Cậu Bé Và Hoa Mai.

Chuly sưu tầm

Cậu Bé Và Hoa Mai.

Khi tôi viết những dòng chữ này thì cậu bé vẫn còn ở trong trại. Nghĩa là bạn có thể gặp cậu bé ở một nơi nào đó, vào một lúc nào đó. Buổi sáng chẳng hạn, không chừng bạn sẽ gặp cậu bé đang lang thang trên một đoạn đường vắng và rủ rê cỏ cây cùng chiêm ngưỡng ánh mặt trời mới nhóm. Tôi chỉ đoán thế thôi, vì thường thì buổi sáng tôi không hay dậy sớm. Và buổi chiều, điều này tôi cho là thường hơn, cậu bé đi học tại khối giáo dục phổ thông. Trừ trường hợp cậu bé đã được chuyển giao Galang 2 vì rơi vào diện quá “đát”. Nhưng đến buổi tối thì có Trời mới kiểm soát nổi bước chân của cậu bé. Bạn có thể gặp ở bất cứ nơi nào trên đảo chỉ trong vòng nửa giờ thôi, từ lớp bóng bàn của Hướng đạo đến thư viện trẻ em, đến việc đứng chồm lên cao để học được bảng thông báo của “World Relief,” và cả đến việc ngồi chống tay lên cằm ở “Playground” để làm thơ.

Và bạn cũng có thể bị khủng bố bằng một cách nào đó do sự tò mò của cậu bé. Nói một cách nghiêm trọng hơn, như chúng ta thường nói với nhau, là hoàn toàn chỉ do lòng yêu mến tri thức thôi. Bạn có thể đang quanh quẩn bối rối ở đâu đó để chờ một cô con gái nhỏ đang học ở Thư viện CVC. Và trong khi bạn đang băn khoăn với những lời dịu dàng sắp nói đêm nay, thì cậu bé cũng đang điên đầu không kém với những câu thần chú nào đó và có thể sắp níu áo bạn để hỏi ý kiến. Câu hỏi đó có thể thổi biến đi hết những đám mây hồng mềm mại trong tư tưởng bạn và thay vào đó không chừng là hình ảnh một con voi khổng lồ từ dưới đáy biển lừng lững bước lên bờ cát Galang mà cậu bé đang thắc mắc. Tôi gọi những ý nghĩ của cậu bé là thần chú không chỉ vì nó có sức mạnh kỳ quặc như vậy. Nhưng rồi bạn sẽ biết.

Có một lần, tôi đã bị gây khủng hoảng gần như vậy. Tôi dạy Việt văn tại lớp phổ thông của em. Tôi tin rằng tôi đã không dạy tồi lắm mặc dù hoàn toàn chưa có chút kinh nghiệm nào về khoa sư phạm. Ít nhất thì tôi cũng đã cảm thấy các em viết được một câu chúc trong thiệp Giáng Sinh năm rồi có vẻ hay ho hơn một vài người lớn trong trại. Nếu bạn có vì phép lịch sự mà phê bình tôi là thiên vị, tôi cũng xin nhận lỗi. Nhưng chắc chắn là các em đều đồng ý với tôi, chắc chắn vậy.

Trong một giờ ra chơi, cậu bé đã níu áo tôi lại và hỏi:

– Thưa thầy, cho phép em hỏi một chuyện…

– Được, em cứ hỏi.

Bạn phải biết là tôi chưa từng sợ một câu hỏi nào trong các giờ Việt văn của tôi. Nghĩa là nếu em muốn, tôi có thể nắm tay em và đưa đi dạo khắp thế giới văn chương từ chuyện 2.000 năm trước của Lão Tử cỡi trâu xanh đi vào sa mạc tìm người yêu, cho đến chuyện 500 năm nữa, nhà văn nào của thế giới sẽ còn tên tuổi. Nói chung là tôi chưa từng sợ một câu hỏi nào đại loại như vậy. Đến nỗi chính các em, tôi xin nhắc lại là chính tất cả các em, đã cùng đồng ý với nhau rằng thực sự tôi là nhà phê bình văn học vĩ đại nhất của Việt Nam bấy giờ và có thể là của cả mai sau nữa. Ít nhất thì có một lần tôi đã loáng thoáng được nghe như vậy. Và như bạn cũng thừa biết, tôi có đủ lòng khiêm tốn để từ chối danh hiệu đó hoặc là phần sau của danh hiệu đó. Nhưng tôi đã không bao giờ đính chính thẳng thừng với các em chỉ vì sợ làm buồn lòng những người học trò đáng yêu nhất của tôi. Thế là vào giờ kế tiếp, tôi đã giảng một mách về tính hư vô dòn mỏng của con người và cả của sự nghiệp con người. Tôi đã viện dẫn đến những câu trong Thánh Kinh để chứng tỏ rằng chúng tra chỉ là hạt bụi và còn nhấn mạnh rằng thực sự chỉ là hư không trước ánh sáng chói lòa của Thượng Đế. Sợ là các em chưa đủ tin tưởng vào lòng khiêm tốn của tôi, tôi phải khệ nệ vác thêm kinh Phật ra để nói về Tánh không trong bản chất của chúng sinh. Đến khi cảm thấy các em sắp đi đến chỗ không hiểu, tôi đành phải ngưng lại chỉ vì sợ gây thêm một tin tưởng sai lầm khác là tôi có thể đại diện cho một bộ Bách Khoa Tự Điển chưa xuất bản. Thế đấy, kiến thức tuy cạn cợt, nhưng tuổi trẻ vẫn tưởng mình là đỉnh cao. Và cậu bé đã hỏi:

– Thưa thầy, em muốn biết chữ “Trứng con bò cạp” trong tiếng Anh nghĩa là gì?

Tất cả mọi người trên đảo nay đều biết là tôi không bao giờ có đủ chữ để chào buổi sáng hoặc buổi chiều bằng tiếng Anh. Có thể là cậu bé chưa biết được điều này chăng. Hoặc là riêng đối với em, uy tín của tôi đã quá lơn để có thể vươn tới cả những lãnh vực tôi chưa dám nghĩ tới việc thám hiểm.

– Tại sao em lại muốn học chữ đó nhỉ. Thầy nghĩ là chữ đó không có chút chỉ là quan trọng.

– Thưa thầy, em đang muốn dịch một câu trong thì present perfect. Và chữ đó rất là cần thiết.

– Em có thể cho thầy biết em đang dịch câu nào không?

– Thưa thầy, câu đó là “Tôi chưa bao giờ thấy được trứng con bò cạp.”

– Thầy nghĩ là em nên đổi câu đó thì hay hơn. Thí dụ như “Tôi chưa bao giờ thấy được trứng chí”.

Tôi hết sức khoái trá với sự nhanh nhẹn của tôi. May mà đã học được chữ “trứng chí” trong một bàn cờ “scrabble” nào đó tuần trước. Nhưng vẫn chưa ổn, vì tôi đã cảm ngay rằng trứng chí thì ở đâu cũng có cả.

– Thưa thầy, em đã thấy được trứng chí, rồi ạ.

– Ồ, tiếc thật. Thầy rất muốn giúp em nhưng sợ thầy Anh văn có thể phiền lòng vì giẫm chân lên nhau chăng. Hẳn là thầy Anh văn sẽ rất vui nếu được em hỏi như vậy. Chết mất, tới giờ rồi em ạ.

Mặc dù tôi biết cậu bé có thể mất ngủ cả đêm nay vì chữ đó, tôi vẫn gọi các em vào tiếp tục giờ học. Và tôi giảng cho các em về sự ngắn ngủi của những giờ Việt văn ở đây và ý thức tôn trọng tiếng mẹ đẻ.

– Các em thân mến, có thể là một ngày nữa, một tuần nữa, hoặc một tháng nữa, các em sẽ rời nơi đây để đi. Chưa chắc gì qua nước thứ ba, các em sẽ có cơ hội để nói hoặc là để học tiếng nói của dân tộc mình. Những ngày ở đây cực kỳ quí giá đối với các em. Các em hãy biết trân trọng từng giây, từng phút trong giờ Văn, giờ Sử chẳng hạn. Thầy sẽ đưa các em đi hái những nụ hoa đẹp nhất của văn chương Việt Nam. Và thầy muốn rằng các em phải biết tôn trọng những giây phút ngắn ngủi của chúng ta. Đừng nên có những thắc mắc trong giờ Văn đại loại như “Trứng bò cạp” hoặc “Trứng chí” trong tiếng Anh nghĩa là gì. Điều đó các thầy Anh văn sẽ lo. Thầy xin phép các em để nghiêm cấm trong giờ Văn tuyệt đối không được nói tiếng Anh hoặc viết tiếng Anh…

Tôi lại tiếp tục bài giảng hôm đó. Tới giờ tan trường, khi tôi ra khỏi lớp đã gặp cậu bé chờ sẵn ở ngoài đường.

– Thưa thầy, em xin hỏi thầy về vụ Trứng bò cạp hồi nãy.

– Em đừng ngại. Thầy không bao giờ buồn vì có những học trò thông minh như em. Bây giờ ra khỏi lớp rồi, em có thể hỏi về những chuyện như vậy.

Tôi đã chuẩn bị sẵn câu trả lời đơn giản nhất là “Thầy không biết”. Nhưng cậu bé không hỏi như vậy nữa mà chỉ cắn môi, hai tay ôm tập vòng trước ngực và đi bên tôi. Vầng trán ngây thơ hình như có hơi một tí cau lại. Từng nhóm học trò tung ra trên đường, trên cỏ như những cánh chim nhỏ. Những tên học trò hơi lớn một chút đi rụt rè bên những cô bé học trò trạc cỡ tuổi dường như đang thử cố gắng bàn về cách nào có thể kéo dài được con đường về “barracks” hay không. Nhưng cậu bé vẫn lẽo đẽo theo tôi. Trên trời từng đám mây trắng bay, qua đi và qua đi.

– Thưa thầy, hôm trước em có đọc một đoạn trong Bích Câu Kỳ Ngộ tới câu: “Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.” Người ta thường nói mai nở về mùa xuân, chứ sao lại mùa đông được nhỉ.

Chúng tôi quay ngược lại để có thể lang thang cho dài câu chuyện. Tôi có hơi ngạc nhiên không hiểu có một liên lạc luân lý nào không để cho trứng con bò cạp nở ra những bông mai.

– Chắc chắn là có nhiều loại hoa đẹp trên đời em ạ. Có người thì thích hoa huệ, hoa hồng vân vân. Nhưng có vài người thì thích hoa mai. Không phải là thích nữa, thực sự phải nói là trân trọng. Thí dụ như, thầy có thể nhắc lại câu thơ của Đào Tấn: “Nhất sinh đê thủ bái hoa,” nghĩa là suốt đời chỉ cúi đầu chào hoa mai. Hẳn là phải có nhiều lý do…

Tôi chắp tay sau lưng lững thững nhìn về phía trước. Nắng chiều đã rơi nhẹ xuống vùng đồi Galang. Có từng nhóm sương mù xa xa lơ lửng trắng nhẹ như nhữnbg giải lụa trải dài ra phơi mình trong ánh vàng còn sót lại.

– Hoa mai chính là lời tiên báo cho mùa xuân. Thật sự là có nhiều điều tiên báo cho mùa xuân lắm. Có thể một lúc nào đó em nhìn thấy những cánh chim én nhỏ chở nhưng tươi mát của trùng dương bay về nội cỏ. Hoặc là khi nào đó em nhìn thấy được những trong sáng của hồn em đang xua đi những góc tối trong hồn. Ngay lúc bấy giờ, chính những lời của em cũng sẽ là những lời tiên báo cho mùa xuân. Dường như đó là lý do mà nhà thơ đã nói mai chào gió đông là vậy.

– Em chưa được thấy hoa mai bao giờ cả…

– Thầy tin là sau này em sẽ thấy. Bây giờ cũng sắp qua đông rồi. Nhất định là em sẽ thấy kể cả khi em đang nhắm mắt.

Cậu bé đưa mắt nhìn xa hơn những đám mấy. Có những mùa xuân nào đang bay tới chăng…

– Em hãy tin như vậy. Ở phương đông của mình, hoa mai còn là hình ảnh của người quân tử, hình ảnh của sự tinh khiết có thể đem hạnh phúc cho trần gian, cũng như mùa xuân đem đến hạnh phúc cho hoa cỏ và con người.

– Thầy có bao giờ nhìn thấy hoa mai?

– Thầy đã thấy được mai vàng và mai hồng. Nhưng còn loại trắng thì chưa được thấy. Chắc chắn đó là lọai hoa cao quý nhất chỉ những cơ may hiếm có mới gặp thôi. Khi thầy còn đang cải tạo, có những lần vào rừng và đã gặp được những rừng mai vàng. Những cành mai vàng hết sức khẳng khiu đứng ngã nghiêng trước những trận gió vùi dập nhưng không bao giờ gãy cánh. Và dù là vào những lúc mùa xuân đã qua đi, những cành khẳng khiu đó với những chiếc lá xác xơ vẫn vững vàng toát ra một vẻ đẹp cao quý. Còn mai trắng thì cực kỳ tuyệt diệu. Thầy chỉ được nghe nói thôi. Đó là sự cao quý trên tất cả những sự cao quý. Hoa mai, thật mảnh mai và đơn sơ, nhưng thật là tinh khiết. Bây giờ mình có thể tạm chia tay em nhỉ. Hãy tin rằng rồi em sẽ thấy.

Tôi đi về hướng các dãy barracks và vẫy chào. Cậu bé vẫn còn đứng trên thảm cỏ xanh nhìn theo, Bầu trời đã xuống thấp hơn, trên vai cậu bé là những đám mấy vàng bao phủ. Tôi thoáng thấy mắt cậu bé long lanh theo nắng nhạt, hay phải chăng là một chớp mai vàng nới gặp… Tôi vẫn không tin là cậu bé có thể hiểu hết những gì tôi muốn nói. Nhưng những gì tuyệt diệu nhất đâu có phải để nói bằng lời.

Cuộc sống ở Galang có vẻ phức tạp hơn ở Việt Nam. Thời gian ở đây đối với một số người thì quá dài và đối với số khác thì quá ngắn. Đối với một số thì không biết làm cách nào để nuốt hết khoảng thời gian trống trải và đối với số khác thì hoàn toàn không kịp để học hay làm những gì cần thiết. Riêng tôi, nếu không làm việc cả ngày hẳn là sẽ điên mất. Sự tự do được đền bù ở đây không đủ để che lấp những đau khổ của tôi khi nghĩ đến những người bạn thân thiết đang miệt mài chờ đợi ở trại cải tạo. Còn những đứa em của tôi nữa. Trời ơi! Có lúc tôi đang đi giữa đường hốt nhiên gọi to thảng thốt khi nghĩ đến những hình ảnh trên. Làm thế nào có thể chia xẻ những trận chiến âm thầm của bạn bè mình nhỉ. Đôi khi, không một ai biết để có thể khóc những lúc cần khóc.

Vài ngày sau đó, tôi được biết thêm cậu bé đến đây với một bà chị. Cả ba phái đoàn đều từ chối sự định cư của họ. Ở trên đảo này chuyện đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Hình như là hai chị em cũng ít có dịp gặp nhau, may ra thì trong bữa cơm thôi. Bởi vì tôi có thể gặp cậu bé suốt ngày khắp nơi trên đảo trừ khu nhà barracks. Còn cô chị thì, dĩ nhiên là tôi không bao giờ tò mò để dò hỏi, theo tôi đoán cũng dễ dàng được mời đón tìm những cuộc vui ngoài các barracks như những cô gái khác. Đôi khi tôi mong rằng điều đó thì sai lầm, cũng như tôi thường mong cho những cô gái khác vậy. Tôi cũng có những ích kỷ và ưa phóng đại nó lên, chẳng hạn như, tôi không muốn chúc ai vui trong khi 50 triệu người anh em đang đau khổ. Đôi khi họ có tiền và thường khi thì không, cũng như tôi. Nhưng tôi không bao giờ thấy mắt cậu bé có vẻ vướng bận tới những tiếng rủng rẻng của các đồng “rupiah”. Tôi thích điều đó bởi vì tôi cũng thế.

Vào một ngày Chủ nhật, tôi cùng vài người bạn đi ra biển. Chúng tôi dự trù sẽ trèo qua một ngọn núi để tới biển. Trên núi đã có một lối mòn do Hướng Đạo mở rừng sẵn từ hồi nào. Đôi khi, cũng nên hành hạ mình thêm một tí nữa cũng vui. Trên đường ra biển, tôi có thể cảm thấy hơi nóng sẽ chuyển dần ra mát và những ngọn gió sẽ càng lúc càng lộng hơn. Tôi bắt gặp cậu bé đang một mình ra biển, gần lối rẽ lên núi.

– Ê! Nhỏ, tới đây chơi với thầy.

Cậu bé quay lại và chào. Mắt có vẻ vui hơn. Có thể là tôi đã có thành kiến là tất cả các cậu bé nào gặp tôi cũng cảm thấy vui hơn chăng. Tôi tới nắm tay cậu bé và dắt vào ngã rẽ lên núi.

– Đi lên núi với thầy nhé.

Mấy tên bạn tôi leo trước. Còn tôi thì leo song song bên cậu bé. Những hốc đào sẵn vào sườn núi làm cho dễ đi hơn. Có những lúc chúng tôi phải bò, có những lúc phải bấu tay vào những mỏm cheo leo để đu mình lên. Thường thì tôi phải lên trước để nắm tay cậu bé leo lên.

– Tại sao em đi một mình ra biển nhỉ. Thầy chưa thấy ai ra đây một mình cả. Hoặc nếu có thì không còn bé như em.

– Có lúc em đã tin rằng, như thầy bảo phải biết tin tưởng, em có thể đi bất cứ đâu mà không cần có thêm người bên cạnh.

Cậu bé trượt trên hòn đá lăn tụt xuống một chút. Tôi chộp lấy được cổ áo và kéo lên. Cậu bé mặt hơi tái đi.

– Thế em có thấy lúc này có thầy là cần thiết không?

– Vâng, thưa thầy. Bây giờ thì cần ạ. Nhưng khi em lớn thì em có thể tự đi được.

Các bạn tôi đã bỏ chúng tôi quá xa. Một người bạn đứng trên đỉnh núi gọi to vọng xuống:

– …Nhanh lên cậu ạ.

– Các cậu đi ra trước đi – Tôi thét to trả lời – Tớ còn phải lo thêm cho một thế giới mới.

– Thế thì gặp nhau nhé.

Cậu bé ngước mắt lên cao nhìn và bò theo tôi với trán lấm tấm mồ hôi và lưng áo ướt đẫm. Gió tung mái tóc lên.

– Thế nào, mệt chứ em hả…

– Vâng, mệt thật. Đây là lần đầu em leo núi.

– Rồi em sẽ thích hơn là đi đường bằng. Mình sẽ biết được về mình nhiều hơn. Nếu có lúc nào em gục ngã thì hãy tạm ngồi nghỉ và tự nhủ, mình chỉ là thằng tồi nếu không qua được ngọn núi này. Là một người đàn ông thì không bao giờ được phép ngồi xuống.

– Thầy có tin là khi mình lên đỉnh núi thì sẽ gặp hoa mai không nhỉ.

– À, hoa mai… Con đường này thầy đã đi nhiều lần rồi. Còn câu trả lời em nên tự tìm lấy thì hay hơn.

– Tự nhiên em tin là có đấy.

Tôi quay lại nhìn cậu bé và trả lời hết sức nghiêm chỉnh, giọng chậm rãi. Cậu bé ngước nhìn chờ đợi.

– Thế này, em hãy nghe nhé. Nơi nào có con người thì nơi đó sẽ có hoa mai. Nhất định phải là như vậy.

Chúng tôi đã lên tận đỉnh núi. Rừng cây xanh hơn và cao hơn, mát rượi. Những cành khôn ngổn ngang trên lối mòn, đạp lên nghe dòn tan giữa những tiếng gió rít lồng lộng trên cao. Bây giờ cũng sắp qua đông rồi, nhưng ở đây chẳng có cành mai nào cả. Chỉ có những bóng tối xa hơn và vùng sáng của biển trước mặt. Tôi chỉ lên một bãi cỏ bên lối đi xuống và nói:

– Chúng ta có thể nằm đây nghỉ mệt một tí em ạ. Mình đã thấy bờ biển ở xa kia rồi đấy.

Chúng tôi nằm xuống bãi cỏ và nhìn về bờ biển, những chấm người li ti ẩn hiện trên giải cát trắng và sau những hàng cây xanh rì. Bờ biển phẳng lì không một gợn sóng bạc đầu. Và trên cao thật cao, từng đám mây tan ra rồi hợp lại. Có định mệnh nào cho những đám mây không. Và cả của mình nữa. Tôi vẫn thường ngạc nhiên hỏi như vậy…

– Em hãy nhìn những người trên biển kia. Không mấy người biết được niềm vui mà chúng ta vừa mới trải qua. Và cũng không mấy người dám trải qua. Trèo qua ngọn núi, chuyện thật mệt nhọc, nhưng cũng thật đơn giản em nhỉ.

– Vâng, thưa Thầy. Nếu mình qua được.

– Em phải tin là mình sẽ qua được. Nếu không thì chỉ xin đừng sinh ra đời thì hơn.

Cậu bé vùi đầu xuống cỏ và ngủ. Những lá cỏ lượn sóng theo chiều gió và che phủ trên vầng trán nhỏ kia màu xanh của cỏ. Tôi tin là đôi mắt vừa khép lại ngủ vùi quên đó đã đem vào giấc mơ của cậu bé hình ảnh cảu ngọn núi thật cao vừa vượt qua, những rừnhg cây xanh bí mất, những lối đi chưa có người lui tới và cả những hoa mai chưa tìm thấy…

Chiều cận Tết, tôi bắt gặp cậu bé đang ngồi trên những bậc tam cấp “playground” và gặm bánh mì. Trời đã trở lạnh hơn và đêm tới nhanh hơn. Màu nắng nhạt hòa vào màu trắng trắng xanh xanh của đèn “néon” trở thành những làn sương mỏng bay là là quyện vào người đi đương, làm mát lạnh cả những bước chân. Tôi tựa vào dãy rào gỗ ngã ngiêng của “playground” và gọi:

– Chào em nhỏ… Em làm gì thế.

– Thưa thầy – cậu bé quay lại và đứng lên tọng vào miệng mẩu bánh cuối cùng – Em đang ăn và nhìn vào cỏ. Em cảm thấy nếu mình cứ nhìn vào cỏ và tin tưởng, tới một lúc nào đó mai sẽ mọc lên giữa cỏ…

– Thầy nghĩ rằng nếu chỉ ngồi nhìn không thôi thì chưa đủ để thấy mai em ạ. Nếu em muốn, ngay bây giờ thầy sẽ đưa em lên chùa nhìn mai.

Chúng tôi cùng đi về hướng chùa. Tôi nhận thấy lúc về sau này, cậu bé có vẻ ít nói đi, chăm học hơn mặc dù đã gần tới những ngày dài nghỉ Tết. Hay phải chăng là do ảnh hưởng của mùa Xuân sắp tới. Cậu bé có vẻ ngạc nhiên nhưng không hỏi gi cả khi nghe tôi nói lên chùa nhìn mai.

– Em hãy nghĩ rằng mình đang trên đường đi tìm những vẻ đẹp của con người và vũ trụ. Hãy nhìn quanh đây kìa… Có những người cùng chiều và cũng không ít người ngược chiều. Nhưng mình phải biết tôn trọng tất cả mọi người. Mặc dù nếu cần thì mình vẫn phải chống lại tất cả những tin tưởng sai lầm.

– Thưa thầy, em không hiểu nhiều lắm. Em chỉ ngạc nhiên tại sao trên đó có mai mà em không biết.

Vào giờ này, không mấy người lên cùa. Những bậc thang lên chùa lẫn vào trong bóng đêm đang tới. Phía trên cao là ngôi chùa vuông vắn, đơn sơ và trang nghiêm vẫn luôn luôn sáng rực nhưng vẫn không soi tỏ được những bậc thang hiêm dốc. Chúng tôi nắm tay nhau dò dẫm đi lên.

Trong chính điện không một ai cả. Hoàn toàn không một ai cả, trừ hai thầy trò chúng tôi. Những cây hương quyện lên những làn khói thơm nhè nhẹ lẻn vào giữa những hàng chữ Tàu viết theo lối triện cổ kính và trang trọng như thể đang ướp hương những tư tưởng người xưa. Tôi nói thật khẽ với cậu bé, sợ là các vị Phật có thể nghe được chăng:

– Em có cảm thấy gì không. Ở ngoài kia đã sắp qua đông và mùa xuân đang tới. Thời gian đến rồi đi, sẽ tới lúc ném lên đầu chúng mình những vầng mây tóc trắng. Nhưng ở đây… thì không có thời gian. Khung cảnh như đã xảy ra từ hàng triệu triệu kiếp về trước và như sẽ còn mãi mãi hàng triệu triệu kiếp về sau. Kỳ lạ nhỉ. ở đây chính là sự bất tử. Suỵt! Em nói khẽ nhé, coi chừng mấy ông Phật gỗ nghe đấy…

– Nhưng thưa thầy, mai đâu nhỉ?

Tôi đưa tay chỉ vào cành mai giả để đón xuân ở một bên chính điện. Cành mai khẳng khiu không một chiếc lá xanh, dán vào những bông giấy vàng đầy khắp.

– Đây là cành mai giả, em ạ. Họ làm để đón xuân.

Mặt cậu bé nhạt đi, nắm chặt lấy tay tôi, giọng như khàn lại:

– Thưa thầy, đây chỉ là hoa giả…

– Hoa giả đấy em ạ. Tôi cũng không dám nhắc đến tên loài hoa ấy vào lúc này, sợ tổn thương đến sự cao quý kỳ diệu đó. Người ta có thể gặp được ở bất cứ nơi nào và ở bất cứ lúc nào. Dễ lắm, chỉ cần một phút đồng hồ loay hoay với vài mẩu giấy là xong. Rất nhiều khi, họ làm mà hoàn toàn không hiểu họ đang làm điều gì. Cái giá để trả cho vẻ đẹp sẽ không dễ dàng như vậy đâu em ạ. Mình không thể hình dung được sự thật qua những cái giả.

Cậu bé kéo tôi ra ngoài, mặt đăm chiêu:

– Thưa thầy, không đẹp tí nào cả. Em không muốn phải nhìn thêm.

Tôi cúi xuống nhìn thẳng vào mắt cậu bé. Hình như có những đám mấy đen đã bay vào đôi mắt sáng thơ ngây đó:

– Đừng khóc em nhé. Thầy xin em đừng khóc.

Cậu bé nhìn xa vắng về những vùng tối chung quanh thì thầm:

– Nhưng ở đây có mai không thầy?

Tôi qùy xuống ngay giữa sân chùa, ôm lấy hai vai cậu bé để có thể nhìn thẳng vào mặt nhau, giọng thì thầm ân hận:

– Đừng khóc em nhé. Thầy vẫn luôn luôn tin là ở đâu có con người thì ở đó có mai. Thật đấy.

Cậu bé ôm chầm lấy tôi, mắt vẫn nhìn xa vắng vào bóng đêm:

– Em xin Thầy đừng nhắc đến những bông giấy kia nữa…

– Nơi đây là bóng đêm em ạ – Tôi xiết chặt cậu bé hơn – chung quanh mình là bóng đêm. Và trong ngôi nhà kia là ánh sáng, là sự bất tử. Ở đây người ta có thể lầm lẫn, có thể che giấu tất cả. Nhưng ở trong kia, không một sự giả mạo nào có thể che giấu. Mình được sinh ra chỉ để phải bước vào nơi không còn thời gian nữa, em ạ…

Ngoài trời, gió Đông rít lồng lộng đưa hơi lạnh từ xa ngấm vào tận thịt da. Vài sợi tóc của cậu bé vướng vào má tôi, cậu bé đã ngã đầu trên vai tôi. Chỉ có bóng tối chung quanh. Và trên cao là vài chấm sao nhỏ thật xa. Vẫn còn thoang thoảng mùi hương trầm từ trong ngôi nhà trang nghiêm kia…

Vào buổi sáng Chủ nhật áp Tết, trong khi tôi đang xếp mùng mền thì cậu bé bước tới. Tôi đứng nghiêm dậy và đưa tay lên chào theo kiểu quân đội:

– Chào ông Tướng nhỏ bé của thầy. Hôm nay trông em như một ông Tướng nhỏ ấy, quần Jeans, áo sơ mi ngoài lại khoác áo khỉ hóa trang nữa. Kinh quá. Còn đôi giày kia nữa. Em tính đi đâu thế?

Cậu bé đứng nghiêm trả lời với nụ cười nhỏ nhắn:

– Thưa thầy, em đi tìm mai.

– Hay lắm. Tôi ngồi lên mớ mùng mền, nghiêng đầu nhìn cậu bé, trả lời với nụ cười bằng môi và bằng mắt. Thầy nghĩ là mủa Xuân sắp tới rồi đấy và mặt trời thì đang lên. Hay lắm, thầy bắt đầu thích lối nói chuyện của em.

– Thưa thầy – cậu bé vẫn đứng nghiêm với nụ cười – Em vẫn luôn luôn trên đường tìm mai đấy.

Cậu bé móc trong túi lấy ra hai điếu thuốc lá Ardath đặt trên bàn. Thứ này trên đảo hiếm lắm.

– Thưa thầy, em có hai điếu thuốc mời thầy.

– Thôi chứ, ông Tướng nhỏ. Hôm nay sao bày lắm trò thế.

