Vì sao không công bố phiếu tín nhiệm của ông Trọng?

PHẠM CHÍ DŨNG –

Vì sao không công bố phiếu tín nhiệm của ông Trọng?

.

\"\"
Nếu không đạt được số phiếu tín nhiệm đủ cao để đủ thuyết phục quần thần, Nguyễn Phú Trọng đã không thể ‘rửa mặt’ trọn vẹn cho scandal Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015.

Khác hẳn với lối nhanh nhảu công bố kết quả phiếu bầu ‘tôi bất ngờ’ 100% cho ghế tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng đại hội 12 vào đầu năm 2016 và ’99,79%’ cho ghế chủ tịch nước của cùng chủ thể tại hội nghị trung ương 8 vào tháng 10 năm 2018, cho tới nay vẫn chẳng hiện ra bất kỳ một dấu hiệu nào đảng sẽ công bố kết quả ‘phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư’, đặc biệt là kết quả phiếu tín nhiệm dành cho ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng, sau khi Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018 đã lặng trôi qua khá lâu.

‘Tốt khoe xấu che’

Theo một cơ chế đặc thù riêng có của đảng Cộng sản Việt Nam và rất ăn nhập với ‘đảng anh’ ở Trung Quốc, toàn bộ hệ thống tuyên giáo, báo đảng lẫn hơn 800 tờ báo nhà nước đều không ngoài vòng kiểm soát của Ban Tuyên giáo trung ương, Ban Bí thư và đứng trên tất cả là tổng bí thư. Ứng với truyền thống ‘tốt khoe xấu che’ đã tồn tại quá dai dẳng trong nội bộ đảng từ nhiều năm qua, kết quả các cuộc bỏ phiếu hoặc lấy phiếu tín nhiệm quan trọng được tính toán có ‘giải mật’ hay không không chỉ nhắm đến mục tiêu ‘khai sáng’ cho dân chúng và cho cả ‘các thế lực thù địch trong và ngoài nước’, mà còn phụ thuộc vào những tính toán lợi ích của cán cân quyền lực trong đảng nghiêng về ai hoặc bị chi phối bởi thế lực chính trị nào vào từng thời điểm.

Bầu không khí lặng ngắt không chịu công bố phiếu tín nhiệm của Hội nghị trung ương 8 năm 2018 lại giống hệt cái tâm thế ngậm hột thị sau Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015.

Hội nghị trung ương 10 ấy đã chỉ được tổ chức vào tháng Giêng năm 2015, tức trễ đến gần hai tháng so với kế hoạch, với nội dung quan trọng nhất là lấy phiếu tín nhiệm cho cuộc đua ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 12’. Không biết vô tình, hữu ý hay do một sự sắp xếp thiên linh của trời đất, ngay trước Hội nghị trung ương 10 đã xảy ra cái chết của Nguyễn Bá Thanh – cựu bí thư Đà Nẵng và khi đó là trưởng ban Nội chính trung ương, cũng là một quan chức được Nguyễn Phú Trọng sủng ái và muốn đưa vào Bộ Chính trị nhưng đã thất bại.

Như một điềm xấu với Trọng…

Theo rất nhiều nguồn tin không chính thức và cả báo chí quốc tế mà cho tới nay vẫn không bị phản ứng hay cải chính nào của bất kỳ cơ quan có trách nhiệm nào của đảng hay chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành kẻ vượt mặt Nguyễn Phú Trọng trong diễn ra tại Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015, với kết quả Dũng xếp đầu bảng trong khi Trọng chỉ lót chót thứ 8.

Đó là thất bại chấn động thứ hai của Nguyễn Phú Trọng kể từ lúc nước mắt nhòe cặp kính lão tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012 vì không cách nào kỷ luật được ‘đồng chí X’ bởi có đến 3/4 Ban chấp hành trung ương khi đó vẫn còn lao theo tâm thế ‘còn bạc còn tiền còn đệ tử’ để dồn phiếu cho một kẻ được biết như ‘trùm tham nhũng’. Hai thất bại đó có lẽ đã để lại một nỗi đau lớn lao và thầm kín không thốt nên lời mà một người nặng về sĩ diện và thể diện như ông Trọng quá khó để tự giải tỏa, nếu không tìm được cơ hội phục hồi và lấy lại những gì đã mất.

Cơ hội đó đã đến vào năm 2018, khi Nguyễn Tấn Dũng đã phải nghậm ngùi ‘trở về làm người tử tế’, còn một quan chức được đồn đoán có mối quan hệ thân tình và móc xích với ‘Anh Ba X’ là Trần Đại Quang thì đã thình lình hóa thân thành người thiên cổ vào tháng 9 năm 2018, để lại cái ghế chủ tịch nước trống hơ hoác mà việc ngồi vào đấy trở thành cơ hội hiếm có.

‘36% phản trắc’?

Có thể hình dung ra một ẩn ý của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta muốn tổ chức Hội nghị trung ương 9 chỉ hai tháng sau Hội nghị trung ương 8: sau khi được ‘nhất thể hóa’ một cách thần tốc để ngồi luôn vào cái ghế của kẻ mới chết là Trần Đại Quang, ông Trọng muốn tái hiện thành tích ‘100% nhất trí’ mà các đại biểu của đại hội 12 đã dành cho ông ta – ứng cử viên duy nhất cho chức tổng bí thư – tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, sau khi một ứng cử viên thuộc vị thế ‘có tôi không có anh’ là Nguyễn Tấn Dũng đã không thể ngờ được là bị mất đi cơ hội ‘tiếp tục cống hiến cho cách mạng’ sớm đến thế.

Trước khi Hội nghị trung ương 9 diễn ra, một số cựu thần trong đảng đã lên tiếng yêu cầu cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư – một điệu bộ khá tương đồng với phong trào ‘ủng hộ tổng bí thư’ ồn ào trước đại hội 12, trong quá trình ‘đốt lò’ từ năm 2016 đến nay và khi Nguyễn Phú Trọng sắp bước vào cuộc bỏ phiếu lịch sử tại quốc hội để trở thành ‘tổng chủ’. Cùng lúc, khẩu khí của Nguyễn Phú Trọng cho thấy dường như ông ta tự tin và nghiêng về khả năng sẽ cho công khai kết quả này. Hơn nữa từ đầu năm 2018 đến nay, ‘công khai’ có vẻ là một phương châm cũng như một thủ thuật chính trị được ông Trọng ưa chuộng sử dụng nhiều hơn.

Đã có nhiều dự đoán của giới thạo tin chính trị cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng về đầu trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trong khi những ‘con ngựa’ về đích tiếp theo sẽ không ngoài những nhân vật như Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc… Sau khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trôi qua, phản ánh của một ít nguồn tin trên mạng xã hội dường như đã xác nhận thứ tự về đích này.

Tuy nhiên, lại chẳng có bất kỳ thông tin nào về kết quả cụ thể bao nhiêu phiếu tín nhiệm dành cho từng chóp bu. Hiện tượng trống vắng thông tin này là khác hẳn với một bật mí từ trong nội bộ về việc có đến 36% ủy viên trung ương bỏ phiếu không đồng ý cách chức quan chức Tất Thành Cang tại Hội nghị trung ương 9.

Trong khi vẫn mất biệt những con số cụ thể về kết quả phiếu tín nhiệm, hiện tượng ‘36%’ trên đã khiến một số dư luận không thể không nghi ngờ về khả năng Nguyễn Phú Trọng – cho dù có cán đích đầu tiên chăng nữa – nhưng có thể đã phải nhận một tỷ lệ phiếu thuận không mấy vẻ vang, thậm chí kết quả phiếu tín nhiệm của ông ta còn có thể giảm sút trầm trọng so với kết quả ’99,79%’ mà ông ta nhận được tại Quốc hội vào tháng 10 năm 2018 khi sắp đặt để ngồi ngay vào cái ghế của kẻ vừa ‘không may qua đời’ là Trần Đại Quang.

Mà nếu không đạt được số phiếu tín nhiệm đủ cao để đủ thuyết phục quần thần, Nguyễn Phú Trọng đã không thể ‘rửa mặt’ trọn vẹn cho scandal Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015.

Và nếu quả thực đã không xảy ra cái ‘100% nhất trí’ cho Nguyễn Phú Trọng đứng đầu bảng thăm dò tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 9, đó chính là một thất bại đáng mất ngủ của ông Trọng. Khi đó, hẳn ông ta phải đau đầu nghĩ ngợi về liệu có một mối liên hệ bền chắc giữa sự biến mất của một số đông phiếu tín nhiệm mà lẽ ra phải dành cho ông ta, với cái tỷ lệ 36% của Ban chấp hành trung ương, tức vào khoảng hơn 70 người – không đồng ý cách chức Tất Thành Cang?

Và một giả thiết kinh khủng hơn nhiều nhưng không phải là không thể: liệu đã bắt đầu hiện ra một lực lượng ‘chống Trọng’ ngay trong nội bộ cao cấp của đảng cầm quyền? Liệu cái tỷ lệ ‘36% phản trắc’ kia có bỏ phiếu nghịch dành cho Nguyễn Phú Trọng mà đã khiến thành tích phiếu tín nhiệm của ông ta rớt thảm hại?

Cuối cùng và theo một thông lệ bất thành văn, toàn bộ hệ thống tuyên giáo và báo đảng im như hến về kết quả phiếu tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 9. Chẳng dại gì tự rước vào thân cơn lôi đình của ‘Tổng chủ’.

Nguồn: Phạm Chí Dũng\’s Blog / VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment