Phát triển năng lượng tại VN: Ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phụ thuộc vào năng lượng than

HÒA ÁI / RFA –

Phát triển năng lượng tại Việt Nam: Ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phụ thuộc vào năng lượng than

.

\"\"
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, một trong bốn nhà máy điện than của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận. RFA

Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry vừa lên tiếng kêu gọi Việt Nam không cần thiết phải là “tù nhân” lệ thuộc vào năng lương than mà có đủ điều kiện tham gia vào năng lượng sạch.

Đài RFA ghi nhận tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam trong vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phụ thuộc vào năng lượng than hiện nay.

Lệ thuộc vào năng lượng than

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới”, được tổ chức vào sáng ngày 17 tháng 1 năm 2019 ở Hà Nội, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh đến nhu cầu tiêu thụ than của Châu Á-Thái Bình Dương là nhiều nhất trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á tăng cao nhất với mức tăng 5% so với toàn cầu. Đồng thời, ông John Kerry cũng lên tiếng cảnh báo Việt Nam không cần thiết phải là “tù nhân”, lệ thuộc vào năng lượng than.

Trước đó, tại \”Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững\”, diễn ra hôm 09/09/18 Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Ngô Sơn Hải cho biết tốc độ tiêu thụ điện tại Việt Nam gia tăng bình quân khoảng hơn 12%/năm từ 2003 đến 2018 và dự kiến tốc độ này sẽ tăng trưởng ở mức cao, gần 300 tỷ kWh vào năm 2020 và gần 650 tỷ kWh vào năm 2030. Ông Ngô Sơn Hải cho biết thêm với tốc độ tăng trưởng như thế thì tình trạng thiếu điện ở Việt Nam, cụ thể là khu vực phía Nam có thể tăng cao và kéo dài đến năm 2030.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN nói rằng để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về điện, Việt Nam lên kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện than. Hiện có 7 nhà máy điện than với công suất 7,860 MW đang xây dựng. Dự kiến các nhà máy điện than cung cấp khoảng 18,000 MW đến 26,000 MW sẽ đi vào hoạt động trong vòng 5 năm nữa.

Hồi hạ tuần tháng 7 năm 2017, Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington DC, Hoa Kỳ công bố báo cáo nghiên cứu về việc phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực tiểu vùng Mekong, trích nguồn từ Chính phủ Việt Nam đưa ra số liệu đến năm 2030, điện than tại Việt Nam sẽ chiếm 42,7% và đang có kế hoạch phát triển thêm 41 nhà máy nhiệt điện than đến năm 2030.

Vào cuối tháng 11 năm 2018, Ngân hàng Thế giới-World Bank tại Việt Nam thông báo Việt Nam cần số tiền rất lớn, lên đến 150 tỷ đô la Mỹ (USD) để đầu tư sản xuất năng lượng và các nhà máy điện chạy bằng than vẫn sẽ được xây dựng, mặc dù gây ô nhiễm nhưng có giá thành rẻ.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường, Đầu tư và Khu công nghiệp, thuộc Đại học Xây Dựng, lên tiếng với RFA về các quy định đối với việc vận hành của nhà máy điện than tại Việt Nam:

“Nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu truyền thống là than. Đây là loại nguyên liệu tương đối rẻ tiền và sẵn có của Việt Nam. Việc đốt than gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh là đương nhiên do việc đốt than sinh ra bụi, SO2, NOX, CO2… Về khí thải có qui định mức tối đa cho phép đối với bụi, SO2, NOX, CO. Đây là 4 yếu tố quan trọng nhất gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời cũng qui định nước thải không được vượt quá nhiệt độ thải ra môi trường gây hại cho các hệ sinh thái. Đối với chất thải rắn cũng có qui định phải xử lý triệt để.”

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho rằng “Nếu thực hiện đúng qui chuẩn kỹ thuật môi trường thì tôi chắc cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng.Nếu thực thi đúng những qui định về quản lý và kỷ thuật thì bảo vệ môi trường được thôi.” Tuy nhiên, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh về tình trạng thực tế của các nhà máy điện than:

“Cơ bản việc thực thi pháp luật ở Việt Nam còn yếu kém, cơ quan quản lý môi trường yếu kém về năng lực cũng như chưa làm tròn trách nhiệm nên trong thực tế nhiều nhà máy gây ra ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như suy thoái môi trường chung quanh nhà máy điện.”

Hậu quả song hành

\"\"
Nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam, đặt tại tỉnh Bạc Liêu. Hình chụp ngày 02/05/14. AFP

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình cho biết Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, gây tác động làm chậm quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng, và song song đó việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, là tác nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, cũng tại Hội thảo, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry khẳng định rằng nhu cầu sử dụng than của Việt Nam tăng 75% là không được, đồng thời lên tiếng cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam là nghiêm trọng kể từ năm 2008. Ông John Kerry so sánh có thời điểm mức độ ô nhiễm tại Hà Nội cao hơn Bắc Kinh, Trung Quốc và New Deli, Ấn Độ và đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ các loại bệnh về hô hấp, gây tử vong cao.

Theo Số liệu của Tổ chức phi chính phủ GreenID đưa ra tại Hội thảo “Chất lượng không khí ở Hà Nội – Tình trạng và các biện pháp khoa học và công nghệ” tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng 6 năm 2017 cho thấy lượng bụi PM2.5 của Hà Nội được xác định cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong một báo cáo của Tổ chức GreenID được phổ biến vào đầu năm 2018, còn cho thấy năm 2017, người dân Hà Nội chỉ có 38 ngày được hít thở không khí trong lành và có đến 91% số ngày trong năm ở Hà Nội mà không khí ô nhiễm vượt mức cho phép, dựa theo số liệu do trạm quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ghi nhận và quan sát liên tục từ năm 2016.

GreenID xác định nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các nhà máy nhiệt điện than, khí thải giao thông, thải công nghiệp, đun nấu gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới gây nên. Hồi năm 2015, GreenID đưa ra số liệu hàng năm khoảng 4.300 người Việt Nam chết yểu vì những chứng bệnh liên quan đến nhiệt điện than. GreenID còn cảnh báo con số này có thể tăng thành 25.000 khi tất cả các dự án nhiệt điện than theo qui hoạch đi vào hoạt động.

Một Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than công bố vào năm 2015, cũng đã ước tính số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca vào năm 2011 lên 15.700 ca vào năm 2030. Nhóm này cũng tính toán nếu cả thảy 41 nhà máy nhiệt điện mà Việt Nam dự tính đều được hoàn tất vào năm 2030 thì số người tử vong sớm có thể tăng lên đến 25.000 người mỗi năm, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm sức khoẻ của người dân.

Chuyên gia môi trường Nguyễn Văn Khải từng khẳng định với RFA về tác hại của bụi xỉ than lên sức khỏe con người:

“Quanh đi quẩn lại tất cả các chất độc sẽ làm hại đất, nhưng dễ nhất là nó làm người ta thở không được, làm viêm phổi,viêm hoặc ung thư vòm họng. Bụi than xỉ than làm người ta không thể mở cửa nhà, cửa sổ.”

Đài RFA ghi nhận trong những năm gần đây, cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận gây ra ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của dân chúng, dẫn đến đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình bạo động yêu cầu đóng cửa các nhà máy điện than ở đây.

Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong những năm tới, mặc dù Chính phủ Hà Nội nỗ lực thúc đẩy việc phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện sóng…nhưng vẫn phải tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng than với tuyên bố của Bộ Công Thương rằng Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp tốt để khắc phục được vấn đề ô nhiễm của điện than. Thế nhưng, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Trình, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững khẳng định chi phí xử lý môi trường cho loại năng lượng than là rất tốn kém. Tiến sĩ Lê Trình phân tích:

“Để xử lý môi trường phải sử dụng các hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi tay áo và các hệ thống xử lý SO2, NO2…là rất tốn tiền. Ngoài ra là vấn đề đổ thải của nhà máy nhiệt điện than. Một năm, một nhà máy nhiệt điện chạy than 600 MW, người ta phải dùng đến hơn một triệu tấn than, trong đó 70% là đốt hết, còn 30% là chất xỉ. Chất xỉ này phải đổ mà đổ thì gây ô nhiễm môi trường, mà không có chỗ nào để đổ nữa. Muốn đổ phải đưa ra ngoài biển, ngoài khơi thì tốn kém.”

Tại Hội thảo diễn ra trong ngày 17 tháng 1 ở Hà Nội, Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh rằng thế giới đang đối diện với hệ quả của nhiệt điện than là tác động phát thải hiệu ứng nhà kính, kể cả áp dụng công nghệ mới thì vẫn là công nghệ bẩn nhất, phát thải lớn nhất. Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, ông John Kerry kêu gọi Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào năng lượng than và tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch vì Việt Nam có điều kiện thuận lợi. Ông John Kerry nói rằng đây mới là giải pháp để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7, hồi tháng 6 năm 2018 tại Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam có kế hoạch tăng gấp 3 lần năng lượng điện sản xuất từ các nguồn tái tạo đến năm 2030 và có thể sử dụng khoảng 20 triệu tấn dự trữ đất hiếm, mà ông nói là lớn nhất thế giới, trong việc xây dựng công nghệ năng lượng mới.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia môi trường mà Đài Á Châu Tự Do có dịp trao đổi cho rằng Việt Nam đang bế tắc trong chiến lược năng lượng và để đạt được mục tiêu năng lượng xanh thì con đường đó còn rất dài đối với Việt Nam.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment