Mỹ tung \”vũ khí\” mới đối phó Trung Quốc

Mỹ tung \”vũ khí\” mới đối phó Trung Quốc

Giới chuyên gia cho rằng, những nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố và tìm kiếm các đồng minh ở khu vực châu Á theo đạo luật mới được thông qua có thể khiến Trung Quốc đau đầu.

\"Mỹ

Căng thẳng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có xu hướng gia tăng. (Ảnh minh họa: Reuters)

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, căng thẳng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt ở Biển Đông, sẽ gia tăng sau khi Washington thông qua Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) – một đạo luật khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực này.

ARIA được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua hồi tuần trước và là tín hiệu cho thấy Mỹ muốn duy trì các đồng minh ở khu vực, tận dụng sự hỗ trợ của các đồng minh này để đối phó Trung Quốc nếu cần thiết.

Collin Koh, một chuyên gia và an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nhận định căng thẳng tuy có dấu hiệu hạ nhiệt, song phạm vi bao trùm khu vực của ARIA cho thấy đạo luật này sẽ dần dần tác động đến sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á. \”Chúng ta không thể đánh giá thấp việc đạo luật này có thể làm gia tăng đối đầu Mỹ-Trung, ngay cả khi liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có thực sự thực thi đạo luật này hay không\”, chuyên gia Koh nói.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông có xu hướng leo thang. Hai bên đều đã đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến tuần tra các khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và thậm chí từng suýt xảy ra va chạm hồi tháng 9 năm ngoái.

Một tín hiệu cho thấy sự đối đầu này có thể còn tiếp diễn đó là quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ngay khi đảm nhận chức vụ mới đã nhắc nhở cấp dưới rằng phải luôn ghi nhớ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu.

Trong khi đó, theo đạo luật mới ARIA, Mỹ tái khẳng định các cam kết an ninh với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và cam kết dành 1,5 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm liên tục để tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Đạo luật cũng nhằm thúc đẩy, xây dựng các mối quan hệ hợp tác an ninh của Mỹ với các nước ở Đông Nam Á.

Một phần chiến lược này sẽ là thực hiện các hoạt động tự do hàng hải với các đồng minh ở Biển Đông và Hoa Đông – điều sẽ khiến Trung Quốc không dễ chịu.

Đạo luật cũng cho phép Mỹ áp lệnh trừng phạt lên các thực thể, chính phủ bị cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ – một điểm mấu chốt nữa trong căng thẳng Mỹ-Trung.

Sự đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang làm dấy lên những lo ngại trong khu vực. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi tháng 11 cảnh báo, các nước Đông Nam Á rốt cuộc có thể sẽ buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuyên gia Koh cho rằng, việc Mỹ duy trì và tăng cường các đồng minh trong khu vực có thể sẽ khiến Trung Quốc đau đầu hơn nữa. \”Về khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt, có thể nói rằng sức ép chiến lược không chỉ xuất phát từ Mỹ mà đạo luật ARIA dường như cũng nhấn mạnh đến vai trò của các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực\”, ông Koh nhận định.

Tony Nash, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Complete Intelligence, nhận xét đạo luật đồng nghĩa Mỹ có bạn. \”Những người bạn này không nhất thiết dựa trên cam kết cho vay hàng tỷ USD, mà vào chính những cam kết quân sự kinh tế, chính trị hiện có. Nó cho thấy một thực tế đối lập với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc đang xây dựng thông qua Sáng kiến một vành đai, một con đường. Đạo luật này thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực\”, ông Nash nói.

Đạo luật ARIA được thông qua trong bối cảnh Mỹ-Trung tạm đình chiến thương mại 90 ngày kể từ 1/12. Các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng về thương mại Mỹ-Trung dự kiến kéo dài 2 ngày từ hôm nay 7/1. Trung Quốc hy vọng sẽ có được cam kết của Mỹ trong việc ngừng tăng thuế với các hàng hóa của Bắc Kinh.

Các chuyên gia cho rằng, đạo luật ARIA không phải là một chiến thuật của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc đưa ra các nhượng bộ thương mại.

Bài Liên Quan

Leave a Comment