Chuly sưu tầm
Mối Tình Già.
Tác Giả: Thanh Thương Hoàng
Ông Thụy già rồi chẳng còn tham vọng gì nên lúc nào cũng có cảm tưởng mình sống thừa với những ngày tháng vô vị. Con cháu ông, chúng có đời sống của chúng. Và chúng còn mải mê học hành, mải mê theo đuổi công danh sự nghiệp hoặc mải mê vui chơi.
– Cứ chiều ngày chủ nhật nào cũng vậy, khi mặt trời ngả về phương Tây, người ta thấy một ông già mái tóc bạc phơ phủ dài dưới gáy và chòm râu trắng như cước chẩy xuống tận ngực. Ông chậm rãi cất bước trên con đường đất nhỏ quanh khuôn viên ngôi chùa, hai bên lề có những khóm hoa đủ mầu sắc. Ông lơ đãng đưa mắt hết nhìn xung quanh, nhìn gần nhìn xa, rồi lại ngước mặt nhìn nền trời cao với những tảng mây trắng hơi ửng vàng bàng bạc xây thành chất lũy, từng khối, từng khối đầy đủ hình thù cảnh vật núi non, người, vật đủ loại, chập chùng mờ ảo quái dị như một thế giới nào đó khác với thế giới hiện tại. Ông lẩm bẩm: \”Có thật có một thế giới nào khác ngoài thế giới này không bà nhỉ? Chẳng lẽ chết là hết? Cả ngàn năm nay người ta đã nói nhiều về cõi niết bàn, về chốn thiên đường. Bây giờ bà đang ở đâu, niết bàn, thiên đường hay chỉ là cõi hư vô? Rõ ràng mới đấy mà đã trở thành không rồi!\”.
Thoạt đầu người ta tưởng ông già nói chuyện với một người nào đó. Thực ra ông nói một mình hay chính xác hơn, ông nói chuyện với một cái bóng vô hình. Ngôi chùa nhỏ lại tọa lạc tại một vùng ngoài xa thành phố nên rất êm ả yên vắng, vì khách thập phương ít lui tới. Chùa có một sư bà tuổi đời trên dưới 80. Bà thứ hai vào khoảng 70 tuổi nhưng chỉ là tín nữ, vì bà chưa xuống tóc, đến chùa ở mới mấy năm nay. Cả hai đều mình hạc xương mai. Sư bà ít khi ra khỏi chùa, bà trụ tại đây đã trên 30 năm, suốt ngày đêm chỉ ngồi gõ mõ tụng kinh niệm Phật, khi rỗi rãi thì đọc sách hoặc ra sau vườn trồng hoa, trồng rau với bà tín nữ. Ngoài hai người trên, chùa còn một sư cô tuổi 17, 18. Bà tín nữ tuy khoác trên người bộ đồ mầu xám nhạt nhưng trông dáng điệu vẫn còn vẻ sang cả. Bà để mớ tóc bạc trắng quấn tròn lại phía sau đầu và trùm tấm khăn mầu xám nhạt nên trông chẳng khác gì một sư nữ. Bà chỉ mới quy y chứ chưa xuống tóc, vì lòng bà (theo lời bà sám hối với sư bà trụ trì) còn vướng chút bụi trần.
Từ ngày chồng mất, mãn tang, giã từ con cháu bà lên chùa này nương tựa cửa Phật cho tới nay cũng đã mấy năm. Sau những giờ tụng niệm đọc kinh, mỗi buổi chiều bà thường thiền hành quanh khuôn viên chùa dăm chục phút. Cả ba người tuy sống trong cùng ngôi chùa nhưng ít khi họ chuyện trò tâm sự, nhất là chuyện riêng tư quá khứ. Sư cô người trắng trẻo hồng hào, phải nói là khá xinh đẹp, đang sắp thi vào đại học, theo cha mẹ lên chùa ngày Phật đản, không hiểu sao cô bất thần xin phép cha mẹ, xin phép sư bà ở lại tu luôn, mặc cho sự ngăn cản của cha mẹ. Còn sư bà và bà tín nữ là cả một sự bí ẩn. Không ai biết gốc tích dĩ vãng của họ. Hơn nữa, từ khi di tản sang đây, người ta mải lo làm giầu nhiều hơn là quan tâm tới những chuyện khác, nhất là chuyện tu hành của mấy người đàn bà không tên tuổi, ít được người đời biết tới. Ngoài ra, vì ngôi chùa này nhỏ lại tọa lạc nơi vắng vẻ chốn rừng sâu nên các Phật tử ít lai vãng chiêm bái. Thời buổi này, nhất là sống ở xứ sở có nhiều cơ hội làm giầu, người ta tới lễ Phật thì ít mà muốn khoe của, khoe sự giầu sang phú quý thì nhiều nên những ngày lễ Phật, những ngôi chùa lớn danh tiếng, Phật tử đến đông như hội chợ…
Người con trai sau khi ngừng xe lại trước con đường nhỏ dẫn vào chùa, bước ra khỏi xe, mở cửa xe cho ông già bước ra, lễ phép nói: \”Thưa ba, chiều nay con vẫn tới đón như giờ giấc mọi lần?\”. Ông già cười nhẹ, đáp: \”Vẫn vậy thôi\”. Ông già nhìn theo anh con trai phóng xe đi khuất mới thong thả cất bước về phía chùa. Cũng một buổi chiều như chiều nay nhưng cách đây đã bốn năm, ông được người bạn rủ tới chùa này ngoạn cảnh. Theo sự mô tả của ông bạn, cảnh giới ngôi chùa chẳng khác gì cảnh giới những ngôi chùa trong nước của những nhà tu hành chân chính thủa xa xưa trong rừng thẳm núi cao. Chùa u nhã tĩnh mịch, tuy nhỏ nhưng nằm trên khu đất khá rộng, vây quanh là những hàng cây cổ thụ cành lá xum xuê có từ trăm năm, tạo cho người ta cảm giác khác hẳn với thế giới bên ngoài, tâm thần lâng lâng như lạc vào nơi miền cực lạc cõi trần gian. Con người như bay bổng lên tầng cao tinh khiết siêu thoát, không vướng chút bụi đời. Nghe bùi tai hấp dẫn, thế là hai ông bạn già – năm đó cũng đều trên dưới bẩy chục tuổi nhưng còn tương đối khỏe mạnh – cùng nhau lái xe tới vãn cảnh chùa. Quả đúng như lời ông bạn nói – ông Thụy – tên ông già, cảnh vật cũng như đa số những ngôi chùa khác nhưng vô cùng u nhã thanh tịnh. Không gian thoang thoảng hương thiền. Ông Thụy thấy tâm hồn mình nhẹ lâng lâng sau những ngày tháng ưu tư buồn phiền mệt mỏi sống nơi đất nước người. Ông thực tâm chẳng muốn rời xa quê hương đất nước chút nào nhưng thời thế bắt buộc, nhất là các con ông, sau những năm tù đầy về, bọn nó nhất định rời bỏ quê hương sang đây sống một cuộc đời mới.
Ông Thụy già rồi chẳng còn tham vọng gì nên lúc nào cũng có cảm tưởng mình sống thừa với những ngày tháng vô vị. Con cháu ông, chúng có đời sống của chúng. Và chúng còn mải mê học hành, mải mê theo đuổi công danh sự nghiệp hoặc mải mê vui chơi. Ông chỉ còn nguồn yêu thương an ủi duy nhất là bà vợ. Nhưng ít lâu nay bà bỗng thay tính đổi nết, trở nên con người khác. Từ lúc trở thành vợ ông, bà đã phong thanh biết chuyện ông có một mối tình đầu sâu đậm khó quên, dù năm tháng trôi qua. Bà biết ông không yêu bà. Ông lấy bà vì bổn phận – cũng như bà – vì gia đình ép buộc, nên khi về già tình vợ chồng cũng trở nên nhạt nhẽo. Tuy nhiên lúc nào bà cũng vẫn đóng trọn vẹn vai trò làm vợ, làm mẹ và làm bà. Và đối xử với ông vẫn nói năng nhẹ nhàng, lễ độ trong khuôn phép con nhà gia giáo. Nhưng lẽ sống của bà bây giờ chính là nhà thờ. Sáng đi lễ. Chiều đi lễ. Buổi tối ngồi trong phòng tụng kinh trước ảnh Chúa. Vì vậy ông càng thấy mình bơ vơ lạc lõng và rất cô đơn trong cái tuổi già nơi xứ người nên ông luôn nghĩ tới người yêu thuở đầu đời, không biết giờ này trôi dạt nơi đâu, có còn trên cõi thế? Tuy hơn nửa thế kỷ trôi qua ông vẫn không thể nào quên \”nàng\” được. Ông tìm đến bạn bè kiếm nguồn an ủi nhưng họ cũng có cuộc sống riêng tư của họ. Chỉ khi nào rảnh rỗi như hôm nay họ mới lái xe cho ông \”đi chơi xa\”.
Trong khi ông bạn đang chiêm ngưỡng pho tượng Phật bà Quan Âm trước sân chùa, ông Thụy thơ thẩn dạo bước trên con đường đất nhỏ giữa những khóm hoa nhỏ thì thấy một người nhẹ nhàng đi tới. Ông đứng nép vào bên đường nhường bước. Đó là một sư bà. Bỗng ông giật thót mình, lấy tay chùi kính mắt một lần rồi lần nữa, vì mắt ông bỗng hoa lên, mờ đi. Chẳng lẽ thị giác về già đánh lừa ông. Dù mấy chục năm trôi qua không gặp lại, ông vẫn quên làm sao được khuôn mặt, dáng dấp \”người ấy\”, cho dù thời gian đã làm thay đổi nhiều. Nhưng trực giác của ông…Không kìm lòng được nữa, ông thảng thốt kêu lên: \”Ô, Liên!\”. Bà nghe tiếng kêu cũng giật thót mình ngừng bước, mở lớn đôi mắt nhìn. Từ lâu lắm rồi, nhất là ở nơi chùa chiền hoang vắng này có ai biết tên bà và gọi đúng tên bà thời con gái? Nhưng chỉ mấy phút sau, khi nhận ra tiếng nói (đã ngấm sâu trong tiềm thức bà) và khuôn mặt con người vừa thốt tiếng kêu, bà cũng thảng thốt không kém, với giọng xúc động, hơi run run, tay trái đặt lên ngực: \”Mô Phật! Thì ra là… ông!\” Dứt lời bà quay mặt sang phía khác, có lẽ để tránh cái nhìn của ông. Ông Thụy nói nhanh như sợ người đối diện bỏ đi:\”Vâng, tôi đây, Thụy đây. Anh đây. Em, em… bà…\” \”Mô Phật, xin ông đừng gọi tôi tiếng em nữa\”. \”Vâng vâng, bà, bà…\”. Ông Thụy ấp úng nghẹn lời không nói thêm được. Ông muốn ôm chầm lấy bà siết chặt trong vòng tay. Mấy chục năm trời nay, ai ngờ Chúa Phật run rủi, ông gặp lại bà mà lại gặp trong cảnh ngộ éo le như thế này.
Mắt ông như mờ đi và hình như ông thấy bà cũng cố che dấu hai giọt nước mắt sắp lăn xuống má. Ông biết mấy chục năm qua ông chưa quên được bà và bà cũng vậy. Nhưng sao giờ này sống trên đất Mỹ bà lại đổi đời đi tu. Ông thắc mắc. Nhất định phải có nguyên do. Hai người cứ lúng túng và đứng trơ ra. May có người đi tới. Đó là ông bạn đồng hành lái xe. Ông Thụy vội nói, nhỏ nhưng cũng đủ để bà nghe kịp:\”Tuần tới tôi sẽ lên\”. Ông Thụy không thấy bà gật hay lắc đầu. Ngồi trên xe và xe phóng đi lâu rồi, mặt ông Thụy vẫn thừ ra đờ đẫn buồn hiu. \”Ông tương tư sư bà đấy à?\”. Ông bạn lái xe nói đùa. Ông Thụy lắc đầu: \”Không phải tương tư mà là gặp lại người xưa và dĩ vãng đang bừng sống lại trong tôi. Tôi bị \”sốc\”, \”sốc\” nặng! \”Thế đúng là Lan và Điệp thời nay rồi. Liệu sư bà có cắt đứt giây chuông?\”. Ông Thụy nói như than:\”Chưa biết được ông ơi, nhưng nhất định đêm nay tôi mất ngủ\”. \”Coi chừng cơn tam bành của Hoạn thư ở nhà đấy, ông bạn già!\”. \”Bà ấy già rồi còn ghen tuông gì nữa, hơn nữa lại là chuyện ngày xưa\”. Người bạn lái xe cười cười nói:\”Ông lầm rồi. Mấy mụ ấy chỉ khi nào hết thở thì may ra mới hết máu ghen\”. Dứt lời ông đưa tay nhấn nút CD. Một bài hát vang lên. Éo le làm sao trong bài hát lại có câu, cô ca sĩ hát như rên rỉ: \”tình ngỡ đã quên đi… nhưng tình bỗng lại về…\”.
Chiều chủ nhật tuần sau, ông Thụy bắt người con trai lớn lái xe đưa lên chủa. Trong lúc đi đường ông kể hết chuyện tình của mình với bà sư thuở thiếu thời. Người con trai đã ngoài 50 tuổi, có học, trước là sĩ quan cấp tá và là người hiểu biết việc đời và rất cảm thông trường hợp của ông bố. Khi xe ngừng ở lối vào chùa, ông Thụy thoáng nhìn thấy bà đứng bên vệ đường sau hàng cây nhìn về phía ông như có ý trông chờ. Ông quay lại dặn con giờ giấc tới đón. Khi quay lại không thấy bóng bà đâu nữa. Ông bước vào chùa. Sư bà trụ trì trên điện Phật bước ra niềm nở chào đón khách. Ông Thụy còn lòng dạ nào chuyện trò xã giao. Ông đi thẳng ngay vào \”vấn đề\”: \”Thưa, xin lỗi sư bà, tôi muốn gặp bà Liên\”. Vì ông không biết pháp danh của bà nên cứ gọi theo tên ngoài đời. Sư bà không hề hỏi lý do, gọi ngay sư cô đi tìm \”bà Liên\”. Ông Thụy được dẫn vào phòng khách gặp bà. Bà cúi đầu không nhìn ông khi ông bước vào. Hai người ngập ngừng đến mấy phút, ông Thụy mới lên tiếng: \”Bà vẫn khỏe? Tôi thật không hiểu…\”. Câu nói ngừng lại ở đây. Bà nói, dọng nhẹ nhàng:\”Tôi ở chùa này đã bốn năm rồi nhưng chỉ mới quy y chứ chưa xuống tóc\”. \”À ra vậy! Thế có nghĩa là… bà vẫn chưa muốn dứt nợ trần?\”. Ông Thụy hấp tấp hỏi. Bà thở dài: \”Cũng vì chút lòng trần chưa dứt nên chưa thể xuống tóc\”. \”Có phải tại…\”. Ông Thụy muốn nói có phải tại chồng con. Nhưng ông kịp thời ngưng. Bà nói liền một hơi, dọng nghe có vẻ trách móc: \”Tại ông… ông hiểu không? Tôi chưa xuống tóc là muốn gặp lại ông một lần chót trong đời. Mấy chục năm rồi tin ông biền biệt. Nhưng tôi vẫn tin là sẽ có ngày gặp lại ông trước khi về cõi khác. Tôi đã nguyện trước đức Phật, nếu trong 5 năm không gặp lại ông tôi sẽ xuống tóc. Xuống tóc đúng vào cái ngày ông… hôn tôi lần đầu. Hơn 4 năm đã trôi qua nhưng linh tính báo cho biết tôi sẽ gặp lại ông. Tạ ơn đức Phật từ bi run rủi, hôm nay…\”.
Ông Thụy muốn chồm lên ôm bà vào lòng nói lời an ủi cũng như âu yếm. Nhưng nhìn nét mặt bà với chiếc khăn mầu xám nhạt chùm trên đầu, ông bỗng khựng lại. Có một cái gì vô hình đã ngăn cản ý định của ông. Ông thở dài đăm đăm nhìn hai bàn tay mình xoa xoa trên mặt bàn gỗ mầu nâu đen. Bà biết ý định của ông nhưng vờ như không biết. Bà nói, dọng vẫn nhỏ nhẹ trong trẻo ngọt ngào ấm áp – khi xưa ông mê mẩn vì dọng nói này:\”Ông nên nhớ đây là chốn thiền môn và tôi là con cái của Phật. Ông là người ngoài đạo nên tôi tin đức Phật tha thứ cho ông\”. Có tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng. Người con trai ông Thụy bước vào cúi đàu chào bà rồi nói với bố:\”Thưa ba, trời sắp tối và sương mù đang buông xuống\”. Ông Thụy đứng lên định cầm tay bà nhưng lại ngưng. Sau một tiếng thở dài, ông nói khẽ: \”Thôi tôi về Liên nhé, hẹn gặp\”. Bà không nói gì lặng lẽ tiễn ông ra ngoài đường, chỗ xe hơi đậu. Thế là từ đó chiều chủ nhật nào ông Thụy cũng bắt người con trai trưởng đưa ông lên chùa. Ông không muốn nhờ người khác vì e ngại chuyện lộ ra ngoài. Ông nói với bà vợ là tới nhà người bạn xoa mà chược. Bà yên tâm vì có người con trai lớn đi kèm.
Chiều chủ nhật nào cũng vậy, cứ tới khoảng 4, 5 giờ chiều là bà lắng tai nghe ngóng tiếng động cơ xe hơi vọng tới. Rồi hai ông bà già sóng bước bên nhau đi trên con đuờng đất nhỏ quanh khuôn viên chùa. Họ chuyện trò. Họ tâm sự chuyện ngày xưa và chuyện ngày nay. Ông kể cho bà nghe gia cảnh của mình. Bà cũng vậy. Họ mải mê nói quên cả thời gian trôi và đã cuốc bộ biết bao cây số không thấy mệt mỏi, nhất là với đôi chân già yếu. Ông cho biết sau khi lập gia đình có bốn người con: hai trai hai gái. Hai trai sống với vợ con trên đất Mỹ. Còn hai gái sống tại Saigon. Ông có đến 7, 8 đứa cháu nội ngoại. Vợ chồng ông hiện sống trong nhà người con trai lớn. Còn bà thì kể sau hơn hai mươi năm lập gia đình chỉ có hai người con: một trai một gái đều sống trên đất Mỹ với bầy con. Chồng bà mất trước năm 1975 trong trận đánh Hạ Lào. Sang Mỹ sống vài năm, bà quyết định đi tu, mặc cho con cái ngăn cản. Bà chưa chịu \”xuống tóc\” ngay vì còn \”một chút vướng víu\”. Chút \”vướng víu\” đó là ông. Ông nghe bà nói thế, nhìn quanh thấy vắng bóng người, ông cầm tay bà siết chặt đến nỗi bà phải kêu lên. Câu chuyện riêng tư của đôi bạn già không thoát khỏi cặp mắt của sư bà. Mỗi lần sư bà thấy hai người đi bên nhau mải mê chuyện trò lại lẩm bẩm: \”Thiện tai! Thiện tai!\”.
Bây giờ đúng là họ quên tuổi già để sống lại tuổi đôi mươi. Bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ thời trai trẻ lãng mạn, họ nói ra cho nhau nghe hết. Dù là những kỷ niệm nhỏ nhặt trong đời sống học trò.
