Chuly sưu tầm
Một ngày đi khám bệnh
Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương
Tôi đẩy cửa bước vào phòng khám của bác sĩ. Đã có đông người ngồi chờ, tôi liếc mắt nhìn quanh ba dãy ghế xếp thành hình chữ U, không còn chỗ nào trống cả. Hầu hết bệnh nhân đều là người Việt Nam, họ đang râm ran nói chuyện trong khi bác sĩ chưa đến.
Cái hẹn của tôi là 11 giờ trưa, tức là ngay đầu giờ khi bác sĩ bắt đầu làm việc, thế mà những người này còn đến trước cả tôi, chẳng biết họ có hẹn vào giờ nào mà sẵn sàng đến sớm thế?.
Một chị bế đứa con đang ngồi ghế bên cạnh lên lòng mình và chỉ cho tôi cái ghế vừa trống đó:
– Chị ngồi đây đi.
Tôi ngồi xuống cạnh bà mẹ trẻ, chị ta có hai đứa con, độ lên 5 lên 3. Ba mẹ con chị chiếm 3 ghế, nên chị nhường một ghế cho tôi.
– Em trông chị quen quen, hình như có gặp chị ở đâu rồi thì phải? Bà mẹ trẻ bắt chuyện.
Tôi cố moi trí nhớ, vẫn không biết chị ta là ai.
– Nếu vậy thì chúng ta đã từng gặp nhau ở chợ Việt Nam chứ ở đâu khác nữa? Tuần nào chúng ta chẳng đi chợ, hết tháng nọ đến năm kia, thì ai cũng “quen quen” hết.
Bà mẹ trẻ reo lên:
– Đúng rồi, chị nói em mới nhớ, em hay gặp chị đi chợ Việt Nam.
Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, đã 11 giờ mà bác sĩ chưa đến. Tôi thông cảm, bác sĩ cũng là người Việt Nam nên có quyền đi trễ theo “truyền thống” của đồng hương mình. Mỗi lần lấy hẹn đi bác sĩ này là tôi đã chuẩn bị cả thời gian lẫn tinh thần, vững lòng chờ đợi, và an ủi rằng mình lang thang trong shopping mall cả vài giờ còn được, huống chi là đi gặp bác sĩ để khám bệnh thì sự đợi chờ không có gì là phí phạm.
Nhưng bà mẹ trẻ bên cạnh thì có vẻ không kiên nhẫn như tôi, chị ta chép miệng than:
– Giờ này mà bác sĩ chưa đến!
– Thì cũng phải du di cho bác sĩ chút đỉnh , con người chứ có phải máy móc đâu mà đúng y chang cho được?. Một bà to mập bên ghế đối diện vọng sang, như một trọng tài bênh vực cho bác sĩ..
Bà mẹ trẻ phân bua:
– Nhưng em chỉ sợ hai đứa trẻ không chờ đợi được thôi.
Bà to mập có vẻ nao lòng, xuống giọng thông cảm:
– Thế hai đứa nó bệnh gì mà đi khám?
– Dạ, không có đứa nào đau bệnh gì cả…
Bà mẹ trẻ ngừng lại vì phải hắt xì hơi, làm bà kia tò mò hơn, sốt ruột hơn:
– Vậy mang tụi nó đến đây khám cái gì chớ? Hèn gì nãy giờ thấy hai đứa chạy đùa, nghịch như qủy, phá như giặc!.
Bà mẹ trẻ đủng đỉnh tiếp:
– Em bị bệnh, cảm cúm cả tuần nay chưa khỏi, em mới là người cần gặp bác sĩ. Nhưng không mang tụi nó theo thì ai trông cho?
Thì ra thế, những người có mặt ở đây biết đâu một nửa là đi theo người bệnh, chồng chở vợ, con chở cha mẹ gìa đi bác sĩ?
Bên cạnh tôi là một bà sồn sồn, nãy giờ ngồi im nghe chuyện người khác chắc đã chán chường, bèn mở túi xách lấy ra cái cell phone bấm lia lịa:
– Hello! Hello!
Giọng bà lên cao, chắc để đầu dây bên kia nghe cho rõ. Bà nói chuyện rổn rảng, thoải mái như đang ở trong bếp nhà bà, toàn là kể chuyện Việt Nam, nào gía tôm, gía thịt, cá, xăng dầu, bà nói vanh vách y như bà mới ở Việt Nam ngày hôm qua. Qủa thế, bà mới từ Việt Nam về, lại khoe ba tháng nữa sẽ trở lại Việt Nam dự đám cưới con cháu, rồi Tết này về chơi. Tính sơ sơ bà tốn bộn tiền vé, nền kinh tế nước Mỹ đang khó khăn, ngành hàng không đang ế ẩm, chắc cũng phải mang ơn bà khách nhiệt tình này.
Nói xong chuyện đường dài, đóan là tôi ngồi bên đã công khai nghe trọn gói, nên bà tiếp tục kể thêm cho đã:
– Nhà tui quanh năm suốt tháng có đồ Việt Nam, cá khô, tôm khô, mắm cá, mắm tôm, cho đến trà, cà phê, không thiếu món gì, vừa rẻ vừa ngon.
– Nghe nói đồ ăn Việt Nam có nhiều món độc hại lắm mà chị?
– Nói vậy thì cả mấy chục triệu dân Viêt Nam lâm nguy hết sao? Chỉ vài món thôi, thiệt hại không đáng kể. Về Việt Nam thấy người ta vẫn chen chúc đầy đường đó.
Tôi thắc mắc:
– Nãy giờ nghe chị nói chuyện phone đường dài thấy vui ghê, nhưng hôm nay ngày thường phone chị còn phút không? Coi chừng họ tính gía mắc đó.
– Không sao, bên kia cũng dùng cùng hãng cell phone của tui nên free bất kể ngày đêm. Bởi thế đi đâu tui cũng mang theo cell phone để gọi chơi.
Sau vài câu, bà sồn sồn đã có vẻ thân với tôi, bà tâm sự:
– Tui qua Mỹ diện con lai, mấy đứa con tui tuy không ăn học bắng cấp gì, nhưng tụi nó mỗi đứa đều làm chủ một tiệm nail cũng sống ngon lành. Tui ở nhà trông con cho tụi nó, hàng tháng có tiền hậu hỉ, nên đi đi về về Việt Nam thường xuyên.
– Chúc mừng các con chị có công việc tốt, có gia đình đàng hòang. Đâu phải cứ ăn học có bằng cấp này nọ mới là thành công.
– Vậy mà về Việt Nam ai cũng hỏi con tui có bằng cấp gì không. Làm như sang Mỹ ai cũng phải trở thành bác sĩ, kỹ sư vậy đó.
Sau phần tự khai, bà phỏng vấn tôi:
– Còn chị sang Mỹ diện gì? Mấy con rồi? Có đi làm không? Hay là ở nhà trông con như cái chị có hai đứa con mang theo kia?
Chẳng phải mình bà sồn sồn mà hình như mấy bà khác nãy giờ hóng chuyện, cũng đang đợi câu trả lời của tôi. Theo như người Mỹ thì đó là những câu hỏi đi vào đời tư, nhưng người Việt Nam vốn hồn nhiên thân thiện, hỏi thăm nhau chuyện gia đình con cái, chuyện công ăn việc làm là thường tình, những điều này đâu phải chuyện quốc phòng mà cần giữ bí mật. Nghĩ thế nên tôi đáp đầy đủ như tờ khai lý lịch cho các bà khỏi mất công hỏi thêm chi tiết:
– Tôi đi diện bảo lãnh anh chị em, có một chồng hai con, hiện nay đi làm hãng xưởng, con thì gởi baby sit người Việt Nam gần nhà vừa rẻ vừa tiện, kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy.
Một bà khen nức nở:
– Chị biết nghĩ vậy là hay đó, chồng con được nhờ.
Bà bác sĩ bước vào phòng khám lúc đồng hồ chỉ 11 giờ 20. Mọi người tươi tỉnh hẳn lên và im lặng chờ đợi cô nhân viên gọi tên:
– Lê thị Lý.
Bà mẹ trẻ vội vàng đứng dậy, nói với tôi:
– Chị làm ơn để mắt trông hai đứa con giùm em một lát, khám xong em ra ngay.
Khỏi phải hứa hẹn, khám xong thì chị ra ngay chứ ở trong ấy làm gì. Ai mà không biết thế. Nhưng tôi vẫn phải từ chối vì giờ hẹn của tôi là người đầu tiên:
– Tôi cũng vô khám bây giờ mà.
Bà trọng tài hồi nãy vội hứng:
– Để đó tui coi cho, cứ vô khám cho thoải mái đi, ông nhà tui đi bác sĩ chứ không phải tui, nên rảnh lắm.
– Dạ, cám ơn bác. Thôi em vào đây, hai con ngồi chơi coi ti vi, ngoan đợi mẹ nhé.
Nói xong chị Lý tất tả đi vào.
Tôi ra ô cửa sổ, hỏi cô nhân viên:
– Tôi có hẹn lúc đầu giờ mà nãy giờ cô kêu ba, bốn người chưa có tên tôi?
– Xem nào…chị là Nguyễn thị Bông chứ gì? Tôi tính gọi chị bây giờ nè, mời chị vào.
Nếu tôi không ra hỏi thì chưa chắc gì được gọi? Lấy hẹn là một chuyện, nhưng ai đến trước vẫn được gọi trước, cho nên người ta mới đua nhau đến sớm ngồi chờ như thế này. Tôi chẳng cần bắt bẻ hơn thua làm gì, ở đời nhường nhau một tí cũng không sao, tôi chỉ sợ cô nhân viên sai sót gì đó nên không có tên tôi trong danh sách khám bệnh ngày hôm nay mà thôi.
Nếu bên ngoài là cảnh đợi chờ phần 1 thì bên trong là cảnh đợi chờ p
hần 2. Sau khi cô y tá cho tôi lên bàn cân, đo áp suất máu, tôi vào một phòng trống, ngồi đợi bác sĩ.
Ngồi một mình trong phòng, tôi chưa kịp buồn chán thì đã được nghe tiếng bà bác sĩ và bệnh nhân ở phòng bên vọng sang:
– Bác sĩ khám tổng quát và chích ngừa cho em để em về Việt Nam.
Bà bác sĩ cũng tò mò như tất cả những người đàn bà khác:
– Ủa! Về Việt Nam làm gì mà năm nào cũng về?
Giọng kia nói như rên rỉ và trách móc:
– Bác sĩ quên rồi sao? Năm ngoái bác sĩ cũng hỏi em câu này, em nói rồi mà. Tại thằng chồng em nó về, nên em phải về theo canh chừng. Bỏ nhà, bỏ công việc đi Việt Nam em rầu lắm. Nhưng không về thì trước sau gì cũng….mất chồng, con gái bên Việt Nam bây giờ trời thần lắm, gía nào cũng bám vô mấy cha Việt Kiều, bất kể gìa trẻ, xấu đẹp, handicap.
Bà bệnh nhân thật thà chẳng hiểu sự đời, một ngày bác sĩ khám và nói chuyện vặt với bao nhiêu người khách, về nhà bà còn chồng con, còn bao chuyện đời thường, thì giờ đâu mà nhớ hết những chuyện tào lao nơi phòng khám trong suốt một năm trời?
Mười lăm phút sau bác sĩ mới sang phòng tôi, hay đau bụng ngâm ngẩm là đau bao tử nhẹ, nên tránh suy nghĩ, lo âu, phiền muộn. Bác sĩ vừa hí hoáy viết toa thuốc vừa dặn dò thế sau khi đã khám bệnh cho tôi.
Bước ra ngoài tôi thấy ba mẹ con chị Lý đã ra về, còn bà to mập làm trọng tài đột xuất lúc nãy vẫn ngồi đợi chồng, các ông bà gìa về hưu thế mà hạnh phúc, đi đâu cũng có nhau. Bà rảnh rang nên thoải mái và bao dung ngồi đợi bác sĩ bao lâu cũng được, còn những người như chị Lê thị Lý kia, bận chuyện con cái, chuyện nhà, người ta xót xa từng giây từng phút đợi chờ là phải rồi.
Tôi chào thầm: “ Thôi, bà ở lại thêm tí nữa nhé, thấy ai cần thì giúp đỡ, làm phước”.
Khách ngồi đợi vẫn đông, bác sĩ tha hồ làm việc và đồng thời tha hồ hốt bạc. Hèn gì ai cũng ước mơ con cháu mình học làm bác sĩ.
Tôi lái xe đến nhà thuốc tây của một người Việt Nam làm chủ, cách phòng khám bác sĩ không xa. Tôi luôn ủng hộ đồng hương khi chọn bác sĩ gia đình, chọn nơi mua thuốc.
Ông dược sĩ chủ tiệm là một người trung niên, vui tính. Người ta nói rằng ông không thích đi làm thuê, dù lương bổng cao, quyền lợi đầy đủ, mà thích làm chủ công việc của mình, giờ giấc tự do thoải mái.
Cửa hàng thuốc khang trang, rộng rãi, ông chủ tiệm sắm một bộ cờ tướng để qúy đồng hương ai rảnh cứ việc vô đấu vài ván cờ cho vui, nên luôn có kẻ ra người vào, luôn râm ran tiếng cười nói. Nếu khách không đánh cờ thì cũng ngồi rung đùi uống nước trà và tán dóc với ông chủ những khi vắng khách hàng mua thuốc.
Tôi vào gặp lúc dược sĩ đang bán thuốc, trong khi bàn ngoài có hai ông đang đánh cờ và mấy ông ngồi coi. Toàn là những ông tuổi xế chiều, tuổi về hưu, nếu không thì cũng đang bị lay off chưa có việc gì làm. Quanh quẩn ở nhà với vợ mãi cũng chán, nên đến đây giải trí cờ tướng hay nói chuyện trên trời dưới đất, mà không hề bị vợ xía vô, mắng át như ở nhà.
Tôi làm bộ ngây thơ, ngơ ngác hỏi dược sĩ:
– Ở đây vừa là tiệm thuốc tây vừa là hội người gìa hả ông?
– Hội hè gì. Đây là cửa hàng thuốc tây 100%, nhưng ai đến chơi cũng welcome.
Tôi ngợi khen và hứa hẹn:
– Ông chủ thật là vui tính. Mười mấy năm nữa chồng em về hưu, chắc cũng sẽ đến đây góp mặt, anh ấy thích đánh cờ tướng lắm.
Một ông ngoài bàn cờ kêu lên:
– Mười mấy năm nữa chồng chị mới về hưu thì chúng tôi đã vô viện dưỡng lão hay ngủm mất rồi.
– Bây giờ khoa học tiến bộ, điều kiện y tế cao, người ta khỏe mạnh và sống lâu hơn, các bác ạ.
Tôi mỉm cười chào mọi người, ra khỏi cửa hàng thuốc tây.
Ôi, đơn giản, tình đồng hương! Những người Việt Nam hồn nhiên và thân thiện, dễ dàng chia sẻ những câu chuyện buồn vui.
Như chị Lý đi khám bệnh mang theo cả hai đứa con, làm như ở đâu có người Việt Nam cũng đều là hàng xóm của chị, cứ việc an tâm nhờ vả, gởi gấm con cái.
Như bà đi diện con lai kể chuyện gia đình con cái, chuyện làm ăn cho một người lạ mới quen chưa đầy 5 phút.là tôi ngồi bên cạnh.
Như người đàn bà than thở với bác sĩ chuyện theo chồng về Việt Nam….
Và như ông dược sĩ này, mở nhà thuốc và mở chỗ cho đồng hương ghé chơi.
Tôi cảm thấy lòng mình vui vui khi hòa đồng với những người đồng hương dễ thương đó.