Chuly sưu tầm
Tết nhớ Tết
Có lẽ một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày nóng lạnh thất thường, bạn chỉ có một mùa với vài ngày khí trời êm dịu.
Sáng mở mắt ra, tự dưng thấy lòng phấn khởi. Phát hiện một điều rằng, thật ra là mùa xuân đã đến tự hồi tối, khi mặt trời qua bến bờ của trời Tây, trả lại nơi đây một bầu trời đêm, ấp ủ những chồi xuân bừng thức dậy.
Giọt sương đầu mùa đọng trên cánh lá sáng nay, trong veo và tròn như một viên bi thuở bé. Ta chợt thấy ùa về những tháng năm xa lắc nào, như mới hôm qua, thân quen, thân thương quá đỗi. Có thể là mười năm, hai mươi năm… Thời gian đi qua hàng ngày hàng giờ không quay về, chợt làm ta cảm thấy xốn xang, nhớ… nhớ.
Ta có thể lớn thêm, chồng lên cao thêm về tuổi, về đời và về những khuôn hình ép trong tim ngày càng nhiều và chúng không bao giờ tràn ra khi quá đầy, quá cao, quá lớn. Hôm nào thức giấc chợt hỏi, mình đã bao tuổi rồi?
Có đứa trẻ hỏi: ông nội của ông nội là ai? Ông nội nhớ không? Ông già chợt hóa trẻ con, nhớ ơi là nhớ ông nội mình chắc giờ gần hai trăm tuổi, ngày nào chống gậy, áo dài khăn đóng, ngồi trước bàn nghi, cho tiền lì xì tụi nhỏ. Giờ tụi nhỏ thành ông già, chợt nhớ xưa, nghe lòng trẻ con, thơ dại…
Đứa bé không ngờ câu hỏi của mình khiến ông nội trẻ hơn gần mấy chục năm ròng nắng mưa phai đi ít nhiều tuổi trẻ. Tết đến, trống lân, cây nêu, đòn bánh tét làm sống lại mấy mươi năm xa lơ la lắc tưởng chừng như nguội tắt trong ông. Hôm nay, mở tung cánh cửa, thấy mai ra nụ, lá đọng đầy sương, ông già bước ra nâng từng chiếc lá, nhớ ngày nào cây chỉ mới đâm chồi hồi xuân năm nẵm. Nhưng năm nay nó lại ra hoa, cho nhà thêm vàng sắc xuân, mấy đứa cháu chạy quanh nghe vui thêm ngày Tết.
Rồi những con chim sẻ như cũng sắm cho mình bộ áo mới, tung tăng hót mừng. Bầy ong vui như ngày hội đi tìm mật ở những đóa hoa. Người người, xe xe chạy khắp đường. Tết mang đến cho mình những phút giây nghỉ ngơi; Tết mang đến cho mình những giờ vui vẻ, ấm áp bên bạn bè người thân; Tết mang đến cho mình những phút giây hóa thành trẻ con. Tết kỳ diệu, Tết cho ta liều thuốc hóa về với mấy mươi năm trước, cũng trẻ con, cũng hồn nhiên và sống động…
Như những giọt sương sáng nay, ta lật tờ lịch mới, ngày sẽ qua, xuân cũng sẽ qua, Tết sẽ lùi xa… Rồi ba trăm sáu mươi lăm tờ lịch nữa, những công việc, tiền tài, mơ ước phía trước đang chờ và sẽ đến… Rồi một năm sau Tết lại về…
Mình thấy rồi, đâu đó, ở một cái Tết nào đó, mình lại thấy được hôm nay qua những giọt sương đầu mùa đọng lại trong veo trên tán lá. Tết. Tết diệu kỳ đến ngất ngây…
Lê Quang Trạng
————————————
Hương Xuân
Hương xuân, đó là mùi thơm của nén nhang trầm lan tỏa nghi ngút trên bàn thờ gia tiên. Đó là mùi thơm của bánh tét chiên vàng rụm, trong bếp mà mẹ thường chiên vào sáng mồng một Tết, để ăn kèm với bao món ăn khác.
Hương xuân đó còn là mùi thơm còn vương lại trên tóc chị gái, mùi của các loại cây lá tắm rửa vào chiều ba mươi Tết.
Đất trời chào đón mùa xuân bằng cơn mưa phùn lất phất. Năm nay, không khí lạnh kéo dài. Cái lạnh tê tái, dai dẳng trên khắp mọi miền quê. Nhưng không vì thế mà dòng người bớt qua lại. Sáng đầu năm, dường như có biết bao việc mà người ta phải làm. Đó là đi tảo mộ, đi chúc Tết ông bà, hay đi chùa để thắp hương cầu nguyện, xin lộc đầu năm mới.
Nhưng điều tuyệt vời nhất có lẽ là được quây quần, đoàn tụ bên mâm cơm gia đình.
Sáng mồng một Tết, mẹ tôi dậy thật sớm để nhóm bếp. Và năm nào cũng vậy, mẹ là người “động bếp” đầu tiên trong gia đình. Những món ăn đậm chất cổ truyền, mang hương vị của tình yêu thương được mẹ chế biến khéo léo. Đôi mắt mẹ lấp lánh niềm hạnh phúc, khi con cháu sum họp đông đủ bên mâm cơm ngày Tết.
Chúng tôi tận hưởng những giây phút hạnh phúc, vui vẻ bên chiếc bàn trong phòng khách với đầy đủ món ăn mẹ nấu. Còn những đứa cháu nhỏ, mắt đen láy đang hí hoáy, vui sướng khi nhận tiền lì xì của mẹ. Nhìn những phong bao lì xì tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình, đã có một thời tôi thích thú, hồi hộp những điều bình dị như thế.
Trong cơn mưa phùn lất phất, cây mai trước nhà đã bung nở những bông hoa cuối cùng. Nhìn xa, trông nó đẹp lộng lẫy như vừa khoác chiếc áo mới. Năm nào cũng thế, cây mai nhà tôi đều nở trúng dịp Tết, rồi những chậu quất căng mọng nước đong đưa trong gió, và từng chậu cúc vàng điệu đà làm duyên. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp trong khu vườn nhỏ. Hương của các loài hoa đua nhau tỏa thơm ngát, hòa vào hương vị của ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Trên nẻo đường làng quen thuộc, tôi đã nghe tiếng cười nói của mấy đứa trẻ trong xóm, chúng xúng xính bộ quần áo mới để chơi xuân. Có lẽ, Tết đến lũ trẻ con là vui sướng nhất. Bởi Tết, chúng được nghỉ học dài ngày, khỏi phải học bài, hay lo lắng chuyện sách vở. Và những chiếc quần cũ rích, mặc trên mắt cá chân được thay bằng những bộ váy áo đẹp. Những chiếc bóng bay đủ màu sắc, in hình mười hai con giáp được bày bán ở ngã ba, ngã tư đường thu hút nhiều đứa trẻ.
Hương tết đó là sự hòa quyện của mùi khói bếp, mùi lửa củi, hay mùi rất riêng của cơn mưa phùn đầu năm khi rải đều xuống khu vườn nhà tôi, trên mái ngói rêu phong. Đó còn là mùi thơm của những loại trái cây chín trên bàn thờ gia tiên. Và mùi của ngọn gió Tết thổi từ cánh đồng trũng nước, phía trước nhà, với cánh cò trắng thỉnh thoảng vụt cánh bay.
Những ngày Tết mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Mẹ tôi được nghỉ ngơi, xem những chương trình mà mẹ thích, thay vì cứ lầm lũi ngoài ruộng như ngày thường. Mẹ đi chúc Tết những gia đình trong xóm, rồi tham gia các trò chơi dân gian trong đó có hát bài chòi – món ăn tinh thần đầu năm mà mẹ rất thích.
… Hương tết bao trùm trên đám đậu xanh mướt sau nhà. Những đám đậu ra Giêng chờ bàn tay người thu hoạch. Những ngày Tết sẽ dần qua nhanh, rồi mẹ tôi lại vất vả, “đầu tắt mặt tối” lo toan những chuyện đồng áng, vụ mùa cho một năm mới. Còn chúng tôi sẽ rời quê nhà để lên phố mưu sinh, để đếm ngày dài qua những tờ lịch nhỏ, mong chờ một mùa xuân mới trở về với gia đình, để quây quần bên mâm cơm với mẹ, nghe những lời dịu dàng của mẹ dặn dò, chỉ bảo. Vì với mẹ, lúc nào chúng tôi cũng còn là những đứa trẻ…
Thân Thị Thanh Trâm
(Quảng Nam)
—————————————————————
Xuân từ bàn tay mẹ
Khi tôi còn nhỏ, ai đến nhà tôi chúc Tết cũng trầm trồ, khen ngợi khu vườn xanh mướt như ngọc và say sưa ngắm nhìn những bông hoa rạng rỡ nở căng tròn dưới nắng vàng mùa xuân.
Có người khi ra về còn bảo: “ Đến nhà này chơi, xuân lại càng thêm xuân”. Họ nói thế cũng phải, bởi ở trong chính ngôi nhà mình, tôi còn cảm thấy hết sức phấn chấn, hứng khởi, choáng ngợp với chiếc áo mới tinh khôi của cỏ cây, hoa lá, đất trời. Nhưng mấy ai biết rằng, tất cả sức sống kỳ diệu quanh ngôi nhà tôi đều nhờ bàn tay tảo tần của mẹ ươm trồng, vun đắp.
Để chuẩn bị cho một mùa xuân tràn đầy thanh sắc, hương thơm, mẹ đã phải lựa chọn loài hoa một cách kỹ càng và chăm bón chúng rất cầu kỳ. Không phải hoa nào cũng nở đúng dịp xuân sang. Hoặc nếu không biết cách gọt tỉa, tưới đúng lúc hoa sẽ nở nhanh trong chốc lát, cánh sớm tàn. Ví như hoa đào, loài hoa tượng trưng cho sắc đẹp mùa xuân. Nhìn thế thôi mà chăm cây chẳng dễ.
Để năm nào đào cũng ra nhiều hoa và nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán cổ truyền thì hết tháng Giêng năm trước mẹ đã phải đánh gốc cây chuyển đến khoảng đất khô, có ánh nắng. Thường thì vào trung tuần tháng 11 âm lịch, mẹ sẽ tuốt lá đào để đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Những người yêu hoa, chăm chút hoa như mẹ hiểu rõ, thời điểm đào nở hoa còn phụ thuộc vào thời tiết từng năm. Năm nào thời tiết rét thì tuốt lá sớm hơn vài ngày và ngược lại. Và không chỉ có thế, chế độ tưới tắm và nhiệt độ thích hợp rất cần thiết khi chơi đào.
Mẹ chọn hoa sống đời là điểm nhấn của cả khu vườn. Hoa sống đời nở rực rỡ, chói lọi từ đầu cổng vào sân thành một dãy dài. Đây là loài hoa dễ trồng, dễ chăm mà lại bền màu, có thể chơi hết được cả mấy tháng mùa xuân. Giờ ngoài thị trường, hoa sống đời có nhiều màu sắc nhưng mẹ tôi chỉ trồng hoa sống đời đỏ. Tôi thích loài hoa nhỏ nhắn này bởi màu sắc tươi đều và sức sống mãnh liệt của nó.
Mẹ nói với tôi, hoa sống đời mang đến điều tốt đẹp cho người ta yêu thương, nó thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và tình đoàn kết của các thành viên trong gia đình. Có lẽ thế, nên mẹ đã trồng hoa sống đời ở bất kỳ chỗ nào có thể quanh ngôi nhà thân thương của mình.
Những ngày cánh bấc se sắt, mưa rả rích cả đêm làm mẹ không ngủ được vì lo cho khóm cúc trước nhà. Mẹ yêu cây cối, hoa lá bằng tất cả tấm lòng hiền hậu của mình. Đất vườn không bằng phẳng, có chỗ nhô lên, có chỗ trũng xuống, mẹ sợ mưa dai dẳng gây ngập lụt úng cây. Sớm tinh mơ hôm sau mẹ đã thức giấc từ bao giờ.
Khi tôi mở mắt đã thấy mẹ đội nón mê lúi húi ngoài vườn, bàn tay gầy guộc đang nâng niu, buộc lại từng cây hoa mong manh. Mẹ xới đất từ chỗ cao, bê đổ vào chỗ trũng và múc vợi vũng nước đang làm lõm cả một khoảng vườn. Cứ thế mẹ tỉ mỉ, cần mẫn dưới những hạt mưa lách tách rơi xuống từ chòm lá trên cao. Chẳng bao lâu, khu vườn gọn gàng, những nhành cây cứng cáp trở lại. Cây lá ung dung, chỉ đợi mặt trời nhô lên là sức sống sẽ căng đầy.
Tuân theo quy luật tự nhiên, đất mẹ lành nên những đàn chim thi nhau về làm tổ. Sáng mùa xuân sân nhà tôi rạo rực bởi tiếng chim lảnh lót. Chim đậu mái nhà, chim sà vào ô cửa sổ, từng đôi rượt đuổi nhau như có điều gì vui lắm. Bướm nâu, bướm trắng, bướm hoa… dập dờn tung cánh khoe thỏa thuê, say hút nhụy vàng. Nhìn tôi mê mẩn ngắm nhìn khu vườn mùa xuân bừng sắc, mẹ hài lòng với mùa xuân ngọt lành mà bao ngày mẹ đã vun đắp tặng tôi.
Những ngày giáp Tết, mẹ bận bịu tíu tít hơn thường ngày. Bao nhiêu gánh nặng trĩu trên vai của người làm nhiệm vụ xây tổ ấm. Mẹ tất bật với những phiên chợ xa phiên chợ gần, vừa để bán rau quả nhà, vừa để mua sắm dần nguyên liệu phục vụ mấy ngày Tết.
Là dâu trưởng trong gia đình, mẹ phải chuẩn bị quà Tết cho các cụ, các ông bà bên nội, bên ngoại chu đáo. Quê tôi coi trọng hiếu nghĩa. Đây là dịp để thể hiện tấm lòng chân thành của mình đến các bậc tiền bối. Dù nhà tôi không phải gia đình có điều kiện, mẹ vẫn mua sắm đủ quà cần thiết.
Có bận đến mấy, chẳng bao giờ mẹ quên chuẩn bị bộ quần áo mới cho tôi. Làng tôi quan niệm Tết là phải có quần áo mới, vừa để diện đẹp đi chơi, vừa để năm mới sạch sẽ, nhiều niềm vui và may mắn. Dù mỗi dịp Tết tôi chỉ được duy nhất một bộ quần áo thôi, nhưng đó là giấc mơ cả năm tôi chờ đợi. Mẹ không để tôi thất vọng. Bộ quần áo mới được giặt thơm tho, treo sẵn trong tủ để sáng mồng một Tết tôi mở mặt ra đã có sự khởi đầu đầy ngạc nhiên, thích thú.
Mẹ tôi đảm đang là thế. Và còn rất rất nhiều điều mẹ làm tôi chưa kể hết ra. Không biết mẹ phải mất bao nhiêu phần tuổi để vun đắp lên những mùa xuân tươi đẹp, tròn trịa ấy cho tôi…
Tản văn của Trần Ngọc Mỹ