Vào khoảng năm 1919, 1920 của thế kỷ trước, hai gia đình ở cùng một khu phố giữa thủ đô Hà nội. Nhà ông đầu phố, nhà bà cuối phố. Phố Hà Nội thường nhỏ, ngắn. Lúc ấy họ chẳng thèm để ý gì đến nhau vì họ còn quá nhỏ. Nhà bà theo đạo Phật, làm nghề buôn bán, nổi tiếng giầu có. Nhà ông, theo đạo Công giáo, bố ông làm công chức cao cấp, gia đình có một đời sống khá giả. Khi ông lên trung học mới để ý tới \”con bé cuối phố\” xinh đẹp ngoan ngoãn. Họ yêu nhau tha thiết lúc nào không biết. Khi ông lấy xong bằng Thành Chung, bà mẹ ông ngỏ ý muốn ông lấy vợ \”để sớm có cháu nội nối dõi tông đường\”. Thế là ông đưa \”thỉnh nguyện\” ngay, đó là cô gái cuối phố. Ông không ngờ gặp phản ứng liền của cả cha lẫn mẹ. Họ bác bỏ một cách thẳng thừng và hơi tàn nhẫn: \”Ồ, không được. Gia đình nó ngoại đạo!\”. Nhất định là không được, mặc cho ông hết lời năn nỉ và ca ngợi những đức tính quý báu của cô nàng. Bà mẹ ông có vẻ thông cảm với cậu con trai nên ra điều kiện: \”Nếu nó chịu rửa tội theo đạo thì mẹ bằng lòng\”. Đêm đó ông chưa bao giờ tỏ ra bất lực, chán đời, chán cả sự học hành và đau khổ tận cùng. Còn về phía bà. Khi hay tin con gái có \”bạn trai\” là ông, bà mẹ gọi cô con gái vào phòng riêng và nghiêm mặt nói: \”Từ nay tôi cấm cô không được giao thiệp thân mật với \”thằng ấy\”. Bà cãi: \”Anh ấy đàng hoàng đứng đắn, con nhà tử tế\”. Bà mẹ dằn dọng: \”Tôi đã bảo cấm là cấm, cô hiểu chưa? Bố cô mà biết chuyện này cứ gọi là cô nhừ đòn\”. Bà vẫn không chịu thua: \”Nhưng anh ấy có làm gì nên tội đâu mà bố mẹ ghét thế?\”. Bà mẹ nói như rít: \”Tội gì à? Nhà nó theo đạo Công giáo, còn nhà mình theo đạo Phật. Nếu nó bằng lòng bỏ đạo nó theo đạo mình thì tôi cho cô cậu lấy nhau\”. Bà cũng thức trắng đêm đó như ông và khóc hết nước mắt. Bà đau khổ đến muốn tự tử.
Hai, ba năm sau bà lấy chồng, ông lấy vợ theo sự lựa chọn, quyết định của cha mẹ. Họ xa nhau từ đấy mặc dù trong lòng tình yêu, nhất là tình yêu thuở ban đầu vẫn nở rộ, vẫn tha thiết. Một khi tình yêu càng bị ngăn cản, càng bị cấm triệt thì càng âm ỉ phát triển mạnh. Nhưng vào thời đó, vì lễ giáo, vì gia phong, vì giòng họ, vì xã hội, vì dư luận đôi bạn trẻ đành bất lực, chấp nhận hy sinh chia tay bởi sự kỳ thị vô lý!
Mỗi lần ông đi thăm bà về, bà đều gói một bọc lớn đủ thứ trái cây để ông đem về cho \”chị nhà\” và các cháu. Bà bảo: \”Đây là lộc Phật\”. Ông đem về nhà nói dối vợ là vợ bạn cho \”cây nhà lá vườn\”. Nhưng sau đó bà vợ cũng biết và ra lệnh cấm con cháu không được ăn. Ông không biết giải quyết sao đành nhờ người con trai \”cố vấn\”. Và cả hai đồng ý đem những trái cây này đến cho đám con của người con trai thứ hai \”hưởng lộc\” dùm. Còn ông, mỗi lần lên thăm bà, ông bắt con trai lái xe tới tiệm bán hoa mua tặng bà một chậu lan. Từ trẻ bà vốn thích loại hoa trưởng giả quý phái này. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, hết mùa đông lại tới mùa xuân, không chủ nhật nào ông không đi thăm bà và hai người tiếp tục sóng đôi cất bước chuyện trò tâm sự tới khi măt trời khuất sau rặng núi. Bà vợ ông, sau những tháng ngày ngấm ngầm chịu đựng hết nổi, bà làm dữ. Bà cấm người con trưởng chở ông già đi thăm \”con mụ dở hơi\”. Thế là ông phải nhờ cậy vào người con trai thứ nhưng là \”đánh du kích\”, chứ không đều đặn đúng hạn kỳ như trước nữa. Có khi cả tháng ông mới đi thăm bà được một lần. Ông không nói nhưng bà hiểu. Bà thông cảm hoàn cảnh ông. Nhưng bà cũng không muốn \”cắt đứt giây chuông\”. Thế rồi ông bị đưa vào bệnh viện ghép động mạch vành tim bị tắc nghẽn, vì tuổi già sức yếu nên mất cả mấy tháng trời mới lại sức. Khỏe một chút, ông kiếm cách đi thăm bà ngay. Nhưng lần này… Người đón ông không phải là bà mà là sư cô. Sư cô nét mặt hơi buồn báo ông biết: bà nhập bệnh viện cả tháng rồi vì chứng sưng màng não và phổi có nước. Ông nghe choáng váng sây sẩm mặt mày muốn ngã qụy. Còn sư cô quầy quả bước vào trong Chùa và miệng luôn lẩm bẩm: \”Thiện tai! Thiện tai!\” Khi ông tới bệnh viện thì bà đã trong tình trạng hôn mê. Cạnh bà có vợ chồng người con trai của bà. Hình như trong khi nằm bệnh, lúc tỉnh táo, bà đã nói cho con bà biết chuyện của hai người và bà ước muốn được nhìn thấy ông trong giây phút chót, vì vậy khi thấy ông đến, họ nhìn ông với cái nhìn trìu mến đầy thông cảm. Có một lúc bà tỉnh lại mở mắt nhìn. Thấy ông mắt bà như sáng hẳn lên. Ông đua tay tìm tay bà. Bà đưa tay tìm tay ông và nắm chặt bàn tay ông như không muốn rời. Rồi miệng bà mấp máy. Ông ghé sát tai nghe. Bà chỉ thều thào được tiếng \”anh\” rồi bàn tay bà từ từ buông bàn tay ông ra. Bà đã nhẹ nhàng về bên kia thế giới, mà ông nghĩ có lẽ là cõi niết bàn.
Sau khi bà mất, ông vẫn tiếp tục lên chủa. Mỗi lần lên ông mang theo một chậu lan nhỏ. Lâu dần nhiều hoa quá, sư bà bảo sư cô làm một dàn gỗ để treo những chậu lan trước phòng của bà tín nữ Diệu Liên (pháp danh của bà). Ông cứ việc móc chậu lan lên dàn, có đến mấy chục chậu. Khi lên tới chùa, việc trước tiên ông làm là đến trước cửa phòng (cũ) của bà lầm bầm như nói điều gì với bà, xong, ông mới làm công việc tưới những chậu lan. Rồi sau đó, ông (rủ bà) đi dạo con đường đất quanh khuôn viên chùa và chuyện trò với nhau y như khi bà còn sống. Duy có điều bây giờ chỉ có mình ông nói. Cũng từ ngày bà mất, ông không cạo râu cắt tóc nữa, lâu ngày tóc phủ xuống cả cổ và râu dài tới ngực. Tất cả đều bạc phơ.
\”Ồ, tôi nghĩ bà cũng như tôi thôi, làm sao quên cái ngày ấy được. Lúc tôi đón bà ở cổng trường ấy mà, đưa bà về gần tới nhà, tôi đã thu hết can đảm cầm lấy bàn tay phải bà.Tôi còn nhớ rõ là bàn tay phải bà, đúng không? Mất bao ngày đêm đắn đo suy nghĩ mãi tôi mới dám liều đấy. Tôi nhớ ngón tay trỏ của bà còn dính chút mực tím. Tôi thấy bàn tay bà run rẩy rút vội ra và nhìn trước sau sợ có người trông thấy. Rồi bà bước mau như muốn chạy trốn. Tôi cứ đứng ngây người nhìn theo bà và sợ bà giận. Đêm đó tôi thao thức mãi, vừa lo âu vừa sung sướng. Bàn tay bà mềm mại thơm tho quá. Hôm sau tôi đến cổng trường bà sớm hơn mọi ngày và hồi hộp chờ đợi. Sao mà lúc đó thời giờ trôi chậm thế. Khi bà cắp cặp đi ra. Nhìn thấy tôi bà làm bộ như không thấy. Tôi tưởng bà giận thật, lẽo đẽo theo sau năn nỉ và cả xin lỗi nữa. Bà nói khẽ, mắt vẫn nhìn thẳng: \”Cấm không được làm như hôm qua nữa đấy! Coi chừng bọn bạn. Hình như chúng nó đã sinh nghi, theo dõi\”. Thì ra bà không giận tôi, vì tôi ngu đần nên tưởng thế. Sau này bà mới thổ lộ là cũng rất hồi hộp xúc động khi bàn tay tôi nắm bàn tay bà. Chao ôi, lần đầu tiên trong đời cầm tay người con gái, tâm hồn tôi bay bổng trên trời xanh, cảm tưởng mình là kẻ sung sướng nhất trần gian. Chắc bà khi đó cũng có cùng ý nghĩ như tôi, có phải vậy không? Tôi đoán đúng mà. Hà hà… À, mà sau đó, hình như đến mấy tháng thì phải, không chịu nổi nữa tôi đánh bài liều. Đi đến nơi góc phố, nhìn quanh không thấy bóng người, tôi ôm vội lấy bà và hôn nhẹ lên má bà một cái. Trời ơi, thiên đường niết bàn là đây chứ còn phải tìm ở đâu nữa! Tôi không hiểu sao lúc đó bà lại đứng im cho tôi làm cái việc đó. Kìa, bà nói đi. Cái má bà trắng hồng và… thơm thơm quá chừng! Sao, khi đó bà ngượng cứng người à?\”. Ông Thụy nói một hồi dài có vẻ mệt và mắt vẫn nhìn sang bên, hệt như ngày bà còn sống đang cất bước bên ông. Rồi ông ngồi bệt xuống bên vệ đường và… thở. Lát sau, chừng như đỡ mệt ông đứng lên nói: \”Ta đi tiếp chứ, bà. Mặt trời còn cao mà!\”. Và ông lại tiếp tục nói tới những kỷ niệm xa xưa. Thỉnh thoảng ông quay sang trái hay sang phải, có khi ngừng bước như chờ bà, hỏi: \”Có phải thế không bà? Bây giờ tôi vẫn nhớ như in, như mới xẩy ra ngày hôm qua…\”. Ngưng chút ông nói tiếp: \”Thế rồi bà biết không? Hôm người ta tới nhà bà rước dâu ấy mà, tôi đứng mãi tận đằng xa nhìn. Bà mặc cái áo gấm dài mầu đỏ, khăn đỏ đội trên đầu… Tim tôi muốn vỡ ra từng mảnh. Sau này nghe người ta kể lại khi bước lên xe hoa bà đã khóc. Tôi không hiểu ý nghĩa những giọt nước mắt này, vì các cụ ta thường nói \”khốc như thiếu nữ vu quy\”. Vậy đó là những giọt nước mắt sung sướng hay đau khổ?\”. Ông lại ngừng nói và vô tình ngước nhìn lên bầu trời mùa đông về chiều và như trực nhớ ra không có bà ở bên liền kêu lên thảng thốt: \”Ô, bây giờ bà đang ở đâu? Có phải bà đang ngự trên chín tầng thức mây thăm thẳm kia và ngó xuống nhìn tôi tủm tỉm cười? Bà dứt hết nợ trần thật rồi sao? Bà để lại tôi một mình cất bước trên con đường này sao? Bà Liên! Bà Liên!\”. Ông nói to như hét. Con trai ông hoảng hốt chạy tới dìu ông ra xe.
Cứ cách vài tuần lễ, vào chiều ngày chủ nhật, khi mặt trời ngả về phương Tây, người ta lại thấy một ông già tóc bạc phơ phủ dài dưới gáy và chòm râu trắng như cước chẩy xuống tận ngực, tay chống gậy, chậm rãi cất bước trên con đường đất nhỏ quanh khuôn viên ngôi chùa nhỏ nơi rừng sâu. Ông vừa đi vừa nói chuyện với một cái bóng vô hình…