Chuly sưu tầm
Hồn xuân trong cánh mai vàng….
Hồn xuân trong đóa mai vàng
Phải chăng hương sắc ẩn tàng đâu đây
Mai, Đào là hương sắc mùa xuân, ở miền Nam mà vắng bóng mai, dường như xuân chưa đến. Mùa xuân và hoa mai như hình với bóng, chừng như có duyên kiếp từ thuở nào.
Những ngày cuối Đông, khi khí trời dịu dịu, ấm ấm, trước Tết chừng vài chục ngày, những chiếc lá mai như sẫm lại, vàng nâu nâu, như còn cố bám lấy cành khẳng khiu chưa chịu tiễn biệt mùa Đông. Mai là sắc màu của mùa xuân, nếu cứ để tự nhiên thì mai sẽ theo mùa mà nở, rộ nhất là giữa tháng Giêng và kết thúc vào cuối tháng Hai. Thời gian nở khá dài, vì thế mới gọi là mai xuân. Con người vốn dĩ nhiều ham muốn, họ thích giàu sang đã đành, họ còn muốn làm chủ thiên nhiên và cả những loài hoa. Vì vậy, người ta tướt lá mai, buộc mai nở đúng vào Tết nguyên đán nhưng không vì thế mà mai đỏng đảnh.
Vào những buổi bình minh, khi mai rộ nở sương mai còn đọng trên đọt cây tán lá, ra vườn, hương mai tỏa lan thật rộng, thật xa, nhè nhẹ ngây ngây. Hương mai phảng phất mùi cây trái miền quê. Hương không ngát mà lan xa, len vào tà áo, mái tóc khiến người yêu mai không thể làm ngơ. Người ta ngước đầu, hênh hếch cách mũi, phập phồng lồng ngực như cố tận hưởng thứ hương âm ấm, nồng nồng. Hương thì tràn mà không say khiến con người ngây ngây mà không thỏa, tuy nhiên hương mai dường như làm lòng người say đắm, dịu dàng đến nghiện. Lẽ đời là vậy. Nắng lên, một thoảng gió, những cánh mai mỏng dính run rẩy, e thẹn. Rực rỡ đến ngơ ngác. Thi nhân bảo Hoa mai gọi nắng, nắng say mai! Sắc mai sáng, treo veo, tưởng chừng người ta có thể nhìn thấy cả lưng trời ở phía bên kia. Toàn một màu vàng đến chói chang. Những cành, lá nâu hồng giờ đây chỉ còn loáng thoáng để nâng đỡ, điểm xuyết nâng thêm vẻ yểu điệu thục nữ của mai – Nàng tiên áo vàng đó! Với sắc áo màu lụa, màu cam, màu bạch lạp quý phái mà hấp dẫn với ngàn cánh hoa sao chập chờn. Sắc màu của hy vọng.
Nắng mai gọi sắc, cánh mai vui
Một sắc vàng trong, đất cũng tươi
Hy vọng từ xa như chợt đến
Trông hoa mà ngỡ sắc xuân cười.
Hoa mai không dành riêng cho ai, mỗi người một phong cách chơi: mai châu, mai bình, mai vườn, mai cành… cùng với họ hàng mai đến mấy chục loại: Mai giảo, ngũ đài, cúc mai, hồng mai, thanh mai, bạch mai, hoàng tỷ… mỗi loài một vẻ – Mai quyến rủ bướm ong, con người và cả bậc chân tu.
Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước, một cành mai.
(Mãn Giác Thiền sư)
Chỉ một cành thôi là đủ xuân rồi, nếu nói Mai là hồn xuân quả là không ngoa. Hoa mai đã đi vào đời sống của con người gần gũi không chút kiêu sa, mai còn là nguồn cảm hứng thi ca. Tôi dám đoan chắc với bạn rằng – Bất cứ một tác giả, một nhà thơ nào, dù đã có, hay chưa có chỗ đứng trên văn đàn, họ đều có ít nhất là một bài hoa mai. Từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du cho đến những nhà thơ mới đều có nhiều cảm xúc về mai. Phải chăng hoa mai là hồn xuân là thi tứ.
Nhiều nhà Nho ngày xưa, sống thanh bạch, cứ mỗi độ xuân về, họ chỉ cần một bầu rượu, một nhánh mai là đủ phong lưu!
Lại nữa, các cô thiếu nữ thường được cha mẹ đặt cho mình những tên: Hồng Mai, Xuân Mai, Hoàng Mai… có lẽ đó là những ước vọng, mong con mình đẹp đẽ, sáng trong như đóa mai.
Ngày xưa, Lâm Pha (Bắc Tống) yêu hoa mai đến quên chuyện vợ con. Vương Điện một họa sĩ tài hoa, suốt đời chỉ vẽ hoa mai.
Lâm Pha suốt cuộc quên hương lửa
Vương Điện tranh toàn chọn sắc mai.
Ở Bình Định, cụ Đào Tấn, một vị quan to, nhà khoa bảng, một nghệ sĩ đã thể hiện lòng yêu mai bằng cách lấy hiệu “Mộng Mai” mãi đến khi gần về với tổ tiên, lời trối trăn là được gởi thân xác mình nơi núi Huỳnh Mai. Yêu mai đến thế là cùng!
Mai không chỉ đẹp mà còn có hồn nữa. Mai đẹp không ở nụ và cành. Cành thì khẳng khiu mà hoa lại mượt mà dẫy đầy sức sống. Cái tương phản ấy càng tăng thêm vẻ quý phái, thanh bạch. Càng đẹp và kỳ lạ hơn khi một nụ mai múp míp bỗng xuất hiện từ trong gốc lão mai cằn cỗi. Một sức sống đang lên, một niềm tin, một niềm hy vọng. Một biểu trưng của người hiếm muộn sinh con hay là lộc trời cho trong năm mới.
Người miền Nam yêu mai vàng: Mai trên đồi, mai trên núi, mai trong rừng, mai ngoài vườn, mai trong nhà và cả trên bàn thờ tổ tiên. Xuân về là thấy hồn mai thấp thoáng, rồi dâng trần la tỏa đến mọi người. Đó là hồn xuân, là đệ nhất chi mai vậy.
Nguyễn Phúc Liêm.