Bị tố cáo là “hiểm họa”, TQ gay gắt đả kích Thụy Điển
.
(Mai Vân / RFI) – Như thông lệ từ nhiều tháng nay, mỗi lần gặp chuyện không vừa ý từ Thụy Điển, là Bắc Kinh lại lớn tiếng công kích những ai có liên quan. Đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm hôm thứ Sáu 18/01/2019 vừa qua đã cực lực phản đối các lời báo động trong dư luận Thụy Điển về các “mối đe dọa” về an ninh mà cường quốc châu Á có thể đặt ra cho nước Bắc Âu nổi tiếng là hiền hòa này.
Trong một bản thông cáo chính thức, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển cho biết đã ghi nhận được là trong thời gian gần đây “một số chính khách cao cấp và truyền thông” Thụy Điển đã cho rằng Trung Quốc là một “mối đe dọa về an ninh” \” và đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài là “đáng lo ngại”.
Đối với người phát ngôn sứ quán Trung Quốc, đó là những tuyên bố “vô căn cứ”, được “cố tình ngụy tạo và thổi phồng”, và “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Bản thông cáo cũng nhắc lại rằng một vài người đã cáo buộc Trung Quốc về tội ‘kiểm soát’ mạng lưới và cơ sở hạ tầng viễn thông, nhưng chưa hề đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào. Theo phía Trung Quốc, đó là những suy đoán đầy “ác ý” và “hoàn toàn phi lý”.
Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 19/01, có hai sự kiện trong những tuần lễ đầu năm 2019 đã khiến cho Bắc Kinh phản ứng tức tối.
Trước hết đó là lời cảnh báo từ giới chuyên gia quốc phòng Thụy Điển, theo đó một trạm vệ tinh do Trung Quốc điều hành tại miền bắc quốc gia này có thể phục vụ cho quân đội Trung Quốc. Bên cạnh đó là quyết định xem xét khả năng cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tham gia xây dựng mạng lưới di động 5G tại Thụy Điển.
Tính lưỡng dụng – dân sự và quân sự – của trạm vệ tinh Kiruna
Nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng trạm vệ tinh dân sự ở Thụy Điển mà họ được giao quyền điều hành vào mục tiêu quân sự, đã được Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Phòng FOI trực thuộc bộ QuốcPhòng Thụy Điển nêu bật trong tuần qua, xem đấy là một mối đe dọa an ninh.
Cơ sở có liên quan là trạm vệ tinh mặt đất ở Kiruna, miền cực bắc Thụy Điển mà Trung Quốc đã xây dựng năm 2016 để dùng vào mục tiêu dân sự. Tuy nhiên, trả lời đài truyền hình SVT hôm Chủ Nhật, 13/01/2019 vừa qua, một trong những chuyên gia của Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Phòng Thụy Điển đã báo động rằng hợp tác trên danh nghĩa là dân sự đó rốt cuộc sẽ bị quân đội Trung Quốc kiểm soát.
Theo báo South China Morning Post số ra ngày 14/01, thì giới nghiên cứu thuộc cơ quan FOI cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng trạm vệ tinh – theo dõi vùng Bắc Cực – để bổ sung thông tin tình báo cho quân đội của họ, thậm chí hỗ trợ cho việc giám sát khu vực bằng vệ tinh nếu vệ tinh quân sự Trung Quốc không còn khả năng hoạt động trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Theo ông John Rydqvist, một nhà nghiên cứu của FOI, do việc Trung Quốc mập mờ về ranh giới giữa quân sự và dân sự, cần phải cẩn trọng trong việc hợp tác giữa cơ quan không gian Nhà nước Thụy Điển SSC với trạm vệ tinh Trung Quốc, vì thông tin thu thập được có một vai trò quân sự và chính quyền Thụy Điển phải quan tâm.
Đối với chuyên gia này, về phương diện tổ chức, hầu như tuyệt đại bộ phận chương trình không gian Trung Quốc mang tính chất quân sự.
Tram vệ tinh tại Thụy Điển đóng một vai trò trong chương trình vệ tinh Cao Phân (Gaofen) của Trung Quốc – một mạng lưới vệ tinh quan sát cung cấp cho Trung Quốc khả năng giám sát toàn cầu.
Theo website của chính phủ Trung Quốc, trạm vệ tinh ở Kiruna đã mất đến hai năm để hoàn tất, và là “trạm vệ tinh mặt đất đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài”.
Trạm vệ tinh nằm dưới quyền quản lý của một viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc, một định chế về danh nghĩa không có liên hệ với quân đội.
Cơ quan không gian Thụy Điển SSC, định chế đã ký thỏa thuận về trạm vệ tinh đã tìm cách trấn an, bác bỏ lời cảnh báo của FOI, khẳng định với đài SVT rằng là hợp tác với Trung Quốc mang tính chất thuần túy dân sự.
Tuy nhiên các chuyên gia vẫn cảnh giác, ông Rydqvist cho rằng cơ quan SSC nên giám sát trạm vệ tinh Trung Quốc một cách chặt chẽ hơn, và “nếu có bất kỳ mối nghi ngờ nào về nguy cơ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự…thì không được làm”, vì điều đó có thể trở thành một vấn đề cho Thụy Điển trong khâu quan trọng hơn nhiều là hợp tác an ninh với phần còn lại của châu Âu và Hoa Kỳ.
Tẩy chay Hoa Vi
Giống như nhiều quốc gia khác, Thụy Điển cũng đang đánh giá lại rủi ro tiềm tàng về mặt an ninh quốc gia đến từ quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Chính phủ Thụy Điển cùng với nhiều nước châu Âu khác – trong đó có láng giềng Na Uy – đang xem xét liệu rằng có nên cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tham gia dự án công nghệ 5G hay không.
Vào tuần trước, Thụy Điển cùng Na Uy thông báo bắt đầu điều tra xem có thể sử dụng công nghệ học của Hoa Vi để xây dựng hệ thống 5G ở các nước Bắc Âu hay không.
Viking Bohman, một nhà phân tích ở Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Thụy Điển ghi nhận: “Thụy Điển đang mở mắt về thách thức của Trung Quốc”. Theo ông đây là trào lưu quốc tế đáp trả Trung Quốc trên nhiều chiến tuyến.
“Khi các quốc gia châu Âu giới hạn thị trường của họ đối với Hoa Vi, thì Thụy Điển cũng tự hỏi có nên làm như vậy hay không”.
Truyền thông Thụy Điển mới đây tiết lộ là một số công ty bán dẫn tiên tiến của Thụy Điển đã được bán lại cho các tập đoàn Trung Quốc, trong đó các các công ty chuyên về công nghệ lưỡng dụng, có khả năng ứng dụng về quân sự.
Ông Bohman kết luận: “Những lời nói được lập đi lập lại ở Thụy Điển cho thấy là chúng ta đã quá ngây thơ”.
Truyền thông Trung Quốc tố cáo tâm lý bài Trung Quốc
Những cáo buộc từ phía Thụy Điển dĩ nhiên đã bị các phương tiện truyền thông Trung Quốc đả kích, cho rằng những lo ngại về trạm vệ tinh Kiruna phản ánh tâm lý chống Trung Quốc nổi lên sau vụ Hoa Vi.
Theo South China Morning Post số ra ngày 19/01, Dương Miễn (Yang Mian), một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thông Tin Trung Quốc ở Bắc Kinh đã nhận định trên trang web thông tin Quan Sát (Guancha.cn) rằng các cáo buộc trên gắn liền với học thuyết về “mối đe dọa Trung Quốc”.
Theo vị giáo sư này thì “các nước phương Tây hiện đang lo ngại về sự phát triển của Trung Quốc” được thấy qua sự kiện Hoa Vi đã trở thành “nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới với công nghệ tiên tiến”.
Nguồn: RFI