HRW: Nhân quyền Việt Nam \’xuống cấp nghiêm trọng\’
- 19 tháng 1 2019
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố báo cáo 2019 lên án Việt Nam \’gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống lên quyền dân sự và chính trị cơ bản\’.
Trong bản Phúc trình Toàn cầu 2019 được công bố ngày 17/01/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho hay tình hình nhân quyền tại Việt Nam \’xuống cấp nghiêm trọng\’.
Theo đó, HRW nhận định chính phủ Việt Nam \”xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản\” như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo…
Việt Nam cũng bị cáo buộc bỏ tù nặng hơn những người bất đồng chính kiến, và ban hành luật An ninh mạng hà khắc để bóp nghẹt thêm quyền tự do ngôn luận.
Chính quyền Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị, bản báo cáo cho hay.
Những người \’dám\’ đặt câu hỏi về các dự án, chính sách của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ đất đai và tài nguyên địa phương thì sẽ bị theo dõi, tước quyền đi lại, quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện và bị thẩm vấn.
Trong khi đó, côn đồ dường như hợp tác với công an trong các vụ đàn áp các nhà hoạt động. Cảnh sát thẩm vấn kéo dài người bất đồng chính kiến, giam giữ họ trong nhiều tháng mà không cho gặp gia đình hoặc tư vấn pháp lý. Các tòa án thì được chỉ đạo để ra bản án trong các vụ án chính trị với án tù ngày ngày nặng hơn.
Báo cáo Nhân quyền này cũng đề cập đến việc cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, sau đó Đảng Cộng sản Việt Nam lập tức bầu ông Nguyễn Phú Trọng lên, hợp nhất hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư.
Bản phúc trình điểm lại danh sách 12 nhà bất đồng chính kiến bị Việt Nam bỏ tù năm 2018 với tội danh \”tuyên truyền chống phá nhà nước\”. Ngoài ra, báo cáo đề cập đến các vụ tấn công người bất đồng chính kiến như ném đá và vật liệu nổ tự chế vào nhà hoạt động công đoàn độc lập Nguyễn Thị Minh Hạnh, không cấp hộ chiếu cho luật sư Lê Công Định, tạm giữ tiến sỹ Nguyễn Quang A trong nhiều giờ để ngăn cản ông bay đi Australia…
HRW cũng chỉ trích một số quốc gia đang có hợp tác đầu tư lớn với Việt Nam như Trung Quốc và Mỹ lại phớt lờ các yếu tố nhân quyền.
Chẳng hạn Trung Quốc bị cáo buộc cũng thực hiện những chính sách đàn áp nhân quyền tương tự Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ quân sự song phương với Việt Nam bất chấp các vi phạm về nhân quyền ở nước này. Nhật Bản là nhà tài trợ các khoản vay vốn cho Việt Nam trong suốt một thời kỳ dài, cũng im lặng trước tình hình nhân quyền xuống cấp. Australia ký quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam năm 2018 bất chấp trước đó từng bày tỏ quan ngại về nhân quyền tại đây.
Việt Nam sẽ báo cáo về nhân quyền tại Geneve
Trươc đó, hôm 16/1, văn phòng Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải tại Canada đã phát đi thông cáo báo chí cho hay Việt Nam sẽ báo cáo nhân quyền phổ quát định kỳ tại Geneve.
\”Việc Việt Nam báo cáo về nhân quyền phổ quát định kỳ là cơ hội lớn để Canada bày tỏ mạnh mẽ quan điểm về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam,\” thông cáo cho hay.
\”Kể từ sau báo cáo nhân quyền phổ quát định kỳ năm 2014, đảng Cộng Sản Việt Nam đã thẳng tay đàn áp quyền diễn đạt và những phê bình trên mạng của người dân. Việc thiếu tiến bộ nầy, đòi hỏi Canada hối thúc Việt Nam phải có hành động chứng minh có tiến bộ về nhân quyền trong những phạm vi chính\” như chống tra tấn, hủy bỏ luật An ninh mạng, tự do ngôn luận, thả tự do các nhà hoạt động dân chủ, v.v…
Thông cáo này được công bố nhân sự kiện Việt Nam sắp tới sẽ có Đánh giá định kỳ toàn cầu (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) vào ngày 22/1/2019.
Ông Ngô Thanh Hải là Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ Canada đại diện cho bang Ontario.
\’Nâng cao nhận thức\’
Theo trang VOV của chính phủ Việt Nam, \”kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân…\”
\”Hàng năm, việc rà soát các quy định của pháp luật về quyền con người luôn được bộ ngành thực hiện trên cơ sở đối chiếu với các cam kết quốc tế về quyền con người để qua đó có đề xuất ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật…\”
Tuy nhiên, trang web này nói về hiện tượng \”nhiều người Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về quyền của mình\”.
\”Sự tiến bộ về nhân quyền trong những năm qua là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế là việc phổ cập, tuyền truyền về quyền con người vẫn còn hạn chế. Nhiều người dân thực sự không biết quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm…\”