Nhóm 17 Luật sư Lộc Hưng lên tiếng: Một số báo chí đưa tin một chiều!
.
Ngày 16/1/2019, nhóm luật sư gồm 17 người đại diện cho 20 hộ dân thuộc Vườn rau Lộc Hưng (VRLH) ra Thông cáo báo chí số 1 khẳng định “trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan”. Trong khi đó, người dân tại đây cũng gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về sự việc “bị cưỡng chế thu hồi đất và bị đập phá tháo dỡ nhà trái pháp luật”.
Theo các hộ dân VRLH, nhiều thông tin trên báo chí nhà nước hiện nay không phản ánh đúng sự thật, không ghi nhận những ý kiến của những người dân và phản ánh những tài liệu mà họ đã cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, gây bất lợi cho họ, khiến người dân rất bức xúc.
Nhóm Luật sư Lộc Hưng gồm các luật sư có tiếng như Trần Vũ Hải, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Trịnh Vĩnh Phúc v.v… trong thông cáo đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng mạng xã hội đưa tin bài về VRLH một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng sự thật, đặc biệt cần ghi nhận những ý kiến và tình cảnh hoạn nạn của người dân VRLH hiện nay sau vụ cưỡng chế phá nhà.
Nhóm này cũng mời các cơ quan truyền thông báo chí chứng kiến và tường thuật các bản tin về “quá trình đấu tranh pháp lý” sắp tới.
Nguồn: RFA
XEM THÊM:
Người dân Lộc Hưng nói chưa nhận được tiền hỗ trợ của chính quyền
.
Truyền thông trong nước hôm 16/1 nói nhiều hộ dân trong số 124 gia đình bị cưỡng chế đất, đập phá nhà cửa ở khu vực vườn rau Lộc Hưng đã đến kê khai hiện trạng sử dụng đất và đã được nhận tiền hỗ trợ của chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực, đại diện gần 200 người ký đơn khiếu kiện việc chính quyền tiến hành cưỡng chế, khẳng định rằng họ chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào nào từ phía UBND quận Tân Bình.
Chính thức những người khiếu nại khoảng 200 hộ đến ngày hôm nay rồi chưa vẫn nhận được bất cứ một cái gì từ chính quyền hết.
UBND quận Tân Bình nói những hộ dân sau khi được rà soát, đối chiếu với các đợt kê khai đất vào những năm 1991, 1995 và 2005 mà không thay đổi về chủ sử dụng, diện tích đất và vị trí đất thì sẽ được giải quyết ngay và nhận 50% kinh phí từ quận hỗ trợ trước Tết Nguyên Đán.
Giá hỗ trợ được nói theo mức đất nông nghiệp khoảng 7 triệu đồng/m2, với tổng kinh phí hỗ trợ đất cho toàn khu khoảng 350 tỉ đồng.
Một lãnh đạo UBND phường 6, quận Tân Bình trả lời truyền thông trong nước vào chiều 15/1 rằng có 32/35 trường hợp được mời kê khai đã đồng ý nhận tiền hỗ trợ. Người này nói đang vận động những hộ dân khác hợp tác để đảm bảo quyền lợi.
Người đại diện các hộ dân vườn rau Lộc Hưng khẳng định chỉ có một số hộ không thuộc diện khiếu kiện đã làm việc với công an.
Họ rỉ tai nhau, đưa công an đến vài nhà xung quanh bảo kí đi. Có những người đất nằm ở bờ mương ngày xưa các cha móc để nước chảy về sau bị san lấp. Họ tự đặt tên cho những người ở đối diện thành có đất ở đó luôn vào khoảng 2002, 2004. Trong đó có 8 hộ thì ngày hôm nay họ kêu ra nói ký đi. Người ta đâu có bị gì đâu, bảo ký thì ký thôi.
Lãnh đạo quận Tân Bình trong buổi làm việc liên quan vụ việc chiều ngày 14/1 quả quyết việc cưỡng chế là để ngăn chặn hành vi chiếm dụng đất, xây dựng trái pháp luật vốn diễn ra rất phức tạp ở khu vực.
Vụ cưỡng chế đất Lộc Hưng xảy ra vào hai hôm 4 và 8/1/2019 khi gần 200 căn nhà của giáo dân, phần lớn là những người Bắc di cư 1954 làm nghề trồng rau ở khu vực, bị đập phá.
Đại diện quận Tân Bình cho biết vụ cưỡng chế chỉ áp dụng với 112 căn nhà xây dựng trái phép, nhưng thực tế người dân nói hàng trăm căn đã bị đập phá bao gồm cả những nhà trọ, kinh doanh mua bán, chăn nuôi mà người dân xây từ chục năm qua.
Nguồn: RFA