MÙA XUÂN NĂM ẤY …

Chuly sưu tầm

MÙA XUÂN NĂM ẤY …

Mùa Xuân năm ấy cách đây hơn bốn mươi năm, mùa xuân Ất Mão (1975), một biến cố quan trọng nhất, thê thảm nhất và chết chóc nhiều nhất đã xảy ra đến với người dân Phú Yên. Hàng ngàn người đã phơi thây trên đường di tản theo liên tỉnh lộ Bảy từ Phú Bổn đến Tuy Hòa. Hàng trăm xác nổi bềnh bồng bị sóng dập, gió đùa tại cửa Đà Rằng cũng như trên con kênh dẫn thủy ở hữu ngạn sông Đà. Số bị tàn sát tập thể, riêng tại Lù Bà đã có 225 xác, chưa kể những nơi khác như Hố Ngựa, Thọ Vức, Cầu Dài, Cây Xộp gần hai trăm xác nữa. Hàng trăm người bị thủ tiêu lẻ tẻ khắp nơi rong tỉnh, riêng xã Hòa Bình đã có chín mươi người bị thủ tiêu. Ngoài ra, hàng ngàn người bị bắt cải tạo và số đã chết không ít. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ ghi lại những gì tai nghe mắt thấy tại cửa sông Đà Rằng trong ngày 1-4-1975, một ngày đổi đời của người dân đất Phú!

Lúc 5 giờ sáng ngày 1-4-1975, tôi lái xe từ phường 6 lên Ngã năm. Đến ngã tư Bùi Nguyên Ngãi, Trần Hưng Đạo, tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy hai bên đường, đủ mọi tầng lớp, tuổi tác, vẻ mặt kinh hãi, kéo nhau chạy bất kể sống chết theo hướng biển. Tôi dừng xe hỏi lý do nhưng chẳng ai buồn trả lời. Tôi trở đầu xe, chạy thẳng xuống dinh tỉnh trưởng. Tướng Cẩm, phó tư lệnh tiền phương, đang bận đồ lót tập thể dục. Còn Đại tá Gia, tỉnh trưởng Phú Yên, đi tới đi lui ngoài hành lang có vẻ ung dung lắm.

Tôi hỏi Đại tá Gia:

– Có chuyện gì mà dân ở Ngã năm kéo nhau chạy xuống biển dữ vậy?

– Chẳng có chuyện gì đâu, tôi vừa nhận được báo cáo các nơi tình hình tốt lắm.

Đại ta Gia bình thản trả lời như không có chuyện gì lạ. Một phút sau, Trung tá Trung, chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia tỉnh Phú Yên, lái xe jeep đến. Đại tá Gia hỏi:

– Có gì xảy ra mà ông Chủ Tịch cho biết dân Ngã năm chạy xuống biển hỗn loạn vậy?

– Có chuyện gì đâu! Tôi vừa ở bộ chỉ huy xuống đây, tình hình yên tĩnh mà.

Trung tá Trung vừa trả lời vừa quay xe ra nói tiếp:

– Được rồi, để tôi trở về xem sao! Rồi ông lái xe đi luôn.

Tôi đứng ngơ ngác, nhìn con đường chung quanh tòa Tỉnh trưởng, càng lúc càng đầy nghẹt xe của sư đoàn 22 Bộ binh từ Qui Nhơn kéo vào. Nét mặt của tướng Cẩm và Đại tá Gia bắt đầu thay đổi. Tôi vội rời khỏi sân dinh tòa Tỉnh trưởng. Lúc này trên Núi Nhạn, súng bắt đầu nổ dòn. Tôi chạy xuống bờ biển, gặp người bạn vừa chạy vừa thở hổn hển nói: “Cộng sản chiếm Núi Nhạn rồi!” Thế là trung đội pháo binh đã đầu hàng rồi! Tôi đứng tần ngần nghĩ cách thoát qua cửa Đà Rằng thì một tiếng nổ long trời. Kho xăng của tiểu khu bị trúng đạn và bốc cháy, khói tỏa mịt mù. Tiếng đại bác bắt đầu nhả đạn từ Núi Nhạn đến chiếc tàu Mỹ đang bỏ neo gần bờ biển Tuy Hòa, đợi vớt những người vượt thoát. Để tránh tầm đạn, tàu dần dần rời ra xa bờ.

