Chuly sưu tầm
Văn Hoá Dưới Góc Nhìn Của Một Bác Sĩ Nhi khoa.
(Theo phần 2 buổi phỏng vấn ngày 26 tháng 3, năm 2015 trên đài Saigon-Houston, Texas; tác giả trao đổi với Ý Linh của Chương Trình Văn Hoá Việt)
1) Xin Anh cho biết những yếu tố văn hóa là gì?
– Theo tôi nghĩ, văn hoá là một vấn đề rất khó định nghĩa. Ví dụ, năm 1980, Nguyễn Trãi (1380-1442) được UNESCO công nhận là \”Người của Văn hoá\” (Man of culture). Việt Nam vận động để người anh hùng dân tộc của chúng đa được tôn vinh như vậy. Mặc nhiên chúng ta coi văn hoá như là những gì tốt đẹp tinh tuý của đời sống chúng ta, và trong khuôn khổ của những thành tựu của văn minh loài người, chúng ta muốn được công nhận là có người Việt đã từng đóng góp vào cái thành tựu chung đó . Trong nghĩa đó, tôi nghĩ ngôn ngữ của chúng ta là một yếu tố văn hoá quan trọng. Chúng ta xây dựng một ngôn ngữ qua hàng ngàn năm, giữ cho ngôn ngữ đó sống (không trở thành tử ngữ [dead language; extinct language]), làm nền tảng xây dựng một nên văn chương riêng biệt, với khả năng chuyên chở những âm thanh, cách nói và tình cảm đặc thù (biểu hiện trong giọng nói, trong ngữ pháp (grammar), nói lái, chơi chữ, ca dao, lời ru con, âm nhạc cũ và mới). Bài \”Tình ca\” của Phạm Duy diễn tả một cách bóng bẩy, nhưng hơi bi đát, những thành tựu đó: \”bốn ngàn năm ròng rã buồn trôi, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi\”. Tác phẩm của Nguyễn Du, \”Kim Vân Kiều\” (Đoạn Trường Tân Thanh) từng được nhiều người dịch ra nhiều thứ tiếng, chắc phải được nhiều người ngoại quốc ngưỡng mộ. Nhưng nhiều người ngoại quốc dịch cũng có nghĩa nguyên tác tiếng Việt vẫn còn những nét đẹp, những hương thơm riêng khó chuyên chở qua một ngôn ngữ khác (1). Và theo tôi, phần sau, vế sau của câu nói của Phạm Quỳnh: \”Chuyện Kiều còn, tiếng Việt còn, tiếng Việt còn, nước Việt còn\”. Sau này, chúng ta sẽ có hàng triệu người Mỹ gốc Việt, người Úc gốc Việt, ngay cả trăm ngàn người có mẹ là người Việt ở Đài Loan, Hàn quốc, Trung Quốc, số đông là con lai, làm sao định nghĩa thế nào là người Việt, nếu không phải là người nói tiếng Việt?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, là người dạy về văn hoá Việt Nam ở Úc và người viết rất nhiều về văn hoá Việt, thì “quan niệm được nhiều nhà nhân học và văn hóa học đồng ý và sử dụng nhiều nhất là quan niệm cho văn hóa, trước hết, là một hệ thống biểu trưng và ý nghĩa (system of symbols and meanings) mà một cộng đồng đã tạo ra, và đến lượt nó, góp phần tạo ra cộng đồng, trong đó, mọi người tồn tại không phải như những cá nhân riêng lẻ mà là những thành viên của cộng đồng”
Theo tôi nghĩ, riêng đối với những người lưu vong như chúng ta, ngôn ngữ, nghĩa là tiếng Việt là cái \”hệ thống biểu tượng và ý nghĩa\” quan trọng nhất mà chúng ta mang theo. Nếu chúng ta muốn để lại một dấu vết văn hoá nào đó trên thế hệ kế tiếp, thì tôi nghĩ món di sản hữu hiệu và thực tế nhất là tiếng Việt. Có thể lấy ví dụ về người Pháp: người Pháp ở Canada còn nói tiếng Pháp sau 300 năm, nhưng người Pháp ở Louisiana (Cajuns) đa số thì không, khó nói họ là người Pháp. Một yếu tố văn hoá khác: ẩm thực (\”Vietnamese cuisine\”) theo tôi thấy quan trọng cho việc quảng bá hình ảnh, như một loại thương hiệu dễ nhìn nhận (\”branding\”) của Việt nam dưới con mắt nước ngoài, nhưng đối với người Việt thì tôi không nghĩ quan trọng bằng. Khuynh hướng hiện nay là chúng ta ăn uống theo những hiểu biết mới về sức khoẻ con người, và thế hệ mới sẽ ăn phở nhưng cũng ăn pizza, và nếu có tiền dư dả chắc muốn ăn sushi hơn là ăn cá kho. Một yếu tố văn hoá khác là lịch sử. Tuy nhiên hiện nay, các ý niệm về lịch sử đang rất tranh cãi. Trong nước thì vấn đề này taboo, trên thế giới thì học lịch sử dễ bị bóp méo thành công cụ cho chủ nghĩa quốc gia cực đoan (ví dụ lịch sử và chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hay lịch sử biên giới Cambodia và Việt Nam), đi qua lãnh vực chính trị, rất tế nhị.
2)Có nên dạy trẻ em theo một nền văn hóa mà thôi? Thí dụ như là để mau chóng hội nhập vào xã hội Mỹ, chỉ nên hướng dẫn và khuyến khích con em theo nền văn hóa Mỹ?
– Theo tôi nghĩ, chúng ta ở Mỹ, và con cái chúng ta là người Mỹ, tuy nghĩa từ \” người Mỹ\” không giống như “người Mỹ” 40-50 năm trước, và như nhiều người đã phân tích có kèm theo một dấu nối (hyphenated= of mixed origin or identity) mà nhiều người cho là rất quan trọng đối với căn cước – identity – của chúng ta. (Vietnamese-American, mà chúng ta gọi là \”người Mỹ gốc Việt\”). Cho nên ngôn ngữ đương nhiên là tiếng Anh (tiếng Mỹ). Nếu chúng không hội nhập được vào xã hội Mỹ, thì chúng sẽ bị ra rìa, và không thuộc về một xã hội nào khác. Tình trạng này giống như tình trạng một số đáng kể các thanh niên thiếu nữ gốc Trung Đông ở Pháp hay Anh, họ không muốn cư xử (hay muốn mà không thể vì điều kiện xã hội) như người bản xứ cho nên họ đi theo Nhà Nước Hồi giáo (IS) và trở thành tội phạm trong chính nước Anh hay nước Pháp đã từng cưu mang nuôi dưỡng họ. Tuy nhiên, về ngôn ngữ, thế giới này sẽ thuộc về những người có khả năng đa ngôn ngữ. Học tiếng Việt, nói tiếng Việt thì ít lắm cũng hiểu được thêm gần 100 triệu người trên thế giới, huống chi những người đó là người cùng huyết thống với mình và là nơi xuất phát của cha mẹ mình. Chỉ một vì dụ thôi, chủ tịch của Facebook gần đây trổ tài nói tiếng Hoa lưu loát làm hàng tỷ người Hoa càng ngưỡng mộ anh ta và công ty facebook. Chính người quyền lục như Bill Gates cũng tiếc rằng mình chỉ nói được tiếng Anh và mơ nói được tiếng Pháp.
Còn riêng về văn hoá, một người như TT Obama còn muốn về Kenya là quê hương của cha mình để tìm hiểu và viết sách (kiếm ra rất nhiều tiền) về di sản của người cha mà ông gặp chỉ vài lần trong đời. Sách tựa đề: \”Giấc Mơ từ cha tôi: Một câu chuyện về chủng tộc và thừa kế\” (Dreams From My Father: A Story Of Race And Inheritance). Một người con mà cha vắng bóng còn coi trọng di sản của cha như thế. Chúng ta ở bên cạnh con cái, đất nước chúng ta có lịch sử hàng ngàn năm và có một nền văn hoá từng được người Pháp cũng như hiện nay người Mỹ hâm mộ, tìm tòi khảo cứu. Nếu chúng ta có khả năng , tại sao lại không giúp con cái chúng ta một số hành trang lúc chúng còn nhỏ, rồi sau này, lúc trưởng thành, chúng sẽ có một chút gì về nguồn gốc mình, \”còn một chút gì, để nhớ để thương\”.
Ngoài ra, chuyện học hay nói thêm một thứ tiếng có làm giảm khả năng dùng tiếng Anh không đã được giải quyết lâu rồi. Người song ngữ có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn. Khả năng bị lẫn (dementia) lúc già, nếu xảy ra , thì bị lẫn chậm hơn người nói một thứ tiếng. Nếu đứa trẻ dùng tiếng Việt ở nhà kém tiếng Anh, không phải là vì nó biết hai thứ tiếng, mà nó kém vì môi trường trong gia đình nó không phong phú cho việc học hỏi bằng môi trường gia đình của một gia đình Mỹ trung lưu dùng tiếng Anh (cha mẹ dùng ngữ vựng phong phú hơn, nói chuyện với nó nhiều hơn, tạo cho nó nhiều cơ hội học hỏi hơn.) Nếu cha mẹ Việt không nói được tiếng Anh, mà lại dùng tiếng Anh giới hạn của mình để truyền đạt kiến thức cho một đức trẻ sinh ra bên Mỹ thì sẽ không thành công lắm. Chi bằng giúp cho nó nói được tiếng Việt và dùng tiếng Việt -là sở trường của mình- để dạy dỗ nó?
3)Theo quan điểm của Anh, nền văn hóa Mỹ có những ưu thế nào hơn nền văn hóa Việt?
– Về phần \”văn hoá\” của chúng ta mang theo, nếu xem văn hoá là những đặc thù trong cách nhìn cuộc đời, vể cách cư xử giữa con người với con người, hay cách suy nghĩ về quan niệm giáo dục mà trước biến cố 1975, ở Miền Nam mà chúng ta cho là mẫu mực, đáng trân trọng, tôi cũng không thấy có vấn đề gì nếu chúng ta giữ lại những nét văn hoá ấy. Nên nhớ là hồi đó, dù là dưới chính phủ nào, nền giáo dục Miền Nam vẫn cố gắng theo các lý tưởng: dân tộc, nhân bản và khai phóng. Chúng ta chưa bao giờ dạy một cách hệ thống con cháu chúng ta thù ghét người ngoại quốc (xenophobia) hay người khác màu da (racism), hay khinh dễ người Thượng thiểu số trong nước. Những căn bản về trật tự xã hội Khổng giáo (như tam cương ngũ thường, nhân lễ nghĩa trí tín, nếu chúng ta đừng câu nệ chi tiết gắn liền với hoàn cảnh lịch sử), triết lý Phật giáo, Lão giáo đang được trí thức tây phương nghiên cứu với thiện cảm. Họ không thấy bị đe doạ như đối với một số tôn giáo hay truyền thống tư tưởng khác. Tôi không bàn đến ảnh hưởng Thiên chúa giáo có mặt tại Việt nam chừng 400 năm nay, vì tôn giáo này thuộc dòng chính của xã hội tây phương (Judeo-Christian tradition), nên khỏi cần bàn. Cho nên trong văn hoá chúng ta hấp thụ từ nền giáo dục miền nam trước đây theo tôi thấy không có gì đi ngược lại hay thua kém nên văn hoá tây phương, hay nền văn hoá chính dòng của Mỹ chẳng hạn.
Có những điểm mà tôi thấy có sự khác biệt và có nhiều người cho là những điểm Mỹ hơn chúng ta như:
(1) Chúng ta thường không tính xa như người Mỹ, chuyện này cũng có thể giải thích bằng hoàn cảnh chiến tranh. Cuộc sống rất bất ổn, nay sống mai chết. Cho nên khác với chúng ta, người Mỹ, họ tính rất xa vì xã hội họ ổn định hơn. Người mẹ lúc mới có bầu em bé là họ đã lo tính để dành tiền cho nó đi học đại học, phải xin trường mẫu giáo nào, vv . Chúng ta liều và có thể phú cho trời (\”trời sinh voi sinh cỏ\”), cho nên đẻ đứa nào, cha mẹ nuôi đứa đó. Trong lúc ở Mỹ, có lúc người mẹ đi phá thai vì họ nghĩ là lúc đó họ chưa có khả năng chu toàn cho đứa nhỏ, hay lúc đó họ bận hoàn tất một công việc nào đó. Ngược lại, lúc em bé đã ra đời, thì họ lại xả thân hy sinh tới cùng để cứu sống nó. Hồi tôi đi thực tập nội trú, một bác sĩ người Nga dốc Do thái tâm sự là lúc mới qua Mỹ, bà ta phá thai vì công việc định cư còn lở dở, sau đó thì mà cứ tự hỏi không biết nếu giữ lại thì giờ này em bé lớn đến đâu rồi.
(2) Tính kỷ luật và tự giác:
Người Mỹ thường đứng sắp hàng chỉnh tề và đến cửa nhà hàng thì người trước vịn cửa cho người sau, nhất là cho phụ nữ và trẻ em. Ăn buffet, thường thì người ta kiên nhẫn đợi đến phiên mình và lấy vừa đủ ăn thôi. Khía cạnh này tôi nghĩ phần lớn do giáo dục thôi, không hẳn là vì mình kém văn hoá người ta. Ví dụ, đứa trẻ Việt nam ngày trước lúc ngồi bàn cũng được dạy dỗ đợi ông bà cha mẹ anh chị cầm đũa mới được ăn. Tuy nhiên, từ lịch sự, nhường nhịn với người trong nhà đến lịch sự với người chung quanh đòi hỏi một sự tin tưởng nhiều hơn vào trật tự xã hội, và vào khả năng pháp trị của xã hội, cộng đồng đó. Ví dụ, ở Mỹ gần đây, có những cuộc bạo động ở Oakland, lúc luật pháp không được áp dụng, dân chúng cũng vào đập phá các cửa hàng người Á châu như thường.
(3)Trách nhiệm với cộng đồng: Ở Mỹ, nếu mình gặp tai nạn, có khả năng nhiều người sẽ dừng xe lại giúp đở. Ví dụ, ở Vn lúc nguy đến tính mạng, ai đến cứu mình thì chắc mình phải nhớ ơn và người đó sẽ nhớ mình mắc nợ họ suốt đời. Đối với người Mỹ , thì cảm ơn là xong, hoặc là họ sẽ cho đấy là công việc hay bổn phận của họ. Nếu mình là người ban ơn, mình sẽ cho là người Mỹ vô ơn bạc nghĩa.
Người Mỹ lý tưởng và tin vào lợi ích chung của xã hội. Ví dụ, họ đóng góp cho các cơ quan từ thiện, cụ thể nhất là họ đùm bọc cho hàng triệu người trong chúng ta lúc mới định cư (và cho tới giờ này tôi chưa bao giờ đọc hay nghe người Mỹ nào nói là mình mang ơn họ). Những người như Bill Gates , Warren Buffett đóng góp phần lớn tài sản của họ cho các công việc từ thiện, không những cho nước Mỹ, mà cho toàn bộ thế giới, kể cả Việt Nam. Tôi nghĩ là một phần lớn lý do là do truyền thống nhân bản (có thể phát xuất từ tôn giáo) tôn trọng giá trị mỗi con người. Về vấn đề này, cũng nhắc đây một tánh đa nghi của người Việt. Gặp người tốt bụng, chúng ta hay nghi ngờ dè bỉu: chắc là muốn giảm thuế hay có âm mưu gì đây, hay lấy tiếng để ‘bỏ con tép bắt con tôm’ gì đây!i.
(4) Tôi mới đọc đâu đó nhận xét rằng xã hội Mỹ quý trọng hai điều: tự do và mạng sống con người. Tôi nghĩ điều đó đúng và có thể chúng ta nên học thêm về hai mặt đó. Mặc dù, nói về tự do chúng ta vẫn nói \”bá nhân bá tánh\”, hay về tình người với nhau, \”tứ hải giai huynh đệ\” hay \” thương người như thể thương thân\”,\”dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người\”, trên thực hành có lẽ chúng ta cũng cần suy nghĩ thêm về những điều ông bà chúng ta từng dạy.
4) Theo Anh, nền văn hóa Việt có những ưu điểm nào nên chú trọng đến?
-Trong phim ảnh về người gốc châu Á, người ta thường nhắc đến sự khác biệt của giới trẻ lúc chúng sống ngoài xã hội Mỹ và lúc chúng sống trong gia đình: ăn phở, nước mắm, chả giò, nói tiếng Việt, trong nhà TV chiếu video ‘Paris by Night’, cha mẹ không cho kết bạn tình với người khác giống, vv. Ra khỏi nhà thì nói tiếng Anh, ăn fast food, giao thiệp với đủ màu da, nhưng dấu cha mẹ. Thường sự song hành của hai nếp sống đó được trình bày dưới khía cạnh đối nghịch , tiêu cực vì thường đó là cái nhìn của người từ luồng chính \”mainstream\” nhìn vào (dù là tác giả là người thuộc dòng máu Châu Á nhưng vẫn là cái nhìn của mainstream), để khai thác những điểm có vẻ thú vị của nếp sống chúng ta.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống gia đình chúng ta với con mắt ít thành kiến hơn, chúng ta có thể nhìn thấy những nét, dù là \”sắc tộc\” trong văn hoá Mỹ, nhưng có những giá trị riêng của nó. Ví dụ cha mẹ kiểm soát con cái đi đâu, đi với ai, chuyện này lắm khi cũng là một thái độ hợp lý. Phụ huynh Việt mới đến trong cộng đồng Mỹ , làm sao thấu hiểu được những nơi nào là an toàn, nơi nào không, các láng giềng tâm lý như thế nào, thành kiến họ đối với người Việt ra sao. Nếu chỉ thả đứa trẻ muốn đến nhà ai cũng được, cặp (dating) với ai cũng được, chuyện rắc rối có thể xảy ra (ví dụ lái xe gây tai nạn cho bạn cùng lớp, hay cặp kè với bạn dùng drugs, hay tự ái đánh lộn lúc bạn bè khiêu khích mình, bully mình lúc mình mới đến). Nếu xảy ra chuyện gì thì người cha mẹ đó có đủ khả năng đối phó hay không? Nhất là ở Mỹ, có thể bị thưa kiện, \”con dại cái mang\” còn nặng nề hơn ở Việt nam nữa. Một đề tài khác mà phụ huynh gốc Á hay bị chỉ trích là chúng ta quá gắt gao trong việc học của con cái, ép buộc chúng học những ngành dễ tìm việc, ăn chắc mặt bền như y khoa, kỹ sư, luật khoa mà không đi theo đúng sở nguyện của thanh thiếu niên.
Những phụ huynh Mỹ từ trước tới nay vẫn có khuynh hướng \’cưng\” con rất mực, luôn luôn khen con và ca tụng nó như là một nhân vật độc đáo. Dù có muốn gì đi nữa, dù đi ngược lại sự tính toán hay sự lựa chọn của cha mẹ mình (như học trường đại học đắt tiền thật xa, trong lúc cha mẹ không có tiền), người cha mẹ luôn luốn đứng thụt lùi về sau, và \”ủng hộ con \” dù con muốn cái gì. Điều người ta sợ nhất là làm lòng \”tự trọng\” (self esteem) đứa bé bị thương tổn. Gần đây, sau khi các học sinh trong khối Đông Á hơn hẳn các sinh viên Mỹ trong các kỳ thi quốc tế, một số cha mẹ ở Mỹ có vẻ đã giật mình trong giâc mơ tôn sùng con cái của mình. và họ đi tìm hiểu, học hỏi xem các xứ gọi là trong vòng ảnh hưởng Khổng giáo (Trung hoa, Nhật, Triều tiên) dạy con cái ra sao.
Người ta tranh cãi nhiều về cách các bà mẹ châu Á “dữ như cọp”,\”Tiger Mom\”, dạy con và có vẻ như con họ rất thành công. Amy Chua, tác giả cuốn sách bestseller \”Nhạc xuất quân của một bà Mẹ Cọp\” (The Battle Hymn of the Tiger Mother), là một giáo sư đại học gốc Hoa ở Mỹ, lúc cha mẹ bà mới đến Mỹ rất nghèo, phấn đấu lắm mới thành công. Chồng cũng là giáo sư, gốc Do thái. Chán nản vì thấy cô con gái teenager sinh ra trong cảnh trù phú của nước Mỹ luôn luôn chống đối nổi loạn, bà mới viết cuốn về cách giáo dục theo lối nghiêm khắc và cũng chia sẻ như môt phương pháp trị liệu gia đình (family therapy) đối với chồng và con. Phụ huynh Mỹ cũng bắt đầu tìm hiều xem chi tiền cho con bốn năm ở một đại học đắt tiền, để kiếm một mảnh bằng khó kiếm việc làm, không biết có đáng hay không.
5) Sống ở Mỹ, giáo dục con em theo văn hóa Mỹ chắc là thuận lợi và dễ dàng hơn đối với phụ huynh. Nhất là với chiều hướng toàn cầu hóa, văn hóa Mỹ có nhiều cơ hội lan tràn kháp thế giới, nhiều nhóm di dân mong được đặt chân đến Mỹ. Như vậy, để cho con em theo văn hóa Mỹ có phải là điều nên làm không?
– Tôi sống ở Mỹ được 33 năm, bằng thời gian tôi ở Việt Nam. Nhiều khi nghĩ lại, tôi giật mình ngộ ra rằng tôi chưa biết gì nhiều về nước Mỹ nói chung cũng như về văn hoá Mỹ. Tôi chỉ thấy một góc nhỏ của cuộc sống trong xứ Hiệp Chủng Quốc gồm 50 tiểu bang này. Giới trẻ Mỹ mà tôi gặp là giới trung lưu, Mỹ trắng hay Á châu , bạn của con tôi, và cũng không nhiều, ở Virginia, là một tiểu bang tương đối bảo thủ, nhưng cũng là thuộc về khu đô thị chung quanh thủ đô Washington. Vùng này nhiều dân Á châu cũng như nhiều sắc dân khác, nên có vẻ thoải mái, bao dung, ít dấu vết kỳ thị mà cũng ít hoạt động băng đảng như một số nơi ở Los Angeles. Cho nên, nếp sống các con tôi cũng như các giới trẻ bịnh nhân của tôi không có sư tương phản, hay đối nghịch đáng kể giữa văn hoá Việt và văn hoá Mỹ. Bạn của con tôi đến nhà chúng tôi và được ăn pizza, macaroni, mì gói, đến Tết được ăn bánh tét và Giáng sinh được ăn buche de Noel. Nay chúng trưởng thành có vợ, chúng vẫn lui tới và hồi tưởng đến bà ngoại các con tôi, mặc dù bà cụ chỉ cười, dọn cho các cháu ăn, chứ không nói tiếng Anh.
Như vậy để nói rằng gọi tên văn hoá này hay văn hoá khác có khi không có ích lắm. Tình thân dễ nẩy nở giữa con người với con người, nhất là trẻ con. Với các phương tiện di chuyển và thông tin nghe và xem hiện nay, cọng với các truyền thông trên internet, giới trẻ trung lưu Washington DC, Seoul, Thượng hải hay Sài gòn không khác nhiều như 20 năm trước. Hơn nữa, đối với chúng ta, hiện tại là ở đây, chúng ta không phải chọn lựa nữa. Vì cái “ao nhà” của chúng ta không tốt lắm nên chúng ta đã ra biển tắm rồi. Một lý do khác làm cho công việc người phụ huynh ở Mỹ có thể khó khăn hơn trước đây ở Việt Nam. Xã hội Mỹ năng động, nói nhiều, giao tiếp nhiều hơn và người giao tiếp giỏi có vẻ như thắng thế. Văn hoá truyền thống Á châu thích người trầm tĩnh, nhún nhường hơn, và chúng ta cần để ý đến điều này lúc nhìn con cái sống lên trong xã hội mới. Kiềm chế theo xưa có thể bất lợi, nhưng buông thả cũng không được. Người Mỹ có chữ \”benign neglect\” (vừa lơ là vừa cảnh giác) tôi nghĩ thích hợp trong trường hợp này. Nếu cần thì cũng xin nhắc một câu nói của các cụ ngày xưa: \”chọn bạn mà chơi\”.
6) Nếu phụ huynh muốn con em mình theo văn hóa Việt thì nên theo ở những phương diện nào? Tại sao?
-Những lãnh vực như giáo dục tôn giáo, cội nguồn dân tộc Việt, triết lý sống (“minh triết”) của ông bà chúng ta, hay \”Việt tính\”, những cái hay của tiếng Việt mà chúng ta đang dùng trong gia đình, là những điều các học giả đã bàn cãi nhiều. Những điểm đó có thể là những đề tài đối thoại để không những bổ túc cho giáo dục của một con người toàn vẹn, mà còn thắt chặt mối thân tình giữa các thế hệ với nhau. Chúng giúp cho con cháu mình có một tầm nhìn rộng hơn, so sánh các văn hoá, các triết lý sống, và nếu muốn, một cuộc sống tâm linh (spiritual) phong phú hơn. Tôi thấy một số nơi đông người Việt có những nhóm như lớp tiếng Việt, hướng đạo, thanh niên Công giáo, Phật giáo, cũng là những nơi tạo điều kiện cho các em sinh hoạt và chia sẻ tình bạn với những người có bối cảnh văn hoá, background giống mình. Người lớn có thể dễ nhận ra các em từng tham dự các nhóm này do cách ăn nói mẫu mực, hiểu biết về văn hoá ứng xử của người Việt thế hệ trước mình.
7) Làm sao dung hòa hay cân bằng ảnh hưởng của hai nền văn hóa trong việc hướng dẫn con em?
-Như đã nói, tôi không thấy sự đối lập giữa hai nền văn hoá. Chỉ có điều, xã hội Mỹ là một xã hội đa nguyên, đa dạng và tự do. Do đó, trường học chỉ dạy lý luận và ứng xử phù hợp theo quy ước xã hội. Theo tôi hiểu thì họ không dạy về tôn giáo, tín ngưỡng, giáo điều, hay ngay cả lòng yêu nước Mỹ. Có trường đại học California nhiều sinh viên còn đòi cấm treo cờ Mỹ vì sợ làm sinh viên ngoại quốc phật lòng. Các trường học công còn không được trưng bày 10 điều răn của Thiên Chúa Giáo.
Phần còn lại của một giáo dục toàn diện thuộc về gia đình, cha mẹ của các em. mà phần này, chúng ta chỉ có thể dạy hay nêu gương cho chúng về những gì chúng ta tin tưởng và chúng ta biết tường tận. Tôi nghĩ ngôn ngữ chúng ta biết tường tận và yêu mến nhất là tiếng Việt và văn hoá chúng ta thiết tha nhất là văn hoá Việt, vậy thì tại sao chúng ta không truyền đạt cho con cái chúng ta những điều đó, ngoài những điều khác mà chúng ta muốn truyền đạt được.
Lời kết
Tóm lại, dù muốn dù không, con cái chúng ta là công dân của xã hội Mỹ. Chúng không thể và cũng không nên sống ngoài lề xã hội đó vì không có lựa chọn nào khác.
Ngược lại, chúng ta là những con người của hai thế giới, hai nền văn minh, một bên là miền nam Việt nam của thời chiến tranh đã 40 năm qua, và một bên là thế giới phát triển của nước Mỹ, đang là giấc mơ của hàng triệu người trên thế giới. Dù sao, chúng ta cũng phải giáo dục con cái chúng ta, không phải để chúng trở thành những \”clones\” (\”nhân bản\”) của chúng ta ngày trước, mà để chúng trở thành những thành viên của xã hội tân tiến bậc nhất thế giới ngày nay. Theo tôi nghĩ, để thực hiện vai trò kẻ dẫn đường có trách nhiệm đó, chúng ta phải cố gắng tìm mọi cách để học hỏi, từ tiếng Anh đến kiến thức khoa học hiện đại, về xã hội toàn cầu hoá này. Đó là phần kiến thức của quá trình \”tu thân\” kéo dài suốt đời đối với con người của thế giới ngày nay. Phần còn lại là các giá trị về tinh thần, đạo đức, tôn giáo mà chúng ta ai cũng không ít thì nhiều được hấp thụ từ nếp sống trong văn hoá nước nhà loạn ly qua bao nhiêu năm trước khi tự ý rời bỏ đất nước. Và sau đó, hy vọng với không ít thì nhiều \’minh triết rút tỉa từ văn hoá Việt và vốn liếng kiến thức càng ngày càng bổ túc, chúng ta có thể sẳn sàng hướng dẫn sự giáo dục của những người trẻ trong thế giới càng ngày càng phức tạp hiện nay.
Chú thích về truyện Kiều
Theo Alain Guillemin, truyện Kiều đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ả Rập (từ bản dịch tiếng Pháp), tiếng Bulgari, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Hy Lạp, tiếng Hungary, tiếng Ba Lan, tiếng Rumani, tiếng Nga, tiếng Slovakia và tiếng Thuỵ Điển.
(1) Có các bản dịch Anh ngữ sau đây:
1) Lê Xuân Thuỷ (khoảng 1960\’s), Kim Van Kieu
2) Huỳnh Sanh Thông: The Tale of Kiều (1983)
3) Arno Abbey, căn cứ trên bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện
4) Michael Counsell, Kiều, Nhà xuất Bản Thế Giới (Hà Nội), 1994
5) Vladislav Zhukov , The Kim Van Kieu of Nguyen Du (1765-1820), 2004
6) Timothy Allen (2008), một số đoạn đăng trong các tạp chí Cosmopolis và Transplants.
(theo wikipedia)
(2) Tiếng Pháp:
1) Abel des Michels (1884). Người dịch thật sự có thể là nhà nho Trần Nguyên Hành. Ông Hành đã tốt nghiệp cử nhân luật tại Paris và là trợ giảng cho giáo sư tiếng Việt tại Trung tâm ngôn ngữ đông phương từ năm 1879 đến năm 1882
2) Thu Giang (Léon Massé), 1925
3) René Crayssac (1883-1940); 1926
5) Marcel Robbe ; 1943
6) Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936); 1942
7) Xuân Phuc [Paul Schneider (1912-1998) ] 1961
Xuân Phuc và Xuan Viêt, Kim Vân Kieu, Gamillard/UNESCO; 2003
8) Nguyễn Khắc Viện ; 1965
9) Lê Cao Phán, xuất bản tại Hà Nội ; 1994
10) Lưu Hoài, (thơ tự do) xuất bản năm 1999 cũng tại Hà Nội
(Theo Alain Guillemin.
(http://www.lesamisduvietnam.fr/forum/viewtopic.php…)
Traductions françaises du Kim Vân Kiều
1. Abel des Michels, Kim Vân Kiêu (Tân Truyên), Paris, Leroux, texte en Quôc Ngu, traduction française et notes, 1884, 3 volumes, 295, 299 et 165 p.
2 . Thu Giang (pseudonyme de Léon Massé) Kim Ven Kièou, Poème populaire annamite, Adapté en Français, Paris, 1915, Augustin Challamel Editeur, 139 p. (Réédité en 1926, Kim Ven Kièou, traduit de l’annamite par L. Massé), Paris, Editi
3. René Crayssac, Kim Vân Kiéou, Le célèbre poème annamite de Nguyen Du traduit en vers français par René Crayssac, 1926, Hanoï, Imprimeur –Editeur Le Van Tan, 364 p. (Reprint, Saïgon, Bo Van-Hoa Giao-duc, 1968).
4 . Nguyên Van Vinh, traduction du Kim Vân Kiêu, Hanoï, 1942-1943, 2 volumes, Editions Alexandre de Rhodes, 778 p. Avec hors-textes et culs de lampe de Manh Quynh.
5 . M.R (Capitaine de vaisseau Marcel Robbe), Kim Vân Kiêu, 1943, Hanoï, Editions Alexandre de Rhodes, 203 p.
6. Xuân Phuc (pseudonyme de Paul Schneider) et Xuân Viêt, Kim Vân Kiêu, traduction française, Paris, Gallimard, 1961, Colllection UNESCO d’œuvres représentatives. Connaissance de l’Orient, série vietnamienne.
7 . Nguyên Khac Viên, traduction française du Kiêu, 1965, Hanoï, Editions en Langues Etrangères, 192 p. (1979, Hanoï, Editions en Langues Etrangères, version bilingue)
8 . Paul Schneider, Nouvelle édition critique de Kim Vân Kiêu, Sèvres, 1981, Editions Diêu Phap.
9 . Xuân Phuc, Kim Vân Kiêu, Roman-poème. Texte nôm, avec transcription, traduction, notes, glossaire et index des variantes, Bruxelles, Editons Thanh- Long, 1986, 386 p et CIII p de texte en Chu nôm.
10 . Lê Cao Phan, Truyên Kiêu, Histoire de Kieu,1994, Hanoï, Editions des sciences sociales, 298. Publiée avec l’aide financière de l’UNESCO (Collection UNESCO d’œuvres représentatives en vietnamien°
11. Luu Hoai, Histoire de Thuy Kiêu, 1999, traduction en vers libres, Nhà Xuât Ban Van Hoc, 424p.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
(Edited for Lang Hue; 4/29/2015)