Chiến hạm Mỹ qua Hoàng Sa: Hà Nội tranh thủ nhưng vẫn ngại Bắc Kinh

Chiến hạm Mỹ qua Hoàng Sa: Hà Nội tranh thủ nhưng vẫn ngại Bắc Kinh

.

\"\"
Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ . (@wikipedia.org)

(Thụy My / RFI) – Tờ South China Morning Post hôm 14/01/2019 có bài viết mang tựa đề « Việt Nam có nguy cơ chọc giận Trung Quốc khi lợi dụng việc Hoa Kỳ thực thi tự do hàng hải để nhấn mạnh yêu sách ở Biển Đông ». Nhật báo Hồng Kông (bị tập đoàn Alibaba của Trung Quốc mua lại năm 2016) nhận định Hà Nội vẫn thường giữ thăng bằng trong mối quan hệ với Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên chuyến tuần tra qua Hoàng Sa của khu trục hạm Mỹ USS McCampbell là một cơ hội quá đẹp không thể bỏ lỡ.

Trong lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tranh chấp về thương mại và địa chính trị, Việt Nam vẫn đi dây trên một Biển Đông đầy bão tố. Hà Nội muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington, nhưng tránh không làm Bắc Kinh phật ý.

Vừa rồi nhân dịp chiến hạm Mỹ tuần tra ở Hoàng Sa, Hà Nội không chỉ ủng hộ đồng minh phương Tây, mà còn tái khẳng định chủ quyền tại Biển Đông. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố : « Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Nhà phân tích Derek Grossman của Rand Corporation cho rằng, nếu tuyên bố trên khá điển hình – trong lúc Việt Nam cố tỏ ra cùng quan điểm với Washington trên những vấn đề như tự do hàng hải, nhưng thời điểm được đưa ra là đáng ngạc nhiên, vì quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng cao độ.

Ông nói : « Đáng chú ý là quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt ngày càng gần gũi hơn, tuy Hà Nội lâu nay vẫn kín đáo để tránh chọc giận Bắc Kinh vô ích ».

Thứ Hai tuần trước, Bắc Kinh phản đối Washington sau khi khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS McCampbell tuần tra Hoàng Sa. Phát ngôn viên Lục Khảng nói rằng đã « nghiêm khắc cảnh cáo » vì hoạt động tuần tra này « vi phạm luật pháp Trung Quốc ».

Trong khi đó phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, bà Rachel McMarr tuyên bố việc chiến hạm USS McCampbell đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa là nhằm « phản kháng các yêu sách quá đáng trên biển ».

Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải ở Nanyang Technological University ở Singapore ghi nhận việc Hà Nội ủng hộ Washington thực thi tự do hàng hải không có gì lạ, vì chiến hạm Mỹ đi gần Hoàng Sa nơi Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Còn ở Trường Sa, Việt Nam thận trọng hơn vì quần đảo này bị nhiều nước yêu sách, không muốn làm phức tạp thêm tình hình.

Một nghiên cứu mới đây của ISEAS – Yusof Ishak Institute ở Singapore cho thấy Việt Nam là nước ủng hộ Hoa Kỳ mạnh mẽ nhất tại Đông Nam Á. Trong số 1.000 nhà nghiên cứu, nhà phân tích và chuyên gia được hỏi ý kiến, có đến hơn phân nửa cho rằng Việt Nam tin tưởng « mạnh mẽ » hoặc « khá mạnh » vào Mỹ, như một đối tác chiến lược, giúp giữ an ninh trong khu vực.

Thứ Ba tuần trước, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink đã gặp gỡ phó thủ tướng Phạm Bình Minh để bàn bạc về việc hợp tác trong thương mại, ngoại giao và an ninh. Ông Kritenbrink cho biết Hoa Kỳ hy vọng siết chặt việc phối hợp trong hoạt động bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.

South China Morning Post cũng dẫn lời giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales nhấn mạnh, tuy Hà Nội tranh thủ cơ hội khu trục hạm USS McCampbell tuần tra để tái khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, nhưng không muốn làm phật lòng Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – vẫn tiếp tục giữ thăng bằng trong quan hệ với hai cường quốc.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment