Philippines : Trưng cầu dân ý về vùng tự trị ở miền nam Hồi Giáo

Philippines : Trưng cầu dân ý về vùng tự trị ở miền nam Hồi Giáo

.

\"\"
Nhiều phụ nữ đi bỏ phiếu tại Cotabato, đảo Mindanao, miền nam Philippines, ngày 21/01/2019 . Noel CELIS / AFP

(Thanh Phương / RFI) – Hôm nay, 21/01/2019, hàng triệu người dân Philippines đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc thành lập một vùng tự trị mới ở miền nam nước này, chiểu theo hiệp định hòa bình mà chính phủ Manila ký với phiến quân Hồi Giáo nhằm chấm dứt nhiều thập niên nổi dậy.

Những người Hồi Giáo ở miền nam Philippines đã đấu tranh vũ trang từ thập niên 1970 để đòi quyền tự trị hoặc độc lập cho miền nam Philippines. Tổng cộng đã có 150 ngàn người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy. Hôm nay, cử tri tại đây sẽ bỏ phiếu về việc thành lập Vùng tự trị Bangsamoro, thay thế cho vùng tự trị hiện nay, đã được thành lập sau một hòa ước mà Manila đã ký với một lực lượng phiến quân khác.

Từ thành phố Cotabato, thông tín viên Marianne Dardard gởi về bài tường trình :

« Trước trường Central Pilot ở thành phố Cotabato được xe tăng của quân đội bảo vệ, cử tri xếp hàng dài mấy trăm mét. Mọi người đang đứng chờ trong yên lặng thì bỗng nổ ra cãi vã bên trong phòng phiếu. Các quân nhân đã chạy đến để giải tán đám đông. Nguyên nhân là một cử tri đã toan gian lận phiếu bằng cách sử dụng các giấy căn cước khác nhau để đi bầu.

Bầu cử tại Philippines thường xảy ra nhiều bạo lực, cho nên cuộc trưng cầu dân ý về việc thiết lập một vùng tự trị Hồi Giáo mới đã được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Thiết quân luật được ban hành trên đảo Mindanao kể từ sau vụ lực lượng thân Nhà nước Hồi Giáo Daech bao vây thành phố Marawi vào năm 2017.

Là một trong những quan sát viên của phía cựu du kích quân, Khalid Mero nói : Chúng tôi phải bảo đảm làm sao có đủ quan sát viên trong mỗi phòng phiếu, cũng như kiểm tra xem các thùng phiếu có thật sự trống trước khi được sử dụng hay không.

Về phần Jehan Usop, một phụ nữ Hồi Giáo, cô đến quan sát bầu cử cho một tổ chức Công Giáo, Hội đồng Mục vụ vì một lá phiếu có trách nhiệm. Cô cho biết : Ban đầu không có đủ người tình nguyện, cho nên tôi đã tự đề nghị tham gia quan sát bầu cử.

Sau cuộc bỏ phiếu, các thùng phiếu sẽ được chở bằng máy bay đến Manila, nơi mà các kết quả sẽ được công bố, để bảo đảm tính minh bạch. »

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment