Mỹ không loại trừ khả năng đưa hàng không mẫu hạm qua eo biển Đài Loan
.
Hải quân Hoa Kỳ không loại trừ khả năng đưa một hàng không mẫu hạm đi qua eo biển Đài Loan, bất chấp những tiến bộ về công nghệ quân sự của Trung Quốc đang đề ra mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết cho các tàu chiến của Hoa Kỳ, Reuters dẫn lời người đứng đầu về các hoạt động hải quân của Hoa Kỳ cho biết hôm 18/1.
Washington từng đưa tàu đi qua tuyến thủy lộ chiến lược này 3 lần vào năm ngoái, trong quá trình thực hiện việc thường xuyên đi qua eo biển ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ chưa từng phái một hàng không mẫu hạm tới đây.
Trong thời gian đó, Trung Quốc đã hiện đại hóa các lực lượng của mình bằng tên lửa được thiết kế để tấn công tàu địch.
“Chúng tôi thực sự không thấy có bất kỳ giới hạn nào đối với bất kỳ loại tàu nào có thể đi qua vùng biển đó”, Reuters dẫn lời Đô đốc John Richardson nói với các phóng viên ở thủ đô Nhật Bản, khi được hỏi liệu vũ khí tiên tiến hơn của Trung Quốc có đề ra rủi ro quá lớn hay không.
“Chúng tôi xem eo biển Đài Loan như những vùng biển quốc tế khác, đó là lý do tại sao chúng tôi lại đi qua đây”.
Hàng không mẫu hạm, thường được trang bị khoảng 80 máy bay và khoảng 5.000 nhân lực, là chìa khóa cho khả năng hoạt động trên toàn cầu của quân đội Hoa Kỳ.
Hôm thứ Ba, một giới chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ ý định của Trung Quốc đối với Đài Loan vì những tiến bộ trong công nghệ quân sự mang lại cho các lực lượng của Bắc Kinh nhiều khả năng hơn để chiếm hòn đảo mà họ luô coi là một tỉnh ly khai.
Trong một báo cáo, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ gọi Đài Loan là “động cơ chính” cho việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Ông Richardson, người đã đến thăm Trung Quốc trước khi tới Nhật Bản, cho biết ông đã nói với các đối tác Trung Quốc rằng Hoa Kỳ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào của Bắc Kinh hoặc Đài Bắc.
Ông cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế trong các cuộc chạm trán ngoài dự kiến trên biển.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi một khu trục hạm của Trung Quốc đã áp sát khu trục hạm của Mỹ USS Decatur hồi tháng 10 và buộc nó phải thay đổi hướng đi khi con tàu dám thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông bằng quyền tự do hoạt động hàng hải (FONOP).
“Chúng ta không nên xem nhau như một sự hiện diện đầy đe dọa trong những vùng biển này”, Reuters dẫn lời ông Richardson nói.
Hải quân Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đi qua khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ của mình.
Hôm 7/1, một khu trục hạm tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc chiếm đóng, khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối mạnh mẽ rằng con tàu đã “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc”.