Đại cường tái đấu là không thể tránh
Thứ Ba, 15 Tháng Giêng 20198:00 SA
Tác giả: Thomas Wright
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
Lời người dịch: Thế giới thay đổi triệt để. Mô hình về một trật tự cho thế giới hiện nay không còn. Hoa Kỳ muốn thoái vị trong vai trò lãnh đạo thế giới trong khi mô hình Trung Quốc không có giá trị phổ quát và khả năng thay thế. Đối đầu với Trung Quốc, một chế độ hung đồ mong làm bá chủ thiên hạ, thương mại trục lợi bất chính, độc tài trong nước và cho gián điệp đe doạ khắp nơi, là chuyện phải xảy ra.
Về mặt học thuyết trong mối quan hệ quốc tế, Thomas Wright cảnh báo Trump phải xây dựng những giá trị mới và chiến lược mới cho một trật tự thế giới tự do, trọng pháp và đa phương. Thomas Wright không bàn đến các hệ lụy do cuộc chiến thương mại, xung đột tại biển Đông và Sáng kiến Tái bảo đảm cho châu Á.
Còn đối sách của Việt Nam? Làm sao kết hợp các nguồn lực mềm và cứng để cho phù hợp với tình trạng hiện nay?
Sức mạnh cứng của Việt Nam là kinh tế và quân sự, nhưng Trung Quốc đã thu tóm chủ quyền biển đảo và thị trường trong khi nền kinh tế tăng triển chậm lại. Quyền lực mềm của Việt Nam là một nền văn hóa có 4000 năm văn hiến hấp dẫn, một thể chế chính trị có sự tin cậy giá trị và một chính sách đối ngoại có uy tín trọng pháp. Nhưng nền giáo dục lạc hướng nên không nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc và đạo đức con người.
Vụ Trịnh Xuân Thanh tự thú là ô danh trong ngoại giao. Một thiểu số trong 4 triệu người Việt hải ngoại không mang chuông đi đánh xứ người tạo điểm son cho đất nước, dù tất cả mang về 15 tỷ đô la cho ngân sách là một thành công ngoại lệ. Khi quyền lực cứng bị khống chế và quyền lực mềm không thu hút, Việt Nam không thể phát huy lợi thế. Khi hải chiến bùng nổ, ngư trường bị xâm hại, ngư ông không thể thủ lợi, mà cả nước lại lo làm hậu cần cho Bắc phương, thì lãnh thổ sẽ lâm nguy là không thể tránh.
Để trường tồn, Việt Nam phải xây dựng lại đất nước và con người với những giá trị mới và chiến lược mới trong tinh thần trọng pháp và dân tộc. Nghĩ gì và làm gì để đóng góp là bổn phận khẩn thiết của chúng ta khi lãnh đạo không muốn thoát Trung và toàn dân chưa đủ khả năng thoát Cộng. Đã đến lúc phải xét lại tinh thần suy nhược này và tìm ra một lối đi mới cho tương lai của đất nước.
Trong giới nghiên cứu về chính sách đối ngoại, ý tưởng cho rằng nước Mỹ nên duy trì “trật tự quốc tế tự do” được coi như là một tín điều. Tôi không phải là người thuộc ngoại lệ. Là học giả tại Học viện Brookings, tôi đã viết ít nhất một loạt bài lập luận rằng, tình trạng an nguy của trật tự tự do – thường được định nghĩa là các liên minh, thể chế và quy tắc mà Hoa Kỳ tạo ra và duy trì sau Thế chiến II – phải là mục tiêu chính trong chiến lược của Hoa Kỳ.
Nhưng trong vài năm qua, thế giới đã thay đổi triệt để. Nếu những người theo trường phái quốc tế phải lấy lại lòng tin của người Mỹ và đáp ứng những thách thức trong những thập niên tới, họ phải khai triển chiến lược.
