TÚ ANH / RFI –
Đài Loan không tạo cơ hội cho Trung Quốc \”giải phóng\”
.
« Nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh động binh ». Trên đây là nhận định chung của hầu hết chuyên gia quốc tế trong bối cảnh lãnh đạo Trung Quốc gia tăng áp lực ngoại giao và quân sự nhất là qua thông điệp đầu năm 2019. Chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn « một ngày sẽ đến ».
Tháng Tư năm 2018, vào lúc chủ tịch Trung Quốc khoác áo rằn ri, đóng vai tổng tư lệnh tối cao « Giải Phóng Quân », chỉ huy cuộc tập trận trong eo biển Đài Loan và kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến tranh, nhiều chuyên gia Tây Phương đã cho rằng Tập Cận Bình chỉ hù dọa tinh thần.
Thứ nhất, vì Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ : « Hoa Kỳ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan ». Chuyên gia Pháp Bonnie Glaser, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS cho biết thêm một lý do nữa : Xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì « Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công ».
Đài Bắc khôn khéo, quân đội hùng mạnh
Về quân sự, hai nghiên cứu gần đây của Michael Beckley, đại học Tufts, Massachussetts và của Ian Easton, viện nghiên cứu Project 2049, chuyên về an ninh Châu Á Thái Bình Dương (Virginia) cho biết Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn thanh niên Hoa Lục.
Về chính trị, tổng thống Thái Anh Văn, tuy cương quyết khước từ đề xuất « một quốc gia hai chế độ », cố gắng « duy trì nguyên trạng » tại eo biển Đài Loan trong khi mục tiêu của Tập Cận Bình là làm « thay đổi nguyên trạng », theo nhận định của Jean-Pierre Cabestan, đại học Công Giáo Hồng Kông.
Đảng Dân Tiến cũng có một chiến thuật khôn ngoan sau thất bại trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11, khiến tổng thống Thái Anh Văn phải từ chức chủ tịch đảng. Ngày chủ nhật 06/01/2019, ông Trác Vinh Thái, một nhân vật ôn hoà, nguyên là tổng thư ký phủ tổng thống, được gần 25.000 đảng viên, hơn 72%, bầu làm tân chủ tịch. Ý nghĩa chính trị quan trọng trong chiến thắng này của vị giáo sư hải dương học 59 tuổi là ông đánh bại đối thủ là một người trong đảng kịch liệt chống đối tổng thống Thái Anh Văn.
Kết quả này, được chuyên gia Michael Cole, thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị Trung Quốc,đại học Nottingham phân tích như sau : « Đảng Dân Tiến chọn con đường tiếp nối và sẽ làm cho các nước khác yên tâm ». Với một nhân vật ôn hoà lãnh đạo đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn có « thêm cơ may tái đắc cử nhiệm kỳ hai ».
Đầu năm nay, 2019, trong diễn văn đọc tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân, chủ tịch Trung Quốc cam kết « sẽ thống nhất với Đài Loan » và để đạt mục tiêu này, ông không loại trừ biện pháp quân sự. Để tìm hiểu vì sao Bắc Kinh lên giọng và liệu chế độ Trung Quốc ra tay hay chỉ hù dọa, chương trình « Khách mời » của RFI tiếng Pháp ngày 02/01/2019 đặt câu hỏi với chuyên gia Đông Á Emmanuel Dubois de Prisque, thuộc viện nghiên cứu Thomas Moore, Paris.
Trước hết là quy chế của hải đảo Đài Loan :
Emmanuel Dubois de Prisque : Đài Loan hay Trung Hoa Dân Quốc là một nước có chủ quyền, có biên cương lãnh thổ, có đơn vị tiền tệ, có quân đội và một nền ngoại giao. Tuy nhiên, quốc đảo này chỉ được hơn 15 nước thừa nhận bởi vì Bắc Kinh gây sức ép với các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Lập trường của tổng thống Thái Anh Văn là cởi mở với Hoa Lục. Từ khi cầm quyền từ năm 2016, bà không muốn ngưng các mối quan hệ đã có với Trung Quốc nhưng khác với người tiền nhiệm (Mã Anh Cửu), bà không chấp nhận những điều kiện của Bắc Kinh công nhận « một nước Trung Hoa duy nhất », một dạng thỏa hiệp trong quan hệ hai bờ eo biển theo kiểu lấy thịt đè người của Bắc Kinh.
Vì sao lãnh đạo Trung Quốc chọn ngày 01/01 năm nay để đe dọa Đài Loan, hành động này mang ý nghĩa gì ?
Emmanuel Dubois de Prisque : Diễn văn « gửi đồng hương Đài Loan » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày đầu năm 2019 theo cách gọi của Bắc Kinh là để đánh dấu một sự kiện cách nay đúng 40 năm. Vào năm 1979, cũng với tên gọi « thông điệp gửi đồng hương Đài Loan » mang ý nghĩa cởi mở, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố « từ bỏ ý định giải phóng Đài Loan » là thay vào đó là mục tiêu « thống nhất trong hoà bình ». Đầu năm 2019 là cơ hội để chủ tịch Trung Quốc khẳng định lập trường truyền thống của Bắc Kinh là « thống nhất trong hoà bình » nhưng cũng không từ bỏ giải pháp quân sự. Giải pháp quân sự đã được ghi thành luật trong khuôn khổ « đạo luật chống ly khai » ban hành năm 2015. Nói chung, lãnh đạo Trung Quốc chỉ xác định lại lập trường cố hữu nhân 40 năm bức thông điệp 1979.
