Kế hoạch giảm biên chế năm 2019: Chỉ là trò mị dân?

DIỄM THI –

Kế hoạch giảm biên chế năm 2019: Chỉ là trò mị dân?

.

\"\"
Một thành viên của phái đoàn Việt Nam ngủ gật tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73 tại trụ sở LHQ ở New York ngày 25 tháng 9 năm 2018. AFP

Tinh giản biên chế là cụm từ được truyền thông trong nước nói đến nhiều từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020.

Trọng tâm của chương trình là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2019 vào sáng 15/1/2019, Bộ Nội vụ dự kiến năm 2019 sẽ giảm 44.000 biên chế hưởng lương.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nhận định con số 44.000 thực ra rất khiêm tốn so với con số mà Nhà nước dự định giảm cho đến năm 2020, và còn nhỏ hơn nữa so với con số biên chế hiện nay ở Việt Nam. Ông cho rằng việc giảm biên chế là đúng vì nhân sự quá nhiều, quá tốn ngân sách Nhà nước mà làm việc không hiệu quả:

Lý do để giảm biên chế, thứ nhất là số lượng công chức viên chức đã phình ra kinh khủng, chiếm đến gần 3 triệu người và cực kỳ mất cân đối so với nhu cầu hành chính và quản lý dân số xã hội. Hiện tượng bộ máy công chức ngồi chơi xơi nước chiếm một tỷ lệ rất cao. Đã có những con số ước đoán ngay trong nội bộ đưa ra ước đoán khoảng 1/3 số công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về và vẫn lãnh lương.

Lý do thứ hai là tỷ lệ chi lương cho bộ phận công chức viên chức là quá cao, hiện chiếm tới khoảng 74% tổng chi ngân sách, trong khi ở các nước con số này chỉ khoảng 50%. Như vậy đây là tỷ lệ rất cao và gây ra phản ứng phẫn nộ của người dân với việc người dân phải nai lưng ra đóng thuế để nuôi một đội ngũ ăn không ngồi rồi và chẳng được tích sự gì cả.”

Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, cũng có cùng nhận định:

“Vấn đề nó quá rõ rồi, bởi vì một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được.”

Liệu có khả thi?

Mục đích của mọi cuộc tinh giản biên chế từ bao nhiêu năm nay được cho là nhằm tạo ra được bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả với số lượng nhân sự phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Ngay khi đưa ra chương trình tinh giản biên chế 8 năm trước, Chính phủ cũng xác định đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội.

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ mục tiêu này của Chính phủ. Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu lên ý kiến của mình với RFA rằng, việc này không dễ dàng thực hiện vì sẽ thừa ra rất nhiều lãnh đạo:

“Thu gọn lại thì ảnh hưởng đến chức vụ. Thí dụ trước đây có ba, bốn cấp trưởng, năm, sáu cấp phó. Bây giờ chỉ còn một cấp trưởng, hai cấp phó thì không dễ dàng thực hiện được… Lâu nay trên Diễn đàn Quốc hội và trong dư luận cũng ca thán là bộ máy cồng kềnh, thuế lại nuôi bộ máy đó, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thứ hai, bộ máy cồng kềnh làm cho hiệu quả phục vụ nhân dân giảm sút.”

Không có gì cải thiện

Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế đầu năm 2016, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Tổ chức biên chế thuộc Bộ Nội vụ cho hay, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm 2016, có trên 9.000 công chức, viên chức bị tinh giản biên chế. Phần lớn số người tinh giản được hưởng chính sách về hưu trước tuyển, một số cho thôi việc ngay.

Với kế hoạch giảm 44.000 biên chế trong năm 2019 được Nhà nước đưa ra, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tỏ ra không tin việc này sẽ thành hiện thực. Ông lấy “thành tích” đạt được trong giai đoạn giảm biên chế từ 2011 đến 2015 để dẫn chứng:

Năm 2016 khoe khoang thành tích giảm ba ngàn công chức trong tổng số ba triệu công chức. Nhưng thực tế giảm được ba ngàn công chức thì lại tăng 123 ngàn viên chức, cũng là biên chế nhà nước.

Công chức thì thuộc khối quản lý nhà nước và viên chức thì thuộc khối sự nghiệp có thu, tức là những đơn vị thuộc các bộ ngành trung ương mà có hoạt động công ích hoặc hoạt động kinh doanh nhưng không phải là đơn vị doanh nghiệp độc lập. Nhìn vào thành tích như vậy để thấy là không có gì cải thiện. Đó là giai đoạn từ 2011 đến 2016.”

Ông cho rằng ở Việt Nam, chuyện ‘nước chảy chỗ trũng’ hay ‘đánh bùn sang ao’ là cực kỳ phổ biến, và mối quan hệ chằng chịt giữa các quan chức với nhau và người nhà quan chức đã sinh ra tình trạng chạy ghế quan chức, và khi giảm biên chế thì xin chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Cuối cùng là chẳng giảm được ai cả.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương khẳng định vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo ban này, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ban hành ngày 17/4/2015, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra kết luận về việc Nhà nước tiếp tục đưa ra kế hoạch tinh giản biên chế cho năm 2019:

“Tất cả những điều đó chỉ là trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, là những người nai lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy hành là chính”.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment