Lại Tư Mỹ: Kỷ Niệm 45 Năm Hải Chiến Hoàng Sa
Đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (Hình: Soha)
Ngày 19 tháng 1 năm 2019, Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 45 năm Hải chiến Hoàng Sa tại Hội trường Nhà thờ St. Gregory, Dorchester, MA.02124. Nhân dịp này, chúng ta tìm hiểu về yếu tố địa lý, lịch sử, yếu tố pháp lý trong tương quan quốc tế, cũng như những lý do thất bại trong trận hải chiến 45 năm trước.
Mất Hoàng Sa, chúng ta mất quyền kiểm soát thủy lộ vô cùng quan trọng của Đông Nam Á và thế giới, và đó cũng là lý do, Trung quốc bằng mọi giá, luôn luôn khẳng định chủ quyền trên Hoàng sa, xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo nhằm khống chế Biển Đông, thiết lập sân bay, bến cảng, doanh trại, và các khí cụ chiến tranh và nhất là mới đây, ngày 23 tháng 8 năm 2018, Chính phủ Philippines và ngay cả Chính phủ Việt nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng Trung quốc điều động vũ khí hạt nhận tại Biển Đông, bởi ngày nay, Biển Đông, ngày càng có vai trò cực kỳ quan trọng chẳng những về phương diện kinh tế, quân sự và quốc phòng đối với Trung quốc, các nước Bắc Á, các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Biển Đông còn là thủy đạo nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua eo biển Malaca. Mọi di chuyển hàng hải giữa các quốc gia thuộc vòng đai Thái Bình Dương với vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải và xuống Châu Úc đều thường xuyên đi qua vùng biển này. Mất Hoàng Sa, chúng ta mất lợi thế đối với việc giành quyền kiểm soát Biển Đông và các nguồn tài nguyên vô cùng phong phú tại đây!
Hoàng Sa là của Việt Nam
Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) có nghĩa là Cát vàng hay Bãi cát vàng là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông, nếu kể cả vô số hòn đảo nhỏ, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn, lúc nổi, lúc chìm theo với mực nước thủy triều lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Giáo sư Sơn Hồng Đúc cho số lượng là 120, sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước cho biết là 130 đảo
1/- Về yếu tố địa lý:
Theo công ước Quốc tế về Luât biển năm 1982 (UNCLOS) các Quốc gia duyên hải được hưởng quy chế 200 hải lý (370 km) tính từ đường cơ sở lãnh hải để đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí. Ngoài ra, quan niệm thềm lục địa mở rộng còn cho phép nới rộng tới 350 hải lý (khoảng 650 km)
Nếu áp dụng nguyên tắc trên, trên phương diện địa lý, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Việt Nam, bởi đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý, và từ đảo Hoàng Sa về đến Việt Nam chỉ vỏn vẹn 160 hải lý. Trong khi đó, Quần đảo Trường Sa cách Quần đảo Hoàng Sa tính đến đảo gần nhất là khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất khoảng 500 hải lý, cách Vũng Tầu 305 hải lý, cách Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý.
Chiếu Điều 76 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thềm lục địa pháp lý (legal continental shelf) của các quốc gia duyên hải dài 200 hải lý tính từ biển lãnh thổ ra khơi. Ngoài ra, còn có thềm lục địa địa chất (geological continental shelf) có thể kéo dài tối đa 350 hải lý. Về mặt địa chất và địa hình, đáy biển là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa từ đất liền ra ngoài khơi trên triền biển sâu đến mũi xa bờ nhất của nền lục địa (continental margin)
Tại Hoàng Sa, thềm lục địa địa chất nằm trên nền lục địa, chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra biển, phía đông Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Độ sâu nhất quanh đảo Hoàng Sa là 900 mét. Về mặt địa chất và địa hình, Hoàng Sa là sự tiếp nối tự nhiên của dẫy Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa và Phú Lâm, đây có thể gọi là những cao nguyên của lục địa Việt nam trên mặt biển. Nếu nước biển rút xuống 900 mét, thì toàn thể các hải đảo Hoàng Sa sẽ biến thành một dãy hành lang chạy thoai thoải từ Trường Sơn ra Biển Đông.
Năm 1925, nhà dịa chất học Quốc Tế, Tiến sỹ A. Krempt, Giám đốc Hải Học viện Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu, phân chất đất đai, đo đạc, vẽ bản đồ các hải đảo và đáy biển đã lập phúc trình và kết luận “về mặt địa chất Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam” (Greologiquement les Paracels fontpartie du VietNam)
2/- Yếu tố Lịch Sử:
Vào khoảng năm 1620-1630, theo tài liệu lịch sử, dưới thời Chúa Nguyễn Sãi (Nguyễn Phước Nguyên) đã xuất hiện đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để bảo vệ chủ quyền của người Việt tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền này vẫn được duy trì và tiếp tục qua các Chúa Nguyễn kế tiếp, Nhà Tây Sơn, và Nhà Nguyễn.
Sau khi thống nhất đất nước, Vua Gia Long đã chính thức sát nhập các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào Viêt Nam. Từ năm 1816, nhà vua đã sai thủy quân cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và thực thi chủ quyền trên các quần đảo đó.
Năm 1954, Hiệp định Geneva quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17 đưọc giao cho Chính quyền Liên Hiệp Pháp quản lý. Năm 1956, sau khi Pháp hoàn tất rút quân khỏi Việt Nam, Quốc Gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu, đứng ra quản lý. Ngày 26 tháng 10 năm 1956, Quốc Hội lập hiến Quốc gia Việt Nam chính thức ban hành Hiến pháp, đổi tên thành Việt Nam Cộng Hòa và đương nhiên kế thừa Quốc gia Việt Nam quản lý quần đảo Hoàng Sa theo đúng công pháp quốc tế. Riêng hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Con đã bị Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đưa quân ra đóng trước khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa ra đóng quân.
Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai công bố quyết định của Trung quốc nới rộng lãnh hải ra 12 hải lý, có đính kèm bản đồ đường ranh giới lãnh hải từ lục địa và các hải đảo thuộc Trung quốc, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa (được thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại Hội đại biểu nhân dân toàn quốc) Toàn văn bản tuyên bố gồm 4 điều khoản, là căn bản để Trung hoa vẽ đường “lưỡi bò” bao trùm biển Đông
Cùng ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm văn Đồng gởi Công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai với nội dung: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa quyết định về hải phận của Trung quốc.” Công hàm này cũng được đăng trên báo Nhân Dân ngày 22 tháng 9 năm 1958
Sau này, Trung quốc cũng nêu thêm một số tài liệu khác mà họ cho là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phổ biến để làm bằng cớ về sự thỏa thuận nhượng biển của Hà Nội.
Về phương diện luật pháp quốc tế, Hoàng Sa và Trường Sa vào thời điểm 1958-1975 không thuộc quyền quản lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên chính phủ này không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này, và đương nhiên Công hàm bán nước của Phạm văn Đồng không có gía trị pháp lý.
Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa Ngô đình Diệm ban hành sắc lệnh số 174 NV trong đó ấn định: “Quần đảo Hoàng Sa thuộc Tỉnh Quảng Nam, một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là Xã Định Hải, trực thuộc Quận Hòa Vang. Xã Định Hải được đặt dưới quyền một phái viên hành chánh.”
Ngày 21 tháng 10 năm 1969, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ký nghị định số 709-BNV/HĐCP để “sát nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang Tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận”.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, quân đội Trung quốc tấn công quân đồn trú Việt Nam Cộng Hòa và chiếm các đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Từ thời điểm này, Cộng hòa Nhân dân Trung hoa chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Hải Chiến Hoàng Sa
Sau khi tuyên bố nới rộng lãnh hải ra 12 hải lý, Trung quốc luôn có tham vọng độc chiến biển Đông, Hoàng Sa là điểm nhắm mà Trung quốc cần phải chính phục và chiếm lãnh, họ thường cho các quân nhân giả dạng ngư dân, xâm nhập trái phép, đánh bắt hải sản trong lãnh hải Việt nam. Vào tháng 2 năm 1959 ngư thuyền Trung quốc đưa người vào đánh cá trên Hoàng Sa, không biết là dân chài thật hay dân chài gỉa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh bắt giữ rồi trục xuất ngay. Năm 1974, ngư thuyền Trung quốc lại quay về Hoàng Sa, nhưng lần này, có chiến hạm đi theo, nhân cơ hội Hoa kỳ quyết định rút khỏi cuộc chiến tại Việt Nam, Trung quốc quyết định tiến chiếm Hoàng Sa, đồng thời trắc nghiệm Hoa kỳ có thực sự bỏ rơi VNCH!
Ngày 15 tháng 1 năm 1974, Hải quân Trung quốc xâm nhập lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam khi đổ bộ chiếm đóng các đảo Quang Hòa, Duy Mộng và Cam Tuyền.
Ngày 16 tháng 1 năm 1974, Ngoại trưởng VNCH Vương văn Bắc gởi Công hàm cho Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, để lưu ý về tình hình căng thẳng và nghiêm trọng có khả năng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trong những ngày này, HQ16 thường xuyên tuần tiễu và phát hiện trên đảo Quang Hòa có chòi canh, vọng gác cao có gắn cờ Trung quốc. Trưa ngày 16 tháng 1, HQ 16 đưa 16 nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để thám sát, phát hiện có mộ và bia đá đề chữ Hán, đến 15 giờ 36, HQ 16 ghi nhận tại Tây Nam đảo Cam Tuyền có 2 tầu đánh cá Trung quốc được vũ trang đại bác 25 ly, mang số hiệu 402 và 407, sau đó, HQ 16 án ngữ tại phía Đông Nam để yểm trợ cho HQ 4 đổ bộ 27 Biệt hải lên phía Tây đảo Cam Tuyền.
Ngày 18 tháng 1: một trong 4 tầu Trung quốc, rời đảo Quang Hòa, tiến về HQ 4, nhưng khi HQ 4 tiến sát tầu địch, thì tầu này lại rút về đảo Quang Hòa, đến 8 giờ 45, HQ 16 phát hiện thêm 1 tầu Trung quốc di chuyển phía Đông Nam đảo Duy Mộng, tình hình vô cùng nghiêm trọng.
Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu bay ra tận Đà Nẵng, lấy giấy viết tay thẳng cho Phó Đề đốc Hồ văn Kỳ Thoại (Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên Hải): “Thứ nhất là tìm đủ mọi cách ôn hòa, mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh thổ VNCH. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì cho nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố, thì toàn quyền xử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH.” Cũng trong ngày này, Đề Đốc Lâm ngươn Tánh, Tư Lệnh phó Hải quân Việt Nam cũng bay ra Bộ Tư Lệnh Hải quân vùng 1 Duyên hải để chi huy lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa.
* Tương quan lực lượng:
– Phía Việt Nam Cộng hòa có 4 chiến hạm là Tuần dương hạm Lý thường Kiệt (HQ 16), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ 10) Khu trục hạm Trần khánh Dư (HQ 4), và Khu trục hạm Trần Bình Trọng (HQ 5) 1 Đại đội Hải kích thuộc Hải quân VNCH, một số Biệt hải (biệt kích hải quân) và 1 Trung đội Địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.
– Phía Cộng hòa Nhân dân Trung hoa có 4 chiến hạm trực tiếp tham gia trận chiến là: 2 tầu chống ngầm hạng nhẹ lớp 6604 (nhái theo lớp Krondstadt của Liên Xô) mang số hiệu 274 và 271. 2 tầu quét thủy lôi lớp Type 010 mang số hiệu 389 và 407. Ngoài ra, phía Trung quốc còn có lực lượng thuộc Trung đoàn 10 Hải quân lục chiến, trinh sát (khoảng 500 binh sỹ). Sau khi trận chiến kết thúc thì tầu ngầm số 282 và chống ngầm 281 mới đến tăng viện, coi như không tham chiến.
Lực lượng hai bên bắt đầu chuẩn bị, các chiến hạm cách nhau chừng 200 mét. Cuộc hải chiến diễn ra vào lúc 10 giờ 25 phút ngày 19 tháng 1 năm 1974. Ngay khi khai hỏa, một chiến hạm của Trung quốc bốc cháy, các chiến hạm của Trung quốc mang số 389 và 396 dồn sức đánh trả, khiến chiến hạm Nhật Tảo bị trúng đạn trên đài chỉ huy và hầm máy chính. Hạm trưởng Ngụy văn Thà hy sinh!
Sau hơn một giờ giao tranh, 2 chiến hạm của Trung quốc chìm, 2 chiếc khác bị bắn cháy, phía VNCH ngoài Hộ tống hạm Nhật Tảo bị chìm, một số bị thương tổn, một số binh sĩ bị bắt và mất tích.
Nhận được tin báo tăng viện của địch sắp đến, với tình trạng HQ 10 không thể xử dụng, HQ 16 nước vào hầm máy, tầu bị nghiêng, HQ 4 và HQ 5 trúng nhiều đạn, và hỏa lực còn rất hạn chế, vào lúc 11 giờ 10, Chỉ huy trưởng Hải đội đặc nhiệm ra lệnh ba chiến hạm của Hải quân VNCH rút lui khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung quốc nhập vùng (tầu hộ tống 281 và 282 đến nơi sớm nhất, khoảng 30 phút sau khi Hải quân VNCH rút) 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ 16 bị kẹt lại đảo Vĩnh Lạc, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ 4 bị kẹt lại Cam Tuyền, các đảo của Việt Nam chỉ còn lại lực lượng quân đội trú phòng, không còn hải pháo yểm trợ.
Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung quốc!
Theo Tiến sỹ Nguyễn tiến Hưng, sau trận chiến Hoàng Sa, Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu đã ra lệnh cho Không quân VNCH oanh kích để phản công, nhưng rồi lệnh được rút lại, tác giả đã phối kiểm với Đại tá Nguyễn quốc Hưng (Phụ tá Tham mưu phó hành quân, Bộ tư lệnh không quân phụ trách toàn bộ 19 phi đoàn khu trục của VNCH) thì ông xác nhận là đúng và kể lại nhiều chi tiết, tóm tắt như sau: vào 8 giờ tối ngày 19 tháng 1, 1974, Tư Lệnh Không quân nhận được mật lệnh của Tổng Thống phải dùng phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E để oanh kích phản công địch trên đảo Hoàng Sa. Ngày hôm sau, đoàn phi công đã cất cánh 2 lần để ra khơi, một lần vào buổi trưa và một lần vào buổi chiều, mỗi lần gồm 2 phi tuần, nhưng vừa bay được khoảng hơn 100 dặm, nhận được đặc lệnh phải quay trở về đáp và hủy bỏ ngay các phi vụ không kích này. Lý do là Đệ thất hạm đội yêu cầu ngưng kế hoạch oanh tạc và nhấn mạnh rằng sẽ không có ‘top cover’ (yểm trợ trong trường hợp bị phi cơ Trung quốc từ Hải nam lên không chiến) và cũng không có ‘rescue’ (cứu vớt nếu bị bắn rơi)
Đệ thất hạm đội Mỹ ở ngay gần Hoàng Sa, nhưng không yểm trợ khi VNCH yêu cầu, ngày 17 tháng 1 (ngày 18 tháng 1, 1974 giờ Sài gòn) Bộ Ngoại giao Hoa kỳ do Ngoại trưởng Kissinger lãnh đạo, đã gọi điện thoại cho Đại sứ Martin ở Sàigòn và nhấn mạnh ý muốn của Bộ là ‘tình hình phải được hạ nhiệt’ ( cooling the situation) tài liệu này được giải mật ngày 30 tháng 6 năm 2005. Dĩ nhiên Đại sứ Martin phải thi thành ngay và cố vấn cho ông Thiệu, nội dung chính của mật điện này:
– Bộ Ngoại giao yêu cầu Bộ Quốc Phòng ra lệnh cho Hải quân Hoa kỳ tránh khỏi khu vực này.
– Chính phủ Hoa kỳ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng sa.
– Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào xung đột này.
Kết luận: Mất Hoàng Sa, mất cả miền Nam tự do vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là hệ quả tất yếu của chính sách Hoa kỳ, do Kissinger đạo diễn, nhằm mục đích duy nhất: bang giao hữu nghị với Trung quốc! Để vừa lòng người bạn mới, Hoa kỳ đã ủng hộ Trung quốc gia nhập Liên hiệp quốc. Tháng 10 năm 1971 Liên hiệp quốc bỏ phiếu 76 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 17 không bỏ phiếu, đẩy Đài Loan ra khỏi Liên hiệp quốc và chấp nhận Chính quyền Bắc kinh là Chính phủ đại diện Trung quốc tại tổ chức này.
Tháng 10 năm 1971, Mỹ rút khu trục hạm của Đệ thất hạm đội ra khỏi eo biển Đài Loan, tháng 1 năm 1974, Mỹ ngó lơ để Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa! Đường ra biển Đông của Trung quốc thênh thang!! Để đến bây giờ, Mỹ hoảng hốt quay về Á Châu và cố đòi ‘tự do hàng hải trên biển Đông’
Nhân kỷ niệm 45 năm hải chiến Hoàng Sa, chúng ta bùi ngùi cho một dân tộc nhược tiểu, mãi chưa ý thức được thân phận của mình để yêu thương, đoàn kết mà vươn lên. Nguyện xin Hương Linh các Anh hùng tử sỹ Hoàng Sa được tiêu diêu miền cực lạc.
Lại tư Mỹ (sưu tập)
* Tài liệu tham khảo:
– Bách khoa toàn thư Wikipedia
– Công lý và Hòa bình trên biển Đông ‘GM. Phaolô Nguyễn thái Hợp’
– Khi đồng minh nhảy vào ‘Nguyễn tiến Hưng’