VN ‘giãy nảy’ vì đứng áp chót danh sách ‘chống xâm hại tình dục trẻ em’

Việt Nam ‘giãy nảy’ vì đứng áp chót danh sách ‘chống xâm hại tình dục trẻ em’

.

\"\"
Ông Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, phường Nguyễn An Ninh, thành phố  Vũng Tàu), đảng viên CSVN đã bị 3 năm tù về tội “Dâm ô với trẻ em.” (Hình: Infonet)

HÀ NỘI, Việt Nam  – Bị dư luận lên án khi Việt Nam đứng thứ 37/40 nước về “chống xâm hại tình dục trẻ em,” đại diện Cục Trẻ Em của nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unite “chỉ là trang web nội bộ.”

Chiều 21 Tháng Giêng, 2019, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ Em, thuộc Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, nói với báo chí Việt Nam về việc phản đối hôm 16 Tháng Giêng, tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unite (EIU), thuộc tạp chí The Economist, công bố phúc trình mang tên “Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em).

Theo báo Dân Trí, tổ chức nghiên cứu trên đã chọn 40 quốc gia theo 4 tiêu chí phản ứng khi có sự xâm hại tình dục trẻ em. Việt Nam chỉ đạt 42.9 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 37 trong xếp hạng 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em, với điểm yếu nằm ở “thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông” chỉ trên nước Mozambique, Ai Cập và Pakistan. Trong khi ba nước đứng đầu lần lượt là Anh, Thụy Điển và Canada.

Ngoài ra, Việt Nam còn xếp vị trí 35/40 về  “sự cam kết của chính phủ, đầu tư nguồn lực cho trẻ em” và vị trí 38/40 về “sự tham gia của các tổ chức xã hội, giới truyền thông xử lý rủi ro khi trẻ em đối mặt.”

“Việc xếp Việt Nam vào vị trí cuối nhóm 40 quốc gia bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục chưa thực sự rõ ràng về chỉ số đánh giá, nguồn dữ liệu, thời gian, mức độ cập nhật dữ liệu. Đặc biệt chưa rõ ràng về bộ công cụ phục vụ đánh giá…,” ông Nam phản đối.

Ông Nam cho rằng, trang web này “chỉ là trang nội bộ và họ công bố khảo sát tại đấy chứ không gửi báo cáo cho cục.”

Theo ông Nam, thông thường một khảo sát phải nêu số liệu lấy từ cơ quan tổ chức nào, cập nhật đến thời điểm nào. Bên cạnh đó, phương pháp tính toán của khảo sát ra sao, trọng số rơi vào đâu… Những tiêu chí kia của khảo sát đều rất chung chung, không có định lượng rõ ràng.

“Chúng tôi mong muốn công khai nguồn thông tin dữ liệu và phương pháp tính toán, để người được xếp hạng cho biết họ đang có những ưu điểm và nhược điểm nào,” ông Nam nói.

Trước đó, hôm 12 Tháng Giêng, 2019, báo chí Việt Nam dẫn thống kê của Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội cho hay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2,000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

“Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm.’”

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment