Chuly sưu tầm
Cuối năm nghĩ về lễ bỏ mả
VietTuSaiGon
Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu năm dương lịch và cuối năm âm lịch, đây là thời gian diễn ra lễ bỏ mả của người dân tộc thiểu số ở phía Tây Việt Nam. Dường như mọi dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn ra tận Đông Bắc, Tây Bắc đều có tục bỏ mả. Có thể nói rằng tục bỏ mả như một thông điệp sống và là triết lý nhân sinh của người thiểu số. Nó cởi trói cho người sống và nhắc nhớ họ về những giá trị đạo đức, tâm linh và trách nhiệm của một con người.
Điều này khác hẳn với dân tộc Kinh (chính xác là dân tộc Việt, bởi khái niệm Kinh là ám chỉ của người Mường và người H’Mong về người Việt – sống gần kinh kỳ, hành xử kinh dị, giảo hoạt kinh hồn… Lâu ngày chết danh, dẫn đến ngộ nhận đáng sợ về dân tộc). Người Kinh, đặc biệt người Kinh càng về sau càng không những không biết bỏ mả mà con ôm mả, bơm thuốc tái sinh cho mả. Quả thật là… Kinh!
Cũng xin nói thêm về lễ bỏ mả của người thiểu số, thường thì các gia đình, khi người thân qua đời, người sống gói gém mọi thứ mà người qua đời từng dùng, mang theo đặt bên cạnh mộ của người đó. Đương nhiên tính thật thà của người thiểu số giúp cho họ tự tin mang cả vàng của người đã khuất ra đặt bên cạnh mộ. Nhưng sau này, kể từ thời người Kinh tràn lan các vùng rừng núi, dường như tục mang vàng đặt bên cạnh mộ của người thiểu số không còn.
Sau ba năm, nếu như gia đình có người khuất núi (chết) có tiền dư dả thì (trùng với thời gian mãn tang của người Kinh) họ sẽ có một mâm lễ cúng người khuất núi và cầu nguyện cho người khuất núi được siêu thoát. Cũng từ sau lễ cúng bỏ mả trở đi, người sống không còn mang thức ăn ra mả cúng người chết thường xuyên như trước nữa. Điều này như một thông điệp về sự tử tế và tính tự do cần thiết của người sống.
Với người Kinh, đặc biệt người Kinh thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nghe ra có vẻ như người sống không những không bỏ mả mà còn buộc mả. Khái niệm siêu thoát, chuyển hóa năng lượng cho người chết nghe ra có vẻ người sống trong gia đình hay phe nhóm càng quyền lực thì cơ hội siêu thoát càng khó! Hay nói cách khác, càng giàu, càng quyền lực người ta càng đối xử kinh dị với người chết.
Theo Tử thư Tây tạng, những người chết, thực ra đó không phải là mất đi vĩnh viễn mà là chuyển hóa năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Nếu như người sống là sự tích hợp và tương tác năng lượng thông qua giao tiếp vật chất, giao tiếp tinh thần thì với người chết, năng lượng của họ chuyển sang dạng sóng, gọi nôm na là linh hồn. Và linh hồn, hay sóng chỉ đủ mạnh một khi vật chất được chuyển hóa hoàn toàn, nghĩa là phần cốt nhục được phân hủy toàn triệt.
Chính vì quan niệm như vậy nên người Tây Tạng, người Ấn Độ thường chọn hỏa táng, thủy táng hoặc điểu táng. Bởi các kiểu táng này giúp cho vật chất được tiêu hủy nhanh nhất, người chết nhanh siêu thoát nhất. Ngược lại, chế độ phong kiến Trung Hoa, kể từ thời Tần Thủy Hoàng, với tham vọng trường sinh bất lão hoặc tái sinh sau ngàn năm, việc luyện đan để trường sinh và khi có mối hoài nghi về thuật trường sinh, ông ta nghĩ đến kế hoạch tái sinh sau ngàn năm bằng cách xây lăng mộ thật vững chắc, làm quan tài thật tốt và nghĩ đến việc ướp xác (nhưng người tính không bằng trời tính, xác của ông trương sình trên đường đi, hôi thối bay khắp nơi. Lính thị vệ phải chở mấy xe mắm trước xác ông để đánh lạc hướng, để người dân tin rằng ông còn sống…) với hi vọng đến một chu kỳ, kỉ nguyên nào đó, lại được tái sinh để nắm quyền lực.
Chính vì nếp suy nghĩ đầy tham vọng và ấu trĩ này, dường như các vua thời phong kiến Trung Hoa và các vua phong kiến có ảnh hưởng Trung Hoa đều không có khái niệm siêu thoát, luôn cố gắng xây lăng tẩm, đền đài càng cao, càng to, nắp quan tài càng kín, gỗ càng quí càng tốt. Vô hình trung, nếp suy nghĩ ấu trĩ này lại thành một thứ tập quán lây lan trong dân gian. Những gia đình quan lại, thậm chí thường dân, nếu có tiền thì tìm mọi cách để đóng quan tài cho người thân thật tốt. Thậm chí nhiều ông, bà trọc phú còn tự chọn gỗ tốt để đóng quan tài cho bản thân lúc còn sống.
Gỗ huỳnh đàn, gỗ cẩm lai, gỗ trắc, gỗ thủy tùng, gỗ đàn hương, gỗ hoàng đàn tuyết liên… Những thứ gỗ được xem là quí nhất bởi nó có khả năng tồn tại dưới lòng đất hàng ngàn năm mà không mục rã là thứ gỗ mà giới trọc phú, giới quyền lực đang sưu tầm cho việc xây dựng, không ngoại trừ cho việc đóng quan tài. Xin nói thêm, có ba loại gỗ là hoàng đàn tuyết liên, huỳnh đàn và thủy tùng, hiện nay giá bán trên thị trường từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng trên mỗi ký lô. Một khối gỗ huỳnh đàn nặng dao động từ 1 tấn đến 1,2 tấn, giá từ 10 tỉ đồng đến 50 tỉ đồng. 10 tỉ cho gỗ ‘đầu cánh cổ’ tức gỗ nhánh cành lẻ tẻ, gỗ qui cách có giá cao dần đến 50 triệu đồng mỗi ký, nếu khối càng lớn thì tiền càng cao.
Nói về giá gỗ cao đến mức kinh hồn bạt vía như vậy để thấy một khi có tiền, có quyền lực, người ta coi trọng cái quan tài đến chừng nào! Và nói xa hơn hơn chút, lăng mộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội. Nếu tính ra, để giữ cho được cái xác của ông tồn tại, số tiền người ta bỏ ra cho đến thời điểm bây giờ, có vẻ như lớn cũng chẳng kém so với tiền nợ công Việt Nam.
Đó cũng là một thuật trường sinh của người Cộng sản, và họ không có ý niệm về siêu thoát. Đáng sợ hơn là thuật trường sinh này cố làm cho một người đã chết hơn nửa thế kỉ phải cứ tươi cười, hồng hào, rạng rỡ để “tiếp khách” mỗi ngày. Những đoàn tham quan đến thăm “lăng Bác” là ai? Là những “con cháu Bác Hồ”, họ yêu quí, cuồng tín ông, đến xếp hàng đi vòng vòng quanh chiếc quan tài thủy tinh được cẩu lên, hạ xuống mỗi ngày vài lần để cho người ta vào nhìn ông.
Một cái chết mà trải qua gần một thế kỉ, thân xác vẫn phải dằn vặt, xê dịch, lui tới, lên xuống, lấy ra rửa ráy, vệ sinh rồi lại bỏ vào hòm… Thật sự, không thể tả nổi sự dằn vặt, đau đớn này nếu xét trên góc độ siêu thoát, năng lượng, theo cái nhìn của Tử Thư Tây Tạng. Và lạ ở chỗ, người Trung Hoa và người Việt Nam đều có quan niệm “âm siêu dương thới”, nhưng lại chẳng bao giờ chịu để cho “âm siêu”.
Và nếu quan niệm âm siêu dương thới là đúng, thì có vẻ như hệ thống Cộng sản trên thế giới sụp đổ cũng có lý do riêng của nó về mặt tâm linh. Bởi hiếm có quốc gia Cộng sản nào mà không có thuật ướp xác, thuật trường sinh xác lãnh tụ. Hiện tại, chỉ có Bắc Hàn và Việt Nam vẫn còn là trường hợp đặc biệt theo cách nhìn này. Chế độ Cộng sản ở hai quốc gia này còn mạnh, còn gắt máu. Nhưng mạnh và gắt máu đến bao giờ thì không rõ.
Nhưng dẫu sao thì dân tộc Triều Tiên cũng may mắn hơn rất nhiều so với dân tộc Việt Nam. Bởi thuật trường sinh xác lãnh tụ chỉ diễn ra ở một nửa đất nước Triều Tiên, ở phía Bắc sông Hàn. Nó khác xa với Việt Nam, sau nửa thế kỉ nhuộm đỏ màu Cộng sản trên toàn cõi Việt Nam, thuật trường sinh lãnh tụ cũng như thói quen ôm mả đã ảnh hưởng không nhỏ đến tập tục người miền Nam.
Hiện tại, không khó khăn chút nào để tìm ra những gia đình bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục, vài chục tỉ đồng để sắm quan tài gỗ quí, gỗ bất hoại và xây mộ như lăng tẩm, đền đài cho người thân ở miền Nam Việt Nam. Đó cũng là nỗi bất hạnh của dân tộc khi xét về tâm linh và quan niệm tự do. Bởi những người tự nguyện ôm lấy ngôi mộ, cố tình làm cho những thứ đang phân hủy trở thành vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của người sống thì làm sao có thể nghĩ đến siêu thoát hay tự do?!
Tự do, đôi khi không cần nhìn đâu xa, mà chỉ cần nhìn vào những ngôi mộ. Người dân tộc thiểu số vẫn xây mộ đẹp, vẫn trang hoàn cho ngôi mộ của người thân, của tộc trưởng, tù trưởng. Nhưng họ biết “bỏ mộ” để đi tiếp con đường của người sống, và họ thực sự tự do cho dù nghèo đói. Ngược lại, người Kinh thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa không những không biết “bỏ mộ” mà còn khư khư ôm lấy ngôi mộ, biến nó thành bất tử trong sự nghiệp, tương lai của người sống. Điều này cho thấy tương lai đã nhuộm màu xác chết và tự do mang hình một cổ mộ.
Đến bao giờ người Việt mới thực sự có tự do? Đến bao giờ ông cha, tổ tiên người Việt mới được siêu thoát? Đến bao giờ dân tộc này thôi nhược tiểu? Đến bao giờ dân tộc được lành mạnh? Những câu hỏi này, trong lúc này, nếu tôi mang ra quán cà phê, hỏi mà không nhìn trước ngó sau, có khi bị đánh te tua đến mức về nhà mẹ cũng nhìn không ra!
VietTuSaiGon\’s blog Bình luận