TL vẫn cứ thủy chung với nhạc tình, “chuyển bến” thì có đấy nhưng không có những “chuyển hướng” sáng tác khiến những người yêu nhạc của hai chàng phải hụt hẫng và thất vọng.
Nếu nói âm nhạc là nguồn an ủi, vỗ về, tìm đến âm nhạc là tìm đến những phút giây quên lãng, những người yêu nhạc ĐC-TL còn yêu thêm cái chất men lãng mạn, còn yêu thêm cái phong vị trữ tình, nhẹ nhàng mà ngất ngây quyện trong từng nét nhạc.
Nội dung các bài hát của ĐC-TL thường là những hối tiếc không nguôi về chuyện tình cách chia, dang dở, những chuyện tình mà những người yêu nhau đã không đến được với nhau, đã không đi chung được một đường. Những chuyện tình thường có chung một không gian mùa thu, một khí hậu cũng mùa thu, một đoạn kết đẹp và buồn. Không có ở nơi đâu bằng trong những tình khúc ĐC-TL, ta thấy rõ quả là… “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.
Sự nghiệp âm nhạc của ĐC-TL cũng chẳng may mắn gì hơn số phận những chuyện tình của hai chàng, nghĩa là cũng… dang dở, vì dòng nhạc đã phải tắt lịm ngay giữa thời kỳ sung sức nhất của người nghệ sĩ sáng tạo. Tiếc thay! Nếu không, những gì hai chàng nghệ sĩ tài hoa ấy để lại cho đời chắc không phải chỉ là lác đác những bài tình ca mà người đời còn hát đi hát lại, nghe mãi nghe hoài.
Nhưng có lẽ chính vì sự nghiệp “dang dở” ấy mà cái tên ĐC-TL quen thuộc ấy, những bản tình ca mùa thu ấy, những nét nhạc trữ tình ấy, tất cả đã luôn luôn là những gì đẹp nhất và còn ở lại mãi mãi trong lòng người.
Mùa thu cuối cùng của Đoàn Chuẩn
Chiều nao áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người…
(Đường Về Miền Bắc)
Giọng hát Duy Trác dìu dặt cất lên trong một chiều cuối năm và trong tiết trời se se lạnh làm khơi dậy nỗi xao xuyến bâng khuâng, đánh thức những nhớ thương dịu dàng.
Những nốt láy mềm mại, nhẹ nhàng ở chữ “nhớ” cũng vẽ nên một nét nhạc đẹp.
Giữa những dòng kẻ nhạc vẫn tưởng rằng chỉ thấp thoáng có một mầu áo xanh đó thôi, sao bỗng nhiên lạc ở đâu vào những tà áo tím. Áo tím chập chờn như cánh bướm. Màu tím ấy có vẫn là màu của nhớ nhung, tưởng tiếc?
Mùa thu đã qua từ bao giờ. Thu tàn, nhưng đông vẫn chưa sang. Mùa thu ở đây có đẹp, nhưng ngắn ngủi. Nhủ lòng thôi hết những mùa thu… Người viết nên câu nhạc (hay câu thơ) buồn bã ấy cũng đã lìa đời, mới đây thôi. Như chiếc lá thu lìa cành.
Tất cả những người từng có một thời đã hát, đã nghe ĐC-TL đều ít nhiều tỏ lòng tưởng tiếc đến ông, người từng viết nên những nét nhạc bay bướm bằng “nét bút đa tình lả lơi”. Người nhạc sĩ tài hoa, chàng nghệ sĩ đa tình ấy đã vĩnh viễn xa lìa những mùa “thu trần gian” và những người yêu nhạc ĐC-TL
Đoàn Chuẩn, ông thực sự là “người tình của mùa thu”. Ông đã yêu mùa thu biết chừng nào. Cùng với Từ Linh, người bạn đường nghệ sĩ, ông đã không để lại gì nhiều lắm cho đời. Chỉ lác đác dăm bản tình ca mùa thu. Chừng đó thôi, đâu có gì nhiều, nhưng cũng đủ làm lay động những trái tim, làm ngát hương cho cuộc sống và làm đẹp thêm cho những mối tình (dẫu “vẹn câu thề” hay dở dang). Cùng với mùa thu ấy, cùng với cây đàn ấy, ông đã “nâng phím tơ lên” dệt cho đời những khúc nhạc tình chan chứa yêu thương. Những “thu quyến rũ”, những “tà áo xanh”, những “lá thư”, những “dang dở”, đấy là những tâm sự, là nỗi lòng của ông trải lên dòng nhạc ấy, và rất nhiều người sau đấy lại mượn dòng nhạc của ông để gửi gấm nỗi niềm tâm sự, hoặc tìm gặp tâm sự của chính mình. Như vậy làm sao nghe những bản tình ca êm dịu ấy mà không thấy lòng lắng xuống.
Trước sau Đoàn Chuẩn vẫn chỉ nhận mình là tay soạn nhạc “tài tử”, chỉ để vui chơi chứ không phải chuyên nghiệp. Thế nhưng chính cái phong cách nghệ sĩ ấy, chính những nét nhạc bay bướm của “chàng phiêu lãng ôm đàn tới giữa đời” ấy đã lại dệt nên những “cung đàn yêu” làm đắm say lòng người.
“Cuộc sống của Đoàn Chuẩn chỉ có một mục đích là làm nên những bản tình ca. Anh sáng tác không nhiều, nhưng bài ca nào cũng say đắm, lãng mạn và thành thực. Con người lãng tử ấy đã để lại cho đời những ca khúc bất hủ,” một người bạn của Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Tô Vũ, đã nói về ông như vậy. Trong lời nhận xét ấy (về những bản tình ca), có một chữ tôi cho là đúng hơn cả, không phải “say đắm” hay “lãng mạn”, mà là chữ “thành thực”. (Những nhận xét ấy cũng thành thực nữa). Cái nét quyến rũ trong nhạc ĐC-TL là ở sự thành thực. Nói cách khác, ông đã say đắm, đã lãng mạn một cách thành thực. Chỉ có những cảm xúc, những rung động thành thực mới truyền được cảm xúc, rung động tới người thưởng ngoạn. Chính là ở sự thành thực, chứ không phải điều gì khác đã dẫn người nghe lại gần dòng nhạc của ông, để nghe những lời ông nói. Chỉ cần nghe những lời nhạc đó thôi là đủ nhận rõ sự thành thực. Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây… (Đường Về Miền Bắc), đó không phải là những lời tình say đắm, lãng mạn và thành thực quá hay sao(?)…Những cảm xúc giả dễ nhận biết và khó mà đánh lừa được người nghe.
Đoàn Chuẩn, “con người lãng tử ấy”, nói như Tô Vũ, đã sống đã yêu thiết tha, sôi nổi, đã có những sáng nao nức “mong chờ mùa thu”, những chiều dõi mắt lặng nhìn “mây bay về đâu cuối trời”, những “đêm đêm ngồi chờ sáng mơ ai”… Và ông cũng đã viết bao nhiêu là “lá thư xanh màu yêu”, bao nhiêu là “phong thư ngào ngạt hương” và rồi đã đốt, đốt hết để không còn lại chút gì (nhưng tình vẫn không cháy được!). Và ông cũng đã dệt bao nhiêu là “cung đàn yêu”, đã gửi bao nhiêu là “bướm đa tình về hoa”, và rồi hoa tàn, tình cũng tan theo không gian, nhạc cũng bay theo không gian. Sau cùng, ông chẳng còn lại chút gì.
Trở lại với bài phỏng vấn đăng trên tờ báo ở trong nước, khi được hỏi: “Sao ông không sáng tác thêm nữa mà chỉ chừng ấy bài rồi thôi?”, tôi nhớ Đoàn Chuẩn trả lời đại khái “đã cạn tình cạn ý, có làm thêm nữa cũng chẳng hay ho gì”. Câu trả lời ấy tôi cho là đúng mà không đúng, người phỏng vấn cũng chỉ hỏi để mà hỏi (trong lúc đã thừa hiểu tại sao), và ông cũng chỉ trả lời như thế cho… qua chuyện. Có điều gì không thật trong câu hỏi lẫn câu trả lời. Ở một nơi mà mọi người đều có vẻ như đang đóng kịch, những cái tưởng như thật ấy lại là những cái giả, và có vẻ như mọi người đã quen rồi những kiểu cách ấy. Nhạc tình là muôn thuở, lại là “tình nghệ sĩ” nữa, làm sao mà cạn nổi! (Tôi cố hình dung nét mặt của ông khi phải trả lời câu ấy, chắc phải vừa trầm ngâm, vừa lộ vẻ… chán đời). Ai cũng hiểu rằng trong khí thế hừng hực “cách mạng” thuở ấy mà vẫn thản nhiên “nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi”, vẫn nhất định chỉ yêu có một “màu xanh ái ân” đó thôi (vì đã “trót yêu” rồi) chứ không chịu yêu màu gì khác, và vẫn nhất định chỉ yêu có một mùa “thu trần gian” đó thôi chứ không phải mùa thu nào khác thì không dễ gì yên ổn để phút này còn ngồi được ở đấy mà… trả lời những câu “phỏng vấn”.
Một câu hỏi khác cũng “thật mà giả” như thế, nhưng lại nhận được câu trả lời khá thú vị. Khi người phỏng vấn đặt câu hỏi: “Ông vẫn nói là “thấy hối tiếc nhiều…” trong những lời nhạc, vậy thì điều gì làm ông hối tiếc nhiều nhất trong đời?”, Đoàn Chuẩn đã trả lời rằng (không rõ thật hay đùa) ông chỉ tiếc một điều, là suốt đời ông chỉ yêu cái đẹp, vậy mà những cô ca sĩ hát nhạc của ông, tuy hát có hay, nhưng lại… chẳng có cô nào đẹp cả! Người phỏng vấn bèn hỏi tiếp: “Thế thì ca sĩ nào, theo ông, hát nhạc ĐC-TL hay nhất?”, ông kể ra được vài tên tuổi ca sĩ ở… trong nước. Về điều mà ông tỏ ra hối tiếc ấy, tôi mong là ông chỉ nói đùa cho vui vậy, nhưng nếu ông nói thật, dù không muốn làm một sự so sánh, tôi thực sự lấy làm “hối tiếc” cho ông là ông đã không được nghe (và thấy) những ca sĩ ở miền Nam trước đây hát nhạc ĐC-TL. Nếu có, chắc là ông sẽ rút lại câu nói ấy, hoặc ít ra cũng không đến nỗi thất vọng nhiều lắm.
Nhưng thôi, tiếc mà chi… Ông đã chẳng nói vậy sao?
Nếu cứ tiếp tục “phỏng vấn” theo kiểu ấy và cứ bắt ông phải trả lời thì kể cũng tội cho ông. Theo tôi, có một câu đáng hỏi mà anh chàng (hay cô nàng) phỏng vấn ấy lại không hỏi (bây giờ thì lại không hỏi được nữa), vì vội quá nên quên hay vì thiếu chuẩn bị. Câu hỏi ấy là: “Cái mầu xanh ái ân mà ông vẫn cứ hay nói tới nói lui, nhắc đi nhắc lại trong nhạc của ông thực ra là mầu xanh gì vậy? (Có như là “lá diêu bông?”). Mầu xanh ấy đến nay đã chịu phai chưa? Ông còn yêu cái mầu xanh ấy nữa hay thôi?” (Giá mà hỏi được vậy thì ta đã có cơ may được nghe ông giải đáp thắc mắc, và dẫu ông có trả lời cách nào đi nữa thì ít nhất ta cũng biết được một điều là cái mầu xanh ấy có thực hay không!).
Nhưng thôi, cũng chẳng “tiếc mà chi” cơ hội đã lỡ làng! Dù sao câu hỏi sau cùng cũng vớt vát được chút đỉnh (có khá hơn, và ít ra còn là một “câu hỏi”), tuy nhận được câu trả lời khá ngậm ngùi. Câu hỏi về những giấc mơ…
Đoàn Chuẩn, ông đã từng có, từng nói về những giấc mơ. Ông đã mơ mộng biết chừng nào, tâm hồn ông tràn đầy những ước mơ… Cho dù những ước mơ và những hối tiếc luôn đến cùng một lúc.
Tà áo xanh nào về với giấc mơ…
Người mơ không đến bao giờ…
“Ông có ước mơ gì trong những ngày còn lại ở thế gian này?”, người phỏng vấn hỏi câu cuối cùng. Sau một lúc nghĩ ngợi (đã lâu lắm rồi mới nghe câu hỏi này), ông lắc đầu, nói chẳng có ước mơ, mơ ước gì cả, hay nếu có, chỉ là cuộc hành trình êm ả, là được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng… Ít ra có lẽ đây là giấc mơ sau cùng ông đã thực hiện được. Từ đầu năm 2000, do đứt mạch máu não, ông đã rơi vào trạng thái chập chờn khi tỉnh khi mê. Ông nằm đó, bất động trên giường bệnh, mắt nhắm nghiền như đang ngủ say, như đang chìm đắm trong giấc mộng dài, mãi cho đến lúc lặng lẽ ra đi…
Cái chết của Đoàn Chuẩn gần đây thực sự không gây xúc động nhiều lắm, không để lại tiếc thương nhiều lắm đối với những người yêu nhạc của ông, để gọi là một mất mát lớn, vì sau này hầu như ông đã ngưng sáng tác (đối với công chúng, người nghệ sĩ không tiếp tục sáng tạo thêm được nữa xem như đã chết theo nghĩa nào đó), nhưng có làm người ta tưởng nhớ đến ông và muốn tìm nghe lại ĐC-TL.
Khi cho chạy lại cuốn băng video ca nhạc ấy, tôi thấy Đoàn Chuẩn vẫn còn ngồi đó, vẫn còn điếu thuốc trên tay ông. Hầu như lúc nào trên tay ông cũng là điếu thuốc (tựa như Văn Cao, lúc nào cũng ly rượu trên tay). Ông đốt thuốc liên tục, thả khói mơ màng. Khói thuốc mơ màng và đôi mắt ông cũng mơ màng. Ông nghĩ ngợi gì, chẳng ai biết được. Trông ông giống như người đợi chờ mà không đợi chờ điều gì cả, hay như người ngồi đợi hoài những giấc mơ “không đến bao giờ”. Ông sống lặng lẽ như một cái bóng, và cử động cũng chậm chạp, nhẹ nhàng như một cái bóng, không nói không năng, không thấy có nụ cười, khuôn mặt không biểu lộ nét vui hay buồn.
Tôi thấy Đoàn Chuẩn vẫn còn ngồi đó, vẫn còn ánh mắt mơ màng, vẫn còn đăm đăm nhìn ra khoảng sân trước nhà. Ông tìm kiếm gì vậy? Đêm đêm nhìn cây trút lá, lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về… Những phút sướng vui rộn ràng ấy chắc cũng chẳng kéo dài được lâu, chắc cũng chỉ là những phút giây hạnh phúc thật ngắn ngủi… Nhưng ông đã bằng lòng, và cũng muốn được tận hưởng những phút giây ấy. Hơn thế nữa, tôi cho là ông cũng đã san sẻ với chúng ta, những người nghe nhạc của ông, chút hạnh phúc như gió thoảng qua ấy. Hạnh phúc như gió thoảng, đó là những phút giây chìm đắm trong thế giới lãng đãng của âm thanh, thả hồn theo tiếng nhạc bềnh bồng và giọng hát dịu dàng cất lên giữa khoảng không gian thật yên tĩnh, thật lắng đọng, trong tiết trời se se lạnh của một ngày chớm thu. Với bao tà áo xanh, đây mùa thu…. Tôi chắc là không có lúc nào người nghe nhạc cảm thấy thèm một hơi thuốc, một tách café nóng hơn là lúc ấy.
Nghe nhạc ĐC-TL đôi lúc có được những khoảnh khắc hạnh phúc như thế, cũng tựa như hạnh phúc ngắn ngủi của người viết nên những tình khúc ấy. Cám ơn ĐC-TL, cám ơn những khoảnh khắc hạnh phúc ấy.
Mùa thu đã qua từ bao giờ. Thu tàn, nhưng đông vẫn chưa sang… Nhưng đã qua hết một mùa thu. Đã qua hết những mùa vui. Những cánh hoa hướng dương đã tàn tạ trong đêm tối. Những chiếc lá thu còn lại đôi ba cánh rồi cũng sẽ lìa cành.
Nhủ lòng thôi hết những mùa thu…
Câu hát ấy nghe như tiếng thở dài thật nhẹ, như bước chân ai thật khẽ vừa lặng lẽ rời khỏi chốn này, như tiếng động thật nhẹ nhàng của chiếc lá cuối cùng vừa rụng xuống trong một ngày tàn thu.
Hình ảnh sau cùng về Đoàn Chuẩn tôi còn giữ được, và chắc là còn giữ được mãi về sau này, là những ngón tay kẹp điếu thuốc của ông và những cử chỉ thật nhẹ nhàng, thong thả, gạt tàn thuốc vào chiếc gạt tàn trên mặt bàn. Trong lúc bà vợ ông nói và nói để trả lời các câu hỏi, ông ngồi lặng thinh, dõi mắt mơ màng theo làn khói thuốc (như thể những chuyện ấy chẳng có liên quan gì tới ông). Thật khó mà biết được một người ngồi lặng im với dáng điệu và cử chỉ như thế, với nét mặt không biểu lộ cảm xúc nào như thế, đang nghĩ gì trong đầu. Thế nhưng không hiểu sao, ánh mắt mơ màng ấy và ngón tay trỏ gõ gõ trên chiếc gạt tàn thuốc ấy theo một nhịp thật chậm rãi, thật thong thả và đều đặn ấy vẫn cho tôi cảm tưởng rằng ông đang chăm chú lắng nghe những nốt nhạc. Những nốt nhạc thật xa xôi mà cũng thật gần gũi, những nốt nhạc từng có một thời cùng với ông, và người bạn đường nghệ sĩ của ông, đi suốt chặng đường dài tuổi trẻ. Những nốt nhạc bềnh bồng dắt đưa ông về thăm lại những cây cỏ xanh tươi trên con đường trí nhớ, cho ông tìm gặp lại những mùa thu đã xa như dĩ vãng, những tà áo mầu bay lượn chập chờn, và cũng rót xuống cho ông, chàng nghệ sĩ đa tình một thuở, những yêu thương đằm thắm nhất của một mùa nào lãng mạn
(source from Lê Hữu’s Blog)