TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ NHẬT BẰNG

Chuly sưu tầm

TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ NHẬT BẰNG

-Biên soạn: Phan Anh Dũng.

Sau buổi họp mặt thường niên của Cỏ Thơm ngày 13 tháng 4 vừa qua, tôi làm một trang với những hình ảnh còn \”nóng hổi\” để ghi lại kỷ niệm và để gởi đến thân hữu của Cỏ Thơm khắp nơi. Sau khi tạm hoàn tất và đang \”nghỉ dưỡng sức\” thì chị Nguyễn Thị Ngọc Dung viết email nhắc tôi đem bích chương về Buổi Nhạc Thính Phòng Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Nhật Bằng lên Trang Nhà để phổ biến rộng rãi hơn vì đã khá cận ngày tổ chức (25 tháng 5, 2008)! Chị Tường Huệ, phu nhân của cố Nhạc Sĩ Nhật Bằng cũng nhờ chị Ngọc Dung hỏi xem có ai biết người thu video hôm ấy để kỷ niệm. Tôi email cho Thùy Lan, đài VATV (Vietnamese American Television) và được cô sốt sắng nhận lời ngay! Tôi nghĩ gia đình Ông và nhóm thân hữu tô chức cũng đang rất bận về mọi chi tiết cho ngày ấy.

Tôi phác họa trong đầu những việc phải làm để tạo một trang tưởng nhớ Ông, một nhạc sĩ có thực tài, dễ mến, hiền hòa, có nét thư sinh và khiêm tốn. Tôi khởi sự kiểm điểm những bản nhạc đã có và lấy thêm tài liệu về Ông trên internet và từ thân hữu.

Tôi hồi tưởng lại lần đầu tiên chị bạn Thái Phượng giới thiệu tôi với Ông tại tiệm ăn Harvest Moon vào tháng 3 hay 4 năm 2004, nhân ngày sinh nhật 9 năm của Cơ Sở Cỏ Thơm. Nụ cười thật tươi của Ông để lại ấn tượng tốt trong tôi cho đến ngày nay. Nhưng thật là buồn vì chưa kịp quen biết thêm thì Ông đã qua đời không lâu sau đó (7 tháng 5, 2004)! Tôi cũng đã nghe Nhạc Sĩ Thanh Trang nhắc nhiều đến Ông và đến những người nhạc sĩ và ca sĩ \”cao tay nghề\” trước 1975 (một giai thoại được nhắc đến trong bài viết của anh trong trang này).

Nhân cơ hội làm trang tưởng nhớ, tôi có dịp đọc tiểu sử, để ý nghe kỹ lại hầu hết các nhạc phẩm, xem những bài viết và hình ảnh liên quan đến Ông. Về những bản nhạc, thật ra tôi chỉ nhớ vài bài, trong đó tôi yêu mến nhất bài Hoa Trăng (sau đổi thành Đợi Chờ – lời viết chung với Phạm Đình Chương thì phải), kế đến là Thuyền Trăng ( lời của Thanh Nam), một tác phẩm gắn liền với tên tuổi Ông. Thuở còn trung học, tôi thích bài Dạ Sầu Tương Tư và nhớ thường nghe Ánh Sáng Đồng Quê và Về Đây Anh (viết chung với Nguyễn Hiền) trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Cách đây mấy tháng, khi làm nhạc chủ đề về mùa Đông, tôi khám phá bài Mùa Đông Tuyết Trắng Ông sáng tác ở Hoa Kỳ, lời buồn man mác và ca sĩ Kim Tước diễn tả thật hay: 
\”Ngoài hiên tuyết rơi mau
Lá cây xanh bạc màu
Đường in vết chân sâu
Lối đi bên nhịp cầu
Thời gian quá đi mau
Những lo âu buồn sầu
Để lại tình khúc, dư âm ngày đầu …\”

Tôi cũng nhắn anh Thanh Trang soạn cho vài bài hòa âm và hát một bài để kỷ niệm thân tình giữa anh và Nhật Bằng trước 75. Ngạc nhiên và thích thú nhất khi anh gởi bài Thu Ly Hương (lời: Đan Thọ) cho Tâm Hảo hát. Giai điệu bài này thật tuyệt vời, lời đẹp và thơ mộng, điệu tango cũng làm nhẹ nỗi u sầu, cách dùng các nốt \”thăng, giáng\” cũng tài tình! 
\”Chiều ly hương gió thu tàn mơ
Nhìn quê xưa lòng vương sầu nhớ
Chân bước đi còn tiếc trông
Bóng tre xanh mờ dần khuất xa …\”

Thành thật cảm ơn bác Nhạc Sĩ Nguyễn Túc đã cho khảo cứu \”kho tàng ảnh và nhạc Việt Nam\” của bác, quý anh chị: Nguyễn Thị Ngọc Dung, Thanh Trang, Phan Khâm, Trần Đại Phước, Dương Ngọc Hoán hưởng ứng lời kêu gọi của tôi gởi hình ảnh, bài viết, thơ, nhạc, tài liệu … để trang này hoàn hảo hơn, có ý nghĩa hơn. Theo thiển ý, trang này không những để kỷ niệm và vinh danh người nghệ sĩ tài hoa đã khuất bóng mà còn là một quà tặng văn nghệ đầy tình người cho gia đình yêu quý và thân hữu của Ông nói riêng và những người yêu âm nhạc nói chung.

Phan Anh Dũng (cuối tháng 4, 2008)

TIỂU SỬ

• Tên thật: Trần Nhật Bằng. Sinh năm 1930 tại Hà Nội. Mất ngày 7 tháng 5, 2004 tại Fairfax, Virginia, Hoa Kỳ.

• Học nhạc từ 7 tuổi tại một trường Nhà Dòng, học hòa âm cùng với Ðỗ Thế Phiệt (em họ, nguyên Giám Đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn)

• SÁNG TÁC: trên 100 ca khúc. (Tác phẩm đầu tiên: “Đợi Chờ” còn có tên là \”Hoa Trăng\” – 1947)

• HÒA ÂM: Soạn cho nhiều ban nhạc (Ðài Phát Thanh: Quân Đội, Tự Do, Ðài Truyền Hình Việt Nam) và các hãng sản xuất nhạc tại Hà Nội và Sài Gòn.

• TRÌNH DIễN: 
– Với các ban nhạc Ðài Phát Thanh Hà Nội và Sài Gòn (các ban Hoàng Trọng, Nghiêm Phú Phi, Thăng Long, Văn Phụng, Nhật Bằng, Tiếng Hát Tâm Tình (Anh Ngọc), Nguyễn Ðình Toàn, Vũ Thành, Ðào Trường Phúc …) 
– Tại vũ trường và các nhạc hội: Hà Nội (1952: Ban Gió Nam, Thăng Long) và Hoa Kỳ (1991: Houston; 1993-94: San Jose)

• DẠY NHẠC: Lớp “Luyện Ca Sĩ” (1996: Hoa Kỳ)

• THÀNH LẬP: 
– Ban Hợp ca Hạc Thành (Sài Gòn 1954 với 4 anh em Nhật Bằng, Nhật Phượng,Thể Tần, Hồng Hảo)
– Ban Do-Si-La (Sài Gòn 1963 với Anh Ngọc, Văn Phụng) 
– Ban The Blue Ocean (Washington DC 1990 cho 3 con Nhật Hải, Nhật Hùng, Nhật Huấn)

• SỞ TRƯỜNG: Ngoài hát và soạn hòa âm còn sử dụng tây ban cầm, dương cầm, contrebasse

• HOẠT ÐỘNG: 
– Trước 1951: 
– Sinh viên Trường Bưởi và Trường Ðào Duy Từ ( Hà Nội)
– Nhạc sĩ Ðài Phát Thanh và phòng trà (Hà Nôi)
– 1956-75: Ðài Phát Thanh Quân Ðội Sài Gòn 
– 1990: Định cư tại Hoa Kỳ
– 1996: Mở lớp “Luyện Ca Sĩ” và soạn hòa âm tại Fairfax, Virginia

Một số Nhạc Phẩm

Ánh Sáng Ðồng Quê 
Ánh Sáng Miền Nam (Xuân Lôi & Nhật Bằng) 
Anh Về Một Mùa Trăng 
Bóng Chiều Tà 
Bóng Người Chiến Sĩ
Bóng Quê Xưa (Đan Thọ & Nhật Bằng) 
Chiều Nhớ Quê 
Chiến Sĩ Ca 
Chờ Anh Em Nhé (Xuân Tiên & Nhật Bằng) 
Cùng Một Mái Nhà (Xuân Tiên & Nhật Bằng) 
Dạ Tương Sầu
Đàn Vui (Nhật Bằng & Thanh Nam) 
Đợi Chờ – tức Hoa Trăng (Nhật Bằng & Phạm Đình Chương)
Hãy Hát Cùng Tôi (Nhật Bằng & Thanh Nam)
Hãy Quên Đi Niềm Thương Nhớ 
Hãy Trả Lời Em (Trần Thiện Thanh & Đào Duy & Nhật Bằng) 
Hương Quê (Nhật Bằng & Huỳnh Hiếu)
Khúc Nhạc Ngày Xuân 
Lỡ Làng 
Một Chiều Thu 
Mùa Ðông Tuyết Trắng 
Mùa Ly Biệt
Mưa Đầu Mùa
Nàng Tiên Trắng
Ngày Tươi Sáng (Nguyễn Hiền & Nhật Bằng)
Nhịp Sống Miền Nam
Nếu Em Có Về Thăm Quê Cũ (thơ: Phạm Thế Trường) 
Nước Mắt Quê Hương 
Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương (thơ: Nguyễn Thị Ngọc Dung)
Sau Lũy Tre Xanh
Thu Ly Hương (Nhật Bằng & Đan Thọ)
Thuyền Trăng (Nhật Bằng & Thanh Nam) 
Tiếng Đàn Trong Đêm 
Tình Nghệ Sĩ (Nhật Bằng & Thanh Nam)
Tình Tuyệt Vọng (thơ: Hồng Thủy)
Ước Mơ (thơ: Phan Khâm) 
Về Đây Anh (Nhật Bằng & Nguyễn Hiền) 
Về Làng Cũ (Xuân Lôi & Nhật Bằng)
Vọng Cố Ðô (Đan Thọ & Nhật Bằng)
Xin Em Đừng Hỏi (Trần Thiện Thanh & Đào Duy & Nhật Bằng) 
Ý Nhạc Ngày Xanh (Nhật Bằng & Thanh Nam).

Bài Liên Quan

Leave a Comment