Người Mỹ chưa bao giờ mặn mà, đặc biệt với trật tự quốc tế tự do. (Đó lả một lối diễn đạt không khéo léo theo đảng phái – đặc biệt là các đảng viên Đảng Cộng Hoà gợi ra những hình ảnh của các thế lực mờ ám và vô trách nhiệm trong việc kiểm soát thế giới). Sau Thế chiến II, chính quyền Truman tìm cách tăng cường sự tham gia của Mỹ với châu Âu, chỉ để tạo ra chống đối khốc liệt của công chúng. Khi Averell Harriman, sau đó là Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô, nói, người Mỹ “muốn giải quyết tất cả những khác biệt của chúng ta với Nga và sau đó đi xem phim và uống Coke”.
Cuối năm 1945, Tổng thống Harry Truman đã cố gắng cấp một khoản vay có trả lãi để bảo lãnh cho nước Anh, khi Anh đang trên bờ vực sụp đổ kinh tế bắt nguồn từ các kinh phí của Thế chiến II. Người Anh đã tức giận khi Hoa Kỳ sẽ tính lãi suất. Tuy nhiên, người Mỹ phản đối khoản vay này, khi họ hỏi đây là loại làm ăn kiểu gì cho họ. Cuối cùng, khoản vay đã thông qua, không phải vì người Mỹ đã bị thuyết phục bởi một số ý thức trách nhiệm rộng lớn hơn, nhưng vì họ lo rằng việc không cho vay có thể dẫn đến sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng sản khắp châu Âu.
Câu chuyện sẽ lặp lại nhiều lần: Các giới tinh hoa hoạch định chính sách tin rằng, cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ qua một trật tự hậu chiến của phương Tây được tổ chức xoay quanh nền thương mại tự do, các thể chế và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Họ không thể nhận được sự hỗ trợ chính trị đầy đủ cho lý tưởng, cho đến khi họ có thể bán lý tưởng này như một phần sinh tử trong cuộc đấu tranh với Liên Xô.
Chính sách hỗ trợ cho trật tự quốc tế tự do đã thành công rực rỡ. Dân chủ lan rộng. Tăng trưởng kinh tế đã khiến cho hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo túng. Hàng chục quốc gia đã tham gia vào các liên minh và thể chế cũ, truyền bá nền dân chủ, nhân quyền và kinh tế thị trường trong quá trình này. Đó là chiến lược tốt, mặc dù thuật ngữ trật tự quốc tế tự do hầu như không được sử dụng trong thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi G. John Ikenberry đưa thuật ngữ nổi bật vào thập niên 1990 và 2000 trong các nghiên cứu trong học thuật của ông về chiến lược hậu chiến của Mỹ, khái niệm này không hề xuất hiện trên báo The New York Times, cho đến năm 2012. Các nhà tư tưởng về chính sách đối ngoại phương Tây coi nó như một cách để bảo tồn kiến trúc liên minh và thể chế được tạo ra trong thời Chiến tranh Lạnh, trong khi mở ra cho khối của các nền dân chủ phương Tây để cho tất cả các quốc gia có thể tham gia vào trong một hệ thống dựa trên tinh thần trọng pháp, nếu họ chịu lựa chọn như vậy.
Tuy nhiên, khái niệm về một trật tự quốc tế tự do chưa bao giờ thực sự gây tiếng vang với các cử tri. Sự thành công của khái niệm này xuất phát từ thực tế là sức mạnh của Mỹ là vô song – một thực tế sẽ thay đổi.
Những người theo trường phái quốc tế, trong đó có tôi, lập luận rằng, nếu không có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, thế giới sẽ trở thành một nơi nguy hiểm và thù địch hơn. Điều này có thể đúng, nhưng đó khó là một trường hợp xảy ra. Hoa Kỳ đã dẫn đầu quá lâu đến nỗi nhiều người không ý thức về vấn đề chi phí. Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và những sai lầm chiến lược khác đã làm Mỹ giảm uy tín, không phải chỉ với dân Mỹ. Những thành công không phải là hiển nhiên. Trong cuốn sách mới là The Jungle Grows Back, khi Robert Kagan, bạn đồng nghiệp của tôi, đã chỉ ra Barack Obama và Donald Trump, bất chấp sự khác biệt đáng kể của họ, cả hai đều hiểu rằng, người dân Mỹ muốn rút lui, làm ít hơn và có các quốc gia khác chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.
