DIỄM THI / RFA –
Tân giám mục không phải gốc Vinh: Đi đâu, ở đâu cũng là nhà của mình!
.
Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long được Giáo Hoàng Phan Xi Cô bổ nhiệm làm tân Giám mục giáo phận Vinh hôm 22/12/2018 vừa qua; sau khi thiết lập giáo phận mới Hà Tĩnh, tách ra từ giáo phận Vinh.
Việc Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long về phụ trách giáo phận Vinh được cho là chưa có tiền lệ khi Ngài không phải là người xuất thân từ địa phương này.
Diễm Thi phỏng vấn Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long về một số vấn đề liên quan.
Diễm Thi: Xin kính chào Giám mục.Trước tiên Diễm Thi xin chúc mừng Giám mục đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Tòa Giáo phận Vinh.Thưa Giám mục, lâu nay hầu như các vị chủ chăn giáo phận Vinh đều là người sinh ra từ vùng đất đặc biệt này, Giám mục là người từ nơi khác về cai quản, vậy Giám mục thấy có những trở ngại nào lớn không ạ?
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long: Tôi xin kính chào chị Diễm Thi và quý thính giả của đài RFA. Tôi rất hân hạnh được trả lời cho quý đài.
Tôi nghĩ là có cả trở ngại lẫn thuận lợi. Trở ngại đơn giản như là âm giọng. Giọng Nghệ rất nặng, người không quen thì không nghe ra và hiểu đúng được. Nhưng nghe riết rồi sẽ quen. Cũng như tôi không phải người Quảng Nam, nhưng ở với họ lâu năm, tôi nghe hiểu được hết mọi từ. Trở ngại khác là não trạng. Người ta bảo người Nghệ cực đoan, cái gì cũng nhất: tốt nhất, hăng hái nhất, đoàn kết nhất, nhiệt thành nhất nhưng cũng ương nhất, cứng rắn cũng nhất, khó thay đổi.
Có lẽ vì thế mà xưa nay đất Nghệ nổi sóng, ít bình an. Gần đây xảy ra căng thẳng giữa người công giáo và chính quyền đến mức báo động đỏ ! Bản chất người Vinh khá độc đáo so với người các miền khác. Tôi còn nhớ một chuyện vui. Khi ở trong chủng viện, có hai cha giáo người Vinh, hai cha thường hay “tranh luận” với nhau, không ai chịu ai, mỗi người một lập trường. Khi thấy vậy, các cha khác thường hay trêu: “Máu Khu Tư nổi lên rồi!”- Khu Tư là tên chỉ miền Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngược lại, thuận lợi thì cũng không thiếu. Người công giáo Nghệ có đức tin mạnh, có lòng đạo đức sâu xa, họ sẵn sàng đánh liều mọi sự để trung thành và bảo vệ đạo đến cùng. Nhiệt huyết, can đảm, vâng phục… tất cả đều tuyệt vời và tuyệt đối. Nếu biết vận dụng đúng đắn những đức tính trên đây thì không khó khăn nào không vượt qua.
Tôi nghĩ một người không phải gốc Vinh về giáo phận Vinh có thể sẽ mang lại một tinh thần mới, mở ra thay vì cứ đóng khung, bởi bây giờ là thời toàn cầu hóa, thế giới phẳng chứ không tròn. Bây giờ chưa nhập cuộc, tôi chưa thể tiên liệu những thuận lợi và bất lợi sẽ tác động trên sứ vụ của tôi thế nào, nhưng tôi vẫn lạc quan để hòa nhập vào một khung trời mới, cánh đồng mục vụ mới, với tư duy mới.
Diễm Thi:Giám mục từng là một người lớn lên, tu học và đảm nhận sứ vụ tại khu vực miền Nam; trước khi được bổ nhiệm đảm trách giáo Phận Vinh, Giám Mục có thời gian làm việc tại giáo phận Hưng Hóa ở miền Bắc. Đây cũng là một giáo phận mà qui mô địa lý rộng gồm một số tỉnh trung du bắc bộ với nhiều khó khăn, theo Giám mục, những trải nghiệm tại giáo phận Hưng Hóa có thể giúp cho sứ vụ tại giáo phận Vinh thế nào ạ?
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long: Mỗi nơi có nét đặc thù của nó, từ văn hóa, phong tục đến giọng nói, cách sống, nhưng không đối kháng mà bổ túc cho nhau. Tôi sinh ra ở Hà Nội miền Bắc, sống ở Đà Nẵng và Huế miền Trung, rồi trở ra Hưng Hóa miền Bắc, và bây giờ vào Vinh là miền Bắc Trung Bộ. Vinh giống như gạch nối giữa hai miền Bắc-Trung. Tôi nghĩ những trải nghiệm tại các vùng miền đã qua sẽ giúp ích cho tôi tại Vinh. Tôi không cảm thấy xa lạ khi về Vinh, vì đất nước chúng ta là một dải non sông, núi liền núi, sông liền sông, đồng bào chúng ta cùng một nòi giống, một ngôn ngữ, sự hiệp thông với nhau dễ dàng. Trong Hội Thánh Công giáo thì sự hiệp thông càng nổi bật hơn nữa, bởi thế tôi nghĩ đi đâu, ở đâu cũng là nhà của mình.
Diễm Thi:Giám mục có thể chia sẻ một số đường hướng sẽ thực thi tại giáo phận Vinh?
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long: Tôi nghĩ không phải đề ra đường hướng mới, mà tiếp tục đường hướng vị tiền nhiệm đã hoạch định và đang thực hiện. Tôi là người “nhập gia” nên sẽ “tùy tục”. Có chăng là sau này, bổ túc cho hoàn thiện đường hướng đã có, bởi vì mọi đường lối kế hoạch luôn cần đổi mới (như ta quen nói update, aggiornamento), thích nghi cho hợp với mỗi thời điểm của nó. Để thực hiện, tôi nghĩ phương pháp của Công giáo Tiến Hành rất thích hợp cho mọi việc, mọi nơi: Xem-Xét-Làm. Tôi sẽ điều hành giáo phận theo hướng tập đoàn tính (collégialité, collegiality) và đồng trách nhiệm (coresponsabilité, coresponsability).
Diễm Thi: Ngoài sứ vụ chủ chăn giáo phận Vinh, Giám mục còn đảm trách chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Loan báo Tin mừng của Hội Đồng Giám mục Việt Nam; Giám mục có thể chia sẻ những thành quả trong công tác này thời gian qua, cũng như kế hoạch cho giai đoạn tới?
Sứ mạng loan báo Tin Mừng hay Phúc Âm hóa là sứ mạng căn bản của Hội Thánh. Không loan báo Tin Mừng, Hội Thánh không còn lý do tồn tại. Ủy ban Loan báo Tin Mừng có trách nhiệm vạch ra kế hoạch chung và khuyến khích các thành phần dân Chúa tại Việt Nam tham gia vào sứ mạng này, còn đi vào hoạt động cụ thể thì lại tùy thuộc vào từng giáo phận, dòng tu hay hội đoàn. Trong thời gian qua, mỗi năm Ủy ban tổ chức cuộc hội thảo cấp toàn quốc theo một chủ đề, với một đối tượng như giới tu sĩ, giới hội đoàn Công giáo Tiến hành, giới giáo dân.
