HUY PHƯƠNG –
Từ Lê Văn Tám đến Tô Vĩnh Diện, những ‘huyền thoại’ mị dân
.
“Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết “tuyên truyền và dối trá.” (Mikhail Gorbachev)
Ngày xưa khi chúng tôi đang ở trong Ban Biên Tập của Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH, mỗi ngày làm việc, chúng tôi thường nhìn lên câu khẩu hiệu treo trên tường: “Có tin mới viết – Không tin thì đừng viết!” Tin đây là tin tưởng, tin sự thật, vì mỗi điều viết ra, mỗi lời nói, đến với người lính, người dân đều có tính cách thông tin, mà thông tin phải dựa trên sự thật. Vả lại người dân, người lính miền Nam, dù với những người ít học, nhưng hằng ngày được tiếp cận nhiều nguồn tin khác nhau, mắt thấy tai nghe, có trình độ hiểu biết và phán đoán, không thể nào lừa bịp được họ.
Tuyên truyền là việc đưa ra các tin tức với mục đích thúc đẩy, thay đổi hay thuyết phục thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng của mình (nhà cầm quyền hay đảng cầm quyền) mong muốn. Vũ khí của tuyên truyền được kể như là tin đồn truyền miệng (tuyên truyền xám với những nguồn tin vô căn cứ), với các loại truyền đơn, bích chương và biểu ngữ treo nơi công cộng, báo chí, đài phát thanh, truyền hình hay internet (thời nay), phim ảnh, ca hát, diễn kịch, giáo dục ở học đường. Trong xã hội miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà) ngày trước, chỉ có một đảng cầm quyền, đài phát thanh, báo chí, giáo dục… đều đi dưới ngọn cờ của đảng. Ngược lại hay ngoại lệ đều bị cấm đoán, chụp mũ hay bị kết án phản động, chống phá, lật đổ chính quyền, thậm chí là là tiếp tay làm gián điệp cho đế quốc, ngoại bang.
Trong mỗi làng, mỗi khu phố đều chỉ có cái loa phường hăm he, tuyên truyền, doạ nạt quần chúng, ám ảnh họ đến từng giấc ngủ, hướng dẫn dân đi theo một con đường chỉ đạo của đảng thống trị. Dân như con lừa bị che mắt, chỉ biết đi theo một con đường phía trước, và sẵn sàng chịu roi đòn của tên lái xe, nếu nhìn ngang nhìn ngửa, không chịu đi thẳng đường.
Nói theo ngôn ngữ Dương Thu Hương, “chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người!” Trong một xã hội ngu dân như vậy, tuyên truyền không khó, vì dân chỉ biết, chỉ nhìn, chỉ nghe có một nguồn. Để đạt mục tiêu đề ra của đảng thống trị, cơ quan tuyên huấn của đảng thường đưa ra những nguồn tin giả tạo, đầy phi lý, mà vì dân ngu, ít học đã bị bịt mắt cũng tin. Câu chuyện những chiếc máy bay Mig của Liên Xô tắt máy, phục kích trong mây, xông ra tiêu diệt những Thần Sấm, Thần Sét của Mỹ, những chuyện anh hùng níu càng trực thăng, những liệt sĩ một tay nhét ruột bị thương vào, một tay cầm tiểu liên giết cả một tiểu đoàn địch… là những chuyện của một xứ sở anh hùng mà người dân rất tin, vì bị nhồi nhét ngay thời còn ngồi ở bậc tiểu học hay mang khăn quàng đỏ.
Những người dân không có kiến thức tin những chuyện lố bịch như một ông đại tá phi công, một tay lái máy bay, một tay che lỗ bị bắn trên thân phi cơ, cũng chính ông này, vì nhu cầu mà đảng đòi hỏi, phải học gấp bảy ngày hết bảy lớp cho đủ trình độ để được lái phi cơ. Hay như chuyện biệt kích Tạ Đình Đề được CIA cử ra Hà Nội ám sát Hồ Chí Minh, lọt được vào nhà sàn của bác Hồ, nấp trên mái định mưu sát bác, bác biết nhưng không nói gì, mỗi bữa sai cần vụ đem thêm cho bác một xuất cơm cho anh biệt kích này mò xuống ăn. Tâm phục, khẩu phục, anh biệt kích miền Nam mò xuốn lạy bác xin tha tội, trở thành người cận vệ số 1 của bác. Hồi bác Hồ sang Trung Quốc, có người mời bác hút thuốc lá. Bác vừa ngậm điếu thuốc trên môi thì ông Tạ Đình Đề đứng bảo vệ bác rút súng lục bắn một phát trúng điếu thuốc rơi xuống, vì người ta đã tẩm thuốc độc vào điếu thuốc lá để giết bác!
Những chuyện “bốc phét” này nói đến nói lui, nói mãi riết nghe rồi y như thật.
Cộng Sản thường “lộng giả thành chân.” Những cuốn phim, những vở kịch do cán bộ tuyên truyền soạn thảo dựng nên với những nhân vật hư cấu, đều được đem ra học tập coi như những nhân vật có thật trong đời sống thật. Sau này khi ra Bắc, trong một lần bị áp tải đi “lao động,” một anh cán binh bảo vệ Nghệ Tĩnh lân la hỏi tôi có biết đại tá “Ngụy” tên Minh, bây giờ học tập ở trại nào không? Tôi ngớ người ra, phải về sau mới biết Đại tá Minh là một nhân vật trong cuốn phim nói về “Cô Nhíp.” Cô Nhíp là một “biệt động thành” nằm vùng, trong vỏ bọc là một người giúp việc trong gia đình Đại tá Minh! Đây chỉ là chuyện phim tuyên truyền.
Để khích động người lính xông lên, sẵn sàng hy sinh cho mưu đồ của đảng, thì bộ tuyên truyền phải ngụy tạo những thiên anh hùng ca lừng lẫy như Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lổ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng và Trần Can cắm cờ trên hầm chỉ huy của địch. Có một điều lạ là bốn nhân vật này chết bỏ xác ở các địa điểm khác nhau là Him Lam, Mường Thanh, Mường Pồn… cách nhau hàng chục cây số, trong bom đạn tơi bời, thịt nát xương tan như vậy, trải qua nhiều trận mưa lụt, mà về sau, đảng còn kiếm ra di hài bốn nhân vật này đem về chôn gần nhau để cho người đời sau xuýt xoa khấn vái!
Mới đây Giáo Sư Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế, xác nhận rằng, chuyện Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo là không có thật. Nói cách khác, đây là chuyện mà chính quyền bịa ra để lừa dân, lừa cả nước. Lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng.
Năm ngoái, Giáo Sư Phan Huy Lê cũng cho rằng, nhân vật anh hùng Lê Văn Tám là bịa đặt, chính Giáo Sư Trần Huy Liệu, nguyên bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền – Cổ Động đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét. Rồi nhân vật Võ Thị Sáu cũng được nhà thơ Nguyễn Duy phủ nhận là chuyện dối trá, đây chỉ là một cô gái điên bị Việt Minh dụ quẳng lựu đạn vào chợ Đất Đỏ giữa lúc đông người.
Năm 1967, một cán binh VC là Nguyễn Văn Bé đã chiêu hồi về với miền Nam, nhưng khi thấy Bé mất tích trong trận đánh, cộng sản đã vẽ ra chuyện Nguyễn Văn Bé đã ôm mìn nhảy vào xe thiết giáp M113 để hy sinh và phong Nguyễn Văn Bé là liệt sĩ. Đây là một câu chuyện tẽn tò nhất của Bắc Việt thời đó.
Sự thật như “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra,” huống gì dân trí ngày nay, trong thời đại internet phát triển, đã nhìn xa thấy rộng. Những lớp mặt nạ dược tô trát trên khuôn mặt giả đối, nhưng vôi vữa được làm dối trá trên các tượng đài, sẽ dần dẩn, vỡ vụn, rơi ra để lộ những khuôn mặt thật. Ngày nay người dân Việt Nam ai cũng đã rõ sự thật về chuyện “cướp chính quyền,” là gì, sự thật về đảng cộng sản Việt Nam là ai, sự thật về đời sống “giản dị, trong sạch” của Hồ Chí Minh là thật hay không!
Tổng Thống Abraham Lincoln đã nói câu: “Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc, lừa được mọi người trong vài lúc, nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc!” (Huy Phương)
Nguồn: Người Việt