Hiện nay, sự thể đã trở nên rõ ràng là, chúng ta đang trong giai đoạn đầu của một sự thay đổi triệt để trong nền chính trị thế giới mà nó đòi hỏi thay đổi chiến lược. Trong nhiều năm nay, sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc đã gia tăng. Nga trở nên hung dữ hơn nhiều ở Đông Âu và Trung Đông. Trung Quốc ngày càng phát triển hơn ở Đông Á. Cho đến gần đây, những gì chúng ta không biết là cạnh tranh này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực đến các cuộc sống của người dân trong các nền dân chủ phương Tây.
Ví dụ thì rất nhiều: cuộc tấn công của Nga vào nền dân chủ Mỹ. Các cuộc tấn công trên không gian mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các mạng lưới. Sự can thiệp chính trị của Trung Quốc, bao gồm cả áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông và truyền thông xã hội. Hành vi trộm cắp hàng loạt tài sản thuộc tác quyền trí tuệ. Sưu tập dữ liệu cá nhân do các cường quốc nước ngoài. Việc sử dụng tham nhũng có tính cách chiến lược để xây dựng mạng lưới hỗ trợ. Cho đến vài năm gần đây, ủng hộ cho các phong trào độc tài ở các quốc gia, các nền dân chủ ổn định.
Đây có thể xem là những biến cố riêng biệt hoặc không được kết nối. Nhưng nó không phải như vậy. Những biến cố được kết hợp sâu xa trong các lý luận của cuộc cạnh tranh của các đại cường đang nổi lên và sẽ trở nên tồi tệ hơn. Để hiểu tại sao, chúng ta cần phải nhìn vào cách nào mà chúng ta lâm vào tình trạng này.
Trong những năm của các thập niên 1990 và 2000, những nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng, Nga và Trung Quốc đang hội tụ với phương Tây về những vấn đề nền tảng của trật tự thế giới. Các nước sẽ hợp tác nhau trên những thách thức chung trong khi các cuộc đối đầu thuộc về địa chính trị cũ sẽ ít tạo vấn đề hơn. “Thời đại hội tụ” chấm dứt vì những nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc kết luận rằng, nếu trật tự tự do thành công trên toàn cầu, nó sẽ đặt ra một mối đe dọa sinh tồn cho các chế độ của họ.
Moscow và Bắc Kinh đã chứng kiến sự lan rộng của các cuộc cách mạng màu, nó được báo chí và các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ. Họ hiểu rằng các chính quyền của các nước phương Tây sẽ luôn phải đối mặt với áp lực hỗ trợ cho những nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài đúng ngay vào thời điểm mà những nhà độc tài dễ bị tổn thương nhất, bất kể những bảo đảm hay quan hệ hợp tác tồn tại trước đó là gì. Họ đã thấy cách mà các tổ chức truyền thông công bố tài liệu làm mất ổn định cho chế độ của họ như thế nào, chẳng hạn như cuộc điều tra năm 2012 của New York Times về vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc. Họ lo lắng về Google và các doanh nghiệp truyền thông xã hội giúp đỡ những người bất đồng chính kiến trong xã hội của họ. Điều quan trọng là họ nhận ra rằng các doanh nghiệp này đã tạo các lựa chọn độc lập với Washington. Họ là một phần nội tại của trật tự tự do.
Trung Quốc và Nga đã đánh giá rằng chủ nghĩa tự do của phương Tây và tự do làm suy yếu sự cai trị độc tài. Thật vậy, nhiều nhà hoạch định chính sách của phương Tây coi đây như là một tác dụng phụ mà họ mong muốn: Có thể đó là tin vui cho người Trung Quốc và Nga, nhưng là tin buồn đối với chế độ của họ. Như vậy, Trung Quốc và Nga bắt đầu chống trả.
Trong khi Moscow và Bắc Kinh chẩn đoán một cách chính xác về mối đe dọa đối với chế độ của họ, chúng ta cũng đã điều chỉnh đúng trong việc từ chối để thích nghi với họ. Họ cho chúng ta biết thương xuyên là trật tự tự do phải điều chỉnh để nhường bước cho Trung Quốc và có lẽ cho Nga, nhưng điều chỉnh như vậy – chẳng hạn như việc phân bổ lại quyền đầu phiếu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế – sẽ phần lớn là miễn phí. Nhưng đây là một tưởng tượng: Trung Quốc và Nga muốn và cần nhiều hơn thế.
Thích nghi thực sự sẽ thay đổi một cách triệt để và không thể thoái bộ thế giới thành tồi tệ hơn. Việc đề cập đến những lo ngại của Moscow về các cuộc cách mạng màu đã mang lại cho họ quyền phủ quyết về dân chủ ở các nước láng giềng của họ. Trong trường hợp tốt nhất, điều này sẽ có nghĩa là, nhắm mắt làm ngơ trước nỗ lực bạo ngược và lan tràn của Trung Quốc và Nga để họ gây áp lực cho các phương tiện truyền thông phương Tây, các tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả các trường đại học. Và nó sẽ quay ngược thời gian lại thành một kỷ nguyên cho một vài người chia thế giới để gây ảnh hưởng trong các lĩnh vực, đúng ra phải là tạo ra một hệ thống mà trong đó luật lệ, giá trị và phiếu bầu đóng một vai trò hàng đầu. Một thỏa thuận – một việc thực sự đề cập đến các bất an – sẽ là một sự mặc cả cho loại quỷ dữ.
Tình trạng tái đấu là không thể tránh, nếu cho như thế là bi đát. Nó bắt nguồn từ một cuộc đụng độ của các mô hình xã hội – một thế giới tự do và một thế giới toàn trị tân thời – nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến cách sống của mọi người. Trung Quốc và Nga là những cường quốc rất khác nhau về các chiến lược, nhưng họ cùng chia sẻ mục tiêu nhắm vào các xã hội tự do và cởi mở để làm cho thế giới trở thành một nơi an toàn hơn cho chủ nghĩa độc tài. Chúng ta được nối kết và hòa nhập nhau sau hai thập niên toàn cầu hóa mà chúng ta và họ dễ gây tổn thương. Do đó, tất cả các hoạt động gần đây, từ can thiệp chính trị và ép buộc kinh tế, đến các cuộc tấn công trên không gian mạng và các biện pháp tích cực khác, trong đó họ thấy là một phản ứng cần thiết đối với các hành động của chúng ta.
Đặc biệt là Trung Quốc, họ có một chương trình nghị sự dài hạn đầy tham vọng. Các khoản đầu tư của họ trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ nhận dạng khuôn mặt dường như mang lại cho Bắc Kinh khả năng kiểm soát toàn bộ dân số và làm ra các luật lệ độc đoán có hiệu quả. Việc này hứa hẹn các tốt đẹp xã hội thực sự, chẳng hạn như giảm thiểu hàng loạt về tội phạm, để đổi lấy sự kiểm soát lớn hơn đối với dân chúng. Những công nghệ này có khả năng xuất khẩu cao và chắc chắn sẽ thu hút những nhà độc tài hay các giới lảnh đạo đang mơ làm độc tài trên toàn thế giới. Các chế độ này sẽ hợp tác và chia sẻ chiến thuật và chiến lược, làm việc cùng nhau để tạo ra một thế giới để bảo vệ quyền lợi của họ. Dù sao, chúng ta cũng sẽ lo về những công nghệ này, nhưng khả năng và ý định của Trung Quốc khiến cho thách thức trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) khó khăn một cách đặc biệt.
