Trung Quốc : Tập Cận Bình và bốn “phản hiện đại hóa”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, 02/01/2019.REUTERS/Mark Schiefelbein/Pool
Báo chí Pháp hôm nay 14/01/2019 dĩ nhiên tập trung bàn tán và phân tích bức « Thư Gởi Người Pháp » của tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố tối hôm qua, phác họa nền tảng cho cuộc « Thảo Luận Toàn Quốc » nhằm đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng. Về thời sự quốc tế, rất đáng chú ý là bài phân tích trên tờ Le Figaro về Trung Quốc, nói về điều được tờ báo mệnh danh là bốn chủ trương « phản hiện đại hóa – contre -modernisations » của ông Tập Cận Bình, đã góp phần kết thúc chu kỳ « 40 năm vàng son » của chế độ Cộng Sản Trung Quốc.
Trong bài viết mang tựa đề ngắn gọn : « Trung Quốc : 4 phản hiện đại hóa », nhà báo Nicolas Baverez của tờ Le Figaro đã nêu bật bối cảnh năm 2019 này là năm chế độ Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Cũng như vào thời điểm cách nay 4 thập niên, cụ thể là vào năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình tung ra chính sách “bốn hiện đại hóa”, cho phép Trung Quốc cất cánh về kinh tế, vào lúc này, Bắc Kinh đang phải điều chỉnh chiến lược và mô hình phát triển của mình.
Vấn đề tuy nhiên là, với bước lùi thể hiện qua sự trở lại của thể chế chủ tịch suốt đời, tệ sùng bái lãnh tụ và sự tái lập quyền kiểm soát của Nhà Nước trên nền kinh tế, tiến trình cải cách cần thiết của Trung Quốc có khả năng bị chặn đứng.
Tập Cận Bình xóa nhòa 4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình
Le Figaro đã không ngần ngại đối lập 4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình với 4 phản hiện đại hóa của Tập Cận Bình.
Theo tờ báo Pháp, sau cái chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã tổ chức sự phát triển của Trung Quốc theo bốn nguyên tắc.
Thứ nhất là duy trì độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – điều đã được tái khẳng định một cách đẫm máu ở Thiên An Môn vào năm 1989 – nhưng tạo ra thế đối trọng với quyền lực độc tôn bằng hai nguyên tắc : quyền lãnh đạo tập thể và nhiệm kỳ 10 năm.
Nguyên tắc thứ hai là cởi trói dần dần nền kinh tế để du nhập các cơ chế thị trường và mở cửa ra quốc tế ; nguyên tắc thứ ba là nới lỏng sự kiểm soát ý thức hệ trên nền kinh tế và xã hội, và sau cùng là vươn lên trên trường quốc tế một cách hòa bình.
Thế nhưng, theo Le Figaro, một cách có hệ thống, Tập Cận Bình đã đi ngược lại tất cả các nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình.
Về chính trị, lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Đại Hội lần thứ 19 của Đảng Cộng Sản chấp nhận một chế độ chủ tịch độc tôn kiểu các hoàng đế thời xưa. Về kinh tế là việc củng cố khu vực doanh nghiệp nhà nước đồng thời hạn chế việc mở vốn của Trung Quốc cho thế giới bên ngoài. Về mặt ý thức hệ, Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự thống trị của giáo điều mácxít trong các công ty và trường đại học.
Cuối cùng, trong lãnh vực đối ngoại, nhân vật số một của Trung Quốc đã công khai cho thấy tham vọng giành quyền lãnh đạo thế giới vào năm 2049.
Vô số cản lực
Tuy nhiên, đối với tác giả bài báo trên Le Figaro, định hướng chiến lược mới của ông Tập Cận Bình hiện đang vấp phải nhiều trở ngại nghiêm trọng.
Thứ nhất, là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, tỷ lệ chính thức là khoảng 6%, nhưng trong thực tế chỉ chừng 2% mà thôi, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng 20%, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm 25% trong năm ngoái, trong lúc vốn liếng ngày càng « tháo chạy » khỏi Trung Quốc.
Điểm đặc biệt, theo Le Figaro, là mô hình phát triển của Trung Quốc dựa trên công nghiệp, xuất khẩu và vay nợ đang đi vào ngõ cụt. Việc sản xuất hàng hóa siêu tốc đã tàn phá môi trường, trong lúc cuộc chiến thương mại và công nghệ do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã chận đứng sự bành trướng thương mại của Trung Quốc và gửi đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ đã được thấy qua lệnh cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ở nhiều quốc gia.
Sự phình to của các khoản nợ công và tư nhân, chiếm hơn 260% GDP, đang tạo ra bong bóng đầu cơ nguy hiểm. Sự gia tăng của các dự án theo « con đường tơ lụa mới » đang gây ra tình trạng thiếu kinh phí.
Sau hết, thái độ khẳng định quyền lãnh đạo của Trung Quốc đã khiến nước ngoài lo sợ, và ngày càng có nhiều sự phản ứng kháng cự xuất hiện, kể cả ở châu Á, chống lại một mô hình chính quyền độc đoán và một nền kinh tế xâm lược do Nhà nước Trung Quốc chỉ huy nhằm khuất phục và chiếm đoạt các tài sản chiến lược của các nước được Bắc Kinh trợ giúp.
Ba Lan : Chân dung gián điệp làm việc cho Trung Quốc
Cũng liên quan đến Trung Quốc, trên trang quốc tế, Le Monde nêu bật vụ một người Trung Quốc và một người Ba Lan có liên hệ với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, vừa bị chính quyền Vácxava bắt giữ vì bị tình nghi « hoạt động có hại cho Ba Lan ». Tờ báo Pháp đã lồng vụ bắt giữ này vào « chiến dịch » được Mỹ tung ra nhằm cảnh giác các đồng minh về nguy cơ giao công việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông của mình cho tập đoàn Trung Quốc.
Chân dung hai nghi phạm tại Ba Lan rất được Le Monde chú ý : Người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh (Wang Weijing), nguyên là tùy viên tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk, sau đó qua làm việc cho chi nhánh Hoa Vi tại Ba Lan, làm giám đốc giao tế, rồi giám đốc đặc trách khâu bán hàng cho các cơ quan nhà nước.
Phát ngôn viên của bộ trưởng đặc trách các cơ quan đặc biệt – tức là các cơ quan tình báo – của Ba Lan nói rõ là nghi can đã bị bắt vì đã hoạt động « cho tình báo Trung Quốc, gây hại cho Ba Lan », nhưng cũng nói rõ rằng đó là những hoạt động mang tính chất cá nhân chứ « không liên quan gì đến tập đoàn nơi nghi can làm việc ».
Về nghi can gián điệp người Ba Lan, Le Monde trích dẫn đài truyền hình nhà nước Ba Lan cho biết người này từng là một cựu sĩ quan cao cấp trong ngành phản gián Ba Lan, phụ trách việc phát triển một hệ thống điện thoại di động an toàn cho các lãnh đạo chính trị nước này, trước khi qua làm cố vấn cho chi nhánh tập đoàn viễn thông Pháp Orange tại Ba Lan, vốn được giao trách nhiệm triển khai màng lưới 5G tại nước này cùng với Hoa Vi.
Theo Le Monde, vụ bắt giữ nghi can gián điệp Trung Quốc tại Ba Lan diễn ra trong bối cảnh Washington đã tung ra một chiến dịch cảnh giác các đồng minh, đặc biệt là các nước có căn cứ Mỹ, là không nên giao việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi, vào lúc mà các nơi đang chuẩn bị triển khai màng lưới di động 5G.
Liệu Hoa Vi có dám kháng lệnh của Nhà Nước Trung Quốc ?
Lý do mà Mỹ nhấn mạnh là các nước có nguy cơ bị Bắc Kinh do thám và khống chế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngoại giao.
Theo ghi nhận của Le Monde, lời cảnh báo của Mỹ đang phát huy tác dụng cho dù không đồng đều. Mạnh tay nhất là Mỹ, sau đó là Úc và Nhật, đã loại Hoa Vi ra khỏi danh sách nhà cung cấp cơ sở hạ tầng mạng 5G.
Nhưng tại Pháp hay Đức, phản ứng không rõ ràng. Ở Pháp, nếu tập đoàn Orange đã tẩy chay Hoa Vi, thì tập đoàn SFR vẫn đang thử nghiệm hệ thống 5G của mình với công nghệ 5G của Hoa Vi. Tại Đức, nêu hãng viễn thông hàng đầu là Deutsche Telekom đã cấm Hoa Vi, thì chủ tịch cơ quan liên bang về an ninh thông tin lại cho rằng « cần phải có bằng chứng » thực thụ về hành vị gián điệp, trước khi ban hành một quyết định « nghiêm trọng như là một lệnh cấm ».
Le Monde nhắc lại rằng từ nhiều năm nay, Hoa Vi luôn khẳng định rằng họ là doanh nghiệp tư nhân, và chưa ai chứng minh được rằng họ đã có những hoạt động gián điệp.
Tuy nhiên, theo Le Monde, vấn đề nằm ở chỗ là trong tình hình hiện nay, khó có công ty Trung Quốc nào dám chống lại yêu cầu từ phía chính quyền, nhất là khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngừng tăng cường quyền kiểm soát của Nhà Nước, và đã ban hành vào năm 2017 một đạo luật về tình báo trong đó ghi rõ : « Các tổ chức và công dân, trong tinh thần tôn trọng luật pháp, phải ủng hộ, hợp tác và tham gia vào công việc tình báo quốc gia