Năm 2019 : Brexit, điểm nóng đe dọa tăng trưởng châu Âu
Tác Giả: Thanh Hà
Tương lai bất định giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit.Reuters
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Liên Hiệp châu Âu sẽ là đầu tầu kinh tế của thế giới trong năm 2019 ?
Nhiều đám mây đen đe dọa tăng trưởng trên Lục Địa Già. Đứng đầu trong số đó là ẩn số về Brexit, khi Anh Quốc ra đi sau 40 năm chung sống với Liên Hiệp Châu Âu.
Các dự báo đều cho rằng kinh tế Nhật Bản ổn định, tăng trưởng tại Mỹ vững vàng, GDP của Trung Quốc vẫn tăng hơn 6 % một năm, không một thành viên nào trong khối Euro phải đối mặt với khủng hoảng, vậy mà giới trong ngành đều coi 2019 là một năm \”đầy bất trắc\” với \”quá nhiều ẩn số\”.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới giảm dự báo tăng trưởng của toàn cầu cho năm nay.
Mọi chú ý vẫn dồn về phía Donald Trump – Tập Cận Bình, xem đến khi nào thì hai ông khổng lồ này buông vũ khí sau cuộc chiến thương mại kéo dài suốt cả năm 2018.
Thế giới nợ nần chồng chất, chứng khoán từ Âu sang Á trồi sụt thất thường.
Hy vọng nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tỏa sáng gần như tiêu tan.
Riêng tại châu Âu, giới đầu tư ngày càng hoài nghi về khả năng cải tổ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đợt nổi dậy của phong trào Áo Vàng.
Đầu tầu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu là Đức liên tiếp tỏ dấu hiệu mệt mỏi.
Nhưng thách thức to lớn nhất đặt ra cho cả châu lục này là ngưỡng 29/03/2019, khi Anh Quốc chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Brexit : Dân chúng đang trả giá cho những tranh cãi trên chính trường Luân Đôn
Ngày 29/03/2019, Anh Quốc sẽ chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Từ sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016, Luân Đôn ráo riết đàm phán với Bruxelles về một giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng.
Đó là thời gian cần thiết để nước Anh đặt nền tảng cho quan hệ với 27 thành viên còn lại trong khối thời hậu Brexit.
Nhưng gần 100 ngày trước khi chính chức chia tay, không có gì bảo đảm cho giai đoạn chuyển tiếp đó.
Trong trường hợp xấu nhất là chia tay mà không có được thỏa thuận, \”no deal\”, với hậu quả kèm theo là, kể từ ngày 30/03/2019, Luân Đôn sẽ mất hết mọi lợi thế trong quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu.
Từ chính sách ưu đãi thuế quan đến điều khoản tự do lưu thông về hàng hóa, thuốc men, quyền tự do đi lại của các công dân Anh và Liên Âu, thỏa thuận ưu đãi tài chính của khu vực City hay quy định về hàng không … cũng đều phải đàm phán lại từ đầu.
Trả lời trên đài France Inter hôm 19/10/2018, trưởng đoàn đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu về Brexit, Michel Barnier nói rõ về tác hại trong trường hợp Anh Quốc ra đi mà không đạt được một thỏa thuận nào với Liên Âu :
\”Nếu như không đạt được đồng thuận ngày 30 tháng 3, sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp. Anh Quốc phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu.
Với quyết định từ bỏ Liên Âu, Luân Đôn mặc nhiên từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung Châu Âu.
Vương quốc Anh khi đó sẽ có mối quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu trong khuôn khổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Điều đó có nghĩa là Bruxelles sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu.
Mọi chuyện khi đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho tất cả chúng ta, nhưng lại càng tai hại hơn đối với dân Anh\”.
Trong trường hợp này, thiệt hại cho cả đôi bên ước tính lên tới 65 tỷ euro, như thẩm định của cơ quan tư vấn Oliver Wyman, trụ sở tại New York.
Ba mươi tỷ trong số này đè nặng lên các doanh nghiệp Anh, 35 tỷ sẽ do các công ty của toàn thể 27 nước còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu gánh chịu.
Chính vì muốn tránh kịch bản tai hại và tốn kém này, thủ tướng Theresa May hôm 25/11/2018 đã cố gắng đạt được đồng thuận với các đối tác châu Âu về thủ tục ly dị.
Nhưng văn bản đó đã vấp phải sự chống đối của chính nghị viện Anh.
Một số dân biểu ngay trong đảng bảo thủ của bà thậm chí còn tìm cách bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng nhưng đã thất bại.
Trong lúc các chính khách tại Luân Đôn lao vào một cuộc đọ sức huynh đệ tương tàn, các doanh nghiệp Anh hết sức lo lắng cho giai đoạn sắp mở ra từ sau cột mốc quan trọng 29/03/2019.
Chủ một cửa hàng hoa tại Birmingham, trả lời phóng viên RFI Ariane Gaffuri, nói ông đang trong thế bị động, bởi vì hàng ngày vẫn phải mua hoa từ Hà Lan. Hàng được chuyển đến cảng Calais, miền bắc nước Pháp rồi được chuyên chở qua đường hầm dưới lòng biển Manche trước khi vào lãnh thổ Anh.
Trong trường hợp Anh Quốc không đạt được một đồng thuận nào với các đối tác châu Âu về Brexit, thủ tục hải quan sẽ phức tạp hơn nhiều, thuế nhập khẩu tăng lên và ảnh hưởng tới doanh thu của cửa hàng hoa.
Cũng như ông bán hoa ở Birmingham, các doanh nhân Anh từ ngành thực phẩm đến công nghiệp đều trong trạng thái lo âu.
Chỉ riêng về mậu dịch, thứ nhất họ sợ trong chưa đầy 100 ngày nữa, nước Anh sẽ bị gạt ra ngoài thị trường chung của 27 thành viên còn lại trong Liên Âu với gần 450 triệu dân.
Lo ngại thứ hai là mất hết những lợi thế vốn có trong 40 năm qua : thuế hải quan sẽ tăng lên trở lại, hàng của Anh đắt đỏ hơn và khó bán hơn sang châu Âu.
Thêm vào đó hàng xuất ra hay nhập vào Liên Hiệp Châu Âu phải khai báo ở hải quan như tất cả những xe chở hàng từ những nước ngoài.
65 tỷ euro thiệt hại vì Brexit
Nhưng không chỉ có giới tiểu thương lo ngại, như nhận xét của Béatrice Leveillé, phóng viên RFI và cũng từng là thông tín viên thường trực của đài tại Luân Đôn : \”Không khí tại khu tài chính City rất ảm đạm, các doanh nghiệp lo ngại Luân Đôn không đạt được thỏa thuận với châu Âu khi chia tay.
Trong trường hợp này, Anh Quốc bỗng dưng đứng ngoài Liên Hiệp Châu Âu.
Các công dân Anh khi vào châu Âu phải tuân thủ những thủ tục ở biên giới tương tự như công dân Mauritania.
Ai cũng nghĩ là kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra.
Thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May đàm phán được với 27 thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu hồi cuối năm ngoái đã không được Nghị Viện Anh tán đồng.
Phe chủ trương tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì không áp đặt được sáng kiến đó.
Lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn, người có khả năng thay thế bà May, thì chỉ có một mục lịch trình duy nhất đó là đàm phán lại về Brexit, nhưng chẳng ai hài lòng với giải pháp này.
Brexit, một bài toán nan giải, nay đang trở thành một cơn ác mộng.
Thủ tướng Theresa May hứa sẽ đưa kế hoạch Brexit ra biểu quyết tại Quốc Hội trước ngày 21 tháng Giêng.
Bà đang dùng chiến thuật câu giờ để văn bản này được thông qua. Bằng không, theo Theresa May, Anh Quốc sẽ phải ra đi mà không đạt được thỏa thuận nào với Liên Âu, hay cũng có thể là sẽ không có Brexit\”.
Chuyên gia kinh tế Alexandre Vincent, thuộc trung tâm nghiên cứu Rexecode tại Paris giải thích thêm :
\”Trong trường hợp một kịch bản Brexit triệt để, lượng hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu sẽ giảm đi đáng kể.
Một số nghiên cứu nêu lên khả năng giảm tới 50 %.
Như vậy, về trung hạn, GDP của Anh bị mất từ 6 đến 9 %. Trong trường hợp khả quan nhất thì thiệt hại ước tính lên tới khoảng 3 hay 4 %, vào thời điểm mà kinh tế châu Âu và toàn cầu có dấu hiệu đang tăng trưởng chậm lại\”.
Ẩn số về tương lai của Anh Quốc sau Brexit đã khiến tổng đầu tư tại vương quốc này sụt giảm gần 30 % trong năm 2018, nhất là khi biết rằng 55 % xuất khẩu của Anh là để bán sang Liên Âu.
Nhưng không chỉ có người dân Anh lo lắng.
Các đối tác thương mại chính của Luân Đôn cũng đang lo âu không kém.
Một nước nhỏ như Đan Mạch, với khoảng 6 triệu dân, hàng năm xuất khẩu 13 tỷ euro hàng sang Anh Quốc, cũng đang gấp rút tìm những thị trường mới.
Riêng với Pháp, Anh là một trong số 10 bạn hàng quan trọng nhất, là thị trường tiêu thụ 5 % hàng xuất khẩu \”made in France\”, 30.000 doanh nghiệp Pháp xuất khẩu sang Anh Quốc.
Riêng tại các thành phố cảng ở phía bắc từ Brest đến Le Havre hay Calais…, một phần lớn các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào giao thương với vương quốc Anh.
Mỗi ngày có ít nhất 50.000 tấn thực phẩm phải đi qua các cửa khẩu của Pháp, trước khi đến tay người tiêu dùng ở bên kia bờ biển Manche ; gần 140 tỷ euro hàng hóa hai chiều trung chuyển qua đường hầm dưới lòng biển Manche.
Theo thống kê của bộ Giao Thông Pháp, trong năm 2017, chỉ riêng hai thành phố cảng là Calais và Dunkerque đã là cửa khẩu của 4,2 triệu xe tải giữa Anh Quốc và châu Âu lục địa.
Tái lập đường biên giới giữa Anh và Pháp không phải là chuyện dễ làm, đó là chưa kể hàng loạt những khó khăn đặt ra về quyền tự do đi lại của người lao động giữa Liên Âu và Anh Quốc sau này.
Giữa tháng 12/2018, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã giảm dự báo tăng trưởng của Liên Âu.
Tại Berlin, bộ trưởng Tài Chính Đức báo động \”thời kỳ vàng son đã đi qua\”, tăng trưởng của Đức sẽ chựng lại trong năm nay một phần do \”hiệu ứng Brexit\”.
Brexit đang chi phối chính quyền Luân Đôn và đang đặt các đối tác châu Âu của Anh Quốc vào thế lúng túng không kém, đặc biệt là trong bối cảnh, chưa đầy hai tháng sau ngưỡng 29 tháng 3, toàn Liên Hiệp Châu Âu sẽ bầu lại Nghị Viện.
Bruxelles hiện thời khổ tâm vì cuộc ly dị đã cận kề với Anh Quốc.
Những hồ sơ nóng bỏng trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ hay Trung Quốc tạm thời được giới lãnh đạo châu Âu tạm gác sang một bên.