Trong một thế giới như vậy, khi lập luận rằng mục tiêu chiến lược của nước Mỹ nên thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do là ít có ý nghĩa. Kể từ khi thuật ngữ đó được sử dụng phổ biến, nó ngụ ý rằng Trung Quốc và các cường quốc không phải là phương Tây khác cuối cùng sẽ được đồng hoá để đưa vào khuôn khổ chính. Nhưng không giống như trong những năm của các thập niên 1990 và 2000, không có triển vọng nào cho một chân trời của một trật tự tự do trong hoàn vũ. Thay vào đó, có một thế giới tự do đang cạnh tranh với một thế giới toàn trị tân thời. Đúng vậy, nó còn phức tạp hơn. Có những vết nứt và sắc xám ở cả hai bên, và rất nhiều kết nối và lợi ích chung qua sự phân chia. Nhưng cuộc tranh chấp là có thật.
Quan trọng hơn, đóng khung mục tiêu chính của chiến lược của Mỹ là duy trì trật tự tự do hoàn toàn là không đúng chổ. Nó gửi một thông điệp tới người Mỹ rằng công việc của họ là duy trì trật tự không phải là ở trong nước, vì nếu không làm như vậy, sẽ khuyến khích sự xâm lăng sâu rộng hơn. Điều này nghe khá trừu tượng, đặc biệt là tại một thời điểm khi các cường quốc ngoại lai đe dọa các tự do trong nội địa và giữa các đồng minh dân chủ thân cận nhất của Mỹ.
Có lẽ một một khảo hướng mạnh mẽ hơn sẽ là một chiến lược “thế giới tự do” – một chiến lược bảo tồn tự do cho ở trong nước và cho các nền dân chủ khác. Nếu bạn tin vào một xã hội tự do và cởi mở dựa trên tinh thần trọng pháp, dù bạn là một người thủ cựu bảo hiến, một người theo phái trung dung hay cấp tiến, bạn không thể chỉ quan tâm đến các quyền lợi riêng ở trong nước. Lợi ích sống còn của bạn bị đe dọa trực tiếp bởi sự cạnh tranh của các mô hình này. Nếu bạn muốn bảo vệ nền dân chủ của bạn hoặc báo chí tự do hoặc tinh thần trọng pháp hoặc việc sử dụng internet cởi mở hoặc tính toàn vẹn của cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các tổ chức phi chính phủ hoặc vô số thứ khác, các hành động cho ở trong nước là cần thiết nhưng không đủ. Bạn cần hỗ trợ cho một chính sách đối ngoại đầy cạnh tranh mà nó chống lại chủ nghĩa toàn trị tân thời..
Hãy xét đến cuộc khủng hoảng của sự can thiệp bầu cử của Nga. Tổng thống Obama và Trump đều cố gắng tránh trả thù của Moscow. Obama muốn tập trung vào việc bảo vệ quá trình bầu cử trong nước, có lẽ vì ông tin rằng Hillary Clinton sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 và ông muốn tránh xuất hiện để bôi nhọ Trump. Là người thụ hưởng của sự can thiệp, Trump hầu như bỏ qua kết quả nhưng hoặc có nghi ngờ về việc liệu can thiệp có xảy ra không. Những người khác đã lập luận là cần có các biện pháp pháp lý mới để bảo vệ.
Không một giải pháp là thích ứng, bởi vì hệ thống của Mỹ là quá tự do để bảo vệ một cách đầy đủ. Cách duy nhất để ngăn chặn sự can thiệp bầu cử là thuyết phục đối thủ rằng chi phí vượt quá xa lợi ích – để ngăn cản họ bằng cách chuẩn bị một phản ứng đáng tin cậy và cân xứng. Một số thành viên của nhóm Obama đã đề nghị như vậy, và Mike Rogers, cựu lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia, đã điều trần trước Quốc hội rằng ông Trump đã từ chối ra chỉ thị cho ông được phép làm điều đó. Một cuộc thảo luận về việc ngăn chặn sự can thiệp chính trị của nước ngoài chính là điều mà chúng ta cần phải có.
Một chiến lược bảo vệ cho thế giới tự do là phù hợp với tinh thần lãnh đạo của Mỹ sau Thế chiến II. Nhưng nó sẽ kéo theo những thay đổi đáng kể từ chiến lược hậu Chiến tranh Lạnh của việc xây dựng cho trật tự tự do.
Việc này sẽ có nghĩa là đặt ra các mối đe dọa cho tự do trong nước thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và tập trung nhiều vào các biện pháp ngắn hạn của một cuộc chiến tổng quát – chẳng hạn như vũ khí kinh tế và can thiệp chính trị – như qua các tập trung quy mô lớn về quân sự để ngăn chặn thế chiến thứ III. Nó sẽ có nghĩa là có một cuộc tranh luận trong cả nước về thay đổi công nghệ và an ninh quốc gia, đặc biệt là đối với lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI).
Lá thư gần đây của hơn 3.000 nhân viên của doanh nghiệp Google phản đối Ngũ Giác Đài về vấn đề AI là một ví dụ về những gì chúng ta nên nói đến. Điều này sẽ có nghĩa là chống lại chủ nghĩa toàn trị trong các nền dân chủ khác cũng như ngăn chặn Trung Quốc và Nga chiếm lấy một vị trí chiến lược thượng phong ở châu Á hoặc Đông Âu.
Đây phải là nhiệm vụ chính của các liên minh của Mỹ, bao gồm cả NATO. Nếu các liên minh và thể chế hiện tại là không đủ mạnh, Hoa Kỳ sẽ cải thiện để tạo ra một liên minh toàn cầu và đa phương mới kết nối các đồng minh châu Á và châu Âu – những người cam kết với các xã hội tự do. Người Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc về cách tương thuộc của họ muốn có với Trung Quốc và các cường quốc độc tài khác như thế nào, hoặc nếu thời gian đã đến để họ thoái bộ ở một số lĩnh vực nhất định để là giảm thiểu tính dễ tổn thương của họ.
Các đồng minh của Mỹ biết rằng, cam kết của chính quyền Trump đối với họ là một phần có điều kiện về mức kinh phí quốc phòng của họ. Những nhà theo trường phái quốc tế nên cùng theo quan điểm về dân chủ và tinh thần trọng pháp. Nếu các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary tiếp tục theo con đường độc tài, điều này sẽ đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về tương lai của liên minh của họ với Hoa Kỳ và tư cách thành viên của họ trong khối NATO. Nếu họ hợp tác với Nga hay Trung Quốc để làm suy yếu thế giới tự do, họ sẽ đứng về phía hai nước này và điều đó sẽ có hậu quả. Sự hợp tác an ninh sẽ luôn có trong việc theo đuổi các lợi ích hỗ tương, nhưng những nhà độc tài không thể là thành viên với quy chế toàn diện của câu lạc bộ và được hưởng lợi ích từ các đặc quyền.
Điều này sẽ áp dụng cho Trung Đông như thế nào? Hoa Kỳ không thể đủ khả năng để rời khỏi khu vực. Sự bất ổn dẫn đến sẽ lan rộng, gây nguy hiểm cho Israel và châu Âu, tạo thêm sức mạnh cho một Iran thù địch, và gia tăng mối đe dọa khủng bố. Nhưng Hoa Kỳ cũng không đủ khả năng để cung cấp cho các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập một bảo chứng toàn diện không cần điều kiện, như Tổng thống Trump dường như đã làm. Mức độ tham gia của Hoa Kỳ phải phụ thuộc vào cách mà Hoa Kỳ phục vụ cho một chiến lược thế giới tự do rộng lớn hơn như thế nào. Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập và Ai Cập phải hiểu rằng việc thúc đẩy một tầm nhìn độc tài theo kiểu mới sẽ có hậu quả đối với việc hợp tác an ninh. Việc chương trình phát thanh gần đây của Saudi Arabia chống đối Canada về việc gia tăng các mối quan tâm về nhân quyền là một trường hợp cụ thể – về việc Hoa Kỳ sẽ phải theo phía nào không phải là vấn đề nghi ngờ.
Những can thiệp quân sự trong quy mô lớn ở Trung Đông là gì? Đôi khi, các biện pháp này sẽ cần thiết để bảo vệ cho thế giới tự do thoát khỏi các cuộc khủng hoảng sinh tồn, chẳng hạn như giải quyết các dòng người tị nạn ồ ạt hoặc ngăn chặn những hành động tàn bạo tràn lan. Nhưng mức hành động ngăn chận phải cao. Hỗ trợ cho cuộc chiến tranh của Saudi Árabia tại Yemen chắc chắn không đáp ứng được. Trong hơn một thập niên qua, sự tham gia của Mỹ ở Afghanistan dường như đã được biện minh trên cơ sở là tránh cho thất bại – với việc gây thêm những mối đe dọa mới, đó là một chiến lược xa xỉ mà chúng ta không thể có khả năng giải quyết.
Sự thành công của nước Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển ở trong nước cũng như qua các hành động ở hải ngoại. Donald Trump có thể bị hạn chế bởi chính quyền của ông và sự phân quyền, nhưng không nghi ngờ gì khi ông đã đề ra sở thích cá nhân. Ông thể hiện một tinh thần có liên quan đến những nhà độc tài tân thời. Ông đã nhiều lần tweet và nói về thái độ khinh thị về tự do báo chí và tinh thần trọng pháp. Ông ít quan tâm đến việc thúc đẩy thế giới tự do từ những tình trạng toàn trị gia tăng. Nếu làm với các phương tiện riêng, ông Trump sẽ đi xa hơn khi so với việc hợp tác với Vladimir Putin của Nga và phát triển những gì một giới chức cao cấp của Toà Bạch Ốc mô tả như là một thế giới quan “không bạn bè, không kẻ thù”. Trong cuộc cạnh tranh này của các mô hình, tổng thống Hoa Kỳ đang ở phía khác.
Đây là một thách thức ý thức hệ mà nó đẩy nước Mỹ đi xa so với bất cứ thứ gì đã đối mặt trong bóng tối trong thời Chiến tranh Lạnh. Khi xưa, chủ nghĩa Cộng sản chưa bao giờ có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào về mặt chính trị. Chủ nghĩa độc tài tân thời ngày nay đã lan truyền như một loại vi khuẩn. Chúng ta không nên đánh giá qúa cao về vị thế Mỹ – đại đa số các đảng viên thuộc Đảng Cộng hòa không chia sẻ ý thức hệ của tổng thống ngay cả khi họ ủng hộ ông về mặt chính trị – nhưng thách thức này không bị giới hạn trong đấu trường chính sách đối ngoại. Người Mỹ phải tìm ra cách để bảo tồn tự do trong nước, giữa những thay đổi chính trị và công nghệ, đồng thời cũng đẩy lùi các cạnh tranh của các đại cường.
Sau đó, một chiến lược thế giới tự do sẽ là một sự tiến tiển trong chính sách đối ngoại của Mỹ, không phải là một sự từ bỏ của trật tự quốc tế tự do. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng một vai trò hàng đầu trong các định chế quốc tế và trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với các cường quốc độc tài về các vấn đề có quyền lợi hỗ tương, chẳng hạn như không phổ biến vũ khí hạch tâm, nền kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu. Nhưng chiến lược này sẽ nhấn mạnh các mối đe dọa mới đối với các xã hội tự do, các mối đe dọa mà phần lớn bị bỏ qua bởi chính quyền kế nhiệm nhưng các đe doạ đang tệ hại trong thời gian vừa qua. Chiến lược hậu chiến của Mỹ về việc tạo ra một trật tự luôn là về việc định hình một môi trường mà nó có thể cho phép và hỗ trợ sự phát triển của các xã hội tự do. Đã đến lúc tái khám phá tinh thần và ý định đó.
Tác giả: Thomas Wright là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ và Châu Âu, Thành viên cấp cao của Dự án Nghiên cứu về Trật tự và Chiến lược Quốc tế tại Viện Brookings. Cuốn sách của ông “All Measures Short of War: The Contest For the 21st Century and the Future of American Power” do Ban Tu Thư Đại học Yale xuất bản tháng 5 năm 2017.
Nguyên tác: The Return to Great-Power Rivalry Was Inevitable