Bãi biển Tuy Hòa càng lúc càng đông nghẹt người. Thảm cảnh hãi hùng bắt đầu diễn ra. Hai chiếc M13 đang băng cát hướng xuống biển. Trên mình nó không còn thấy chút sắt nào lộ ra vì người bám kín xung quanh như bầy kiến bu khiêng hạt đậu. Nghĩ thầm xe này chắc lội qua cửa bể nên tôi chụp nhanh lấy nạnh xe, một chân tựa vào con ốc thành xe, đứng nghiêng người, chân kia đu đưa chưa tìm được điểm tựa. Xe không đậy nắp nên người bám được nhiều. Xe chạy được vài chục thước, tôi bị một anh lính đánh mạnh vào cánh tay. Đau điếng, tôi thả tay ra, ngã xuống cát. Anh lính thay chỗ tôi đu theo xe. Tôi lồm cồm ngồi dậy, nhìn thấy hai chiếc thiết vận xa đã xuống bờ nước và lặn mất tăm. Tôi đứng trông một lát mà chẳng thấy người nào nổi lên. Tôi hú hồn! Anh lính kia đã thay mạng tôi. Bây giờ tôi mới hiểu ra rằng hai anh tài xế thiết giáp kia quyết tự tử chứ không chịu đầu hàng và không muốn kẻ thù tịch thu chiến lợi phẩm. Chỉ khổ cho mấy chục người khờ khạo kia, trong ấy có tôi, cứ tưởng thiết vận xa M13 lội nước được nên đã chết một cách oan uổng!

Có tiếng người kêu lớn: “Việt Cộng xuống gần ty Y tế rồi!” Thế là đám người như đàn vịt nhảy ào xuống nước, cố vượt qua cửa biển. Người biết lội nhảy đã đành, người không biết nhảy cũng nhảy đại xuống. Họ chụp nhau, lôi kéo nhau, hụp lặn dày đặc cả lạch sông. Cuối cùng họ ôm nhau chết chùm và trôi ra bể. Tôi sợ quá, chạy ngược dòng sông lên bến thuyền chài, tìm thuyền qua cửa. Tại đây, cảnh giành giật, cướp ghe, bắn nhau vô cùng thê thảm. Chiếc ghe nào người ta cũng tranh nhau leo đầy, nước gần ngập be, nên chẳng mấy chốc, ghe chồng chành và chìm nghỉm. Đầu người lô nhô như bãi sọ dừa cuốn theo dòng nước trôi ra cửa bể. Một cặp vợ chồng và hai đứa con, đứa chừng 1 tuổi, đứa chừng 4 tuổi, người chồng tranh lên được ghe để kéo vợ con lên sau, nhưng khi anh ta vừa lên được thì ghe bị đẩy xa bờ, vợ con anh ta chỉ còn biết khóc, nhìn theo& Ghe ra đến giữa dòng, tròng trành mấy cái là chìm luôn. Người vợ chứng kiến cảnh chồng chết đuối, kêu la thảm thiết nhưng chẳng ai buồn để ý. Chị ta điên cuồng quăng hai đứa con xuống nước và nhảy theo tự tử luôn. Trước cảnh thương tâm, tôi ngậm ngùi xúc động, không muốn khóc mà nước mắt vẫn cứ trào!

Đến 12 giờ trưa, súng đại liên nghe càng lúc càng gần. Không còn cách nào khác, tôi lặn thật sâu qua khỏi chòm người chết đuối còn đang chụp níu nhau, lội đến cồn cát giữa. Tại đây đã có một số đông tới trước, đang tìm cách vượt qua rạch lớn, nhưng đại liên từ núi Nhạn bắn xối xả ra cửa biển, hình như họ muốn chặn đường thoát của chúng tôi. Đám người bên kia bãi lạch nhỏ sợ trúng đạn, lấy áo trắng cột vào cây giương lên cao thay cờ hàng. Anh đại úy bộ binh ngồi bên tôi cầm M16 lên đạn nhắm kẻ đầu hàng. Tôi hổn hoảng, đỡ nòng súng chỉ thiên và năn nỉ anh ta:

– Tôi lạy anh! Chúng mình giờ này như rắn không đầu, mỗi người phải tự tìm cách cứu mình. Anh nổ súng, họ tưởng chúng ta chống cự lại, họ sẽ tàn sát hàng ngàn người dân vô tội tại cửa biển này.

Không hiểu anh ta nghĩ thế nào mà bỏ súng xuống, chửi thề mấy câu. Nằm dài trên cát một lát, anh ngồi dậy, kêu cậu bé dân chài cho cái ba-lô, chỉ mấy con dao găm và nói:

– Trong đó có 150 ngàn đồng và một lượng vàng, cho em đó.

020-14011720487618Anh ta quay lại, vỗ vai tôi. Tôi đang lo sợ anh bực mình vì bị tôi ngăn cản nên lấy dao định đâm tôi. Nhưng không, anh bình tĩnh chúc tôi ở lại may mắn và chào từ giã. Tôi hỏi bây giờ anh định đi đâu. Anh không trả lời, quăng cây súng ra giữa dòng sông, từ từ bước xuống nước, đi ra dần cho đến khi nước ngập ngực, cầm dao găm đâm vào tim tự sát. Tôi đứng trên bờ nhìn anh quằn quại trong sóng nước trôi xa dần và từ từ chìm mất. Tôi quỳ xuống cát, cúi đầu vái mấy vái, lòng hết sức kính phục người chiến sĩ can trường thà chết chứ không chịu để kẻ thù bắt làm nhục.

Bỗng tiếng gọi nhau vang lên “Việt cộng tới tỉnh đường rồi!” Lại một lần nữa, đám người chen nhau nhào xuống nước để rồi cùng nhau chết chìm và trôi ra biển. Họ sợ người cộng sản còn hơn là sợ cái chết trước mặt. Họ chấp nhận cái chết để khỏi thấy người cộng sản!

Tôi nhờ biết lội, qua được lạch nhỏ đến cồn giữa và may mắn nhờ cậu bé thuyền câu cho vào thúng bơi, qua khỏi lạch lớn đến thôn Đông tác. Tại đây cũng đã có khá đông dân chạy loạn. Suốt 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi như bầy vịt chạy tới chạy lui trên bãi biển Đông tác mà vẫn chưa tìm được lối thoát vào Nha Trang.

Đến 5 giờ chiều, cộng sản chia hai mặt đi theo gọng kềm từ quốc lộ 1 tiến quân xuống. Lúc bấy giờ, cảnh tượng vô cùng hoản loạn. Đám người tự động phân từng toán tìm đường tẩu thoát. Tướng Cẩm băng qua phi trường Đông tác chạy đến thôn Đông mỹ thì bị bắt. Tôi chạy ngược lại xóm dân chài, chui vào một căn nhà lá chật hẹp. Tại đây, tôi gặp 4 sĩ quan bộ binh. Chúng tôi được bà chủ nhà cho ăn bữa cơm tối và ngủ lại. Đến 1 giờ sáng, nghe có tiếng bộ đội lục xét nhà, tôi nhảy khỏi phản, chui vào gầm giường nép mình trốn. Họ tóm được 4 anh sĩ quan dẫn đi, không xét nhà nữa nên tôi mới thoát. Họ dẫn 4 anh sĩ quan ra bãi cát bắn ngay tại chỗ. Bà chủ nhà hoảng hốt, sợ liên lụy chạy vào báo cho tôi biết. Tôi yên lặng, miệng lâm râm cầu nguyện cho linh hồn cac anh mau siêu thoát và hộ tôi thoát nạn.

Sáng hôm sau, ông chủ nhà dẫn tôi đến một địa điểm khác, chờ tối sẽ chỉ đường trốn vào Nha Trang. Nhưng vừa rời nhà ông ta được vài trăm bước, gặp anh bộ đội tuần tra xét hỏi, tôi bị bắt ngay và bị đưa đến địa điểm tập trung chờ đi cải tạo.

Hơn bốn mươi mùa xuân đã qua nhưng tang tóc vẫn còn tiếp diễn trên quê hương tôi…

PHAN LONG YÊN

Bài Liên Quan

Leave a Comment