Nhưng liệu đe dọa quân sự của Trung Quốc có nghiêm túc hay chỉ là chiến tranh tâm lý ?
Emmanuel Dubois de Prisque :Giải pháp quân sự là một phương án có cơ sở từ lâu nay. Đừng quên là xung khắc giữa Hoa Lục và Đài Loan kéo dài từ thời chiến tranh quốc-cộng cho đến năm 1949, Quốc Dân Đảng thua chạy qua đảo Đài Loan. Thế nhưng cuộc chiến vẫn chưa chính thức kết thúc. Dù xác suất chiến tranh nóng tái bùng nổ không cao nhưng rủi ro này có thật.
Từ năm 2016, áp lực Trung Quốc rất mạnh. Trước đó, từ 2008 đến 2016, Bắc Kinh và Đài Bắc hưu chiến ngoại giao. Quốc Dân Đảng nắm quyền tại hải đảo với hai nhiệm kỳ của tổng thống Mã Anh Cửu, một người có chủ trương mềm dẻo với Hoa Lục. Nhưng từ năm 2016, đảng Dân Tiến trở lại chính quyền. Trung Quốc thi hành một chính sách gây áp lực rất mạnh, lôi kéo nhiều nước bạn của Đài Loan bỏ hải đảo nếu muốn thiết lập bang giao với Bắc Kinh.
Theo một kết quả trưng cầu dân ý, 82% dân chúng Đài Loan bác bỏ thông điệp đầu năm của chủ tịch Trung Quốc và mô hình « một quốc gia hai chế độ ». Còn người dân Hoa Lục, họ nghĩ gì ?
Emmanuel Dubois de Prisque :Nói đến công luận tại một nước như Trung Quốc thì khó lắm. Đúng là có một bộ phận dân chúng bị chính quyền tuyên truyền định hướng, tuyên truyền của Trung Quốc thì hiệu quả lắm, cho là Đài Loan thuộc chủ quyền Trung Quốc. Nhưng không kể thành phần đặc biệt này thì tâm lý chung của người dân Hoa Lục cũng xem Đài Loan là một phần đất của Trung Quốc. Nhưng, nếu xem xét kỹ càng thì quan điểm này khá lạ kỳ. Một mặt, họ cho rằng Đài Loan là Trung Quốc nhưng mặt khác họ nghĩ là cần phải thống nhất. Đây là một sự mâu thuẫn rất lớn. Vậy họ lý giải ra sao ? Người Trung Quốc cho rằng Đài Loan phải thống nhất với Trung Quốc bởi một lý do lịch sử và xu hướng lịch sử cuối cùng sẽ thắng, kháng cự là chống lại lịch sử. Điểm tâm lý chung này được ông Tập Cận Bình đưa vào thông điệp đầu năm.
Một số chuyên gia Mỹ và nhiều nhà nghiên cứu Pháp không tin quân đội Trung Quốc có thể đánh thắng quân đội Đài Loan, không kể những đòn trả đũa bằng tên lửa của hải đảo có thể làm thiệt hại cho hạ tầng cơ sở từ phi trường,hải cảng, nhà máy Trung Quốc. Đó là lý do khiến Bắc Kinh phải cân nhắc trước khi điều quân. Ý của ông ra sao?
Emmanuel Dubois de Prisque :Theo ý tôi thì hai bên sẽ giữ nguyên trạng. Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai trung hạn nhưng Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực. Áp lực này tùy thuộc vào tình hình chính trị tại Đài Loan, tùy theo kết quả bầu cử tổng thống vào tháng giêng 2020. Bà Thái Anh Văn sẽ tái đắc cử hay một nhân vật khác hữu hảo với Bắc Kinh. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hồ sơ Đài Loan trở thành một vấn đề trong nội bộ chế độ Trung Quốc : một bộ phận quân đội và dân chúng có tư tưởng Hán tộc cực đoan sẽ gây sức ép với ban lãnh đạo Trung Quốc để động binh đánh Đài Loan. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khó mà dự đoán một cách chính xác chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng điều chắc chắn là vấn đề Đài Loan sẽ tồn tại lâu dài trong quan hệ hai bờ eo biển.
Tập Cận Bình là yếu tố đáng ngại
Cho dù tình hình biến động ra sao, hòn đảo Đài Loan với 23 triệu dân đã trở thành một quân cờ trong cuộc đọ sức giữa Washington và Bắc Kinh. Được RFI đặt câu hỏi, Stéphane Corcuff, giáo sư đại học chính trị Lyon, một người am tường chính trị Trung Quốc không che dấu lo ngại trước thái độ ngày càng khiêu khích của Tập Cận Bình : « Hai siêu cường thủ thế giành đảo Đài Loan làm cho tình hình căng thẳng trở lại, nhưng đó là mặt ngoài. Bên trong thật ra không có gì thay đổi : thái độ Đài Loan không đổi. Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục lập trường mập mờ, sẽ bảo vệ hải đảo chống Trung Quốc nếu Đài Loan đừng động vọng. Khác biệt duy nhất là Tập Cận Bình đang chuẩn bị các quân bài để tấn công khi tình hình địa chính trị cho phép. Nhưng còn lâu lắm Bắc Kinh mới hội đủ điều kiện thuận lợi ».
Nguồn: RFI