Thành quả thu hoạch được có thể nhìn từ hai khía cạnh: đo đếm được và không đo đếm được. Về mặt đo đếm tức là sự gia tăng hay sút giảm con số tín hữu thì phải nói là không tăng mấy, chỉ tăng theo sinh học thôi. Tỷ lệ hiện tại là 9%. Còn mặt không đo đếm được, đó là làm cho tinh thần Phúc Âm, tức Tin Mừng, thấm nhập vào đời sống cá nhân và xã hội. Nếu cá nhân và xã hội được biến đổi tốt theo tinh thần Phúc Âm thì đó đã là kết quả của sứ mạng Loan báo Tin Mừng rồi. Về điểm này thì không thể phủ nhận là người công giáo Việt Nam đã và đang đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào môi trường xã hội, như muối ướp mặn, như men làm dậy bột, như ánh sáng lan tỏa ra xung quanh.
Diễm Thi: Vừa qua Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam- Vatican có vòng họp thứ 7 tại Hà Nội và kết quả được công bố là hai phía sẽ nâng quan hệ ở mức ‘Đại diện Không thường trú’ lên mức ‘Đại diện Thường Trú’ trong thời gian tới; theo Giám mục, xu thế này mang lại những điều gì cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam?
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long: Đây là điều mọi người đều trông mong từ lâu. Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đã có quan hệ với Tòa Thánh ở mức Khâm Sứ. Đức tổng giám mục Leopoldo Girelli, nguyên Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam từ 2011 đến 2017 đã mong đạt được điều này, nhưng không được. Tôi nghĩ nếu vị Đại diện Tòa Thánh được qui chế “thường trú” thì điều này có lợi cho cả đôi bên: Phía Chính quyền Việt Nam, qua đó, sẽ cho thế giới thấy ở Việt Nam, quyền tự do tôn giáo được tôn trọng, và sẽ mở rộng quan hệ với các nước khác hơn. Hiện nay, Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 179 nước, chỉ có 5 nước là không có quan hệ này với Tòa Thánh. Việt Nam mới chỉ ở mức quan hệ thấp nhất ; Về phía Giáo Hội Việt Nam, nếu vị Đại diện Tòa Thánh được hưởng qui chế thường trú thì mối dây liên kết, liên lạc giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Việt Nam sẽ chặt hơn, tốt hơn, những nhu cầu của Giáo Hội Việt Nam sẽ được giải quyết mau mắn hơn, sự hiện diện thường xuyên của vị Đại diện Tòa Thánh, thay mặt cho Đức Thánh Cha, sẽ khích lệ người công giáo Việt Nam phấn khởi trong việc giữ đức tin, hòa nhập và xây dựng xã hội…
Diễm Thi: Giám mục từng có dịp đến Vatican, vậy Giám mục có chia sẻ gì cho giáo dân trong nước về mối quan tâm của Giáo hoàng Phanxicô đối với tín hữu Công giáo trong nước nói riêng và Việt Nam nói chung ạ?
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long: Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Hội đồng Giám Mục Việt Nam vào ngày 5 tháng 3 năm 2018 tại Roma, tôi thấy ngài rất thương yêu và gần gũi trong tinh thần với Giáo Hội Việt Nam là Giáo Hội chịu nhiều đau khổ và khó khăn trong quá khứ. Ngài khen ngợi tại Việt Nam vẫn có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, khích lệ Giáo Hội thực thi sứ mạng Loan báo Tin Mừng bằng sự cầu nguyện, rao giảng Lời Chúa, vui tươi ra đi, đầy nhiệt huyết tông đồ, không ngã lòng hay thiếu niềm hy vọng trước những thách đố. Chúng tôi mong ngài sẽ được dịp đến thăm đất nước và Giáo Hội tại Việt Nam.
Diễm Thi: Cảm ơn Giám mục đã dành thời gian cho RFA. Kính chúc Giám mục và giáo phận một năm mới tràn đầy hồng ân của Chúa, thanh bình và hạnh phúc với những điều may mắn tốt đẹp trong cuộc sống.
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long: Tôi xin chân thành cám ơn chị Diễm Thi, cám ơn quý thính giả nghe đài. Tôi cũng xin cầu chúc chị và tất cả mọi ngư.
Nguồn: RFA