Cậu bé đưa tay lên chào và quay người chạy ra khỏi barracks… Những ngày thường thì tôi rất bận rộn. Còn những ngày thứ bảy và Chúa nhật thì thật khủng khiếp. Rất nhiều khi tôi phải vật lộn với cả Tráng đoàn từ sáng cho đến tối mịt. Nhất là những ngày cận lễ như hôm đó. Luôn luôn tôi có cảm giác là chỉ cần vài phút nữa thôi, tôi sẽ ngã lăn ra xỉu mất. Thế nhưng kỳ lạ thật, chưa bao giờ tôi xỉu cả. Mà chỉ có sự mệt đừ và hạnh phúc.

Hôm đó cũng là một trong những ngày khủng khiếp đó. Từ sáng cho đến tối tôi chưa có dịp về nhìn lấy khu nhà một chút. Khoảng mười giờ đêm, tôi cùng mấy người bạn mới có thể kéo vào quán cà phê để nghỉ ngơi. Đôi khi chúng tôi cũng cần có đôi chút cà phê và thuốc lá ngoài sự cơm nước và làm việc chứ. Tôi ngồi không lâu lắm thì chợt thấy cậu bé đang đứng ngay cửa quán nhìn vào. Ánh sáng chỉ lờ mờ nhưng tôi nhận ra ngay thôi ông Tướng nhỏ ấy.

– Xin lỗi các bạn nhé – Tôi đứng lên bước ra ngoài.

Tôi nắm lấy tay cậu bé, cổ tay lạnh giá. Khuôn mặt em nhợt nhạt một cách kỳ lạ.

– Vào uống nước tí, em nhá.

– Không, em muốn thầy đi với em một chút.

Cậu bé kéo tôi ra ngoài và đi về phía “playground”. Ngang qua dưới ánh đẻn néon đầu đường, tôi thấy áo quần cậu bé tả tơi và rách nhiều chỗ. Đôi giày và gấu quần Jeans bết đầy bùn. Có những vết sướt gai trên mặt và một bên má rướm máu. Nét mặt nhợt nhạt kỳ lạ. Và bàn tay thì vẫn lạnh giá.

– Em sao thế nhỉ. Em mới lội đâu về đấy.

Cậu bé nhìn xuống đất, giọng chậm như nghẹn lại:

– Em không nghĩ là thầy đang ngồi quán trong lúc em đang cần thầy. Em đã tìm thầy ở khắp nơi, ở các barracks, ở Đạo quán Hướng Đạo, ngoài đường…

Chúng tôi vào “playground” và ngồi xuống ghế. Bóng tối vây chặt chung quanh. Bất chợt, cậu bé ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở. Tôi đi tay vuốt tóc cậu bé, mái tóc đầy những cát.

– Sao thế này em. Thầy vẫn chưa hiểu được.

Cậu bé vẫn khóc nức nở một chặp mới ngưng lại, giọng nói nhỏ xa vắng như từ một tinh cầu lạ.

– Em đã đi tìm mai, thầy ạ.

– Thầy vẫn chưa hiểu hết.

– Buổi sáng, em mua hai ổ bánh mì và vào rừng đi tìm mong là sẽ gặp được cành mai nào đó.

– Kỳ lạ nhỉ – Tôi xiết chặt cậu bé vào lòng, lấy tay che vầng trán nhỏ của em – Thầy tin là em chưa vào rừng một mình bao giờ.

– Vâng. Đây là lần đầu tiên em vào rừng một mình. Còn lần trước thì em đi với thầy qua núi. Em đã vượt qua ba ngọn núi, qua hai hoặc ba thung lũng và chắc cũng là qua mấy con suối. Còn rừng thì thật nhiều, có rừng cây cao và có rừng cây thấp. Có nơi có cả rừng sim, em đã ngủ một giấc buổi trưa thật ngon. Nhưng em không gặp cây mai nào cả.

– Làm sao em có thể tìm được trong khi em chưa biết cây nai thế nào cả.

– Em tin là em sẽ nhận ra ngay nếu em gặp được. Em đã gặp thật nhiều cá và con rùa bên bờ suối. Cây rừng thì nhiều thật nhưng mai thì có vẻ thật là ít, thầy nhỉ. Cuối cùng thì em lạc, và đi cả trong bóng đêm cho đến giờ này. May mà em về được.

– May mà em về được.

Tôi cúi đầu sát xuống cậu bé và nói:

– Em hãy nhìn. Quanh mình chỉ là bóng tối. Và bên trời thì không một vì sao. Nhưng chúng ta vẫn luôn luôn đi về phía ánh sáng. Không được phép ngừng lại em ạ. Dù có bị thương dù có bao nhiêu bất trắc và tả tơi. Phải đi em ạ. Rồi sẽ có lúc mình sẽ gặp được mai em ạ…

Cậu bé ngả người trong lòng tôi, nhìn lên bầu trời đen xa thẳm, đôi bàn tay bé bỏng và lạnh giá xiết chặt lấy tay tôi, tay đầy những cát. Tôi xiết chặt tay hơn nữa nghe giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi và yếu ớt của cậu:

– Vâng, thưa thầy. Em vẫn luôn luôn tin như vậy. Mặc dù em gặp phải một rừng gai, hai rừng gai hoặc mười rừng gai, xin vẫn luôn luôn tin như vậy. Mặc dù em không gặp thấy dấu hiệu nào có mai trong rừng, em vẫn luôn luôn tin như vậy. Thầy có biết, em đã chui qua cả rừng gia, đã đi nhầm xuống nơi sình lầy lên tới tận đầu gối, đã chạy và nhảy nhót trên đồi cỏ xanh, đã lội nước có nơi tới tận cổ. Nhưng vẫn không hề gặp mai. Có những lúc em sợ hãi vì đã mò thật lâu trong bóng tối, nhưng em vẫn tin là càng lúc em càng đi gần tới thầy hơn. Và có những lúc em đã rất hạnh phúc khi tới được đỉnh đồi phía xa kia và nhìn thấy ánh sáng dưới này của trại… Em đã nghĩ, dưới này là thầy, thế là em hạnh phúc.

– Ôi, thầy rất hạnh phúc khi được ôm em trong giây phút này, với người em lạnh giá. Thầy sẽ xiết chặt em hơn mong rằng em có thể ấm hơn một tí. Chắc em không bị thương chỗ nào cả chứ?

– Vâng, em không bị thương chỗ nào cả. Những vết sướt của gai, những vết cắt của đá, áo quần thì rách nhiều nơi, nhưng nào có gì cho em phải bận tâm. Kể cả những bận đói nữa. Những sự lôi cuốn của hoa mai đã làm em quên đi tất cả, thầy ạ.

– Đúng vậy em ạ. Người ta sẽ quên hết tất cả, tất cả những gì vớ vẩn trong cuộc đời khi nghĩ đến vẻ đẹp cao quý của hoa mai. Ước gì mọi người có thể nhìn thấy được vẻ đẹp đó nhỉ. Nhiều khi người ta nhìn nhưng mà không biết, người ta nghe nhưng mà không hiểu, người ta đứng ngay kề bên ấy nhưng vẫn như cách xa hàng triệu năm ánh sáng. Chao ôi, chỉ cần một thoáng bắt gặp vẻ đẹp cao quý và tinh khiết đó thôi, người ta có thể mừng đến nhảy múa và ca hát cho đến ngày cuối của đời, có thể đi lang thang khắp tận cùng thế giới chỉ để ca ngợi vẻ đẹp bí ẩn đó của vũ trụ…

– Em đang nằm trong lòng thầy và nghe những lời thầy nói như trong một giấc mơ. Hay đây có phải là một giấc mơ, hay cuộc đời chỉ là giấc mơ dài. Ngày hôm nay em đã gặp rất nhiều loại hoa trong rừng, có loại hoa vàng, hoa tím và cả hoa trắng nữa. Có nhiều loại hoa rất đẹp. Và có cả loại hoa rất giống với những cành hoa giả hôm trước. Em đã tới nhìn từng cánh hoa, từng nhụy hoa, từng chiếc lá. Nhưng em biết ngay, ngay tức khắc, đó vẫn chưa phải là mai. Kỳ lạ thật, hẳn là có một sức mạnh đã hướng dẫn em, đã cho em phân biệt được rành rẽ như vậy, mặc dù em chưa nhìn thấy hoa mai bao giờ. Ôi, trên đời có biết bao nhiêu là hoa giả, kể cả trong rừng.

– Thầy cũng đang nhìn em, nhỏ nhắn và can đảm, lạ lùng và thân thiết như trong giấc mơ. Hay tất cả những gì ở trên đời đều có vẻ hư ảo như thế. Nhưng chắc chắn là vẻ đẹp cao quý và tinh khiết của hoa mai hoàn toàn không có chút gì là hư ảo, mà chính là sự thật, thật hơn cả những hình ảnh ta đang nhìn thấy. Rồi sẽ có lúc em gặp được mai em ạ. Em sẽ ngạc nhiên trước vẻ đẹp mỏng manh kia, còn mỏng manh hơn cả những cánh nhỏ của nó. Đơn sơ thật đơn sơ, không một chút đỏm dáng như các chị hoa khác trong rừng hoa. Tinh khiết như tất cả các điều luật của tôn giáo, dù tất cả các trận bão giông có xô về một lúc cũng giữ được vẻ tinh khiết đó một cách vững vàng và trung thành. Dù từng cánh hoa có bị nát đi và tung lên cuốn theo những trận gió hung bạo đó, vẻ tinh khiết đó vẫn không hề tổn thương mà chỉ càng làm tăng thêm sự cao quý trong những cành lá xác xơ. Rồi em sẽ thấy, khi nào em trở về được với sự tinh khiết chói lòa. Em sẽ thấy được mai. Lúc đó ngay cả dưới những bước chân em đi cũng sẽ mọc lên những rừng mai với cả mùa xuân em mang tới.

Cậu bé đã ngủ thiếp đi trong tay và trong lời tôi nói. Tôi phải vác cậu bé về đêm đó. Hẳn là đang có những giấc mơ đẹp trên vai tôi…

Phan Tấn Hải.

\"\'Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment