VN ‘tố’ Facebook ‘quảng cáo chính trị’, ‘mập mờ’ và ‘câu giờ’
.
Chính quyền Việt Nam tố Facebook “quảng cáo chính trị, phản hồi mập mờ, chậm trễ trong việc giải quyết thông tin kích động,” và cố tình “câu giờ” trong các cuộc tiếp xúc với chính quyền.
“Quảng cáo chính trị là một trong ba nội dung vi phạm pháp luật tại Việt Nam mà Facebook đang thực hiện,” báo Zing trích lời giới chức Việt Nam cho biết hôm 15/1.
Trong khi đó Trang VNEconomy trích lời giới hữu trách Việt Nam nói “quảng cáo chính trị” là một mối nguy hại rất lớn. “Tại các dịp quan trọng của Việt Nam như đại hội Đảng, hội nghị Trung ương…, xuất hiện rất nhiều loại “quảng cáo chính trị” trên Facebook với nội dung xuyên tạc, định hướng dư luận.
Hôm 8/1/2019, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông Tin và Truyền thông (BTTTT) đã lên án Facebook, nói rằng hiện mạng xã hội với gần 60 triệu người dùng trong nước đang cho phép tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, fanpage, nhóm, với nhiều bài đăng có nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước…
Ngoài ra, giới hữu trách Việt Nam cho rằng Facebook còn cho phép người dùng mua quảng cáo tự do không qua kiểm duyệt nội dung. “Các đối tượng có thể mua quảng cáo trên Facebook để đưa những thông tin quảng cáo có mục đích, mang tính định hướng để hướng tới nói xấu, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…,” theo báo Zing.
Blogger Trường Sơn Nguyễn viết trên Facebook hôm 16/1: “Thật nực cười, chế độ thì thả phanh sử dụng đài báo, dư luận viên, ban tuyên giáo… để tuyên truyền về đường lối chính trị của mình. Trong khi người dân chỉ có duy nhất một công cụ là mạng xã hội để bày tỏ thái độ chính trị, thì lại bị cấm.”
Quảng cáo chính trị (political ads) là thuật ngữ mô tả việc sử dụng một chiến dịch quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông để tác động tới một cuộc tranh luận chính trị, với đối tượng được nhắm tới là các cử tri mục tiêu.XEM THÊM:
VN cáo buộc Facebook bất tuân quy tắc nội dung, quảng cáo, và thuế
Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn lên án rằng Facebook cho phép quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp tại Việt Nam, thể hiện qua 4 nhóm: quảng cáo tiền giả; bán vũ khí và vật liệu cháy nổ; buôn bán người; buôn bán hàng giả, đặc biệt là hàng giả hàng hiệu.
Việt Nam cho rằng Facebook tỏ ra \”thờ ơ\” và gần như gián tiếp tiếp tay cho các loại hình quảng cáo bất hợp pháp này.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, ngoài những nội dung mua quảng cáo, Facebook còn không đáp ứng tốt việc tháo gỡ những nội dung có hoạt động kích động chống phá Nhà nước Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
“Facebook không bóc gỡ các fanpage, tài khoản của các tổ chức phản động được Bộ Công an liệt kê trong danh sách, những tài khoản, fanpage nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước,” báo Zing viết.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân, nhận định việc các bài viết và bài chia sẻ lại bị Facebook chặn:
“Hàng trăm trang Facebook cá nhân của những người có chút tên tuổi trong phong trào đấu tranh dân chủ liên tục bị khóa hoặc bị đánh sập chỉ vì họ có những bài chia sẻ, hoặc đăng các status nói lên những suy nghĩ của họ về một vấn đề nào đó. Kinh ngạc hơn là chỉ là các bài viết share lại các bài báo Đảng ở Việt Nam và viết một câu ngắn nêu cảm nghĩ của mình. Nhiều người bị chặn hết sức vô lý.”
Nữ luật sư nhân quyền từng bị cầm tù 4 năm vì “tuyên truyền chống nhà nước” còn cho biết thêm rằng các blogger nước ngoài hay blogger gốc Việt ở hải ngoại cũng bị Việt Nam yêu cầu Facebook chặn.
“Thậm chí cũng có Facebooker người Mỹ, người Việt có quốc tịch Mỹ ở hải ngoại cũng bị trình trạng như vậy. Nhiều nhà đấu tranh ở Pháp, Úc cũng bị. Tôi không thể tin được là Facebook có thể hành xử như vậy.”XEM THÊM:
Luật An ninh mạng VN sắp có hiệu lực, vẫn gây lo ngại
Truyền thông Việt Nam nói Facebook có tiến hành gỡ bỏ nhưng rất hạn chế, chậm trễ các thông tin kích động, nói xấu Nhà nước.
Báo Zing trích lời một lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết: “Họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, FaceBook đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu.”
Cũng theo tờ báo này, vị lãnh đạo của cục còn chỉ trích rằng các đại diện Facebook còn “câu giờ, không đi vào vấn đề” khi tiếp xúc với chính quyền Việt Nam.
“Mục đích họ sang, gặp mặt chúng ta chỉ là để câu giờ. Họ không bao giờ chốt các vấn đề, không làm việc bằng văn bản bản chất. Facebook đang kinh doanh kiếm lời tại một quốc gia và không tuân thủ luật pháp quốc gia đó.”
Hôm 9/1, Facebook lên tiếng phản bác tố cáo của BTTTT rằng FB vi phạm luật An ninh mạng của Việt Nam. Trang mạng truyền thông xã hội này cho biết đã hạn chế các nội dung ‘bất hợp pháp’ và đang thảo luận với các cơ quan chức năng Việt Nam.
Nguồn: VOA